Khơi dậy khát vọng “khởi nghiệp” cho sinh viên ngành Dệt May


Khởi nghiệp không phải là con đường trải sẵn hoa hồng, nhưng chắc chắn sẽ là “trái ngọt” nếu như các bạn sinh viên tìm được con đường để đi và thành công đưa những ý tưởng khởi nghiệp vào cuộc sống. Với sinh viên dệt may, khơi gợi những khát vọng khởi nghiệp chính là một trong hoạt động thiết thực được Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức nhằm hun đúc và xây dựng những “start up” trong tương lai.

Cải thiện thể chế, xây dựng môi trường cho sinh viên khởi nghiệp

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên mọi mặt. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2021 cả nước có hơn 116 nghìn DN mới đăng ký thành lập, điều này đã chứng minh môi trường kinh doanh đã thông thoáng về thể chế và cơ chế hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc phát triển về công nghệ đã giúp sinh viên các trường đại học, cao đẳng có cơ hội tiếp cận công nghệ tốt hơn, bắt kịp xu thế các xu thế mới của thế giới.

Thực tế, với nhóm người trẻ tuổi, sự nhanh nhạy trong việc thích ứng, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển tư duy sáng tạo là một trong những “điểm mạnh” khi so với các nhóm tuổi khác. Tại nhiều nước trên thế giới, phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên là một trong những xu hướng phát triển kinh tế – xã hội được toàn xã hội quan tâm, cũng như nhận được nhiều cơ chế từ Chính phủ.

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2017, Chính phủ đã đưa ra Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì thực hiện. Kể từ khi có Đề án 1665, các phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã được lan rộng tạo ra một sân chơi dành cho các bạn sinh viên trên toàn quốc. Trong đó, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV Startup) được Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm là cuộc thi có quy mô quốc gia, quy tụ hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp mỗi năm.

Phát biểu khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ IV diễn ra vào cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội”

Nơi nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp

Với vai trò là cơ sở giáo dục đào tạo thực nghiệm chuyên sâu về ngành Dệt May, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) hàng năm đã đào tạo ra những lứa cử nhân, kỹ sư kỹ thuật có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Dệt May trong nước. Mới đây, HTU còn phối hợp với Học viện ERC – đại học từ thực tế hàng đầu Singapore tổ chức thành công cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” bằng tiếng Anh. Đây không chỉ là một hoạt động thiết thực dành cho các sinh viên trường HTU, cuộc thi “còn khơi dậy thêm những khát vọng và ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên. Điều này được minh chứng qua chất lượng các dự án, cũng như tính khả thi của các dự án trong tương lai.

Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng HTU cho biết: “Câu chuyện về khởi nghiệp sinh viên đang là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là sinh viên đại học. Theo quan điểm của tôi, khởi nghiệp có nghĩa là tự mình làm chủ việc kinh doanh, có thể tạo công ăn việc làm cho người khác. Khởi nghiệp không nhất thiết là phải mở công ty, xí nghiệp sản xuất; đã có rất nhiều sinh viên thử sức mình với việc khởi nghiệp từ các vị trí như chủ nhà hàng, chủ cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang hay kinh doanh các mặt hàng thủ công… Tuy nhiên, thực tế cho thấy khởi nghiệp là vấn đề khó, không phải sinh viên nào, ý tưởng nào cũng có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công”.

Nhận định về khởi nghiệp trong sinh viên ngành Dệt May, Hiệu trưởng HTU cho rằng sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp dành cho sinh viên trong ngành, nhất là đối với các sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo theo định hướng ứng dụng, thời lượng sinh viên thực tập, làm việc tại doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong tổng thời lượng chương trình đào tạo. Đây là một lợi thế rất lớn, giúp SV ngành Dệt may tiếp cận được với thực tế, nắm bắt nhu cầu thị trường, hình thành ý tưởng kinh doanh và rút ra được bài học quý báu trong quản lý kinh doanh từ cách quản lý của các doanh nghiệp.

“Mặc dù vậy, theo nhiều số liệu thống kê, khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi sinh viên phải có lòng đam mê, kiên trì và vượt khó đến cùng. Khởi nghiệp chưa từng và sẽ không bao giờ là giấc mơ “màu hồng” về những CEO thành công và các công ty triệu đô. Quá trình khởi nghiệp thường rất khó khăn, nhiều người bỏ cuộc giữa chừng và chỉ có ai thực sự đam mê, kiên trì mới có thể theo đuổi đến cùng. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ dự án khởi nghiệp thành công chỉ 3% – 5%, điều đó có nghĩa rằng 100 dự án khởi nghiệp được triển khai trong thực tế thì chỉ có 3-5 dự án tồn tại và tăng trưởng. Một số khó khăn mà sinh viên dệt may gặp phải khi khởi nghiệp có thể kể đến như: Thiếu kiến thức về khởi nghiệp; Thiếu vốn đầu tư; Thiếu kinh nghiệm quản lý; Khả năng giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng còn hạn chế; Hạn chế trong việc cân đối tài chính, tính toán dòng tiền…” TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.

Là những đội thi đạt giải trong đêm chung kết “Ý tưởng khởi nghiệp” bằng tiếng Anh của HTU, bạn Đỗ Thị Thu Hoài – Khoa Kinh tế với ý tưởng xây dựng app và thương hiệu thời trang dành cho người ngoại cỡ cũng thẳng thắn bày tỏ, khó khăn lớn nhất của các em trong cuộc thi đó chính là việc xây dựng và lập đề án chi tiết. Mặc dù được ban giám khảo đánh giá cao về ý tưởng, tuy nhiên vấn đề về hoạch định về tài chính, marketing… các em vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô trong khoa để hoàn thiện ý tưởng.

