Công ty CP Dệt lụa Nam Định: Xây dựng lợi thế từ chuỗi cung ứng


Với lợi thế từ chuỗi cung ứng Sợi – Dệt – Nhuộm hoàn chỉnh, Công ty CP Dệt lụa Nam Định (Dệt lụa Nam Định) đã xây dựng các sản phẩm vải cao cấp và được khách hàng tại Nhật Bản đón nhận, trở thành đối tác trong nhiều năm. Thừa hưởng công nghệ và kỹ thuật từ Nhật Bản, Dệt lụa Nam Định đang nỗ lực xây dựng nhiều loại vải mới cho thị trường nội địa để đáp ứng các yêu cầu cao hơn về xuất xứ cho doanh nghiệp may trong nước.

Duy trì và ổn định đơn hàng

Trước những khó khăn chung của thị trường, Dệt lụa Nam Định cũng bị ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Ông Đào Văn Phương – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định cho biết, mặc dù thị trường năm 2022 có rất nhiều khó khăn, nhưng bằng sự linh hoạt trong công tác điều hành, dự kiến năm 2022, doanh thu của công ty vẫn duy trì được như năm 2021 (ước khoảng 450 tỷ đồng), cổ tức dự kiến chia 20%.

Ông Phương cho biết, vì lợi thế sẵn có của Dệt lụa Nam Định là khách hàng truyền thống của Nhật Bản với mặt hàng là vải cao cấp may áo vest, cho nên mặc dù quý IV/2022 dự báo thị trường gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn đảm bảo được việc làm cho người lao động, hiện đơn hàng gần như đã lấp đầy quý I/2023. “Kế hoạch năm 2023 của Dệt lụa Nam Định sẽ là nghiên cứu một số sản phẩm vải mới cho thị trường nội địa bên cạnh các mặt hàng vải đồng phục đang là thế mạnh. Đây là những sản phẩm cao cấp, đa dạng mẫu mã, giá trị cao và có chất lượng tốt… mà trước đây các DN may chỉ có thể nhập ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tập trung vào công tác đầu tư, đổi mới thiết bị, đưa các thiết bị mới vào dây chuyền sản xuất… nhằm hạ giá thành sản phẩm, đưa sản phẩm của Dệt lụa Nam Định có khả năng cạnh tranh với các loại vải nhập khẩu”- Tổng Giám đốc Dệt lụa Nam Định chia sẻ.

Theo lãnh đạo công ty, với tâm thế sẵn sàng ứng biến với các diễn biến của thị trường, đồng thời với lợi thế của thương hiệu Dệt lụa Nam Định trong nhiều năm, Ban lãnh đạo công ty dự kiến phát triển các sản phẩm mới cho thị trường ngách vào năm 2023, đồng thời đầu tư các công nghệ khó, đặc thù… mà hiện nay các DN sản xuất vải “ngại” đầu tư do cản trở về kinh phí và thị trường đầu ra. Ngoài khách hàng truyền thống tại Nhật, Dệt lụa còn liên doanh với một đơn vị tại Nhật Bản, sản xuất các loại vải theo kỹ thuật và công nghệ của đối tác với sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Do đó, trong quá trình mở rộng thị trường tại nội địa, bước đầu Dệt lụa Nam Định đã được Tổng Công ty Đức Giang – CTCP và một số doanh nghiệp may đặt vải sản xuất đồng phục, veston…

Không chỉ duy trì được đơn hàng, mở rộng được sang thị trường nội địa, Dệt lụa Nam Định còn mạnh dạn đầu tư công nghệ để xanh hóa và sản xuất tuần hoàn. Hiện công ty đã đầu tư khoảng 11 tỷ đồng điện áp mái với công suất 1 Mb. Đồng thời, hệ thống xử nước thải của công ty cũng đã được hoàn thiện kể từ khi di dời Nhà máy Nhuộm ra khu công nghiệp, thời gian tới đây Dệt lụa Nam Định sẽ đầu tư mới hệ thống nước thải theo công nghệ RO, tiến tới tái sử dụng lại nguồn nước trong quá trình nhuộm, tiến tới tuần hoàn hệ thống xử lý nước trong khâu nhuộm hoàn tất. Bên cạnh đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải, công ty còn nghiên cứu và đầu tư hệ thống tự động pha hóa chất thuốc nhuộm với công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Điều này không chỉ giúp tối ưu hoạt động sản xuất mà còn giảm lượng nước hóa chất sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu… Với tính toán của công ty khi đưa hệ thống này vào sử dụng đã giảm trên 10% hóa chất nhuộm dư thừa so với quy trình hiện nay. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư hệ thống lò hơi theo công nghệ mới nhằm giảm điện năng. Năm 2022, kinh phí đầu tư chiều sâu của công ty khoảng 40 tỉ đồng.

