Xây dựng Việt Thắng trở thành “địa chỉ” tin cậy cho khách hàng và người lao động


 

Trong nhiều năm qua, không chỉ là một trong những đơn vị sản xuất vải dệt thoi hàng đầu tại khu vực phía Nam, Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP (Việt Thắng) còn là một trong những đơn vị điển hình trong phong trào “doanh nghiệp vì người lao động”. Đó là thành quả, sự quyết tâm của Đảng bộ, Cơ quan điều hành, Công đoàn và NLĐ trong việc xây dựng Việt Thắng trở thành cánh chim đầu đàn về sản xuất sợi và vải dệt thoi.

Khởi sắc hoạt động SXKD

Trải qua quý 1/2022 với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Thắng đã cán mốc đạt 25% kế hoạch về doanh thu và 35% kế hoạch về lợi nhuận. Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Nga – Ukraine nổ ra đã khiến cho chuỗi cung ứng của thế giới bất ổn, nay lại thêm mong manh, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt mạch sản xuất đã hiện hữu hơn bao giờ hết. Không chỉ chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng “phi mã”, chi phí logistic, chi phí xăng dầu… leo thang gấp 3 – 4 lần, khiến các đơn vị phải tìm cách xoay sở để thích ứng, trong đó có Việt Thắng.

Theo ông Đậu Phi Quyết – Phó Tổng giám đốc Việt Thắng, với đơn vị sản xuất sợi và vải dệt thoi như Việt Thắng, chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao, trong khí giá bán sợi và vải không tăng khiến cho các DN bị “ăn mòn” về lợi nhuận. Lý giải về điều này, ông Quyết nhận định hiện nhu cầu thế giới về dệt may suy giảm, các sản phẩm mặt hàng dệt thoi có độ kỹ thuật và phức tạp cao ít được người tiêu dùng lựa chọn bởi giá thành cao, nhiều người có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” hoặc lựa chọn các mặt hàng giá thấp. Với nhà sản xuất và các buyer (người mua hàng), họ cũng phải tính các phương án khi nhập giá nguyên liệu đầu vào cao thì các sản phẩm dệt may đưa ra thị trường cũng sẽ khó được người tiêu dùng chấp nhận, do đó đây là thời điểm mà cả nguồn cung và cầu đều khó khăn.

Đồng thời, cấu thành về chi phí sản xuất và giá bán bao gồm chi phí vận chuyển, nên với chi phí vận tải quốc tế ngày càng tăng cao, khó khăn về container cũng đã khiến các DN phải tính toán các phương án để giảm thiểu rủi ro, cũng như xây dựng lại kịch bản sản xuất kinh doanh trong năm 2022.

“Với Việt Thắng, chúng tôi đã có kịch bản cho năm 2022 từ ngay đầu năm. Trong đó, Việt Thắng đã liên hệ các đơn vị cung ứng có khả năng đáp ứng với các tiêu chí Việt Thắng đặt mua để lên các phương án nguyên vật liệu. Do đó, đến thời điểm hiện tại tình hình cung ứng nguồn nguyên phụ liệu của Việt Thắng về cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nguồn phụ tùng, thiết bị vật tư để thay thế máy móc bị ảnh hưởng tương đối lớn. Trước đây, với hàng nhập khẩu từ Châu Âu nhà cung cấp sẽ giao hàng trong 6 đến 8 tuần, nhưng hiện thời gian giao hàng đã tăng lên 12 – 20 tuần. Với tình hình như vậy, Việt Thắng đang phải tìm kiếm các đơn vị có khả năng sản xuất trong nước, tăng thời gian bảo dưỡng định kỳ với các thiết bị phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài để tăng tuổi thọ và thời gian sử dụng nhằm chờ các lô hàng mới. Tuy nhiên, với hệ thống sản xuất đồng bộ, mỗi lô hàng về, Việt Thắng có thể sử dụng cho tất cả các nhà máy trong hệ thống. Do đó, điều này cũng giảm bớt áp lực với một đơn vị sản xuất sợi và dệt, máy móc chạy 24/24 như Việt Thắng”- Phó Tổng Giám đốc Việt Thắng nhấn mạnh.

Thích ứng linh hoạt

Để thích ứng được những bất lợi của thị trường cũng như tình hình chung của thế giới, Việt Thắng đã chủ động cơ cấu lại thị trường, trong đó chuyển sang phát triển thị trường trong nước, nhất là mặt hàng vải dệt thoi khi nguồn cung từ Trung Quốc đang gián đoạn do chính sách Zero Covid từ nước bạn. Bên cạnh đó, với các mặt hàng xuất khẩu, Tổng công ty cũng tiếp tục tìm kiếm và đàm phán các đơn hàng lớn, nguyên container thay vì các đơn hàng nhỏ để giảm chi phí logistic. Theo lý giải của lãnh đạo Tổng công ty, với các đơn hàng nguyên container hoặc nhiều container thì chi phí logistic sẽ có thể giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Thắng cho rằng đó cũng chỉ là “phương án thích ứng tạm thời” để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc tiết kiệm tối đa các chi phí cấu thành trong hoạt động sản xuất, Việt Thắng cũng đang nghiên cứu chuyển đổi mặt hàng để giảm thiểu áp lực tồn kho, cũng như đảm bảo về việc làm cho NLĐ.

