Vinatex cập nhật thông tin kinh tế, thị trường đến các doanh nghiệp


Ngày 16/6/2022, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội thảo trực tuyến cập nhật thông tin kinh tế, thị trường. Tham dự hội thảo có T.S Cấn Văn Lực- Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Vinatex cùng các thành viên trong HĐQT, Cơ quan điều hành, lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn và lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, T.S Cấn Văn Lực đã trình bày về môi trường kinh tế – tài chính năm 2022; giải pháp đối với Vinatex. Theo đó, năm 2022 nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và chiến lược Zero Covid của Trung Quốc. Điều này đã đẩy lạm phát tăng cao, các nước phải thu hẹp các gói hỗ trợ và tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng phải chịu những rủi ro, thách thức về sự phục hồi do tác động của dịch Covid – 19 đối với các ngành. Cùng với đó, lạm phát, rủi ro nợ công tăng dẫn đến thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng. Chính vì vậy, dự báo lãi suất huy động của Việt Nam sẽ tăng 1-1,5 điểm % và lãi suất cho vay bằng USD sẽ tăng theo thị trường thế giới. Lãi suất cho vay bằng VNĐ cơ bản ổn định nhưng sẽ giảm 2% đối với các doanh nghiệp theo Nghị định 31 ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

T.S Cấn Văn Lực trình bày về môi trường kinh tế – tài chính năm 2022; giải pháp đối với Vinatex

Đối với các doanh nghiệp thuộc Vinatex cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ vững lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Triển khai mô hình 6Rs: Respond (thích ứng, linh hoạt); Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt); Restructure (tái cấu trúc); Re-invent (đổi mới, sáng tạo); Risk management (tăng cường quản lý rủi ro); Resilience (tăng sức đề kháng).

Tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 4 mục tiêu cụ thể đến 2030 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP (-15% so với năm 2014); Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu… Vì vậy, các doanh nghiệp thuộc Vinatex cần chủ động “Xanh hóa”, “Tuần hoàn hóa” để đáp ứng yêu cầu.

Trình bày về tình hình SXKD 5 tháng đầu năm, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, 5 tháng đầu năm 2022 kết quả SXKD của Tập đoàn tương đối khả quan với doanh thu hợp cộng bằng 42,9% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế đạt 57,6% kế hoạch. Trong đó, nhóm các đơn vị chi phối đóng góp 72% lợi nhuận trước thuế; nhóm các đơn vị liên kết đóng góp 28%; Ngành Sợi đóng góp 41,7%; Ngành May đóng góp 36.8%. Cầu dệt may đang có xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau dịch đã ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp. Hiện tại, đa số các đơn vị mới ký đơn hàng đến hết tháng 8, có đơn vị ký đến tháng 10 nhưng non tải (khoảng 30% năng lực). Chỉ một số ít các đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng…

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex trình bày về tình hình SXKD 5 tháng đầu năm, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022

Các giải pháp trong thời gian tới đối với ngành Sợi là phải theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, chọn thời điểm mua bông phù hợp và nên mua theo từng lô nhỏ để trung hòa giá bông và tránh rủi ro. Chuyển đổi mặt hàng, tăng cường các mặt hàng sợi pha nhằm giảm sử dụng bông. Tăng cường tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do tồn kho sợi, bông tại thị trường này hiện đang cao. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, liên kết chuỗi sản xuất Sợi – Dệt – Nhuộm để đưa sợi thành phẩm vào chuỗi sản xuất dệt nhuộm của các đơn vị trong Tập đoàn nhằm san sẻ bớt rủi ro nếu có. Ban Sợi cần đề xuất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá bông, sợi, ổn định dòng tiền, tránh tình trạng các bán phá giá ra thị trường.

Đối với ngành May, cần ưu tiên các biện pháp giữ ổn định lao động, linh hoạt chuyển đổi mặt hàng và mở rộng thị trường để bù lại sự sụt giảm từ thị trường Mỹ. Xem xét, điều phối hoặc cắt giảm thời gian sản xuất, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, trong thời gian chờ tìm kiếm các đơn hàng mới. Tích cực đàm phán với khách hàng tránh tình trạng hoãn, lùi đơn hàng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường thay thế Trung Quốc.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT trình bày về Cập nhật thị trường Mỹ, dự báo quí 3,4 năm 2022; bà Thái Thị Phương Thanh, Phó Trưởng ban Tổng hợp Pháp chế trình bày về Thị trường nguyên phụ liệu.

Kết luận buổi Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo khảo sát đã có tới 40% người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo. Cùng với đó, chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Điểm sáng của nền kinh tế lúc này chính là dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, thế giới chính thức mở lại các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Việc làm tạo mới ở các quốc gia phát triển tiếp tục tích cực. Cùng với đó là xu thế hòa hoãn để phát triển kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường kết luận buổi Hội thảo

Trong bối cảnh đó, thách thức đối với ngành dệt may chính là nguyên liệu, nhiên liệu, lao động, vận tải đều tăng giá. Do hiện tượng “Mua quá mức” trong quí 4/2021 và quí 1/2022 gây ra áp lực dư thừa dẫn tới cần cắt giảm đơn hàng trong quí 3,4/2022. Tình hình thị trường sợi, vải và may mặc trong quí 3 sẽ có nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp cần tính đến các kịch bản sản xuất, tồn kho khác nhau. Lãi suất tăng cần có dự phòng trước trong 6 tháng cuối năm. Dòng tiền là mục tiêu tối quan trọng trong quí 3, vì vậy cần phải giữ ngoại tệ chủ động. Hiện tại, đang có những tín hiệu giảm giá và thời gian giao hàng cho thiết bị đầu tư nên Ban Đầu tư và Phát triển Vinatex cần quan tâm chặt chẽ phối hợp triển khai với các đơn vị đang chuẩn bị dự án…

Xuân Quý


Các tin khác