Đón cơ hội quay trở lại trong năm con Rồng


Bức tranh kinh doanh toàn thị trường năm 2024 được dự báo tiếp tục phục hồi từ nền thấp năm 2023. Doanh nghiệp dệt may nói chung và doanh nghiệp trong Vinatex nói riêng đã trải qua một năm “chênh vênh”, cố gắng bảo toàn mọi nguồn lực để tích lũy năng lượng, năng lực mới đón cơ hội quay trở lại, đồng thời định vị bước tiến mới trong năm con Rồng.

Dưới đây là nhận định của những cán bộ quản lý, lãnh đạo đã từng gắn bó với dệt may và những “thủ lĩnh” đang nỗ lực cùng doanh nghiệp bước vào năm 2024:

*Ông Lê Huy Côn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp: Doanh nghiệp bắt nhịp với đầu tư công nghệ, tự động hóa, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hồi tháng 9/2023 đã xác định Việt – Mỹ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây là cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa, trong đó có sản phẩm dệt may. Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng may mặc, gia dụng. Mỹ lâu nay là thị trường lớn, quan trọng với ngành công nghiệp dệt may nước ta. Mức độ tiêu dùng của thị trường Mỹ rất lớn. Để tăng thị phần ở thị trường này, theo tôi, các DN dệt may cần đầu tư công nghệ, thiết bị, tự động hóa, chủ động khai thác thị trường để bắt nhịp được với yêu cầu cao của khách hàng.

Trong quá trình vận động, phát triển thì cần có những bước đi. Ví dụ, giai đoạn doanh nghiệp của Việt Nam làm gia công nhiều thì rất phù hợp với trình độ và năng lực của doanh nghiệp và người lao động hiện nay. Thế nhưng trong xu thế cạnh tranh hiện nay và trong khoảng 10 năm nữa, lợi thế nhân công không còn, DN buộc phải bắt nhịp với đầu tư công nghệ, tự động hóa, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và sản xuất tuần hoàn bền vững là con đường tất yếu. Vinatex đang phấn đấu “Trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang cho khách hàng doanh nghiệp. Từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu” rất phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Đã từng gắn bó và đồng hành với sự phát triển của ngành dệt may, tôi tin tưởng vào sự phát triển bền vững của ngành dệt may cũng như của Vinatex trong thời gian tới.

*Ông Lê Quốc Ân- nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Vitas: Có lửa để thử vàng, gian nan để thử sức giúp tái cơ cấu doanh nghiệp thành công

Thị trường vận động theo quy luật phát triển, có lên, có xuống, lúc thăng, lúc trầm. Ngành dệt may cũng vậy, không thể năm nào cũng tăng trưởng và tăng từ 10 đến 15%. Nếu tính bình quân xuất khẩu từ năm 2003 đến 2022, mức độ tăng trưởng của ngành dệt may là 15%/ năm. Đây là con số tuyệt vời, đó là sự nỗ lực của cả một tập thể, từ ban lãnh đạo đến người lao động. Năm 2023 với quá nhiều khó khăn nên tăng trưởng giảm, đây là điều bình thường và cần chấp nhận. Ngành Dệt May Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế phát triển, các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu có nhiều tiềm năng để khai thác. Thực tế, dù thị trường có giảm, khó khăn, nhưng doanh nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, năng lực bền vững thì vẫn có đơn hàng, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Đây là cơ hội, có lửa để thử vàng, gian nan để thử sức giúp chúng ta tái cơ cấu doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng có truyền thống đoàn kết, truyền thống này rất đáng quý, là yếu tố để mỗi thành viên hỗ trợ cùng giúp nhau vượt qua rất nhiều gian khó và có vị thế như ngày hôm nay. Đầu Xuân mới, xin chúc các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, thế hệ trẻ của Vinatex tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vận dụng trí tuệ xây dựng Vinatex phát triển mạnh và bền vững.