Lãnh đạo đơn vị cho biết, mục tiêu dài hạn của Việt Thắng trong thời gian tới chính là tiến tới xanh hóa nhà máy. Để nhà máy “xanh” hơn, Việt Thắng đã đầu tư thay thế toàn bộ bóng đèn huỳnh quang sang bóng đèn led có hiệu suất chiếu sáng tốt hơn, tuổi thọ cao hơn đồng thời cũng tiết kiệm điện năng hơn. Với các nhà máy có nhiều ánh sáng tự nhiên, sẽ được thiết kế vách kính để thu đón nhiều ánh sáng tự nhiên hơn thay vì chiếu đèn. Đồng thời, hiện Việt Thắng cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng 6 Mb điện mặt trời áp mái và sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư 2Mb để giảm chi phí năng lượng – chi phí đầu chiếm phần lớn với các nhà máy sợi và dệt hoạt động 24/24. Ngoài ra, điện áp mái còn giúp giảm nhiệt độ trong nhà máy, tiết kiệm được chi phí quạt hút gió và điều không.

Bên cạnh đó, Việt Thắng cũng đang tập trung nghiên cứu để đưa toàn bộ hệ thống trong Tổng công ty đạt được ngưỡng “low carbon” và tiến tới “zero cacbon”. Để “thực hiện hóa” mục tiêu này, Việt Thắng sẽ đầu tư hệ thống lò hơi tầng sôi tuần hoàn với nguyên liệu đốt biomass, sử dụng các phế phẩm sản xuất trong nước, nhờ đó ít bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch phải nhập khẩu như trước đây, cũng như giảm phát thải carbon tới ngưỡng zero.

Đặt ra nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển và thích ứng linh hoạt trước những diễn biến phức tạp của thị trường, Việt Thắng hiện tập trung phát triển ngành Sợi và ngành Dệt với 2 nhà máy Sợi và 2 nhà máy Dệt, có quy mô khoảng 4 triệu mét vải/tháng. Tự chủ được nguồn vải trong nước, đó cũng là thế mạnh của Việt Thắng đối với ngành May, đồng thời cung ứng được cho các đơn vị trong ngành khi nguồn cung bị ảnh hưởng. Nhưng lãnh đạo đơn vị cũng thẳng thắn nhìn nhận, mẫu mã vải hiện chưa đa dạng nên việc đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng chưa cao. Hiện đơn vị tập trung sản xuất vải cho một số thị trường chiến lược như: Nhật Bản, Mỹ, Anh… với các yêu cầu kỹ thuật khắt khe và khó tính bậc nhất thế giới, bên cạnh 30% đáp ứng cho thị trường trong nước.

Làm những gì tốt nhất cho người lao động

Bà Trần Thị Thanh Phượng – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng cho biết, năm 2021 mặc dù là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam trong nhiều tháng, nhưng Việt Thắng vẫn duy trì trả lương cho gần 1.000 lao động trong thời gian bị giãn cách. Do đó, sau khi TP. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại và thích ứng an toàn với dịch bệnh, đa số NLĐ của Việt Thắng đều quay trở lại làm việc, đó cũng là lợi thế giúp Tổng công ty có thể phục hồi sản xuất, duy trì đơn hàng.

Bà Phượng cũng nhấn mạnh, hoạt động công đoàn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ và Cơ quan điều hành Tổng Công ty trong công tác chăm lo và ổn định người lao động. Luôn chủ trương làm những gì tốt nhất cho người lao động, từ điều kiện việc làm, thu nhập đến đời sống tinh thần,  trong nhiều năm qua, Việt Thắng là một trong những đơn vị top đầu của Vinatex không bị biến động lao động quá lớn trong khu vực có độ cạnh tranh lao động rất cao như TP. Hồ Chí Minh. Điều này đã phần nào minh chứng cho câu nói “đất lành chim đậu” tại Việt Thắng.

