Vinatex tổ chức họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 với các doanh nghiệp phía Nam


Sáng Thứ 2, ngày 26/7/2021, cuộc họp trực tuyến với 30 điểm cầu về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid 19 tại các doanh nghiệp có vốn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khu vực phía Nam như Tổng công ty may Việt Tiến, Tổng công ty Phong Phú, Tổng công ty dệt may miền Nam, Tổng công ty may Nhà Bè, Tổng công ty Việt Thắng …đã được diễn ra trong không khí khẩn trương. Tham gia cuộc họp có ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex chủ trì cuộc họp cùng với sự tham dự của Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc Vinatex và các Lãnh đạo doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Khai mạc cuộc họp, ông Lê Tiến Trường đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với tất cả các đồng chí Lãnh đạo doanh nghiệp phía Nam bởi đây là thời điểm khó khăn nhất từ trước tới nay mà các doanh nghiệp gặp phải. Sau đó, Lãnh đạo của các doanh nghiệp lần lượt báo cáo, chia sẻ tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn vướng mắc trong thời gian khủng hoảng dịch bệnh đã và đang diễn ra tại các tỉnh phía Nam.

 

Lãnh đạo Tập đoàn tham gia cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức làm việc 3 tại chỗ nhưng gặp nhiều trở ngại dẫn đến việc duy trì sản xuất theo phương án này sẽ không được lâu dài. Nguyên nhân do lực lượng lao động đăng ký ở lại nhà máy tham gia sản xuất 3 tại chỗ không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được 10-20% trên tổng số lao động của nhà máy, năng suất lao động giảm. Các nhà máy may của doanh nghiệp đóng trú tại các địa phương khác nhau với quy định của mỗi nơi có điểm khác biệt, nhiều cán bộ đang công tác tại các địa phương mắc kẹt không về được. Đặc biệt là các nhà máy trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hầu như ngưng trệ từ ngày 26/7 người dân không được ra đường từ 18h đến 6 giờ sáng hôm sau.

Trong khi việc tổ chức theo phương thức này làm gia tăng nhiều chi phí như chi phí xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chi phí cho 3-4 bữa ăn/ngày, chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho người lao động ở lại, chi bồi dưỡng thêm cho người lao động… Đây chỉ được coi là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn từ 3-4 tuần để có thể hoàn thành nốt các đơn hàng đã ký kết với khách hàng giảm thiểu thiệt hại. Hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Đặc biệt lo ngại có xuất hiện ca F0 trong nhà máy làm gián đoạn sản xuất, có thể phá hỏng toàn bộ những cố gắng mà doanh nghiệp đang thực hiện. Rủi ro nguy cơ khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác là hiện hữu; và khi hết thời gian phong tỏa các nhà máy có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng…

Cuộc họp trực tuyến tại 30 điểm cầu.

Ngoài những khó khăn kể trên, hiện nay doanh nghiệp còn khó khăn không chỉ trong việc vận chuyển nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất kho mà còn khó khăn cả trong việc vận chuyển thực phẩm. Do quy định chặt chẽ của các địa phương trong việc lưu thông, quy định phải có chứng nhận xét nghiệm PCR mới được thông hành…

Trong muôn vàn khó khăn như vậy nhưng Lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn lo lắng cho đời sống của người lao động, động viên tinh thần người lao động. Để giữ được lao động, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ suất ăn từ 3-4 bữa/ngày, đảm bảo đủ vitamin, cung cấp nước uống chanh gừng xả… hỗ trợ thêm cho người lao động làm tại chỗ khoảng 50.000 đồng/ngày. Từ đó, người lao động cảm thấy yên tâm khi tham gia sản xuất 3 tại chỗ, vừa sản xuất vừa đảm bảo giao hàng cho khách đảm bảo năng lực sản xuất giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, với ngành thâm dụng lao động như ngành Dệt May, có doanh nghiệp như Tổng công ty CP May Việt Tiến với quy mô 36.000 lao động, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài thì các doanh nghiệp cũng không thể đủ nguồn lực để duy trì trạng thái như hiện nay.

Với mục tiêu hàng đầu là giữ được khách hàng, đảm bảo chuỗi cung ứng và việc làm cho người lao động; ngoài giải pháp liên kết chia sẻ thị trường khách hàng hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn thì tất cả các doanh nghiệp đều có chung một kiến nghị là làm sao để người lao động của ngành Dệt May được tiêm đủ vaccine trong thời gian sớm nhất. Đây chính là giải pháp căn cơ và lâu dài giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Đức Anh-Đặng Huyền


Các tin khác