Nhìn lại mình để vượt qua thách thức


Năm Nhâm Dần (2022) đã qua, cả nước chuẩn bị đón mùa xuân mới, đón Quý Mão (2023) đến. Đây lại tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, khó dự báo tiếp theo sau 2 năm đại dịch Covid-19 tàn phá.

Có thể nói, tình hình thế giới diễn biến hàng ngày, các yếu tố rủi ro gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ lớn hơn nhiều so với kịch bản tăng trưởng mà chúng ta dự báo vào tháng 11/2021. Dưới tác động của các yếu tố đã nêu, chỉ số giá tiêu dùng của một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, tính tới hết tháng 10/2022 tại Hoa Kỳ tăng 8,2%, EU tăng 10,9%, Singapore tăng 7,5%, Philippines tăng 7,7%, Thái Lan 6,41%… Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất đồng USD của Hoa Kỳ chống lạm phát dẫn đến nhiều đồng tiền chủ chốt mất giá như: USD tăng 17,4%, EU giảm 14%, đồng Yên Nhật Bản giảm 28,6%, Nhân dân tệ Trung Quốc giảm 14,6%, đồng Won Hàn Quốc giảm 19,6% hay Bạt Thái Lan giảm 13,5%… Bối cảnh đó đã làm kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái ngày càng rõ nét.

Trong tình hình đó chúng ta đạt được thành tự đáng tự hào: Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 3,5%, vốn FDI giải ngân tăng 15,2%, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,1%, số DN thành lập mới tăng 58,3% so với cùng kỳ (số liệu tính đến 31/10/2022). Khi xây dựng kế hoạch 2022 theo số liệu đến hết quý 3/2021 do bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn, tăng trưởng âm, liên tục giảm thuế, phí để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn nên việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức thận trọng, tránh bội chi lớn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tuy vậy trong điều hành thực tế cả hệ thống vào cuộc, có chính sách phù hợp như: Kết luận 20-KL/TW của BCH TW; Nghị quyết 43/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, nhân dân cả nước chỉ trong 10 tháng đã thu NSNN vượt 3,7% so với dự toán cả năm 2022.

Đây là nền tảng hết sức quan trọng giúp chúng ta tự tin bước vào năm 2023 với nhiều bất ổn địa chính trị thế giới, trong lúc nhiều quyết định về kinh tế không tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường mà chủ yếu dựa vào các ý chí chính trị chủ quan. Các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2023 là rất cao, đòi hòi sự nỗ lực vượt bậc của Nhà nước, DN và người dân. Về phía Nhà nước yêu cầu là “bà đỡ” cho DN không phân biệt sở hữu là nhiệm vụ quan trọng nhất đòi hỏi sự đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động. Vì vậy phải kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Cần truyền thông rộng rãi quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và DN liên quan theo đúng quy định của pháp luật trong bất kỳ hoàn cảnh nào, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin vào thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Để thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế và mục tiêu dài hạn trước mắt, có thể Chính phủ cần tập trung xử lý tốt các nhóm vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng phù hợp linh hoạt phối hợp tốt với chính sách tài khóa và các chính sách an sinh xã hội, không điều hành giật cục. Chủ động điều hành hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá sát thực tiễn để phấn đấu đưa lãi suất về như đầu năm 2021. Quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm tiêu cực trong thị trường tài chính tiền tệ để phát triển lành mạnh bền vững các loại thị trường, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, định chế tài chính, DN làm ăn chân chính hoạt động an toàn hiệu quả. Thời gian những tháng cuối năm đã xuất hiện các tín hiệu tiềm ẩn rủi ro cho tăng trưởng nóng, một số ít DN đã cố tình vi phạm quy định trong lĩnh vực phát hành trái phiếu DN riêng lẻ. Trong khi đa số các nhà đầu tư là nhỏ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mới chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại giá cao và nghỉ dưỡng mà không chú trọng phát triển phân phúc BĐS công nghiệp, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội… Vì vậy trong năm 2023 cần rà soát việc thực thi pháp luật tại thị trường BĐS gắn với việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm phải giải trình để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo thanh khoản của thị trường.

Thứ hai, cần tập trung đẩy mạnh tốc độ đầu tư công từ nguồn vốn NSNN đã được bố trí ngay từ những tháng đầu năm, kể cả nguồn vốn đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế. Cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của cả hệ thống chính trị. Trước mắt cần xây dựng cơ chế đặc thù trình cấp thẩm quyền ngay trong quý 1/2023, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư không để tiếp tục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí làm mất khả năng thu hút vốn đầu tư phát triển từ nguồn lực xã hội.

Thứ ba, cần sử dụng hiệu quả, năng động nguồn vốn tại DNNN. Đây là một nguồn lực sẵn có, cần có cơ chế phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và vai trò chủ sở hữu Nhà nước tại DN sản xuất kinh doanh. Tách bạch rõ ràng vai trò quản lý nhà nước chung với vai trò chủ sở hữu để sửa đổi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để sử dụng thật hiệu quả khối tài sản hơn 3,5 triệu tỷ đồng tại các Tập đoàn, Tổng Công ty. Cần xác định rõ việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại DN không chỉ có biện pháp thoái vốn, bán vốn Nhà nước tại các DN mà cả các biện pháp điều chuyển, hợp vốn để thành lập các DN Nhà nước mới để thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Quốc hội, Chính phủ đã xác định.

Thứ tư, xử lý nhanh một số vấn đề nóng vừa xuất hiện trong các tháng cuối năm 2022 như cung ứng xăng dầu, đảm bảo thuốc chữa bệnh và trang thiết bị vật tư y tế. Để xảy ra các vấn đề nêu trên về khách quan do thời gian qua chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, giá cả tăng cao do ảnh hưởng xung đột địa chính trị thế giới. Về chủ quan, do các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh các quy định dẫn đến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, còn có tâm lý sợ trách nhiệm, phân bổ chi phí và cơ cấu thuốc không hợp lý dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và xăng dầu cục bộ tại một số địa phương gây bức xúc trong xã hội. Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác giám sát kiểm tra, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2022 có nhiều vấn đề đã và đang điều triển khai thực hiện, xử lý từng bước có hiệu quả những cũng còn nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ cả trước mắt và lâu dài. Hy vọng sang năm mới Quý Mão, năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 – 2125, cả nước đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, từng bước hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tới năm 2030 và 2045.

Bài: TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ


Các tin khác