*Bà Dương Minh Ánh Lan- nguyên Thành viên HĐQT Vinatex: Vinatex phát huy truyền thống đoàn kết, trung hậu để chăm lo và giữ chân người lao động

Nhìn lại năm 2023 là năm khó khăn của ngành dệt may nói chung, qua theo dõi những thông tin của ngành, tôi thấy đây là điều các nhà lãnh đạo đã dự báo trước từ cuối năm 2022, trong môi trường chung, thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, nhu cầu của con người về thời trang, quần áo giảm mạnh.

Đọc báo, cập nhật thông tin của ngành, thấy nhiều DN phải sa thải lao động, thương nhất là những người lao động của ngành dệt may bị thất nghiệp, phải đi tìm kiếm việc làm mới. Họ chuyên nối chỉ, may, cắt vải… trong nhiều năm mà giờ tìm việc khác sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng thật đáng mừng khi trong bối cảnh chung nhiều khó khăn, doanh nghiệp, đơn vị thành viên của Vinatex trong năm 2023 không có đơn vị nào sa thải và cho lao động nghỉ việc như một số DN khác.

Vấn đề lao động của ngành dệt may ngày nay đã có những đòi hỏi mới. So với thời kỳ đầu Vinatex mới thành lập, đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao hơn, nhất là nguồn nhân lực trẻ, cùng với đó DN đã đầu tư công nghệ hiện đại, số hóa. Vẫn theo dõi tin tức về dệt may, về Vinatex, tôi nghĩ rằng đây sẽ là những yếu tố quan trọng để vượt qua khó khăn do biến động của thị trường. Tôi cũng mong DN dệt may phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, trung hậu có những chính sách phù hợp để chăm lo, giữ chân người lao động và đầu tư nhiều hơn vào trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu phát triển sản phẩm đặc thù.

*Ông Đặng Vũ Hùng- Thành viên HĐQT Vinatex: Xây dựng giải pháp phù hợp, phát huy thế mạnh trong đa dạng hóa sản phẩm dệt kim

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023, 2024, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn. Khi các hiệp định vào cuộc thì vai trò chuỗi cung ứng rất quan trọng. Khách hàng sẽ tìm tới những nhà cung ứng khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may.

Hiện nay, thị trường đang ấm dần, nhiều Tập đoàn bán lẻ trong khối thực hiện hiệp định thương mại như Canada, Úc, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam. Họ tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh ở thị trường châu Âu, thị trường CPTPP.

Việc Tập đoàn thành lập Ban SXKD May gánh vác trọng trách dẫn hướng được thị trường, nhằm thực hiện được chiến lược Một điểm đến trọn gói, đặc biệt về dệt kim. Chiến lược của Tập đoàn sẽ có bước phát triển hơn qua sự liên kết của các Ban SXKD May, Sợi, Vải, đồng thời khi DN nắm bắt được thị trường, thị hiếu của khách hàng. Chúng ta cần linh hoạt, có tầm nhìn dài hạn để đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng. Trong đó, mảng dệt kim xây dựng chuỗi cung ứng cụ thể, đi vào cụ thể hóa từng dòng sản phẩm, từng thị trường mục tiêu, đa dạng hóa mặt hàng, xây dựng giải pháp phát triển phù hợp và phát huy được năng lực của đội ngũ cho từng thị trường, hoạch định.

*Ông Trần Hữu Phong- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng: Xây dựng nguồn dữ liệu giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro đến từ nền kinh tế

Khác với những giai đoạn trước, ngành dệt may đang có những bước chuyển mình và hòa nhịp sâu rộng với toàn bộ sự phát triển kinh tế chính trị mang tính toàn cầu. Theo đó, môi trường dệt may trở nên rất nhạy cảm và linh hoạt với bất kỳ sự biến chuyển thay đổi nào đến từ các yếu tố của nền kinh tế, chính trị thế giới. Do vậy quan điểm quản trị và điều hành các công ty sợi hiện nay cũng phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới.

