Vinatex quyết tâm duy trì và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu


Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới, tuy nhiên nếu nhìn ở mặt tích cực, đại dịch lần này đã mang đến nhiều cơ hội cho ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng, nhờ làn sóng chuyển dịch đầu tư. Do đó, nếu chúng ta nhanh chóng nắm bắt và kịp thời thay đổi thì đây sẽ là thời điểm giúp Vinatex nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 1995 – thời điểm “khai sinh” ra Tập đoàn Dệt May Việt Nam – kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam chỉ đạt mức xấp xỉ 900 triệu USD. Sau 25 năm, con số này đã tăng gấp 40 lần, đạt gần 40 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm Ngành đang phát triển lên tới đỉnh cao, thì các yếu tố khách quan không thể lường trước được như đại dịch Covid-19 cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chủ nghĩa bảo hộ tại các nước lớn, … đã tác động mạnh mẽ, khiến ngành đứng trước một thách thức chưa thể đoán định được kết quả.

Ảnh: Tập thể CBCNV Vinatex chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập

Với vai trò là đầu tàu dẫn dắt Ngành phát triển, sứ mệnh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trong giai đoạn này lại càng nặng nề hơn, khẩn thiết hơn. Vinatex bắt buộc phải có những sáng tạo đột phá, những thay đổi linh hoạt, nhanh, táo bạo, không theo tiền lệ, để có thể trụ vững, truyền động lực vươn lên cho toàn Ngành, trở thành hình mẫu mới cho sự trường tồn và phát triển, ngay trong hoàn cảnh khó khăn tột bậc này. Hệ thống những giải pháp căn cơ và uyển chuyển nhằm đáp ứng kịp thời với tình hình thay đổi liên tục của thị trường là cần thiết đối với Tập đoàn. Tất cả mọi nỗ lực đều dồn vào mục tiêu giữ vững vị thế, thương hiệu của Vinatex trong toàn Ngành, trong thị trường khu vực và toàn cầu.

DỰ BÁO CẤU TRÚC CHUỖI CUNG ỨNG DỆT MAY TOÀN CẦU SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong lịch sử hiện đại của nhân loại, thế giới chưa bao giờ phải đối mặt với một đại dịch có sức ảnh hưởng tiêu cực, sâu rộng đến mọi mặt hoạt động chính trị – kinh tế – xã hội như đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Trong thời gian qua, gần như ¾ thế giới phải thực hiện việc cách ly/giãn cách xã hội, hàng triệu công ty phải đóng cửa tạm thời hoặc chuyển đổi hình thức làm việc trực tuyến, hàng loạt các chuỗi/cửa hàng bán lẻ phải ngừng kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng giảm đến mức chưa từng có tiền lệ.

Đại dịch Covid-19 cũng đã lộ ra những bất cập trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có lĩnh vực dệt may, khi phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Theo các số liệu được GlobalData công bố mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng dệt may. Cụ thể, năm 2019 thị trường ngành may mặc toàn cầu đạt trị giá 1.955 tỷ USD, tuy nhiên trong 7 tháng đầu của năm 2020 thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm lên đến 395,6 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ giảm 56%, Châu Âu giảm 22,4%, Châu Á giảm từ 25% đến 40% và Trung Đông giảm từ 50% đến 65%. Nếu xu hướng hiện tại này tiếp tục diễn ra, thị trường thế giới sẽ giảm khoảng 25-32% trong giai đoạn 2020-2021.

TOP 10 THỊ TRƯỜNG MAY MẶC BỊ ẢNH HƯỞNG NĂM 2020 (Đơn vị: Tỷ USD)

Nguồn: GlobalData

Ghi chú: Biểu đồ trên thể hiện Top 10 thị trường may mặc bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu tính về giá trị tính bằng đồng tiền USD. Giá trị và phần trăm giảm này được tính toán dựa trên số liệu dự báo năm 2020 đã được soát xét và thị phần năm 2019.

Những quốc gia công nghiệp xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia và Việt Nam đang chịu tổn thương lớn nhất, khi phải hứng chịu “cuộc khủng hoảng kép” do sự không ổn định nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc,… dẫn đến xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn và suy giảm.

