Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2021


Ngày 21/7, Ban Thường vụ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã làm việc với BTV, CQĐH Công ty TNHH Dệt 8-3 và Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) về công tác xây dựng Đảng và kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021. Đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Chủ trì các cuộc làm việc, cùng dự có đồng chí Phạm Văn Tân –UV BCH Đảng bộ, Phó TGĐ Tập đoàn; đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm- UV BTV, Chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ Tập đoàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Tuyên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8/3 đã nêu bật những nét nổi bật trong tình hình SXKD 6 tháng đầu năm của đơn vị, nhận định rõ những khó khăn, thuận lợi và kế hoạch SXKD 6 tháng cuối năm; đồng thời trình bày kế hoạch phát triển Dệt 8-3 trong chiến lược vận hành của Tổng Công ty Dệt May miền Bắc (VNC).

Theo đó, 6 tháng đầu năm, Công ty đạt sản lượng sản xuất hơn 6000 tấn sợi, đạt 47% so với kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 480 tỷ đồng, tăng trưởng trên 70% so với cùng kỳ, đặc biệt lợi nhuận đạt trên 50 tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay… Có được kết quả SXKD này là do Công ty đã khắc phục khó khăn về dịch bệnh bùng phát (cuối tháng 6/2021 khu vực nhà máy tại Yên Mỹ trở thành vùng dịch); thiếu hụt nguyên liệu; chi phí xuất khẩu tăng cao…, đồng thời triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo.

Trong đó, Công ty đã tận dụng được cơ hội thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đảm bảo lợi nhuận vượt mức kế hoạch bù đắp toàn bộ số lỗ lũy kế của 2 năm 2019, 2020. Nhà máy và các phòng chức năng có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ để nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, tăng số lượng tiêu thụ nội địa. Bố trí phương án sản xuất 2 ca 11 kíp phù hợp với tình hình thiếu hụt lao động. Chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, triển khai trước phương án “3 tại chỗ” khi Nhà máy nằm trong vùng dịch đảm bảo sản lượng trên 95% khi địa phương phải thực hiện phòng tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý và cạnh tranh, động viên kịp thời nên lực lượng lao động đồng thuận, sẵn sàng chia sẽ khó khăn với Công ty. Hoàn thiện đầu tư bổ sung máy móc thiết bị để tăng năng suất sợi Slub và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

 

Toàn cảnh buổi làm việc với Công ty TNHH Dệt 8-3.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Công ty tiếp tục tập trung phát triển Đảng viên từ lực lượng cán bộ trẻ với 14 quần chúng đã học lớp bồi kiến thức về Đảng; trong đó có 5 đồng chí đang được xác minh lý lịch để xem xét kết nạp.

6 tháng cuối năm, để đạt chỉ tiêu sản lượng sản xuất trên 12 nghìn tấn, tổng doanh thu 910 tỷ đồng năm 2021, Công ty tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Điều phối linh hoạt sản phẩm sản xuất giữa 2 nhà máy nhằm đảm bảo sản lượng tối đa , kiểm soát chặt chẽ chất lượng.

Tăng cường mở rộng thị trường mới tại Hàn Quốc, Nhật Bản, phát triển các sản phẩm sợi slub, tiếp tục tìm kiếm khách hàng nội địa. Tiếp tục tuyển dụng và bố trí lao động hợp lý để tối đa sản lượng sản xuất, giảm chi phí sản xuất/1 đơn vị sản phẩm…

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Song Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Tổng Giám đốc VNC cho biết: Hoạt động SXKD của Công ty TNHH Dệt 8-3 đạt được kết quả ấn tượng trong 6 tháng qua sau 2 năm khó khăn của thị trường sợi cho thấy Công ty đã có quá trình kiên trì đầu tư đúng chiến lược, định hướng. CBCNV-NLĐ của Công ty đã quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai có hiệu quả chiến lược đề ra.

Để giữ được thành công này, trong thời gian tới, vấn đề chung trong toàn VNC, trong đó có Dệt 8-3 là quan tâm nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo điều kiện làm việc phù hợp với người lao động; đổi mới công tác điều hành sản xuất; nghiên cứu điều chỉnh, giao lại kế hoạch SXKD cho các công ty thành viên của VNC nhằm phấn đấu đạt lợi nhuận hợp nhất Tổng Công ty đạt trên 150 tỷ… Nhiệm vụ cơ bản là tối ưu hóa ngành Sợi, thực hiện vượt chỉ tiêu được giao, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho chiến lược SXKD giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn 2030.

