Vinatex gặp mặt cán bộ hưu trí chức danh


Ngày 30/12, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) long trọng tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí chức danh phía Bắc của Tập đoàn, các đơn vị thuộc Tập đoàn qua các thời kỳ, để thông báo tình hình hoạt động của Vinatex trong năm qua và chúc mừng năm mới Xuân Quý Mão 2023.

Toàn cảnh buổi Gặp mặt

Tham dự buổi gặp mặt có ông Đặng Vũ Chư- nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp; ông Bùi Xuân Khu- nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam; ông Lê Huy Côn- nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công Nghiệp nhẹ; ông Nguyễn Chí Dũng- nguyên Thứ trưởng Bộ Công Nghiệp nhẹ; các ông, bà nguyên là thành viên HĐQT, HĐTV, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng, Phó các ban tại Vinatex và các đơn vị thành viên đã nghỉ hưu.

Về phía Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đương nhiệm có ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT; ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc; lãnh đạo Cơ quan điều hành; lãnh đạo các ban chức năng của Tập đoàn và đơn vị trực thuộc. Về phía Công đoàn Dệt May Việt Nam có bà Phạm Thị Thanh Tâm – UV Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu tại buổi Gặp mặt

Tại buổi gặp mặt, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cán bộ hưu trí và báo cáo kết quả SXKD của Tập đoàn năm 2022, kế hoạch triển khai năm 2023. Theo đó, năm 2022 nền kinh tế thế giới biến động phức tạp, ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ, đơn hàng giảm đột ngột bắt đầu từ quý 3/2022. Tuy nhiên, với những giải pháp linh hoạt để thích ứng nhanh, Vinatex vẫn đạt các chỉ tiêu về hoạt động SXKD với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch tăng 15% cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tương đương 75% năm 2021. Điểm lớn nhất của Tập đoàn trong năm 2022 chính là việc duy trì và bảo toàn được toàn bộ lực lượng lao động trong hệ thống với mức thu nhập tăng khoảng 15%, lên gần 9,7 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập cao so với mức thu nhập bình quân của cả nước. Cùng với đó, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã hình chuỗi để kết nối với nhau trong lúc khó khăn về thị trường, nguyên phụ liệu. Công tác đào tạo cán bộ trẻ, quản lý của Tập đoàn trong năm vừa qua cũng phát huy tốt và hiện nay đang có những cán bộ trẻ rất tài năng và đủ sức để điều hành Tập đoàn, các đơn vị trong tương lai.

Năm 2023 là một năm rất thử thách với các dự báo còn nhiều khó khăn đối với Vinatex. Tuy nhiên, Cơ quan điều hành Vinatex vẫn xây dựng kế hoạch năm 2023 bằng hoặc vượt từ 5 – 10% so với năm 2022. Cùng với đó, Tập đoàn kiên định với mục tiêu chăm lo và duy trì lực lượng lao động, tiếp tục triển khai xây dựng chuỗi khép kín và chiến lược một điểm đến với khách hàng doanh nghiệp. Xây dựng chuỗi dệt kim thành một điểm khép kín có thể tiếp cận với những khách hàng lớn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh…

Ông Bùi Xuân Khu- nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam cảm ơn lãnh đạo Vinatex luôn quan tâm tới cán bộ hưu trí

Ông Bùi Xuân Khu- nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam thay mặt các cán bộ hưu trí đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo Vinatex đã luôn quan tâm đến thế hệ đi trước và tổ chức buổi gặp mặt tất niên chuẩn bị chào đón năm mới Xuân Quý Mão 2023. “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Tập đoàn trong năm 2022 đã vượt qua sóng gió, giữ vững ổn định, có lợi nhuận cao. Năm 2023, xin chúc ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng tiếp tục phát triển ổn định, bền vững” – ông Bùi Xuân Khu chia sẻ.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới cán bộ hưu trí nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến

Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường đã tiếp thu những ý kiến góp ý và cảm ơn lời nhắn nhủ của cán bộ hưu trí Tập đoàn. Trong năm 2022, Tập đoàn- Công đoàn, các đơn vị thành viên đã hoàn thành tốt việc đảm bảo cuộc sống cho gần 500 nghìn người lao động trên cả nước và đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Ngành Dệt May Việt Nam lúc nào cũng có thách thức, khó khăn về đơn giá giảm, chi phí tăng, cải thiện năng suất sản xuất xanh… Vì vậy, trong thời gian tới, áp lực với Vinatex chính là đổi mới công nghệ, trang thiết bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lãnh đạo Tập đoàn sẽ bám sát mục tiêu phát triển bền vững, đi từng bước vững chắc đảm bảo trách nhiệm với 3 chủ thể là người lao động, cổ đông và Nhà nước. Điểm nhấn trong năm 2022 chính là việc phát huy Tập đoàn thực sự là lá cờ đầu của ngành Dệt May Việt Nam. Năm 2023, Tập đoàn phấn đấu nâng thu nhập cho người lao động lên trên 10 triệu đồng/người/tháng để nâng chất lượng sống của người lao động, tạo môi trường lao động, làm việc tiệm cận với xã hội văn minh.

Tại buổi gặp mặt, các cán bộ hưu trí đã có khoảng thời gian cùng nhau trao đổi và ôn lại kỷ niệm. Buổi gặp mặt kết thúc trong không khí vui tươi, đầm ấm và thân tình giữa các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ.

Xuân Quý


Các tin khác