Vinatex tổng kết hoạt động Ban sản xuất kinh doanh Sợi năm 2021


Ngày 6/12, tại Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức tổng kết hoạt động Ban sản xuất kinh doanh Sợi năm 2021. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường; Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu; các thành viên trong HĐQT, CQĐH Tập đoàn và các đơn vị thuộc hệ thống SXKD sợi của Tập đoàn.

Toàn cảnh Hội nghị 

Hiệu quả trong hoạt động

Ông Nguyễn Đức Trị – Trưởng Ban SXKD Sợi chia sẻ về những thành công của Ban trong năm 2021

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trị – Phó TGĐ Vinatex, Chủ tịch HĐQT TCT CP Dệt May Hòa Thọ, Trưởng Ban SXKD Sợi đã chia sẻ niềm vui, cũng như những thành công bước đầu của Ban và 11 đơn vị sản xuất Sợi có vốn chi phối của Vinatex. Theo đó, trong năm 2021, các doanh nghiệp sợi đã đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh Covid -19 trong nước và thế giới còn nhiều phức tạp. Bên cạnh những khó khăn thách thức, các đơn vị ngành sợi cũng đã có nhiều cơ hội thị trường tốt hơn cho cả bông, xơ, sợi trong 11 tháng qua, trong đó ghi nhận giá bán, nhu cầu sợi và lợi nhuận trên kg sợi tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, với mức lợi nhuận các đơn vị đạt khoảng 10%/doanh thu. Những thuận lợi về thị trường đã giúp cho các đơn vị sợi bùng nổ lợi nhuận cao cho cả năm 2021 và có thể nói là cao nhất sau 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng năm 2010-2011. Điều này tạo tiền đề cho Ban SXKS Sợi cùng các đơn vị ngành Sợi quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ được Lãnh đạo Tập đoàn giao.

Trong đó, nhóm thị trường đã duy trì kênh trao đổi thông tin thị trường giá cả nguyên liệu bông, xơ, sợi và các diễn biến thị trường hàng ngày. Cập nhật thường xuyên các báo cáo thị trường định kỳ tuần, tháng về tình hình diễn biến thị trường nguyên liệu bông, xơ, sợi nhằm chia sẻ đến các đơn vị thành viên ngành Sợi. Định hướng hạn mức tồn kho tối ưu phù hợp với tình hình sản xuất của từng nhà máy và có tính đến việc ứng phó kịp thời với tình trạng khủng hoảng logistic…

Nhóm thiết bị đã tổng hợp danh mục thiết bị ở các đơn vị sợi và có những nhận xét, đánh giá ban đầu về định hướng đầu tư. Tổng hợp danh mục dự án đầu tư của các đơn vị và tham gia thẩm định sơ bộ các dự án đầu tư như: 3,7 vạn cọc Dệt May Nam Định, 3,45 vạn cọc Vinatex Nam Định 2.

Nhóm sản xuất đã tổng hợp thống kê sản lượng, chất lượng các mặt hàng sản xuất ở các đơn vị sợi và có những nhận xét, đánh giá ban đầu. Giữ mối liên hệ trao đổi các kinh nghiệm trong công tác quản trị sản xuất ở các đơn vị, đặc biệt các đơn vị như Dệt May Huế và Dệt May Nam Định.

Ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó Ban SXKD Sợi nhận định về chiến lược của Ban năm 2022

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó TGĐ TCT Dệt May Hòa Thọ, Phó Ban SXKD Sợi cho biết: Trong những tháng cuối năm 2021, một tín hiệu đáng mừng khi thị trường ngành Sợi vẫn duy trì được nhu cầu và giá bán cho các tháng cuối năm 2021 sang đến quí I/2022. Điều này cho thấy năm 2022, thị trường ngành Sợi tuy nhu cầu đã được cải thiện nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn do những biến động không lường trước của đại dịch covid biến thể mới, khủng hoảng logistic còn kéo dài, ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu bông, xơ, sợi thế giới…

