Vinatex khai thác sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống để đáp ứng tốt nhất các đòi hỏi mới của thị trường


Tình hình kinh tế, chính trị những tháng cuối năm 2023 theo nhận định chung vẫn rất khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro cho nền kinh tế và sức ép lên doanh nghiệp. Bức tranh kinh tế vẫn có nhiều vùng tối, mặc dù một số điểm “sáng” đang dần được cải thiện nhưng chắc chắn thị trường sẽ thiết lập những mặt bằng mới bất lợi hơn. Doanh nghiệp dệt may trong hệ thống Vinatex cần làm gì để vừa linh hoạt ứng phó với tình hình thay đổi, vừa chuẩn bị được nguồn lực phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh khi triển vọng thị trường phục hồi đến gần?

Nhận diện xu hướng thị trường sau giai đoạn khó khăn kéo dài

Tiếp nối đà khó khăn từ cuối năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 trôi qua một cách nặng nề với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 18,7 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sợi giảm tới 25%, xuất khẩu hàng dệt và may cũng giảm 16%. Đây là quý thứ 3 liên tiếp xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng âm kể từ quý 4 năm trước. Hiện tượng suy giảm xuất hiện ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ngoại trừ Nhật Bản là thị trường duy nhất mà dệt may Việt Nam giữ được mức tăng trưởng dương 3%. KNXK sang Thị trường EU giảm 10%, sang thị trường Hàn Quốc giảm 7%, sang thị trường Trung Quốc giảm 17% so với cùng kỳ. Đặc biệt, KNXK sang thị trường Mỹ tiếp tục suy giảm quý thứ 3 liên tiếp, quý 2 năm 2023 chứng kiến mức giảm sâu nhất tới 26% so cùng kỳ.

Không chỉ dệt may Việt Nam, đa số các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu dệt may Trung Quốc tháng 6 giảm hơn 14%, kéo kết quả 6 tháng đạt 145,2 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ; các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với dệt may Việt Nam cũng đều có kim ngạch xuất khẩu giảm từ 20%-25%. Duy chỉ có Bangladesh vẫn duy trì được đà tăng trưởng với KNXK hàng dệt may lũy kế 6 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng không nằm ngoài vòng xoáy của đà suy giảm này. Mặc dù đã dự báo khá chính xác các kịch bản xấu của thị trường từ cuối năm 2022, đồng thời cũng đã tăng cường một cách đồng bộ các giải pháp về công tác thị trường, quản trị sản xuất nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp. Doanh thu hợp cộng toàn Tập đoàn giảm 11% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế giảm 72% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận ngành May chỉ bằng 66% so với 6 tháng đầu năm 2022, ngành Sợi hầu hết các đơn vị đều có lợi nhuận âm.

Khác với giai đoạn dịch bệnh Covid-19, khi khó khăn nằm ở khả năng ổn định lao động và tổ chức sản xuất. Giai đoạn hiện nay, trở ngại chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan mà chúng ta khó kiểm soát, đồng thời khó khăn không chỉ đến từ một hướng mà trải đều trên mọi “mặt trận”. Sau gần một năm loay hoay tìm nhiều giải pháp vượt khó, những hy vọng về sự trở lại của thị trường, của khách hàng với nguồn hàng dồi dào như năm 2021 và những năm trước dịch ngày càng trở nên xa vời. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong vài năm tới đây, chuỗi cung ứng dệt may thế giới sẽ dần ổn định ở một trạng thái “bình thường mới” mà đặc điểm của nó là:

  • Cầu thị trường ở mức cân bằng mới, xu hướng thấp: sau giai đoạn dịch bệnh, khi ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh, con người nhận thức rõ hơn về những yếu tố cấu thành nên đời sống bền vững, tâm lý giảm tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu gia tăng khiến cầu dệt may đương nhiên có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh tế được dự báo sẽ còn kéo dài khiến sức mua giảm.
  • Giá gia công tiếp tục ở mức thấp: trong những quý vừa qua, giá gia công của các doanh nghiệp may liên tục giảm, đa phần ở mức giảm 20%, cá biệt có đơn hàng giảm 50%. Việc các doanh nghiệp chấp nhận mức giá này, vô hình chung sẽ khiến khách hàng thiết lập nên một mặt bằng giá mới. Trừ trường hợp cầu tăng mạnh đột ngột (mà điều này khó xảy ra do các phân tích ở trên) thì chắc chắn mức giá gia công khó có thể trở về mặt bằng như giai đoạn trước đây.
  • Đơn hàng nhỏ, lẻ, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng sản phẩm khắt khe, thời gian giao hàng nhanh: thực tế, ngay từ khi xuất hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, với xu hướng “cá nhân hóa sản phẩm” được đề cao thì tình trạng xuất hiện các đơn hàng nhỏ lẻ đã được đặt ra. Tuy nhiên, cùng với đà suy giảm tiêu thụ hàng dệt may giai đoạn này, sự khắt khe của các nhà mua hàng, sự thay đổi nhanh chóng về thị hiếu người tiêu dùng… thì xu hướng này sẽ ngày càng trở nên thịnh hành. Bên cạnh đó, do đơn hàng nhỏ nên các hãng đều đòi hỏi thời gian sản xuất ngắn, thậm chí giao hàng nhanh chỉ trong vòng một tuần.
  • Xu hướng sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế: chủ đề này không mới, nhưng tại thời điểm hiện tại đã trở thành xu hướng thật sự mạnh mẽ. Để bắt kịp được xu hướng cũng như các chính sách về kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh của các thị trường nhập khẩu dệt may chính như Mỹ và EU, các thương hiệu thời trang cũng đã đưa ra kế hoạch phát triển dài hạn để có thể đạt được mục tiêu chung là phát thải ròng tiến tới về 0 đến năm 2040 – 2050. Các hãng thời trang cũng đề ra những hướng đi khác nhau tùy theo thế mạnh trong chuỗi cung ứng của mình, nhưng đều đặc biệt hướng đến các tiêu chí về nguyên liệu đầu vào cũng như tái chế, tái sử dụng sản phẩm.