Tác động chưa từng có này cũng đã và đang gây ra hậu quả nặng nề đối với nhiều nhà bán lẻ lớn trên thế giới, khi phải đóng cửa hầu hết các cửa hàng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020, thậm chí một số tập đoàn thời trang phải tuyên bố phá sản như J Crew/Neiman Marcus/JC Penney/Forever 21/Ascena Group/Brooks Brothers …

GIẢI PHÁP ĐỂ DUY TRÌ VÀ NÂNG CAO VỊ THẾ CỦA VINATEX TRONG CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU

Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu biểu trong việc khống chế thành công sự lan rộng của đại dịch Covid-19 trong nước, ngay cả khi làn sóng thứ 2 đang bùng phát thì cho đến nay tỷ lệ số người mắc trên tổng dân số là thấp, trong khả năng kiểm soát. Những chính sách điều hành sớm, quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, qua đó Việt Nam đã cho thế giới thấy hình ảnh một quốc gia hướng tới sự an toàn, có trách nhiệm, một Chính phủ hành động. Và chính điều này cũng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, bao gồm các tập đoàn bán lẻ thời trang trên thế giới đến Việt Nam đầu tư trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên thì bản thân nền kinh tế nói chung và ngành Dệt May nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Xét riêng đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 25 năm vừa qua, Vinatex cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào và tiếp tục giữ vai trò chủ lực của ngành với năng lực sản xuất:

  • Sợi: 900.000 cọc sợi, 140.000 tấn sợi/năm;
  • Vải Knit: 18.000 tấn vải/năm;
  • Vải Woven: 164 triệu mét vải/năm;
  • Quần/áo: 300 triệu sản phẩm/năm.

Lợi thế của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đã và đang hình thành được các chuỗi cung ứng Sợi – Dệt Nhuộm – May cả về dệt thoi và dệt kim; Thương hiệu Vinatex đã có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng trong nước và đối với các tập đoàn dệt may hàng đầu trên thế giới; Có sự hiện diện của các nhà máy sản xuất trên hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam; Sở hữu lực lượng lao động dồi dào.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các nhà sản xuất thời trang lớn trên thế giới thì Tập đoàn cũng có những hạn chế nhất định như: Quy mô chuỗi cung ứng chỉ ở mức độ trung bình; Đầu tư và quản trị còn dàn trải; Nút thắt về sản xuất vải vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Do đó, để có thể tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, Tập đoàn cần hướng tới chín giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng hiện có, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng và đưa tư duy phát triển bền vững trở thành một triết lý kinh doanh xuyên suốt trong toàn Tập đoàn. Tác động của đại dịch Covid-19 đã chứng kiến ​​một thế giới sạch hơn, xanh hơn, đã mở rộng tầm nhìn của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững và phát triển bền vững. Trong 1 cuộc khảo sát do McKinsey&Co. thực hiện vào tháng 4/2020 dựa trên 2.000 người tiêu dùng tại Anh và Đức, hai phần ba trong số này cho rằng tính bền vững đã trở nên quan trọng hơn nữa nhằm hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu sau Covid-19. Như vậy có thể thấy, sự bền vững của ngành thời trang đang được coi trọng hơn đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Do đó, đã đến lúc phải đổi mới các cam kết của mình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, hướng tới tương lai bền vững hơn.

Trên cơ sở phân tích thế mạnh của từng doanh nghiệp Sợi – Dệt Nhuộm – May, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các chuỗi cung ứng cả về dệt thoi và dệt kim, thông qua nhiều hình thức như: tự chủ đầu tư, hợp tác đầu tư, liên kết trong từng khâu sản xuất,… nhằm tạo sức mạnh tập trung, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh chung toàn Tập đoàn, đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP và EVFTA… Tập đoàn cũng cần chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hạ tầng khu công nghiệp dệt may, hình thành hệ sinh thái sản xuất kinh doanh dệt may.

