Tổng Công ty CP Phong Phú: Khẳng định vị thế, nâng tầm thương hiệu


Phát huy lợi thế từ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, trong những năm qua Tổng Công ty CP Phong Phú (Phong Phú) đã trở thành một trong những đơn vị sản xuất sợi, chỉ may, khăn bông và gia dụng hàng đầu Việt Nam. Trong thời gian tới, Phong Phú tiếp tục giữ vững thế mạnh, hướng tới trở thành doanh nghiệp (DN) tạo ra giá trị công bằng cho NLĐ và môi trường sống, thông qua việc đẩy mạnh môi trường làm việc và sản xuất xanh ở mức độ cao.

Phát triển nhờ liên kết chuỗi

Trong bối cảnh nhiều DN dệt may gặp khó khăn trong quý 2 và dự đoán thị trường không khởi sắc vào quý 3 và quý 4, Phong Phú đã đạt kết quả SXKD rất khả quan với kết quả SXKD quý 1 và ước 6 tháng đầu năm đều vượt so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu hợp nhất quý 1 đạt 580 tỷ đồng, bằng 25,7% kế hoạch, tăng 109% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất quý 1 đạt 162 tỷ đồng, bằng 42,8% so với kế hoạch, bằng 117% so với cùng kỳ; Doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.166 tỷ đồng, đạt 51,6% kế hoạch, bằng 142% cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 273 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch, bằng 6% so với năm 2021.

Để có được kết quả này, Phong Phú đã phát huy được thế mạnh trong liên kết chuỗi, từ sợi – chỉ may và từ sợi – dệt nhuộm hoàn tất – sản phẩm gia dụng để xuất khẩu và bán tại thị trường trong nước. Ngay từ thập niên 90, Phong Phú đã liên kết với Tập đoàn đa quốc gia Coats thành lập liên doanh Coats Phong Phú sản xuất sợi chỉ may cho thị trường Việt Nam và trong khu vực, đến nay Coats Phong Phú đang là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam cung cấp chỉ may cho các DN may trên cả nước. Bên cạnh đó, Phong Phú hiện sở hữu công ty con là Dệt Gia dụng Phong Phú, cũng là đơn vị có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh sản xuất khăn bông và mặt hàng dệt gia dụng xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn bậc nhất, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Singapore… Tại Việt Nam, Phong Phú sở hữu thương hiệu khăn bông cao cấp Mollis được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, nhiều năm liền là thương hiệu quốc gia được người tiêu dùng bình chọn. Hiện Mollis đã phủ sóng rộng khắp đất nước, có mặt tại nhiều chuỗi khách sạn 5 sao lớn, có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như: Winmart, Go Market, Saigon Coop…

Nhờ vào việc sở hữu “chuỗi khép kín” từ sợi để sản phẩm, Phong Phú đã “tự chủ” được hoạt động sản xuất với 100% sản phẩm sợi sản xuất ra chuyển sang ngay khâu dệt hoặc sản xuất chỉ may thành phẩm để có thể đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng chỉ may xuất khẩu, cũng như giảm thiểu rủi ro bởi những biến động của thị trường.

Tuy nhiên, trước những biến động của thế giới gần đây, thị trường dệt may thế giới có nhiều dự báo không khả quan, nhất là nửa cuối năm 2022, ông Dương Khuê – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú cho biết, với kết quả của 6 tháng đầu năm Phong Phú đã đạt được, dự báo năm 2022 Tổng Công ty sẽ vượt kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, hiện thị trường có nhiều vấn đề mà Cơ quan điều hành Phong Phú cần phải “lưu tâm” và theo dõi để có những quyết sách kịp thời, trong đó có xung đột giữa Nga – Ukraina làm giá dầu thế giới tăng cao. Đồng thời, với chính sách “zero covid-19” của Trung Quốc nguồn cung về nguyên phụ liệu, máy móc nhập khẩu bị “đứt gãy” khiến cho hoạt động SXKD của các DN dệt may bị ảnh hưởng. Với đơn vị sản xuất các mặt hàng sợi như Phong Phú, hiện giá bông xơ đang rất cao, khó dự báo, việc mua hàng sẽ có nhiều rủi ro, hiệu quả ngành Sợi sẽ bị giảm. Bên cạnh đó, hiện chi phí Logistics, vận tải hàng tải tăng cao, khan hiếm container cũng là một trong những vấn đề cần phải đặt ra với một DN xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như Phong Phú. Do đó, Cơ quan điều hành của Tổng công ty đã có những chỉ đạo các đơn vị thành viên và phòng/ban nghiệp vụ phải bám sát tình hình thực tế, tham mưu với lãnh đạo để có những quyết định kịp thời.

