Đón đọc Tạp chí Dệt may và Thời trang số tháng 9/2021


Tạp chí Dệt may và Thời trang số 394 phát hành trung tuần tháng 9/2021 đăng tải nhiều bài nghiên cứu, phân tích, bình luận chuyên sâu về tình hình kinh tế Việt Nam 8 tháng và dự báo 4 tháng cuối năm 2021, việc thực hiện “3 tại chỗ” của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn và sự hồi phục của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ.

Mở đầu Tạp chí số tháng 9/2021 là bài viết về đoàn cán bộ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam do ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT và ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT dẫn đầu tham gia cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam do Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Tại chuyến đi, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ với các đối tác tại châu Âu.

Dịch Covid-19 bùng phát đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động trong việc trong việc tổ chức lao động, sản xuất. Trong bối cảnh ấy, “3 tại chỗ” là giải pháp tình thế nhưng đang đem lại những hiệu quả nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự đồng lòng của người lao động. Doanh nghiệp đã thật sự trở thành “ngôi nhà thứ 2” giúp người lao động vững tâm ở lại làm việc.

Tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 cho thấy đại dịch Covid-19 đã “ngấm sâu” vào tất cả các ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ … Vậy trong 4 tháng còn lại của năm doanh nghiệp trong ngành sẽ còn phải đối mặt với những áp lực nào?

Trong sự tấn công của đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị phá vỡ hầu hết các liên kết vận chuyển và cơ chế phân phối giữa các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất và khách hàng. Giải pháp nào cho mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, những thách thức về quản lý sản xuất, vận hành, các chiến lược, chính sách để phục hồi tính bền vững của hệ thống? Thông tin được đăng tải rõ nét trên Tạp chí số này.

Kết quả đánh giá thống kê thương mại thế giới mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy, Việt Nam vượt Bangladesh thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới với trị giá 29 tỷ USD trong năm 2020. Chính vì vậy, các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh đã có những hành động gì để lấy lại thị phần? Trong Tạp chí số này, chúng tôi sẽ điểm lại những chính sách hỗ trợ trọng yếu có tác động tích cực đến sự phục hồi của ngành Dệt May Ấn Độ, Bangladesh.

Tạp chí số tháng 9 còn có các bài viết phân tích về: “Chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may” của TS. Hoàng  Xuân Hiệp- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; “Áp dụng công nghệ số vào chuỗi cung cấp sản xuất may mặc như thế nào?”; Chuyên mục Thời trang và Cuộc sống gửi đến bạn đọc truyện ngắn “Táo xanh” của nhà văn Kiều Bích Hậu, “Sự trở lại của những show diễn hoàn mỹ”…

Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Tạp chí in và qua đường link: https://vinatex.com.vn/tap-chi-det-may-va-thoi-trang-viet-nam

Mọi chi tiết xin liên hệ: Tạp chí Dệt may và Thời trang – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Thông tin- Truyền thông: 024.38251252; Email: giangntk@vinatex.com.vn.

BBT


Các tin khác