Mùa đại hội đồng cổ đông 2024: Thẳng thắn – Minh bạch – Sẻ chia – Đột phá


Ngành Dệt May Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong Vinatex nói riêng vừa trải qua năm sản xuất kinh doanh suy giảm lớn nhất trong suốt 30 năm làm dệt may xuất khẩu, chỉ hơn năm 2020 khi toàn thế giới đóng cửa vì dịch Covid-19. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu giảm trên 10%, đơn giá giảm trên 20%. Đặc biệt, ngành sợi đã phải bán dưới giá thành rất sâu suốt gần 2 năm, từ tháng 7/2022 đến tận thời điểm này (tháng 4/2024) và chưa thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Ngành sợi trên toàn thế giới đều thua lỗ, nhiều thời điểm giá bán không đủ bù cả chi phí biến đổi. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải sản xuất để duy trì lao động, khách hàng, tạo dòng tiền, thực hiện trả nợ ngân hàng.

Có nhiều nguyên nhân khách quan như tổng cầu thế giới rất thấp, tồn kho còn cao, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất trong nước hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc, các nước giảm giá đồng nội tệ nhiều hơn Việt Nam từ 7% -30%, lãi suất ngân hàng tại Việt Nam cao hơn các quốc gia cạnh tranh từ 2-4%/năm đã làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm rõ rệt. Nếu tính theo hiệu quả kinh doanh trên doanh thu thì 2023 là năm thấp nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân chủ quan bao gồm:

  • Ngành sợi Việt Nam mới chỉ tập trung vào sản phẩm sợi cotton và sợi pha cotton/polyeste, chưa đa dạng các loại sợi tổng hợp khác. Khi cầu thu hẹp, khả năng ứng biến sản xuất linh hoạt nhiều loại sản phẩm khác nhau của chúng ta rất hạn chế.
  • Ngành dệt trong nước quá nhỏ, chỉ có khả năng tiêu thụ dưới 20% lượng sợi sản xuất ra, dẫn đến ngành sợi chủ yếu để xuất khẩu, khả năng nối dài chuỗi cung ứng trong nước hạn chế.
  • Chi phí sản xuất chưa tối ưu do cả quy mô nhà máy nhỏ, lẻ và cả khả năng quản trị còn hạn chế.
  • Ngành may có vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng có quy mô khá lớn với giá trị sản xuất có thể đạt tới 45- 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu một năm là áp lực rất lớn về số lượng đơn hàng khi cầu thế giới yếu, và lợi thế cạnh tranh quốc gia giảm sút so với các quốc gia cạnh tranh về dệt may. Tỷ lệ sản xuất các mặt hàng cơ bản vẫn chiếm trên 85%, chuyển dịch sản xuất các mặt hàng đặc biệt, hàng kỹ thuật cao còn có tỷ lệ thấp dẫn đến vũ khí cạnh tranh chủ lực vẫn là giá.
 

Bước vào năm 2024, có một số tín hiệu phục hồi tốt hơn của thị trường so với 2023 mà trước hết là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Mỹ, EU, Nhật Bản có chiều hướng cải thiện, đúng với kế hoạch các nước đặt ra. Tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập khá ổn định, lạm phát giảm đúng lộ trình, các ngân hàng trung ương có kế hoạch cắt giảm lãi suất từ 0,75%- 1% năm 2024, có tác động tích cực đến cải thiện tổng cầu. Cùng với đó là tồn kho toàn cầu đã giảm gần về mức năm 2019 trước dịch bệnh cũng cho hy vọng tăng số lượng đặt hàng. Tuy vậy, tăng trưởng chưa thực sự ổn định, thị trường còn nhiều bất định và rất nhạy cảm với các biến động kinh tế – chính trị, giá cả hàng hoá nói chung vẫn duy trì ở mức thấp, áp lực giá gia công duy trì thấp chưa đem lại hiệu quả cho nhà sản xuất còn rất lớn. Nếu như ngành may cơ bản đủ đơn hàng trong 6 tháng đầu năm nhưng hiệu quả chưa quay lại như thời điểm 2022, thì ngành sợi vẫn có cầu yếu, giá bán vẫn chưa có lợi nhuận dù đã cải thiện hiệu quả đến ~80% so với cùng kỳ năm trước, thị trường nguyên liệu chính lại có xu thế tăng giá nhanh hơn thành phẩm.

Mùa đại hội đồng cổ đông 2024 là mùa đại hội có nhiều thách thức đặt ra với các nhà đầu tư trong các quyết định về kế hoạch kinh doanh và bước đi cho từng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và quay lại nhịp phát triển tốt như giai đoạn 2015-2020. Để đạt được các mục tiêu này tại đại hội đồng cổ đông 2024, hội đồng quản trị, cơ quan điều hành các doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận vị thế của doanh nghiệp hiện nay, minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển. Trên cơ sở dữ liệu khách quan, so sánh đối chiếu với các đối thủ cạnh tranh để xác định các hạn chế trong điều hành và kế hoạch khắc phục. Đại hội không tiếp cận bi quan, nhưng cũng không lạc quan thái quá với các diễn biến khó dự báo dài hạn của thị trường hiện nay, mục tiêu xuyên suốt là dự báo khoa học, giải pháp cụ thể cần được đưa ra bàn thảo.

Trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức, hơn lúc nào hết các đại hội đồng cổ đông mong muốn nhận được sự sẻ chia của các nhà đầu tư với một niềm tin vững chắc đó là thị trường dệt may thời trang thế giới luôn tồn tại, tăng trưởng trở lại sau giai đoạn trầm lắng của kinh tế thế giới và Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức uy tín vẫn là quốc gia có tiềm năng phát triển công nghiệp dệt may thời trang trong một vài thập kỷ tới. Thị trường này luôn có dư địa phát triển cho các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, năng suất, chất lượng vượt trội, liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế số, kinh tế xanh với bước đi phù hợp.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới nhanh hơn để tồn tại. Các doanh nghiệp rất cần sự ủng hộ của nhà đầu tư trong nguồn vốn bổ sung, nhất là trong các kế hoạch mang tính đột phá, tìm khu vực thị trường mới, sản phẩm mới để sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Nghiên cứu phát triển sản phẩm, thiết lập các trung tâm thiết kế có quy mô lớn, chuyển đổi số, ứng dụng sản xuất xanh là những hướng đi dài hạn cần sự ủng hộ của các nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp, cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Có thể nói “đột phá” là từ khóa quan trọng nhất của mùa đại hội 2024 để doanh nghiệp từng bước đổi mới chiến lược phát triển đã đồng hành suốt 15 năm qua chủ yếu dựa trên nền tảng sản xuất mặt hàng cơ bản, năng suất, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.

Một mùa đại hội với kết quả không thuận lợi như các năm trước, nhà đầu tư chắc chắn bộn bề suy tư về hướng đi cho doanh nghiệp, chính vì thế rất cần là một đại hội thẳng thắn, trí tuệ trên tinh thần chia sẻ và ủng hộ cho những đột phá trong kinh doanh.

Bài: Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex


Các tin khác