Thay mặt CQĐH, đồng chí Phạm Văn Tân đánh giá tổng quát hoạt động của 8-3 trong bối cảnh chung các đơn vị trong đó 8-3 đã có vị trí khả quan, đã thấy rõ con đường phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên lực lượng còn mỏng sẽ là nút thắt chính trong quá trình phát triển với mục tiêu gấp 2 quy mô hiện nay vào năm 2025.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá cao và ghi nhận kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Công ty TNHH Dệt 8-3.

Lãnh đạo Tâp đoàn nhấn mạnh, thành công bước đầu này cho thấy sự nỗ lực, tâm huyết của Tổng công ty VNC và Công ty TNHH Dệt 8-3 trong lựa chọn phương hướng đầu tư phù hợp; tranh thủ được thời cơ thuận lợi từ thị trường những tháng đầu năm 2021.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Đảng bộ Dệt 8-3 và ban lãnh đạo Công ty cần tiếp tục đảm bảo hoạt động của Đảng bộ, chi bộ trực thuộc phù hợp qui định của Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương, Đảng ủy Tập đoàn; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo Nghị quyết cấp trên được quán triệt, thấu hiểu đến cán bộ đảng viên, NLĐ, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh lan rộng, thị trường nhiều bất định… Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn, Đảng bộ Công ty cần triển khai cụ thể thành chương trình, kế hoạch hành động; vấn đề gì còn khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ kịp thời. Theo đó, UBKT Đảng ủy Tập đoàn phối hợp với các ban xây dựng Đảng của Tập đoàn tiếp tục hướng dẫn đơn vị để nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát kiểm tra Đảng bộ Dệt 8-3 trong quý 3/2021.

Để nâng cao hiệu quả, tận dụng cơ hội thị trường thuận lợi, Công ty cần dồn toàn lực tối đa hóa sản lượng. Dự báo sớm tình huống mới nếu dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, có kế hoạch ứng phó tối ưu, đảm bảo mục tiêu sản lượng trên 6000 tấn trong 6 tháng cuối năm. Công ty cũng cần siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là yếu tố tiên quyết trong giai đoạn hiện nay.

Với kế hoạch đầu tư trung, dài hạn thống nhất quan điểm phát triển chuyên dụng về ngành Sợi, hướng tới nhà sản xuất Sợi chuyên nghiệp với năng suất lao động cao nhất, chất lượng nằm trong top DN đứng đầu thị trường Sợi của Tập đoàn, tập trung vào phân khúc chi số thấp nhưng có giá trị đặc biệt…

Về phía VNC, vừa xác định đường hướng, vừa linh hoạt tận dụng chiến lược của 3 đơn vị thành viên, không cứng nhắc để hợp lực cùng phát triển nhanh; đảm bảo chỉ đạo kế hoạch năm 2021 các đơn vị thành viên đều không còn lỗ lũy kế, thực hiện trách nhiệm đóng góp cổ tức với Tập đoàn.

Phía CQĐH Tập đoàn tiếp tục giám sát hỗ trợ Công ty TNHH Dệt 8-3 giải quyết tồn đọng để danh mục đầu tư khớp với chiến lược phát triển; trên cơ sở phương án kinh doanh có hiệu quả của Công ty, Tập đoàn hỗ trợ thu xếp nguồn lực về tài chính để Công ty triển khai nhanh, tối đa hiệu lực SXKD, đáp ứng cơ hội thị trường…

*Tại buổi làm việc với Ban thường vụ, CQĐH Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội, đồng chí Hồ Lê Hùng- Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tổng Công ty cho biết: Triển khai công tác xây dựng Đảng, trong 6 tháng đầu năm, Đảng ủy Tổng Công ty đã thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch công tác; lãnh đạo, chỉ đạo DN kịp thời xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch bệnh nên dù dịch bệnh có nhiều diễn biến bất lợi, nhưng tư tưởng cán bộ đảng viên, CNLĐ vẫn ổn định và yên tâm tập trung cho công tác SXKD. Chỉ đạo các đơn vị ổn định việc làm, thu nhập, đời sống an sinh xã hội cho NLĐ; cải thiện môi trường, điều kiện làm việc…

Đảng ủy Tổng Công ty đã triển khai bồi dưỡng cho 47 quần chúng ưu tú, để tạo nguồn phát triển Đảng; hoàn thiện hồ sơ bổ sung các chức danh trình Tập đoàn phê duyệt… Hiện Đảng bộ Tổng Công ty có 275 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ và 1 đảng bộ trực thuộc.

