Vinatex thi đua làm theo lời Bác


Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên của đất nước và được Bác Hồ dành nhiều sự quan tâm đặc biệt khi về thăm, làm việc 6 lần. Mỗi đơn vị đến thăm, Bác đều căn dặn cán bộ công nhân viên cần phải đoàn kết, cố gắng trau dồi chính trị, rèn luyện kỹ thuật, học hỏi lẫn nhau, ra sức thi đua lao động sản xuất.

Lan tỏa mô hình tốt, cách làm hay

Thấm nhuần lời kêu gọi và căn dặn của Người, toàn thể CBNV- NLĐ các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn ra sức thi đua lập thành tích trong mọi việc làm, vị trí công tác. Các phong trào thi đua đã có nhiều chuyển biến, sáng tạo và triển khai sâu rộng tới tất cả các doanh nghiệp thành viên. Toàn hệ thống đã duy trì phong trào thi đua lao động giỏi gắn với đặc thù của từng đơn vị.

Thực hiện lời dạy của Bác “Thi đua chứ không phải ganh đua nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao”, các phong trào thi đua của Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn chú trọng đến việc lan tỏa các gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, chia sẻ những mô hình hay, cách làm tốt, những sáng kiến mới trong toàn hệ thống.

Trong thời gian qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đồng hành, phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức, phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua. Nhiều phong trào thi đua đã có sức lan toả mạnh mẽ như: “Luyện tay nghề thành thợ giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”, “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”, “Doanh nghiệp vì Người lao động”… đã mang lại kết quả to lớn, thiết thực, giúp doanh nghiệp từng bước khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ động viên CNLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc tiêu biểu cho ý chí vươn lên của CNLĐ. Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giúp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã phát động thi đua với nội dung: “Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để Vinatex trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác; thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh; chuyển đổi số và tự động hóa; phát triển nguồn nhân lực và con người đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số”; nỗ lực thi đua chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, hướng tới Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Động lực phát huy sức lao động sáng tạo

Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, với việc xác định công tác thi đua khen thưởng là động lực để phát huy sức sáng tạo tập thể trong lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của đơn vị, hàng năm Tổng Công ty đều tổ chức tốt các đợt phát động thi đua, qua đó kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên, biểu dương, lan tỏa và nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn đơn vị. Cùng với đó, Tổng Công ty thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với kế hoạch, nhiệm vụ của từng đơn vị, các tập thể, cá nhân. Kịp thời phát hiện, có biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

“Trong thời gian tới, Tổng Công ty sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác khen thưởng, nhất là trong việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho các nhân tố, điển hình mới. Kịp thời động viên, nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác thi đua” – bà Trần Tường Anh chia sẻ.

Anh Trần Anh Văn, Trưởng công đoạn Suốt Da Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định bày tỏ, đây là thời điểm ngành Sợi đang gặp nhiều khó khăn về mặt thị trường do suy thoái kinh tế toàn cầu. Lúc này toàn thể NLĐ sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đồng hành cùng Nhà máy vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chị Hoàng Thị Hải làm việc tại Nhà máy Sợi, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định cho biết, trong bối cảnh ngành dệt may đang phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo công ty vẫn lo đủ việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động. “Chúng tôi xác định đây là thời điểm toàn thể người lao động trong công ty cần phải đoàn kết, giúp đỡ nhau để nâng cao tay nghề, năng suất và chất lượng sản phẩm. Hưởng ứng phong trào thi đua do Công ty phát động, tôi và các công nhân ở đây luôn nỗ lực hết mình để tăng năng suất, tăng thu nhập đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Phát huy tinh thần đề cao kỷ luật, nỗ lực vượt khó, lan tỏa những sáng kiến hay, cách làm sáng tạo để cùng nhau áp dụng vào trong công việc hàng ngày” – chị Hải bộc bạch.

Còn theo anh Phạm Tiến Đạt – thợ bảo toàn công đoạn máy sợi con Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định thì trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều công ty khác phải giảm giờ làm, sa thải lao động nhưng toàn thể NLĐ của Nhà máy vẫn đi làm đầy đủ, không bị ảnh hưởng về các chế độ phúc lợi. “Thấu hiểu được những khó khăn mà Nhà máy đang phải đối diện, chúng tôi luôn nỗ lực thi đua, không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, tay nghề, phát huy sáng kiến để áp dụng vào trong thực tiễn lao động sản xuất” – anh Đạt nhấn mạnh.

75 năm đã qua nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/6/1948 vẫn còn vang mãi và đầy tính hiện thực. Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự tạo ra khí thế sôi nổi, khơi gợi khả năng sáng tạo, lòng nhiệt tình hăng say lao động, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng góp phần ổn định cuộc sống của toàn thể CBNV, NLĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Bài: Xuân Quý


Các tin khác