Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động Quản trị rủi ro doanh nghiệp


  • Ngày 20 – 21/09/2019, tại TP. HCM, Ban Quản trị rủi ro Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty CP Phong Phú và Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam tổ chức Hội thảo Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp dệt may. Hội thảo là một trong những hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về Quản trị rủi ro (QTRR) cho các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; ông Phạm Xuân Trình – Tổng Giám đốc, bà Bùi Thị Thu – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú; ông Nguyễn Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ của các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn.

Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn đã nêu lên ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro. Đây là công việc của tất cả mọi người, tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp mà trước hết là vai trò của người đứng đầu của doanh nghiệp đó. Để thực hiện được QTRR cần phải có hệ thống đo lường minh bạch, chính xác… Tuy nhiên, QTRR phải làm sao không làm cản trở, không làm tăng chi phí, nó phải trở thành hoạt động sống hàng ngày như một hoạt động bình thường của chuỗi giá trị trong doanh nghiệp thì mới là QTRR thành công.

Tổng Giám đốc – Lê Tiến Trường cho rằng: “Doanh nghiệp đừng hy vọng QTRR được thực hiện tốt thì doanh nghiệp sẽ không bị lỗ, QTRR nhằm giúp cho doanh nghiệp lúc thắng thì thắng to hơn, bền vững hơn doanh nghiệp khác, ngược lại lúc thua thì thua ít hơn, lâu chết hơn doanh nghiệp khác. QTRR không phải là con dao chữa bách bệnh, cũng đừng nghĩ đó là việc của riêng ai, đừng nâng tầm nó lên trở thành một vũ khí chiến lược của tổ chức, hãy hiểu rằng nó là một công việc thông thường phải làm trong một tổ chức như mọi công việc kinh doanh khác. Vấn đề trước đây doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ, chưa khoa học, nay doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, khoa học để nó đóng góp thêm vào chuỗi hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hơn”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm đảm bảo cho các thành viên tham dự có nhận thức cơ bản về QTRR, với các nội dung cụ thể: Sự cần thiết phải QTRR; Xu hướng trong ngành dệt may hiện nay và các rủi ro có liên quan; Giới thiệu về QTRR doanh nghiệp; các khái niệm cơ bản về rủi ro, kiểm soát, khẩu vị rủi ro, thước đo rủi ro; Các thông lệ Quốc tế về QTRR doanh nghiệp…  đồng thời cập nhật một số xu hướng triển khai QTRR gần đây, từ đó cùng trao đổi thảo luận về định hướng triển khai QTRR tại đơn vị mình.

Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, chia sẻ: “Quản trị rủi ro doanh nghiệp là một quy trình mang tính hệ thống nhằm nhận diện, đánh giá tác động và khả năng xảy ra và quản lý các rủi ro một cách hiệu quả”.

Bà Đặng Thanh Huyền – Phó Ban Quản trị rủi ro Vinatex phát biểu tham luận tại Hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, bà Đặng Thanh Huyền – Phó Ban Quản trị rủi ro Vinatex đã giới thiệu Quy trình Quản trị rủi ro của Tập đoàn, cách thức nhận diện rủi ro, kỹ thuật đánh giá và phân tích rủi ro, chia sẻ danh mục rủi ro ngành Sợi – Dệt – Nhuộm – May và đại diện các đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai Quản trị rủi ro tại đơn vị mình như: Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, Công ty CP Dệt May Huế và Tổng Công ty CP Phong Phú.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú chia sẻ kinh nghiệm QTRR tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú (PPJ) cho biết: “Hiện nay, sân chơi của các doanh nghiệp Dệt May không chỉ là trong nước mà là sân chơi toàn cầu. Theo xu hướng hiện tại, cuộc chơi đang dần thay đổi toàn diện, DN cũng cần phải thay đổi để hòa nhập… DN cần áp dụng những thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp để QTRR áp dụng cho việc nhận diện, đánh giá, phân tích rủi ro và có phương án tốt để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rủi ro tác động đến QTRR. Hội thảo là cơ hội tiếp xúc, học hỏi để xây dựng hệ thống QTRR hiệu quả cho PPJ. Đây là chuyên đề rất hay, cực kỳ hữu ích đối với các doanh nghiệp trong việc QTRR và mong muốn có thêm các buổi hội thảo để đối tượng tham gia có thêm nhiều Lãnh đạo của các doanh nghiệp”.

Chia sẻ về Quản trị rủi ro nguồn nhân lực, tại Tổng Công ty CP Phong Phú, bà Chiêm Yến Nhi – Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ nhấn mạnh: “Với cách tiếp cận vấn đề theo phương pháp của QTRR ISO thu được trong Hội thảo như phân tích môi trường bên trong và bên ngoài, phân tích và đánh giá tác động của rủi ro…Chúng tôi sẽ áp dụng và tiếp tục phát huy nhiều hơn nữa vào trong việc nhận diện, phân tích đánh giá các rủi ro và đưa ra giải pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro của Tổng Công Ty”.

Hội thảo Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp dệt may lần này cũng là dịp để các cán bộ được giao lưu, chia sẻ thông tin cũng như đưa ra được quan điểm chung trong phương pháp luận về Quản trị rủi ro áp dụng cho doanh nghiệp dệt may, tiếp tục nghiên cứu và vận dụng tốt hơn trong công tác quản trị doanh nghiệp của mình.

Cẩm Hà


Các tin khác