Với những nhận định về khó khăn, thách thức và cơ hội, Ban SXKD Sợi đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho mỗi Nhóm công tác. Trong đó tập trung vào các giải pháp chính: Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc trao đổi thông tin thị trường giá cả nguyên liệu bông xơ sợi, diễn biến thị trường, cập nhật các báo cáo thị trường có liên quan chia sẻ đến các thành viên; Thông tin kịp thời đến các thành viên những trường hợp đối tác kinh doanh bông, xơ, sợi không thực hiện cam kết hợp đồng, giao hàng chất lượng kém, không thiện chí giải quyết khiếu nại khi có xảy ra tranh chấp, có dấu hiệu gian lận thương mại… cho các đơn vị nắm bắt thông tin để tránh các rủi ro khi giao dịch mua/bán; Chia sẻ các đơn hàng, khách hàng giữa các đơn vị trong trường hợp các mặt hàng/ khách hàng không phù hợp với đơn vị mình, nhằm hướng khách hàng sử dụng sợi trong hệ thống sợi của Vinatex; Tìm hiểu, chia sẻ thông tin về các mặt hàng mới có thể các đơn vị chưa sản xuất trước đây như sợi pha recycle, sợi pha recycle/bông organic… nhưng có khách hàng, thị trường yêu cầu để các đơn vị có thể nghiên cứu và sản xuất thử nếu sắp xếp được sản xuất tại nhà máy nhằm góp phần nâng giá trị cho các sản phẩm sợi trong hệ thống Vinatex; Triển khai phân tích, đánh giá dữ liệu thống kê về các chỉ tiêu kỹ thuật sản xuất, hệ thống cơ cấu tổ chức vận hành nhà máy dựa trên số liệu các đơn vị đã cung cấp; Xây dựng biểu mẫu tổng hợp danh mục thiết bị kéo sợi chính, mặt hàng và năng lực sản xuất thực tế để gởi các nhà máy thành viên cập nhật dữ liệu; Phân nhóm các loại thiết bị cùng chủng loại tại các đơn vị thành viên, xây dựng chương trình hỗ trợ nhau về kỹ thuật công nghệ, quản lý thiết bị, sử dụng VTPT…

Trước thực trạng ngành Sợi Việt Nam: năng lực sản xuất còn nhỏ so với các nước như Indonesia, Bangladesh, Pakistan. Việt Nam hiện có 10 triệu cọc, trong đó khối FDI: 65%, khối tư nhân: 25%, khối CP có vốn Nhà nước 10%; Nhiều nhà máy có thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu, nhiều chủng loại, nhiều xuất xứ khác nhau; Mặt hàng tập trung sản xuất sợi truyền thống với chi số trung bình, giá trị gia tăng thấp, rất ít đơn vị sản xuất các mặt hàng sợi khác biệt…, Ban SXKD Sợi Vinatex đề xuất: Các đơn vị đang có nghiên cứu dự án đầu tư từ năm 2022 cần tính toán, cân đối và lựa chọn thời điểm đầu tư hợp lý nhằm giảm thiểu các rủi ro biến động bất lợi về giá máy móc thiết bị, thời gian giao hàng thiết bị và giá cả nguyên vật liệu leo thang… Nghiên cứu đầu tư sản xuất các mặt hàng, sản phẩm khác biệt, có giá trị gia tăng cao. Ưu tiên đầu tư bổ sung chiều sâu, đầu tư thay thế và đổi mới máy móc thiết bị thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng, thâm dụng nhiều lao động và làm ra sản phẩm chất lượng thấp…

Liên kết tạo sức mạnh hệ thống chuỗi cung ứng

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao những công việc Ban đã thực hiện dù chỉ mới thành lập được hơn 1 năm 

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, đây là lần đầu tiên Tập đoàn có hoạt động tổng kết khối ngành, nằm trong định hướng của HĐQT trong giai đoạn 2020 -2025. Theo đó, HĐQT đã đặt ra trong nhiệm kỳ sẽ liên kết lại các ngành dọc trong hệ thống của Tập đoàn nhằm tạo ra một chuỗi cung ứng đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Với ngành May, Vinatex đã có 20 năm phát triển vượt bậc với rất nhiều tiến bộ về kỹ thuật và có chỗ đứng đối với các đối tác trên thế giới. Còn với ngành Sợi, từ trước đến nay trình độ phát triển các các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn có sự khác nhau, còn có độ “trễ” so với yêu cầu của thị trường, điều này tạo ra lực cản trong việc tạo ra hệ thống chuỗi cung ứng, do đó việc liên kết lại các đơn vị trong hệ thống Sợi sẽ giúp nâng cấp lại trình độ công nghệ, trình độ quản lý, tiếp cận thị trường, cũng như tạo tiền đề để xây dựng ngành Sợi đủ mạnh, tiến tới phát triển ngành Dệt – Nhuộm để hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín của Tập đoàn.