Nếu như trước đây, với môi trường kinh doanh mang tính ổn định cao theo những chu kỳ ổn định kéo dài, DN ngành sợi tập trung vào công tác quản trị nhà máy- yếu tố đem lại hiệu quả cho ngành thì trong bối cảnh hiện nay, cơ chế quản trị này đòi hỏi phải có sự chuyển đổi. Với sự thay đổi liên tục, bất thường, các chu kỳ ổn định ngày càng rút ngắn, các yếu tố của ngành liên tục thay đổi và bị tác động bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó thấy rõ nhất là yếu tố nguyên liệu (chi phối 70-80% hiệu quả của ngành) thì ngoài việc thiết lập được hệ thống quản trị nhà máy tốt, việc thu mua nguyên liệu cũng hết sức quan trọng và cần thiết quyết định hiệu quả của ngành sợi trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã nhìn ra và đón đầu được những sự thay đổi này nên trong những năm trở lại đây đã chú trọng vào công tác dự báo thị trường làm cơ sở đưa ra các nhận định, định hướng để các đơn vị thành viên làm cơ sở để thực hiện các quyết định mua nguyên liệu phù hợp với nhu cầu và đặc thù của đơn vị mình.

Nhận thức được những biến đổi đó, Vinatex Phú Hưng cũng kịp thời điều chỉnh tư duy, nhận thức và hành động, đó là thành lập thêm phòng marketing – bộ phận chức năng chuyên trách tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong việc đánh giá các xu hướng của thị trường, thị trường nguyên liệu, thị trường sợi, nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới. Qua đó, Công ty có thêm cơ sở thông tin, dữ liệu giúp cho việc ra các quyết định mua phù hợp đem lại hiệu quả cũng như giảm thiểu tối đa những rủi ro đến từ nền kinh tế do đánh giá và nhận định tình hình thị trường không chính xác.

Chúng tôi mong rằng Tập đoàn sẽ mở chương trình đào tạo ngắn hạn chuyên về phân tích thị trường bông xơ sợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác này để đảm bảo dự báo có cơ sở khoa học, tham mưu cho DN phương án chốt đơn hàng về nguyên liệu tốt nhất, bán hàng tốt nhất. Bên cạnh đó, qua đào tạo, đơn vị sợi dần tiếp cận công tác thị trường theo phương pháp mới Marketing H2H – tiếp thị giữa con người với con người (Human-to-human) để đội ngũ bán hàng hiểu và ứng dụng vào thực tế.

Hy vọng năm 2024 sẽ có sự chuyển động tích cực của thị trường. Sợi đã bắt đầu có đơn hàng mới, hy vọng giảm lỗ và có lãi từ Quý 2, 3. Tâm thế của chúng ta hiện không phải là đối phó khó khăn mà là nắm thời cơ, chớp cơ hội để có hiệu quả cao nhất. Chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất. Tiếp tục tiết kiệm và đảm bảo chi phí sản xuất tốt nhất, có hiệu quả sớm nhất.

Hiện nay, ngành Dệt May Việt Nam đang rơi vào tình trạng nút thắt cổ chai, đây là yếu tố hạn chế rất nhiều sự phát triển bền vững của ngành cũng như tối ưu hóa giá trị gia tăng cho ngành. Do đó, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chiến lược một điểm đến cung cấp trọn gói giải pháp dệt may Xanh của Vinatex là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển dài hạn. Với chiến lược này, Tập đoàn sẽ tập hợp được sức mạnh của các đơn vị thành viên, khai thác các điểm mạnh cũng như khắc phục những mặt hạn chế khi hoạt động riêng rẽ như hiện nay, từ đó có thể cung cấp một hệ thống sản phẩm tin cậy, chất lượng, giá cả hợp lý cho các khách hàng và quan trọng là giải quyết bài toán của khách hàng là mong muốn có một sản phẩm trọn gói, đảm bảo tiến độ dịch vụ tốt hơn, quy mô đáp ứng, tính liên kết đảm bảo sản phẩm được xuyên suốt qua các công đoạn.