Thứ hai, hình thành và đầu tư nguồn lực một cách thích đáng cho các trung tâm thiết kế sản phẩm; các phòng thí nghiệm đạt chuẩn và được quốc tế công nhận; các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ mới… để làm cơ sở cho việc chuyển dịch sâu rộng hơn nữa mô hình sản xuất kinh doanh từ CM đơn thuần sang FOB, ODM, LDP.

Thứ ba, xây dựng trung tâm xúc tiến bán hàng, marketing làm cầu nối giữa các trung tâm phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và các đơn vị thành viên nhằm thu hút sự quan tâm, hợp tác của các thương hiệu, tập đoàn thời trang lớn trên thế giới.

Thứ tư, đa dạng hóa sản phẩm và chuyên môn hóa sản xuất. Hiện nay, xu hướng các nhà bán lẻ thường chọn lựa đó là giải pháp cung ứng đa dạng, ưu tiên các nhà cung cấp với đa danh mục sản phẩm, có thể đáp ứng các nhu cầu từ vải, đến nhiều dòng sản phẩm khác nhau như áo thun, quần jeans, quần kaki, quần áo bảo hộ lao động, các sản phẩm thời trang nam, nữ… Do đó, Tập đoàn cần phải hết sức chú trọng tới điều này, trong đó cần hoạch định/phân khúc các dòng sản phẩm từ phổ thông cho tới trung, cao cấp, cũng như chuyên môn hóa tới từng đơn vị, dựa theo thế mạnh sẵn có.

Ảnh: Mô hình One Stop Shop – Cung cấp giải pháp cung ứng đa dạng với vô số danh mục sản phẩm, có thể đáp ứng các nhu cầu của khách hàng từ vải cho đến nhiều dòng sản phẩm khác nhau – Nguồn: Internet

Thứ năm, Tập đoàn cần không ngừng đổi mới và liên tục sáng tạo. Với xu hướng phát triển nhanh trên thế giới như hiện nay, cộng với những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì yêu cầu sáng tạo, đổi mới toàn diện trong hoạt động sản xuất kinh doanh được đặt ra hết sức cấp bách. Việc đổi mới, sáng tạo phải bao trùm trên tất cả các mặt bao gồm: quản trị điều hành, kinh doanh, công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm,…

Thứ sáu, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản trị điều hành, tập trung chuyển đổi số cho mô hình quản trị, hình thành hệ thống quản trị số với các chỉ tiêu hữu hiệu có tính chất đo lường, thống kê và dự báo. Đây sẽ là nền tảng cơ sở và thiết yếu cho việc tận dụng những lợi thế mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.

Thứ bảy, đầu tư cho hệ thống Logistic chuyên nghiệp nhằm giúp các đơn vị thành viên Tập đoàn với các nhà máy tại nhiều tỉnh, thành phố có thể cắt giảm chi phí logistic cũng như giảm thời gian vận chuyển, giao hàng.

Thứ tám, nâng cấp mảng kinh doanh bán lẻ hàng thời trang của Tập đoàn, dựa trên thương hiệu “Vinatex” cũng như thương hiệu của các đơn vị thành viên đã khẳng định được vị thế nhất định tại thị trường tiêu dùng nội địa.

Điều cuối cùng là, Tập đoàn cần dành nguồn lực cũng như sự quan tâm thỏa đáng cho công tác đầu tư và phát triển nguồn nhân lực nhằm thực hiện chiến lược chung, ứng phó nhanh với các diễn biến của thị trường trong và ngoài nước.

Ảnh: Mô hình quản trị Chuỗi cung ứng – Nguồn: Internet

Bên cạnh những cơ hội đến từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương mang lại thì đại dịch Covid-19 cũng mở ra cánh cửa để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Dệt May Việt Nam nói riêng tiếp nhận những làn sóng dịch chuyển đầu tư. Nếu có các giải pháp kịp thời và đúng đắn để tận dụng được những lợi thế do đại dịch Covid-19 mang lại thì đây sẽ là cơ hội rất tốt để chúng ta có những bước phát triển mới, đưa Tập đoàn Dệt May Việt Nam lên một vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Bài: Ông Đặng Vũ Hùng – Tổng Giám đốc Vinatex


Các tin khác