May Việt Tiến: Nhanh chóng xoay chuyển mô hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt trong từng giai đoạn


Ngày 27/4, Tổng Công ty CP May Việt Tiến (May Việt Tiến) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Dự Đại hội có ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến, ông Bùi Văn Tiến- Tổng Giám đốc May Việt Tiến và đại diện cổ đông của Tổng Công ty.

Năm 2023, nhu cầu hàng dệt may sụt giảm trên các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và cả thị trường nội địa. May Việt Tiến tương tự các công ty trong ngành, phải ứng phó với nguồn hàng khan hiếm, đơn hàng nhỏ lẻ, kỹ thuật khó, đơn giá giảm, chi phí đầu vào và giá nhân công tăng, biến động lao động… Tuy nhiên, Tổng Công ty vẫn kết thúc năm với tổng doanh thu và lãi trước thuế tăng trưởng lần lượt 7% và 6% so với năm 2022, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm. Về phương án phân phối lợi nhuận, May Việt Tiến dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 25% (2.500 đồng/cp), cao hơn so với tỷ lệ 20% đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Theo Tổng Công ty, ngành dệt may Việt Nam nhìn thấy tín hiệu tốt hơn từ quý 1/2024, dù vậy năm 2024 dự báo thách thức chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Bên cạnh các yếu tố chiến tranh, lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2024, May Việt Tiến lên kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu 8.360 tỷ đồng và lãi trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 5% so với thực hiện 2023, thu nhập bình quân người lao động tăng 4%, lên 12 triệu đồng/người/tháng, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Đối với thị trường xuất khẩu, Tổng Công ty sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn diện thị trường, khách hàng, mặt hàng năm 2023 để đưa ra giải pháp cho kế hoạch năm 2024; tiếp tục tập trung vào 2 khách hàng lớn là Nike và Uniqlo; tìm kiếm thêm khách hàng xuất khẩu.

Với thị trường nội địa, đơn vị sẽ xây dựng phương án hoạt động để có hình thức kinh doanh mới trong năm 2024, mục tiêu giữ ổn định thị trường nội địa, giải phóng nhanh hàng tồn kho; rà soát đánh giá lại hệ thống cửa hàng, tạm dừng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả để di chuyển qua địa điểm khác; tiếp tục áp dụng công nghệ RFID vào quản lý bán hàng và hàng tồn kho; phát triển sản phẩm mới mang thương hiệu TT_up; tái cấu trúc bán hàng online.

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận định về định hướng sắp tới của Việt Tiến: “Mô hình sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, giá nguyên liệu rẻ, năng suất cao đã đi đến tận cùng và không còn phù hợp. Các đầu chuỗi, chủ nhãn hàng đang định vị loại hàng hóa này ở thị trường gia công là Bangladesh chứ không còn ở Việt Nam, do đó kéo giảm hiệu quả của May Việt Tiến. Hướng đi phải là nhanh chóng xoay chuyển mô hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt trong từng giai đoạn. Quá trình dịch chuyển sẽ là từ sản xuất trực tiếp thành nhà quản trị chuỗi cung ứng…”.


Các tin khác