Bản tin pháp luật Tháng 06/2020 (Số 114)


  1. NGHỊ ĐỊNH & NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ
  1. Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Theo đó, ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020 – 2024.

Đối tượng áp dụng cho quy định trên bao gồm:

  • Các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.
  • Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.

Ngoài ra, bãi bỏ nội dung về “Quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thực hiện cam kết WTO từ ngày 01/01/2019 trở đi” tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP và các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 125.

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 10/7/2020, trừ quy định tại khoản 3 Điều 2 về thuế suất nhập khẩu ưu đãi với linh kiện ô tô áp dụng từ 01/01/2020.

  1. Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, Điều 49 Luật Việc làm nêu các điều kiện để NLĐ “đang đóng bảo hiểm thất nghiệp” được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Nay, Nghị định 61/2020/NĐ-CP hướng dẫn mới về các trường hợp NLĐ được xác định là đang đóng BHTN bao gồm:

  • NLĐ đã đóng BHTN của tháng chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc của tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV.
  • NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà thuộc 01 trong các trường hợp sau:
  • Nghỉ việc do chế độ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
  • Nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị (hiện hành không có quy định).
  • Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLV từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị.

Tất cả các trường hợp trên phải được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Ngoài ra, Nghị định 61 còn sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nghị định số 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

  1. Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện công nhận kho ngoại quan được quy định tại Điều 10 của Nghị định 68/2016. Đơn cử, điều kiện về diện tích của kho ngoại quan được sửa đổi như sau:

  • Kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không quốc tế hoặc khu vực ga đường sắt liên vận quốc tế phải có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2.
  • Kho ngoại quan chuyên dùng có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m3.
  • Kho ngoại quan nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 4.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2.
  • Kho ngoại quan không thuộc các trường hợp trên phải có diện tích khu đất tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2.

Đối với bãi ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.

Nghị định số 67/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 10/8/2020.

  1. Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, sửa đổi quy định về tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% (theo Nghị định 20/2017 là 20%) của:

Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng với chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Quy định trên không áp dụng đối với các khoản vay của người nộp thuế là:

  • Tổ chức tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng.
  • Tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm.
  • Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
  • Vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại.
  • Các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững).
  • Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.

Nghị định số 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 24/6/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2019.

  1. Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) được điều chỉnh như sau:

  • Mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

Hiện hành mức giảm trừ này là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm).

  • Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Hiện hành mức giảm trừ này là 3,6 triệu đồng/tháng.

Như vậy, quy định mới đã tăng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế thêm 2 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc thêm 800 nghìn đồng/tháng.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.

Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

  1. THÔNG TƯ CỦA CÁC BỘ
  1. Thông tư số 04/2020/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2020 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quy định về đơn giá khoán, quỹ tiền lương thực hiện của Người lao động và Ban Điều hành quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 20/2020/NĐ-CPngày 17/02/2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước.

Theo đó:

  • Quỹ tiền lương thực hiện năm 2020 của công ty được xác định bằng quỹ tiền lương theo đơn giá khoán.
  • Nếu lợi nhuận thực hiện năm 2020 cao hơn so với thực hiện bình quân giai đoạn 2018 – 2019 thì: cứ vượt 1% lợi nhuận, bổ sung tối đa 2% quỹ tiền lương thực hiện, nhưng không quá 20% phần lợi nhuận vượt và không quá 02 tháng tiền lương bình quân.
  • Trường hợp lợi nhuận thực hiện của công ty thấp hơn thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 – 2019 thì phải giảm trừ quỹ tiền lương.
  • Quỹ tiền lương được giảm trừ bằng mức giảm theo tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 – 2019 hoặc giảm trừ theo giá trị tuyệt đối bằng mức chênh lệch giữa lợi nhuận. Mức giảm trừ nói trên trên tối đa không được quá 02 tháng tiền lương bình quân thực hiện của tổng số lao động thực tế sử dụng bình quân năm 2020.

Thông tư số 04/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/7/2020.

  1. Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Cụ thể, hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại.

Bên cạnh đó, lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại.

Cần lưu ý, để được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì tổng trị giá hàng hóa trên không được vượt quá:

  • Thứ nhất, 500 EUR đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1.200 EUR đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Liên minh châu Âu.
  • Thứ hai, 200 USD đối với trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Thông tư số 11/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

  1. Thông tư số 42/2020/TT-BTC ngày 22/5/2020 của Bộ Tài Chính quy định các chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ để thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 46/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.
  • Cụ thể, chỉ tiêu thông tin đăng ký Tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS gồm:
  • Số tham chiếu doanh nghiệp.
  • Tên loại hình hồ sơ khai báo.
  • Mã nước đích của hành trình quá cảnh
  • Mã quốc gia xuất khẩu.
  • Mã địa điểm xếp hàng của doanh nghiệp ưu tiên.
  • Thời gian nộp tờ khai.
  • Cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai.
  • Vị trí, tên địa điểm xếp hàng.
  • Bên cạnh đó, chỉ tiêu về hủy, sửa đổi bổ sung tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS; Đăng ký thông báo hàng đến tại cơ quan hải quan điểm đích thông qua Hệ thống ACTS gồm các chỉ tiêu thông tin sau:
  • Đề nghị hủy (Chọn “đề nghị hủy” trên trường “actions”).
  • Nhập thủ công (Chọn cách thức yêu cầu hủy tờ khai: “nhập thủ công”).
  • Lý do hủy tờ khai.
  • Nộp đề nghị hủy.
  • Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng ban hành các mẫu đăng ký tài khoản người sử dụng; sửa đổi, bổ sung thông tin và hủy thông tin người sử dụng trên Hệ thống ACTS:
  • Mẫu chứng từ in.
  • Mẫu văn bản áp dụng chế độ ưu tiên.
  • Mẫu văn bản đề nghị cung cấp hồ sơ, chứng từ.
  • Mẫu chứng từ bảo lãnh.

Thông tư số 42/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/7/2020.

  1. Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 15/6/2020 của Bộ Tài Chính quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi Virus Corona (Covid-19).

Theo đó, quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ (Nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) đối với hàng hóa nhập khẩu trong giai đoạn dịch covid-19 như sau:

  • Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.
  • Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt:
  • Người khai hải quan phải khai chậm nộp C/O trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
  • Người khai hải quan khai theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) hoặc thông thường và được nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn hiệu lực của chứng từ.
  • Cơ quan hải quan có trách nhiệm hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp.

Thông tư số 47/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23/01/2020, áp dụng cho các tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký từ ngày 23/01/2020.

  1. Thông tư số 61/2020/TT-BTC ngày 15/6/2020 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, nộp phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; Phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy và lệ phí cấp căn cước công dấn.

Kể từ ngày 22/06/2020 đến hết 31/12/2020: Tất cả công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD), chuyển từ CMND sang thẻ CCCD được giảm 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30/6/2019.

Như vậy, mức thu lệ phí khi làm thủ tục cấp, đổi, chuyển thẻ CCCD từ 22/06 đến hết năm 2020 như sau:

  • 15.000 đồng/thẻ CCCD: Công dân chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang cấp thẻ CCCD.
  • 25.000 đồng/thẻ CCCD: Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu.
  • 35.000 đồng/thẻ CCCD: Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Thông tư số 61/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020.


Các tin khác