 

Toàn cảnh buổi làm việc với Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội.

Về SXKD, Tổng Công ty đạt doanh thu trên 830 tỷ, tăng 119% so với cùng kỳ; Lợi nhuận  đạt trên 50 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch cả năm 2021. Mức lợi nhuận tăng trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ sự đóng góp của ngành Sợi với doanh thu đạt trên 420 tỷ đồng;

Trong đó,  xuất khẩu Sợi đạt 4.666 tấn, chiếm 78% tổng sản lượng tiêu thụ, tương ứng 75% doanh thu, với thị trường Trung Quốc chiếm 55,5%, Hàn Quốc 38,5%, còn lại là Chile, Đài Loan… Nội địa đạt 1,319 tấn, chiếm 22% tổng sản lượng tiêu thụ, tương ứng chiếm 25% tổng doanh thu…

Với ngành May, Vải, Khăn, Logistic do tác động phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu thị trường thấp, khách hàng liên tục thay đổi đơn hàng, thiếu hụt lao động… nên gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty.

6 tháng cuối năm, Tổng Công ty phấn đấu doanh thu hợp cộng ước thực hiện đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 85 tỷ đồng.

Giải pháp đặt ra cụ thể với từng ngành sản xuất. Trong đó, với ngành Sợi, Tổng công ty ưu tiên xuất khẩu các đơn hàng chỉ số thấp để tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất/kg sợi; lựa chọn khách hàng gần tránh rủi ro phát sinh tăng chi phí vận chuyển; với thị trường nội địa tập trung tiêu thụ tối đa năng lực sản xuất sợi CM. lựa chọn tiêu thụ các mặt hàng có sẵn trên dây chuyền sản xuất có hiệu quả cao hơn hoặc tương đương như xuất khẩu.

Với ngành May, tập trung tuyển đủ lao động cho các nhà máy may theo kế hoạch; cải tiến bộ máy tổ chức SXKD; các nhà máy có biện pháp nâng cao năng suất lao động, kiểm soát chất lượng đầu ra, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả SXKD.

Với ngành Vải, ngành Khăn cần tìm kiếm thị trường xuất khẩu và khách hàng mới…

Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm của Hanosimex, thay mặt CQĐH, đồng chí Phạm Văn Tân – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đã chỉ rõ mặt cải thiện nổi bật về biên lợi nhuận và tiết giảm chi phí sợi, là đơn vị tiên phong chuyển đổi số ngành sợi với kết quả giai đoạn 1 rất khả quan, nhưng đồng thời cũng cho thấy còn nhiều thụ động trong ngành May, ngành Khăn.

Kết luận buổi làm việc với Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội, đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá cao kết quả tăng trưởng của ngành sợi Hanosimex trong đó có tác dụng quan trọng của quản trị năng suất và chất lượng. Phát huy được thế mạnh truyền thống của Tổng Công ty. Đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế chủ yếu trong ngành May, thiếu bền vững và kết quả thực hiện thấp so với các doanh nghiệp trong Tập đoàn.

Đồng chí Bí thư yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, Tổng Công ty tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động trên cơ sở các Nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ Tập đoàn. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo phải xuyên suốt từ đảng bộ đến từng chi bộ, cán bộ đảng viên và người lao động để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác và hoạt động SXKD…

Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường nhấn mạnh: Tổng Công ty cần tập trung toàn lực tối đa hóa ngành Sợi, duy trì mục tiêu đến hết năm 2021 lợi nhuận của ngành Sợi đủ bù đắp toàn bộ số lỗ lũy kế của 2 năm 2019, 2020. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành Hanosimex tập trung nguồn lực cho ngành May, phấn đấu khắc phục hết các bất lợi của 6 tháng đầu năm. Có phương án chuẩn bị sẵn sàng phương án sản xuất kinh doanh để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả ở địa bàn Nghệ An và Hà Nam. Hanosimex cũng cần chú trọng xây dựng hình ảnh doanh nghiệp phát triển, có tiềm lực về sản xuất kinh doanh, thị trường để thu hút lao động.

Giang Nguyễn


Các tin khác