* Ông Bùi Văn Tiến- Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến: Lỗ chỉ là tạm thời, doanh nghiệp chấp nhận lùi 1 bước để sau bước 3 bước phục hồi

Năm 2023, thị trường không ủng hộ cho dệt may, cả trong xuất khẩu và thị trường nội địa. Tổng Công ty May Việt Tiến, với sản xuất May là chủ lực, không thoát khỏi bối cảnh khó khăn chung. Hiện Tổng Công ty có hệ sinh thái khoảng 31 nghìn người, sau 3-4 năm gần đây, sụt giảm mất trên 20% lao động. Với hệ sinh thái này, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải thực sự dũng cảm khi điều hành để duy trì sản xuất, đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động. Mấy năm khó khăn, Việt Tiến lựa chọn con đường “thở nhẹ”, có vốn nhưng chưa dám đầu tư và triển khai dự án mới.

Trong khó khăn, chúng ta cần quản trị lại chi phí. Hiện nay, chi phí tiền lương của Việt Tiến bình quân 11,5 triệu đồng/người/tháng mà vẫn thiếu công nhân. Với truyền thống văn hóa nhân văn, trong khó khăn, DN chấp nhận hy sinh lợi nhuận để cân bằng tiêu chí: ưu tiên quyền lợi người lao động lên trên hết, tiếp đến là cổ đông. Đồng thời cũng cần quản trị lại thị trường nội địa, xuất khẩu khó khăn thì nội địa càng khó hơn nhiều. Doanh nghiệp phải triển khai chính sách giảm giá mạnh, có khi giảm tới 80% để giải quyết bài toán tồn kho.

Doanh nghiệp biết lỗ vẫn duy trì nhà máy sản xuất, tạo nền tảng sản xuất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Chúng tôi nhận định, lỗ là tạm thời, DN chấp nhận lùi 1 bước để sau bước 3 bước phục hồi. Trong khó khăn thì câu chuyện đoàn kết, liên kết chuỗi hỗ trợ lẫn nhau rất quan trọng. Việt Tiến cũng đặc biệt quan tâm đến việc tìm con đường giá trị gia tăng, tạo sản phẩm mới ấn tượng, như sản phẩm vải chống cháy Tập đoàn đang nghiên cứu…

*Ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên- CTCP Doanh nghiệp tập trung mạnh vào tăng năng suất lao động

Doanh nghiệp bước vào năm 2024 vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tranh chấp khu vực, chiến tranh, lạm phát… ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, cùng với xu hướng tuần hoàn diễn ra mạnh mẽ, người tiêu dùng chọn đi thuê thay vì mua sắm quần áo, nên để tăng 5% cầu thị trường may mặc là không dễ dàng.

Bên cạnh đó, ngành May còn phải cạnh tranh không cân sức khi tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm với mức mất giá của tiền đồng khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có các đối thủ cạnh tranh.  Năm tới, với xu hướng của sản xuất xanh, tuần hoàn, các DN may đang vướng trong khâu đánh giá trước những yêu cầu cao về điều kiện mặt bằng sản xuất, cả về xanh hóa và ứng dụng công nghệ số. Để đáp ứng các tiêu chí này, DN phải đầu tư rất lớn.

Để tăng năng lực cạnh tranh, DN cần quan tâm đến tăng năng suất lao động. May Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị theo chiều sâu, sử dụng thiết bị tự động hóa, số hóa nhiều để sản xuất hàng trị giá cao. Chúng tôi đề nghị với đơn vị có vốn của DN, cho phép các DN phát hành cổ phần ưu đãi 5% cho NLĐ để giữ được đội ngũ lao động cốt cán, gắn bó với DN thông qua cổ phần.

Bài: Giang Nguyễn


Các tin khác