Chia sẻ về quá trình xây dựng Ban SXKD Sợi vào năm 2020, Chủ tịch Vinatex cho biết việc thành lập Ban là hướng đi mà HĐQT và Cơ quan điều hành Vinatex đặt ra để xây dựng chiến lược cho ngành Sợi, nhằm giúp hệ thống các Nhà máy Sợi của 11 đơn vị Vinatex chi phối có định hướng chiến lược rõ ràng, phương thức quản trị hiện đại và trên hết là hình thành một khối liên kết để “đấu chọi” cùng với thị trường đầy khốc liệt, chứ không phải các đơn vị trong Vinatex cạnh tranh lẫn nhau.

Đánh giá cao Ban SXKD Sợi chỉ trong vòng hơn 1 năm sau khi được thành lập đã đóng góp được nhiều nội dung cho sự phát triển của ngành Sợi trong Tập đoàn, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh: Ban đã hình thành được hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, theo dõi và đối chứng giữa các DN với nhau một cách công khai, minh bạch, dễ đối chiếu, cũng như đưa ra phương án “gợi mở” nhằm giải quyết vấn đề còn tồn tại; Cùng với đó, lần đầu tiên trong hệ thống các DN trong hệ thống có tầm nhìn và các tiếp cận chung, đó là: tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, lao động và tài nguyên… hướng tới việc sản xuất xanh; Từ đó, đưa các DN xích lại gần nhau và cùng ngồi trên 1 con thuyền, điều này đã “kéo” các DN yếu tiến bộ và đi lên; Ngoài ra, Ban đã bước đầu đại diện được các DN thương lượng với nhà cung cấp, tìm kiếm các khách hàng lớn.

Ông Cao Hữu Hiếu – TGĐ Vinatex chúc mừng những thành công của Ban trong năm 2021

Thay mặt Cơ quan điều hành trong việc điều hành và chỉ đạo Ban SXKD Sợi, ông Cao Hữu Hiếu – TGĐ Vinatex đã biểu dương và chúc mừng những thành công của Ban và 11 đơn vị sản xuất sợi về kết quả kinh doanh trong năm 2021. Theo TGĐ Vinatex, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều địa phương bị giãn cách kéo dài, chi phí logistics tăng cao… tuy nhiên kết quả SXKD vô cùng ấn tượng, vượt xa tất cả dự đoán cũng như kế hoạch đề ra. “Cơ quan điều hành Vinatex ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Ban SXKD Sợi và các DN Sợi của Tập đoàn đã có chỉ đạo sát sao, toàn diện, từ công tác thị trường, quản trị sản xuất, đầu tư chiều sâu của các đơn vị trong hệ thống. Đặc biệt, Ban cũng trở thành cầu nối các đơn vị thành viên có ngành Sợi trong Tập đoàn lại với nhau. Ban đã vận hành tốt việc xây dựng và duy trì kênh thông tin trao đổi thị trường giữa các đơn vị, giúp đơn vị ra quyết định nhanh, nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, Ban đã tư vấn cho đơn vị về đầu tư thiết bị và quản trị sản xuất, giúp cải thiện năng suất ngành Sợi. Đây chính là yếu tố tạo nên thành công vượt trội của ngành Sợi Vinatex trong năm 2021” – Ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Thay mặt cơ quan điều hành, TGĐ Vinatex trao bằng khen cho Ban vì những đóng góp cho ngành Sợi Tập đoàn trong năm 2021

Nhân dịp này, Ban SXKD Sợi đã đón nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam do có nhiều đóng cho hiệu quả cho hoạt động SXKD, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong năm 2021.

Kiều Giang – Quang Nam


Các tin khác