Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 3


Chiều 25/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 3 nhằm cập nhật thông tin thị trường, một số quy định liên quan tới đạo luật chống lao động cưỡng bức (UFLPA), các quy định về phát triển bền vững của EU và Mỹ… tới các đơn vị trong toàn hệ thống. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT chủ trì. 

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Tại hội thảo, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT đã trình bày các thông tin cập nhật về thị trường; tình hình kinh tế vĩ mô quốc tế và các nền kinh tế; xuất khẩu dệt may Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh; tình hình kinh doanh của một số thương hiệu lớn trên thế giới; các yếu tố tác động và dự báo thị trường dệt may.

Theo đó, tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, thị trường lao động tăng trưởng tốt, lạm phát có xu hướng giảm. Doanh số bán lẻ tháng 2/2024 tăng chung 0,6%, tháng 1 tăng ở mức 1,1%. Dự kiến FED sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất ở mức 0,25%/lần, đưa lãi suất về 4,5 – 4,75% vào cuối năm 2024. Tồn kho bán lẻ hàng may mặc của Mỹ vẫn duy trì cao hơn 15% so với trước dịch Covid-19, số liệu tháng 12/2023 ở ngưỡng 58 tỷ USD (trước dịch quanh mức 51 tỷ USD).

Với kinh tế châu Âu, lạm phát tháng 2/2024 giảm nhanh về mức 2,6% từ 2,8% trong tháng 1/2024 và 3,4% trong tháng 12/2023. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất ở mức cao 4% kể từ lần tăng cuối cùng vào tháng 9/2023 và dự kiến tới tháng 6/2024, ECB sẽ có quyết định hạ lãi suất dựa vào dự báo tăng trưởng GPD và tiền lương tại nền kinh tế này; Tại Nhật Bản, lạm phát tháng 1/2024 xuống mức 2,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất từ -0,1% lên 0% lần đầu tiên kể từ năm 2007 để kết thúc chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.

Với kinh tế Trung Quốc, quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng GPD năm 2024 chỉ là 5%, thấp hơn 0,2% so với năm 2023. Trong đó, vào 20/2/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm từ 4,2% xuống 3,95%, lãi suất cho vay cơ bản 1 năm giữ ở mức 3,45%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2/2024 tăng 7%, cao hơn mức dự báo 5%. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 7,1%, nhập khẩu tăng 3,5% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại tăng 125,1 tỷ USD.

Ông Vương Đức Anh nhận định, dự báo tổng cầu dệt may năm 2024 có mức tăng 8,5%, hệ số R square của mô hình hồi quy tuyến tính dự báo tổng cầu chỉ ở mức 0,68 (R=0,68%); Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 6,16 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường xuất khẩu đi Mỹ đạt 2,72 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Thị trường EU đạt 571 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản đạt 667 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc đạt 534 triệu USD, tăng 32,6% so với 2 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, các quốc gia cạnh tranh đều có sự tăng trưởng về KNXK trong 2 tháng đầu năm 2024. Với Trung Quốc, KNXK đạt 45 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ; Bangladesh đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Đưa ra một số nhận định các yếu tố rủi ro, tác động tới xuất khẩu dệt may của Việt Nam, ông Vương Đức Anh cho biết, năm 2024 cước vận tải biển vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023 so xung đột tại biển Đỏ. Đồng thời, các yếu tố địa chính trị vẫn tiếp diễn dai dẳng, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại, điều này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam.

Với thị trường Mỹ, thị trường này sẽ giảm nhập khẩu mặt hàng bông từ Trung Quốc, do đó cần phải đảm bảo vấn đề về truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu. Việt Nam có lợi thế về đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm dệt may, do đó Việt Nam vẫn có những cơ hội tại thị trường này. Đối với thị trường bông xơ, Trung Quốc có xu hướng tăng mua bông sau kỳ nghỉ Tết âm lịch phục vụ cho sản xuất và quỹ dự trữ bông Nhà nước. Giá bông tại Pakistan tăng cao, trong đó giá các mặt hàng nông nghiệp như ca-cao, cà phê đều có xu hướng tăng dẫn tới giá bông có thể có xu hướng tăng. Chi phí vận tải biển tăng, nên các quốc gia có xu hướng tăng mua dự phòng. Dự kiến giá bông sẽ giao dịch quanh ngưỡng 90 cent/lb cho tới hết tháng 7, giá xơ sẽ không có nhiều biến động quanh ngưỡng 1- 1.05 USD/kg.

Giá sợi có xu hướng cải thiện từ 10 – 15%, khi Trung Quốc tăng 55% nhập khẩu sợi so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây chỉ là ngắn hạn khi sợi tồn kho của quốc gia này có xu hướng tăng. Cùng với đó, giá sợi Ấn Độ vẫn thấp hơn 10 – 15 cent/kg so với sợi của Việt Nam. Do đó, các DN ngành sợi vẫn có thể còn khó khăn khi giá sợi chưa có sự cải thiện và giá bông ở mức cao.

Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo VP HĐQT đã trình bày làm rõ một số quy định liên quan tới đạo luật chống lao động cưỡng bức (UFLPA) tại Mỹ; Một số quy định về phát triển bền vững (PTBV) tại EU và Mỹ…

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex kết luận hội thảo

Tổng kết Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết, các thông tin về thị trường dệt may được cập nhật nhằm phục vụ cho mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Đây cũng sẽ là một trong những thông tin mang tính chất tham khảo để người đại diện vốn của Tập đoàn có thể nhận định và đưa ra các mục tiêu về SXKD năm 2024 có tính thực tiễn, sát với diễn biến thị trường. Về cơ bản, ngành May năm 2024 có thể dồi dào đơn hàng tuy nhiên giá gia công vẫn còn tương đối thấp. Doanh nghiệp khối May sẽ có sự phân hóa rõ rệt, trong đó các DN mạnh có thể nhận được đủ đơn hàng, nhưng với các DN còn yếu, năng suất thấp có thể vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Với ngành Sợi, khi Trung Quốc nâng quy mô ngành dệt, thị trường có dấu hiệu phục hồi, các đơn vị sản xuất sợi có thể tận dụng thời cơ để tìm kiếm đơn hàng từ thị trường này. Đồng thời, khi thị trường bông còn nhiều biến động, các DN cần chủ động tính toán kỹ lưỡng các phương án mua bông, xơ cho sản xuất.

“Với tinh thần “Đoàn kết – Tương trợ”, Tập đoàn mong muốn các đơn vị mạnh khi có thêm khách hàng, đơn hàng dồi dào, có thể tương trợ với các DN còn khó khăn. Đây cũng là cách giúp các DN trong hệ thống có thể hoàn thành kế hoạch năm 2024 sau khi vừa phải trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, trong khi năm 2024 sẽ vẫn còn không ít thách thức với những tín hiệu phục hồi chưa chắc chắn của thị trường”- Ông Lê Tiến Trường đề nghị.

PV


Các tin khác