Như vậy, có thể thấy rằng doanh nghiệp chỉ có thể thành công trong giai đoạn tới nếu đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt, đáp ứng được các đơn hàng nhỏ, khó, chất lượng cao hơn với giá thành giảm, song song với việc tuân thủ các quy định về môi trường và trách nhiệm xã hội khác.

Tái cơ cấu để chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực

Cơ quan Điều hành Vinatex nhận định, giải pháp đúng trong mọi thời kỳ, đó là: (i) Tổ chức sản xuất tốt để tăng năng suất tối ưu; (ii) Quản trị tốt về chất lượng; (iii) Ổn định và phát triển nguồn nhân lực và (iv) Tiết kiệm tối đa mọi nguồn lực. Tuy nhiên, cách thức triển khai giai đoạn này cần khác biệt, thực hiện một cách triệt để và có hệ thống để có thể vừa khai thác được sức mạnh tổng thể của các doanh nghiệp trong Tập đoàn, vừa điều tiết linh hoạt theo nhu cầu thị trường và khách hàng. Theo đó, Cơ quan Điều hành Tập đoàn xác định các giải pháp trọng tâm nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:

  • Hình thành và thúc đẩy hoạt động của các ban SXKD Sợi – Vải – May –  Gia dụng, nhằm tận dụng kinh nghiệm của các đơn vị tốt hỗ trợ các đơn vị yếu cải thiện hoạt động và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các Ban SXKD để nhanh chóng hình thành chuỗi sản xuất của Tập đoàn. Thực tế giai đoạn vừa rồi cho thấy, đơn vị nào xây dựng được chuỗi cung ứng nội bộ hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng của khách hàng sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh và chủ động được trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Xây dựng Trung tâm phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang của Tập đoàn. Đây là giải pháp nằm trong chiến lược lâu dài, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu của Vinatex, với vai trò là nhà sản xuất cung cấp cho khách hàng giá trị gia tăng bao gồm giải pháp thiết kế thời trang và sourcing trọn gói. Trung tâm cũng có nhiệm vụ tăng cường công tác thị trường và phát triển sản phẩm – đây là lĩnh vực mà nhiều đơn vị thành viên còn yếu, chưa tự tổ chức thực hiện được.
  • Coi việc số hóa công tác quản trị là trọng tâm để tối ưu hóa các nguồn lực sản xuất, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhờ:
    • Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quản trị đáng tin cậy, giúp phát hiện sớm các vấn đề và hỗ trợ việc ra quyết định nhanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vô cùng bất ổn như hiện nay;
    • Có cơ sở đối sánh giữa các đơn vị trong Tập đoàn; áp dụng kinh nghiệm, chỉ số của các đơn vị tốt nhất cho các đơn vị còn thấp hơn trong hệ thống; nhận định sớm những đơn vị có vấn đề về quản trị để có giải pháp kịp thời;
    • Bản thân các đơn vị tự kiểm soát được các thông số sản xuất tức thời, điều chỉnh để cải thiện năng suất tối đa đồng thời với việc tối ưu hóa chi phí;
    • Hệ thống quản trị có khả năng điều chỉnh, thích ứng nhanh để đáp ứng các đơn hàng nhỏ, lẻ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tái cấu trúc lại hệ thống, vận hành linh hoạt không tuân theo các quy chuẩn thông thường.
  • Tiếp tục làm tốt công tác thị trường và nâng tầm khả năng dự báo về thị trường dệt may. Đặc biệt, đẩy mạnh việc ứng dụng các phân tích cơ bản và kỹ thuật phục vụ cho việc dự báo thị trường bông, sợi, làm cơ sở định hướng cho các doanh nghiệp trong toàn hệ thống Tập đoàn khi quyết định mua nguyên liệu hoặc bán sản phẩm.
  • Phát triển các trung tâm dịch vụ, các giải pháp quản trị dùng chung giữa các đơn vị thuộc cùng một địa bàn nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí, dàn trải.
  • Tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất xanh; phát triển sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế;
  • Duy trì có hiệu quả các mặt công tác hiện vẫn đang được thực hiện tương đối tốt như tài chính, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo và ổn định thu nhập, đời sống cho người lao động…

Thị trường những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024 chưa thấy nhiều điểm sáng, cả về chỉ số kinh tế xã hội nói chung lẫn các chỉ số phát triển ngành dệt may nói riêng. Thời điểm này cuối năm ngoái, khi bắt đầu có những tín hiệu đổi chiều của thị trường, chúng ta đã ngay lập tức triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn để ứng phó, với tâm thế nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn để quay lại với mặt bằng sản xuất thông thường. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi khi những nhận định đều cho thấy khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí đủ dài để sàng lọc và loại khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh cũng như mức độ linh hoạt. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo, linh hoạt nhưng quyết đoán, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đón nhận trạng thái “bình thường mới” của thị trường. Vinatex với mô hình Tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên cần tập trung vào các giải pháp phát huy tối đa sức mạnh tổng thể, tái cấu trúc để đáp ứng linh hoạt hơn với xu hướng thị trường, coi đó là điều kiện tiên quyết để tiếp tục phát triển và cải thiện vị thế của mình trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Bài: Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex


Các tin khác