Duy trì các chế độ phúc lợi cho NLĐ, Việt Thắng còn xây dựng thêm cơ chế thưởng hiệu suất kinh doanh 6 tháng, mỗi năm 2 lần cho NLĐ bên cạnh tháng lương thứ 13 và thưởng Tết, đảm bảo duy trì NLĐ được nhận thưởng Tết từ 2 tháng trở lên. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những đơn vị phục vụ bữa ăn sáng cho công nhân, với số tiền được công ty hỗ trợ cho công đoàn lên tới 50 triệu/tháng. Hiện mức ăn ca của Việt Thắng ở mức 23.000 VNĐ với ca ngày và 27.000 VNĐ với ca đêm, chưa bao gồm chi phí gạo, điện nước, nhân công phục vụ… Chủ tịch Công đoàn thẳng thắn bày tỏ, với chi phí như vậy, Công đoàn có đủ nguồn lực để thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày cho công nhân, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Bên cạnh đó hàng tháng sẽ có thêm 2 bữa ăn “đặc biệt”, nấu nước mát cho NLĐ tại các nhà máy, duy trì cửa hàng “không lợi nhuận” với giá ưu đãi…

Lãnh đạo Tổng Công ty bày tỏ, NLĐ chính là “hồn cốt” của hoạt động SXKD, nếu như không tạo ra được sự gắn kết, các hoạt động chăm lo cho NLĐ chắc chắn hoạt động SXKD sẽ đi xuống. Với DN đặt tại các trung tâm công nghiệp lớn tại khu vực phía Nam như: TP. HCM, Bình Dương, Long An… sự cạnh tranh lao động là tương đối khốc liệt, NLĐ nhất là lao động trẻ thường có xu hướng bỏ việc khi nhận thấy môi trường làm việc không đảm bảo và có thể gắn bó lâu dài. Do đó, Việt Thắng lấy phương châm “duy trì ổn định nguồn lực lao động” lên hàng đầu trong mục tiêu của SXKD hướng đến tăng trưởng bền vững của mình.

Bài Quang Nam

*Nguyễn Thị Cẩm Xuân- phụ trách nhà máy dệt: “Người lao động đoàn kết như một gia đình”

Lãnh đạo Tổng công ty luôn quan tâm đến người lao động từ chính sách lương, thu nhập đến đảm bảo việc làm, đời sống tinh thần. Công đoàn tổ chức các suất ăn miễn phí cho công nhân, hỗ trợ NLĐ khi tăng ca, tăng giờ làm, cung cấp nước uống, dinh dưỡng phù hợp cho NLĐ làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, trong tháng Công nhân, ban lãnh đạo và Công đoàn đơn vị còn tổ chức các bữa ăn đặc biệt và tặng cho CNLĐ mỗi người một suất quà trị giá 300.000 đồng.

21 năm gắn bó với Công ty, chúng tôi luôn cảm nhận thấy NLĐ đoàn kết như một gia đình. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị tổ chức ba tại chỗ, bản thân tôi đã cùng hơn 50% lao động bám chuyền sản xuất, vững tâm lao động trong sự đồng hành, quan tâm chăm lo của ban lãnh đạo và tổ chức công đoàn. Vì vậy, khi dịch bệnh ổn định, NLĐ nhanh chóng quay trở lại sản xuất với hiệu suất cao nhất.

Trước tình hình giá cả hàng hóa tăng cao trong thời điểm hiện nay, ảnh hưởng đến đời sống của CBNV, NLĐ, chúng tôi luôn mong muốn bên cạnh việc làm ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được chăm lo thì Tổng Công ty sẽ quan tâm tăng thêm lương, thu nhập cho người lao động phù hợp với đặc thù hoạt động SXKD của đơn vị.

*Anh Dương Ngọc Tú– nhà máy Sợi 2: “Công nhân lao động là “tâm điểm” cho sự chăm lo của đơn vị”

16 năm gắn bó với Tổng công ty, bản thân tôi luôn thấy trân trọng sự quan tâm, chăm lo cho NLĐ của ban lãnh đạo và Công đoàn đơn vị. Ở bất kỳ thời kỳ, thời điểm nào, chúng tôi cũng nhận được sự khích lệ, động viên của ban lãnh đạo. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi vào tháng Công nhân cũng hay những ngày lễ, tết, sinh nhật…, công nhân lao động luôn là “tâm điểm” cho sự chăm lo của đơn vị cả về vật chất và tinh thần. Các thế hệ lãnh đạo của Tổng Công ty còn “rèn” cho người lao động tinh thần làm việc công nghiệp, chủ động, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận các yêu cầu mới theo nhu cầu của thị trường và khách hàng…

Để khắc phục điều kiện làm việc còn khó khăn, Tổng Công ty đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, giúp CNLĐ vừa tăng hiệu suất lao động, vừa đảm bảo được sức khỏe để sản xuất, vận hành máy móc một cách tối ưu nhất… Từ thực tế công việc, tôi và nhiều CNLĐ đã bắt tay vào viết sáng kiến kinh nghiệm, với mong muốn đúc kết lại những cách làm đem lại hiệu suất cao, từ đó lan tỏa đến mỗi CNLĐ trong nhà máy, trong Tổng công ty tinh thần lao động sáng tạo, qua đó hiểu hơn công việc mình làm cũng như đường hướng, chiến lược phát triển của đơn vị.

K.Giang

(ghi)


Các tin khác