Cũng giống với Hoài, bạn Phạm Thị Thu Trang – Sinh viên khoa Công nghệ May với ý tưởng xây dựng trung tâm đào tạo, thiết kế và bán các sản phẩm đồ lót cũng bị hạn chế trong vấn đề lập kế hoạch tài chính để thực hiện hóa ý tưởng. Cùng chung suy nghĩ, Hoài và Trang cho biết các em sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, đồng thời sẽ dành thời gian để tích lũy kinh nghiệm tại doanh nghiệp, khi có đủ tiềm lực về kinh tế và kinh nghiệm những ý tưởng khởi nghiệp sẽ được các em bắt tay thực hiện.

Là cựu sinh viên của HTU, ông Vũ Đức Việt – người sáng lập Công ty TNHH May XK Đông Thọ và Công ty Cổ phần Golf Toàn cầu (chủ thương hiệu thời trang Noressy) cho biết, để có được thành công như hiện nay, ông đã phải trải qua thời gian tương đối gian nan, với nhà xưởng ban đầu chỉ khoảng 50 người. Tuy nhiên, lãnh đạo May XK Đông Thọ cũng phải thừa nhận việc tích lũy kinh nghiệm các đơn vị trong ngành dệt may đã giúp cho ông có nền tảng về quản trị vững chắc khi bắt tay vào khởi nghiệp. Nhưng để có được thành công, ngoài nền tảng quản trị, May XK Đông Thọ thời gian đầu còn gặp khó khăn về nguồn vốn, công tác tổ chức và hoạch định chiến lược. Để giải quyết vấn đề này, công ty không chỉ từng bước xây dựng bộ máy quản trị bài bản hơn mà quan trọng nhất là niềm tin đối với NLĐ. Từ một phân xưởng có khoảng 50 người, đến nay May XK Đông Thọ đã có hơn 2000 lao động, chuyên sản xuất hàng quần Golf xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với sản lượng 2.5 triệu sản phẩm/năm. Đồng thời thương hiệu thời trang Noressy cũng là một thương hiệu nội địa top đầu về lĩnh vực thời trang cho môn thể thao golf với hơn 100 cửa hàng và đại lý trên toàn quốc.

Nhắn nhủ tới sinh viên có ý định khởi nghiệp, ông Việt nhấn mạnh yếu tố “quyết tâm” khi vấp ngã, đồng thời các bạn cũng cần phải có nền tảng và kiến thức cơ bản về quan trị doanh nghiệp cũng như ngành nghề kinh doanh. “Mọi sự thành công đều phải trải qua khó khăn và những người thành công là những người vượt qua được những khó khăn ấy. Không có sự khởi nghiệp nào là dễ, nhưng sẽ không khó nếu như có sự chuẩn bị tốt từ nền tảng kiến thức cùng sự quyết tâm, và quan trọng nhất chính là sự uy tín – uy tín ngay với chính bản thân mình”- ông Việt nhấn mạnh.

Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, khởi nghiệp là một quá trình chuẩn bị và sinh viên không nên khởi nghiệp theo phong trào. Để có thể khởi nghiệp thành công, Hiệu trưởng HTU nhận định:

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần có một cái nhìn đúng đắn về khởi nghiệp, khởi nghiệp không phải là một con đường trải thảm hoa hồng, mà là con đường gian nan, vất vả, đầy thử thách, từ đó rèn luyện cho mình một ý chí, một tinh thần chiến binh trên thương trường, dám làm dám chịu, dám chấp nhận rủi ro hay nói cách khác là tinh thần khởi nghiệp.

Sinh viên phải tự đánh giá bản thân mình với tư cách là chủ doanh nghiệp để tự trả lời câu hỏi: “có hoài bão khởi nghiệp hay không? có nên khởi nghiệp hay không? có phù hợp để khởi nghiệp không?”

Để ý tưởng khởi nghiệp triển khai thành công trong thực tế thì ý tưởng khởi nghiệp không phải xuất phát từ việc sinh viên bán sản phẩm gì? Mà cần phải quan sát những vấn đề xung quanh để xác định vấn đề đang tồn tại trong xã hội, tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề đang tồn tại đó chính là ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất.

Sinh viên cần học cách quản lý tài chính, kiếm tiền đã khó nhưng tiêu tiền hợp lý càng khó hơn. Đồng thời, phải dần dần tìm cách tự chủ về tài chính, học cách tự lo cho bản thân, không phụ thuộc vào tiền chu cấp hàng tháng của gia đình.

Cùng với đó, sinh viên cần trang bị cho mình nhiều loại vốn chẳng hạn:

Vốn nhân lực: bao gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn.

Vốn đầu tư: bất cứ hoạt động khởi nghiệp nào cũng cần phải có tiền, vốn có thể là tự có, đi vay bạn bè, bố mẹ, nhà đầu tư…

Vốn thương trường hay nói cách khác phải am hiểu, nhạy bén nắm bắt cơ hội của thị trường, người Việt chúng ta có câu: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Vốn xã hội: khả năng giao tiếp, ứng xử với các bên liên quan.

Bài Quang Nam

 


Các tin khác