Vinatex sơ kết công tác xây dựng Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh Quý I năm 2022


Sáng 16/3, đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đã chủ trì Hội nghị BCH Đảng bộ Tập đoàn mở rộng nhằm sơ kết công tác xây dựng Đảng và hoạt động SXKD Quý I/2022. Hội nghị cũng phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong các Quý tiếp theo; Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hơn 30 điểm cầu trên cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị 

Cùng dự có đ/c Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Vinatex; các đ/c trong Ban Thường vụ Đảng ủy, BCH Đảng bộ Tập đoàn, Cơ quan điều hành, Trưởng/Phó các Ban chức năng của Tập đoàn, Lãnh đạo/Người đại diện vốn của Tập đoàn tại các đơn vị trong hệ thống của Vinatex.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, điều kiện SXKD gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng quản trị Tập đoàn, sự nỗ lực của Cơ quan điều hành Tập đoàn và sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị thành viên, các doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống và các chế độ chính sách cho người lao động. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng bộ đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Đảng ủy cấp trên và nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, của từng đơn vị để triển khai, tuyên truyền, tạo sự ổn định, đồng thuận cao về tư tưởng, nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Các mặt công tác xây dựng Đảng được quan tâm toàn diện. Hoạt động của hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đi vào ổn định, nề nếp.

Báo cáo tại Hội nghị, đ/c Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn đã thông tin kết quả SXKD của Tập đoàn trong Quý I/2022, theo đó doanh thu ước đạt 24,4% kế hoạch.

Đưa ra những nhận định về khó khăn, thách thức đối với 3 quý còn lại của năm 2022, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu cho biết, giá nguyên liệu đầu vào ngành Sợi đang có xu hướng tăng cao, trong khi một số chi phí vận tải, giá xăng dầu đang leo thang do xung đột giữa Nga và Ukraina, ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình hình lao động của các đơn vị trong hệ thống hiện đang có biến động lớn do nhiều NLĐ bị mắc Covid-19 phải cách ly theo quy định. Thậm chí có những đơn vị đông lao động như ngành May, số ca nhiễm (F0) và F1 (một số địa phương qui định F1 cách ly) lên tới 20% tổng số lao động, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc bố trí sắp xếp chuyền cũng như năng suất lao động, tiến độ hoàn thành đơn hàng. Ngoài ra, với việc giá xăng dầu “lập đỉnh”, lạm phát tăng 3,8% sẽ khiến các Ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng gia tăng.

Với những dự báo về thị trường, cùng các tác động của nền kinh tế, lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh, các đơn vị trong hệ thống Vinatex cần tận dụng tốt một số chính sách Nhà nước hỗ trợ đối với doanh nghiệp dệt may. Trong đó có một số chính sách như: giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các DN được Nhà nước cho thuê đất phải ngừng SXKD do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, TNCN, GTGT, tiền thuê đất năm 2022; Hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022 qua hệ thống Ngân hàng TM đối với khoản vay thương mại của DN có khả năng trả nợ, phục hồi trong ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (có ngành Dệt, sản xuất trang phục)… Đồng thời, TGĐ Vinatex cũng đưa ra một số lưu ý trong công tác điều hành, nhất là việc liên hết chuỗi sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, đặc biệt vai trò dự báo, trao đổi kịp thời thông tin giữa các đơn vị… để cùng hỗ trợ, tăng hiệu quả sản xuất trong toàn hệ thống.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hơn 30 điểm cầu trên toàn quốc

Tại Hội nghị, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT đã trình bày về tình hình kinh tế của thế giới, trong đó có các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc; các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga, từ đó phân tích những tác động đến kinh tế Nga và thế giới. Đối với Nga, là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, lúa mỳ, phân bón (u-rê và kali) lớn trên thế giới, điều này sẽ có tác động không nhỏ, dẫn đến tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia.

Đưa ra những dự báo về các rủi ro khi tình hình cấm vận của Nga kéo dài, ông Vương Đức Anh cho biết, sẽ có xảy ra tình trạng rủi ro “đình lạm”, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát leo thang, cũng như gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Đồng thời, một số rủi ro khác như chí phí logistic tiếp tục tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể trở lại… cũng sẽ là những dự báo cho nền kinh tế thế giới trong những tháng tiếp theo.

Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cũng đã trình bày dự báo thị trường thế giới và Việt Nam, những tác động đối với ngành Dệt May. Đồng thời đưa ra một số kịch bản và giải pháp khuyến nghị đối với các đơn vị trong hệ thống.

Hội nghị cũng đã nghe một số nhận định, báo cáo về tình hình SXKD thực tế tại các đơn vị đối với ngành Sợi, ngành May tại cả 3 miền, trong đó có nhiều đơn vị lớn như: May 10, Dệt May Hòa Thọ, Vinatex Phú Hưng, Hanosimex… Đồng thời nghe đ/c Lê Trung Hải – Phó TGĐ Vinatex lưu ý một số vấn đề đối với các đơn vị trong ngành Sợi; đ/c Phạm Văn Tân – Phó TGĐ Vinatex chia sẻ những quan ngại khi bỏ lãi suất libor – lãi suất tham chiếu được sử dụng rộng rãi nhất cho các khoản vay ngắn hạn và đưa ra một số kiến nghị đối với các đơn vị sử dụng nguồn vốn ADB.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đưa ra một số các giải pháp chung đối với Vinatex và các đơn vị, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể:

  1. Trong công tác xây dựng Đảng, các cơ sở Đảng quán triệt, thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của Đảng ủy khối, Đảng ủy Tập đoàn trong cán bộ, đảng viên, người lao động; Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ban đảng nghiêm túc thực hiện các chế độ báo cáo về Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch, Hướng dẫn… của cấp trên và Báo cáo các chuyên đề theo yêu cầu của Đảng ủy Khối đầy đủ, đúng thời hạn. Trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, Đảng ủy Tập đoàn phối hợp với Cơ quan Điều hành chú trọng tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người lao động ổn định tư tưởng, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
  2. Tập trung phòng dịch; phục hồi sức khỏe cho NLĐ khỏi bệnh sau dịch để đảm bảo năng suất lao động.
  3. Nhóm ngành sản xuất nguyên liệu Sợi & Dệt: Các đơn vị trong Tập đoàn cần liên hệ chặt chẽ để đảm bảo giá bán bình ổn, phù hợp. Đặc biệt, vai trò của Ban SXKD Sợi sẽ phải kiểm soát và đề xuất nếu như các đơn vị gặp khó khăn để có sự hỗ trợ từ Tập đoàn. Với Dệt nhuộm, cần đẩy mạnh vai trò của chuỗi cung ứng và chiến lược Một điểm đến. Tranh thủ trong thời gian này đẩy tiêu thụ ngành Sợi trong nội bộ nhiều hơn.
  4. Với cụm giải pháp về tài chính, nhất là các đơn vị đang vay vốn ADB, đề nghị cơ quan điều hành, Ban TCKT có hướng dẫn phân tích, dự báo cho các đơn vị, nhất là các đơn vị hợp nhất với kết quả SXKD của Tập đoàn.
  5. Đối với các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng đi theo hướng sản xuất xanh, nhất là trong ngành Sợi… thì cần có sự chuẩn bị, xây dựng các phương án sử dụng năng lương tái tạo trong công tác đầu tư, nhất là khi giá điện đã có những dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị, đ/c Lê Tiến Trường thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn báo cáo việc chỉ đạo Đại hội đồng cổ đông các đơn vị trong tháng 4, 5. Lãnh đạo Đảng ủy Tập đoàn đề nghị các đơn vị căn cứ kết quả SXKD thực tế để tổ chức tốt Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh: Chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông, các đơn vị cần báo cáo trung thực, khách quan thị trường, tình hình SXKD, khả năng phục hồi, đáp ứng thích ứng linh hoạt với yêu cầu mới… đến các cổ đông. Bên cạnh đó, các cổ đông cần quan tâm tích lũy nguồn lực sau 2 năm dịch bệnh, chuyển hóa sản xuất xanh hơn, bền vững hơn, kết nối giữa các đơn vị nhằm thực hiện chiến lược “Một điểm đến” của Tập đoàn, để Vinatex có thể đi đều bằng 2 chân từ việc có 1 hệ thống sản xuất hoàn chỉnh.

PV


Các tin khác