Dệt may suy sụp, cả đất nước Myanmar rúng động


Là trụ cột của ngành kinh tế, ngành dệt may Myanmar đang chịu nhiều sức ép khi chi phí tăng cao và tìm kiếm các hợp đồng mới ngày càng khó khăn hơn. Số nhà máy đóng cửa đến 40% vì các nguyên nhân khác nhau. Tại một số hãng may, công nhân bỏ việc để tìm việc ở nước ngoài lên đến 60-70%. Nhưng ngay cả khi đã ra nước ngoài, lao động Myanmar cũng bị các sắc thuế mới đè nặng.

Công nhân xưởng may ở Yangon. Giá nhân công rẻ từng thu hút các tập đoàn thời trang phương Tây đến Myanmar triến biến cố đảo chính tháng 2-2021. Ảnh: Reuters

Vật vã để tồn tại

Ngành may mặc sử dụng khoảng 700.000 lao động tại Myanmar. Hơn phân nửa nhà máy may mặc tại Myanmar thuộc sở hữu Trung Quốc. Dệt may Myanmar mang lại hơn 5,3 tỉ đô la giá trị xuất khẩu trong năm ngoái, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 18 tỉ đô la của nước này. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) xuất khẩu hàng may mặc Myanmar tăng lên mức kỷ lục trong hai năm 2022 và 2023 nhờ vào tiền lương thấp và đồng nội tệ kyat suy yếu.

Sản phẩm may mặc Myanmar có khả năng cạnh tranh cao về giá. Các thương hiệu may mặc toàn cầu thường cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tại Myanmar. Do đó, sự mất giá của đồng nội tệ không ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí nhập khẩu của các nhà sản xuất, nhưng lại là thế mạnh trong giá nhân công.

Cuộc đảo chính quân sự đầu tháng 12-2021 khiến kinh tế Myamar suy sụp, do phương Tây cấm vận và nhà đầu tư nước ngoài rút lui. Bối cảnh địa chính trị thế giới cũng tác động mạnh đến ngành dệt may Myanmar. Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar (MGMA) nói 298 nhà máy thành viên đã ngừng hoạt động tính đến tháng 12-2023, tăng 52 nhà máy nhà máy so với một năm trước đó. Tỷ lệ các nhà máy hội viên MGMA đóng cửa tăng từ 31% cuối năm 2022 lên 36% trong năm ngoái.

Các nhà máy may mặc còn lại đang phải vật lộn để tồn tại. Một quan chức MGMA phụ trách quan hệ lao động nói rằng tình trạng thiếu lao động đang diễn ra khắp ngành may nước này trong nửa cuối năm 2023. Lý do là công nhân chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn hoặc tìm đường đi xuất khẩu lao động.

Thị trường việc làm Myanmar có nhiều xáo động. Hồi tháng 10-2023, chính phủ đã buộc các các hãng may phải trả trợ cấp đặc biệt bên cạnh nâng mức lương tối thiểu lên 5.800 kyat (2,76 đô la) mỗi ngày, tăng 20%. Trong khi đó giá gạo đã tăng gấp ba lần từ năm 2018 đến nay và người lao động không cảm thấy tác động của quyết sách này.

Các nhà máy vừa và nhỏ phải đối mặt với quỹ lương cao hơn, nguồn cung bị gián đoạt do xung đột vũ trang và chi phí nhiên liệu để chạy máy phát điện cao hơn. Ngoài ra, H&M, Zara và các thương hiệu toàn cầu khác đang đánh giá lại hoạt động kinh doanh với Myanmar, dẫn đến đơn đặt hàng giảm.

Nhưng nhìn từ một góc độ khác, các áp lực bên ngoài này như đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về nguyên vật liệu, nơi làm việc… có thể là cơ hội để ngành may mặc thay đổi, xóa bỏ cách thức quản lý kém và lạc hậu. Khả năng cạnh tranh về giá nhân công rẻ của Myanmar vẫn là yếu tố hấp dẫn với nhiều thương hiệu nước ngoài.

Chính phủ tìm nguồn thu mới từ xuất khẩu lao động

Dệt may sup sụp, nhà đầu tư quốc tế rút lui, dầu khí vốn mang lại 3-4 tỉ đô la xuất khẩu mỗi năm cũng đang bị phương Tây tấy chay… Myanmar đã tìm ra phương thức bổ sung cho nguồn ngoại tệ cạn kiệt là đánh thuế công dân Myanmar đang đổ ra nước ngoài tìm việc.

Từ tháng 6-2023, chính phủ khuyến khích người dân đi làm việc ở nước ngoài như giải pháp cho tình trạng thất nghiệp gia tăng và thiếu ngoại tệ của đất nước. Các công ty nhân sự bị dọa rút giấy phép nếu không đạt hạn ngạch (quota) đưa lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài. Chiến sự gia tăng giữa lực lượng chính phủ và các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang cũng thúc đẩy người lao động trẻ rời đất nước. Một số công ty may mặc nói 60-70% công nhân nghỉ việc để ra nước ngoài làm việc.

Kể từ giữa tháng 12-2023, đại sứ quán Myanmar tại các nước châu Á có lao động Myanmar làm việc đã công bố một loạt quy định thuế mới đối với công dân sống và làm việc các nước này. Về cơ bản, công dân Myanmar sẽ phải trả ít nhất 2% tính trên lương. Mức thuế này có thể lên đến 25% tùy theo khung lương. Thêm vào đó, người lao động còn phải trả 10% trên tổng thu nhập có được từ các nguồn khác nhau.

Đây là nguồn ngoại tệ mới khá lớn đối với Myanmar. Chỉ riêng tại đất nước Thái Lan láng giềng, có tới 2 triệu người có giấy tờ làm việc hợp pháp tại đây. Theo ước tính của hãng tin độc lập Irrawaddy, mỗi tháng chính quyền Myanmar có thể thu ít nhất được 300 triệu baht (8,6 triệu đô la) từ người Myanmar lao động ở Thái Lan.

Tuy nhiên, Myanmar cũng gặp sự phản đối từ các nước. Các cơ quan nhân sự nói rằng một số công ty đã coi việc tuyển dụng nhân công Myanmar là ủng hộ chính phủ quân sự. Cách các nhà đầu tư và các nhà hoạt động nhân quyền nhìn nhận cơ chế thuế mới đã trở thành mối quan tâm chính khi ngày càng nhiều công dân Myanmar tìm kiếm việc làm ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các công ty tuyển dụng cũng lo ngại loại thuế mới sẽ ảnh hưởng đến tài chính của người lao động Myanmar ở nước ngoài. Mitsuru Nishigaki, người đứng đầu một cơ quan nhân sự liên kết với Nhật Bản tại Yangon, cho biết: “Các nơi tuyển dụng đã tham khảo ý kiến ​​của chúng tôi về vấn đề này. Một số công ty đã đóng khoản thuế này cho người lao động”.

Từ tháng 12-2023, Ngân hàng Trung ương Myanmar đã thả nổi tỷ giá đồng kyat, đồng thời nới lỏng kiểm soát với nguồn ngoại tệ doanh nghiệp kiếm được. Tuy vậy, các biện pháp này cũng khó cứu vãn nền kinh tế đang trên bờ vực. Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái toàn cầu,  phương Tây gia tăng cấm vận và tình trạng các công ty Thái và Trung Quốc khuynh loát nền kinh tế Myanmar.

Theo Kinh tế Sài Gòn online


Các tin khác