Xây dựng thương hiệu từ lợi thế chuỗi

Hiện Dệt lụa Nam Định có quy mô 5 nhà máy, với 1 nhà máy kéo sợi công suất 1.000 tấn/năm; 1 nhà máy kéo sợi và pha lông cừu với công suất 800 tấn/năm theo công nghệ với liên doanh nước ngoài; 1 nhà máy dệt; 1 nhà máy nhuộm có hệ thống xử lý nước thải riêng và 1 chi nhánh của công ty tại Hà Nội. Với lợi thế từ hệ thống chuỗi khép kín và thế mạnh sẵn có, ngoài việc phát triển thị trường ngách, công ty còn tiếp tục nghiên cứu và đưa các sản phẩm vải mới như: CVC, CV, vải pha lông cừu, cotton… bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải đồng phục chất lượng cao, điều này không chỉ giúp hệ thống các nhà máy nâng thêm công suất, mà còn đưa Dệt lụa Nam Định vào chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa.

Với việc Trung Quốc áp dụng chính sách “zero covid”, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, các DN may phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng vải, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đã kéo chuỗi cung ứng dịch chuyển sang các quốc gia láng giềng và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi. Tìm ra được “cơ hội” từ trong những thách thức, Dệt lụa Nam Định đã tập trung sản xuất các các mặt hàng vải mẫu, cung cấp và chào mời cơ hội hợp tác với các DN ngành may. Ông Đào Văn Phương hi vọng, trong thời gian tới Dệt lụa Nam Định sẽ có thêm khách hàng mới bởi công ty cam kết về tiến độ giao hàng, bảo hành về chất lượng sản phẩm, chi phí giá bạn cạnh tranh cũng như mẫu mã các sản phẩm ngàng càng đa dạng…

Tuy nhiên, cũng giống như các DN dệt may khác, câu chuyện về nguồn lực lao động cũng là một trong những “nút thắt” mà Dệt lụa Nam Định gặp phải khi quy mô và thị trường ngày càng mở rộng. Tổng Giám đốc Dệt lụa Nam Định bày tỏ công ty đang rất cần có đội ngũ cán bộ quản lý từ cấp trung bên cạnh đội ngũ công nhân kỹ thuật.

Mong muốn của đơn vị trong thời gian tới là được hỗ trợ và tham gia các chương trình đào tạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhằm xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh việc tuyển dụng và đào tạo từ hệ thống các cơ sở giáo dục, công ty còn xây dựng cơ chế “đặt hàng” nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các thế hệ đội ngũ kế cận. Tuy nhiên đó là bài toán dài hạn, trong ngắn hạn với việc thiếu đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung và cao, công ty đã lựa chọn nhân sự nội bộ và tự đào tạo, điều này giúp giải quyết câu chuyện về nhân lực trong ngắn hạn, phù hợp với sự phát triển chung của toàn công ty.

Nhìn nhận được điểm “mạnh” của doanh nghiệp, Dệt lụa Nam Định đã có hướng đi chuyên biệt trong việc xây dựng các sản phẩm “đặc thù” cho các thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản. Đưa chúng tôi đi tham quan Nhà máy Se sợi, Phó Tổng Giám đốc Đào Xuân Nghĩa cho biết hệ thống máy ống dùng cho sản phẩm sợi lông cừu là hệ thống duy nhất được lắp đặt và vận hành tại miền Bắc, phục vụ riêng cho thị trường xuất khẩu. Tới đây, Dệt lụa Nam Định sẽ nâng công suất để đón đầu “làn sóng”, phát huy lợi thế từ chuỗi cung ứng, đưa các sản phẩm dệt may Việt Nam trọn gói tới gần hơn tới khách hàng.

Bài Nam Cao


Các tin khác