Định vị tương lai

Nhờ có liên kết chuỗi vững chắc trong các sản phẩm sợi chỉ may và dệt gia dụng, nên trong nhiều năm trở lại đây, Phong Phú luôn là đơn vị nằm trong top đầu đóng góp chung vào hoạt động SXKD của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Trong thời gian tới, định hướng của Phong Phú vẫn dựa trên thế mạnh sẵn có, phát huy nội lực để gia tăng giá trị. Theo lãnh đạo Tổng Công ty, theo chỉ đạo của Hội đồng quản trị, thời gian tới Phong Phú không chỉ đưa sản phẩm sợi chỉ may cho Coats Việt Nam mà hướng tới cung ứng cho Tập đoàn Coats toàn cầu. Với ngành Dệt gia dụng, Phong Phú hướng tới giữ vững thị phần xuất khẩu tại các quốc gia đã có thế mạnh, mở rộng thêm các thị trường mới, đồng thời song hành với đó là xây dựng và phát triển thị trường trong nước với tổng quy mô ngành dệt gia dụng quy mô khoảng 20.000 tấn khăn/năm.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng giám đốc Phong Phú cho biết, Tổng công ty sẽ hướng đến phát triển sản xuất xanh, thân thiện với môi trường ở mức độ cao. Lý giải điều này, ông Dương Khuê nhận định sản xuất “xanh, thân thiện” chỉ là điều kiện cần và đủ, còn ở “mức độ cao” là Phong Phú định hướng xây dựng mức độ xanh ở trên cao tiêu chuẩn cơ bản so với các đơn vị trong ngành. Điều này không chỉ giúp Phong Phú xây dựng vững chắc “vị thế” cũng như là địa chỉ hàng đầu của các khách hàng khi tìm đến. Bên cạnh đó, công tác thị trường phải được đảm bảo nhờ việc xây dựng, hoạch định kế hoạch đúng theo chuỗi giá trị và nhu cầu của chuỗi giá trị.

Để từng bước hoàn thiện và nâng cao năng lực chuỗi giá trị, năm 2021 Phong Phú đã nâng cấp 16.000 cọc sợi, bao gồm cả hệ thống Link Coner tự động của máy ống nhằm cải thiện và nâng cấp chất lượng sợi thành phẩm để chuyển sang cho ngành dệt gia dụng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới Phong Phú cũng sẽ đầu tư mới 16 máy Link Coner để đầu tư tiếp cho ngành sợi chỉ may. Hiện, ngành sợi chỉ may vẫn đang ổn định, tuy nhiên với định hướng của Tổng Công ty trong việc xây dựng các ngành ở “mức độ cao” nên việc đầu tư mới là cần thiết, điều này giúp năng lực cạnh tranh của Phong Phú với các đơn vị trên thế giới, từng bước đưa Phong Phú cung cấp sợi cho Tập đoàn Coats toàn cầu.

Phong Phú cũng đã đầu tư mới, thay thế và bổ sung với dệt nhuộm và hoàn tất mảng khăn. Điều này không chỉ đảm bảo về kinh tế, môi trường mà còn xây dựng ngành gia dụng ở mức tự động hóa cao hơn, trong đó có cả ngành May. “Trong điều kiện nguồn lao động ngày càng khó khăn hơn, mặc dù ngành May không phải là thế mạnh của Phong Phú, ngay từ rất sớm chúng tôi đã đẩy mạnh tự động hóa ngành May”. Ông Dương Khuê nhấn mạnh. Thực tế, theo quan sát của PV, Phong Phú đã đầu tư 2 máy may tự động ngay từ khâu may nhãn mác và may viền, theo lãnh đạo nhà máy mỗi máy may tự động công suất có thể tương đương với 50 lao động. Ngoài ra, hiện Tổng Công ty cũng đã xây dựng đề án trình Tập đoàn đầu tư thêm 1 nhà máy 4 vạn cọc sợi; Đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải cấp A cho toàn bộ hệ thống dệt gia dụng, trong đó lượng nước tuần hoàn đạt 40%.

Trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn đang dần định hình, nhất là khu vực châu Âu, thị trường chính của Phong Phú, mới đây Tổng công ty cũng đã ký kết với Công ty Coro Renewables Việt Nam về việc hợp tác lắp đặt điện mặt trời áp mái tại khu vực TP. HCM với công suất gần 2,9 Mb nhằm thực hiện hóa mục tiêu xanh hóa nhà máy, cũng như đưa Phong Phú hội nhập chuỗi cung ứng bền vững của toàn cầu.

Theo Tổng giám đốc Phong Phú, để đạt được những mục tiêu trên, điều quan trọng nhất của Phong Phú hiện nay chính là việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự, cũng như xây dựng môi trường làm việc thật tốt cho toàn bộ nhân sự trong Tổng công ty. Lãnh đạo Phong Phú cho rằng, Tổng công ty sẽ định hướng trong việc phân chia giá trị công bằng cho tất cả các bên, từ cấp quản lý cho tới NLĐ, bao gồm cả môi trường sống và người tiêu dùng sau cùng. Định hướng của Phong Phú, không chỉ là chính sách tiền lương cho NLĐ, cách đối xử với NLĐ, mà còn phải tập trung chăm lo cho NLĐ khi Tổng Công ty hiện đặt tại vị trí TP. Thủ Đức, nơi cạnh tranh rất cao về nguồn lao động, để khi NLĐ bước qua cánh cổng của công ty có thể “yên tâm” công tác, gắn bó cũng như đảm bảo được cuộc sống của người lao động.

Bài An My


Các tin khác