Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định: Đòn bẩy trong chiến lược sản xuất kinh doanh và con người


Nhờ vào việc tái cấu trúc thành công, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) đã trở thành một trong những điểm sáng về sản xuất kinh doanh của Vinatex, từng bước xây dựng mới hình ảnh cái nôi của ngành Dệt May Việt Nam. Ngoài việc xây dựng thương hiệu, Natexco còn là đơn vị dẫn đầu trong công tác đảm bảo đời sống cho người lao động, kế thừa tiếp nối truyền thống anh hùng của những người thợ Dệt tại mảnh đất thành Nam.

Vượt qua điểm nghẽn

Năm 2021, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định đạt kết quả SXKD ấn tượng với tổng doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 97 tỷ đồng. Tiếp nối đà phát triển, 6 tháng đầu năm 2022 Natexco đã vững vàng vượt qua được những khó khăn với doanh thu ước đạt 1.023 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và 123% so với cùng kỳ; Sản lượng ngành sợi ước đạt 7.550 tấn, đạt 100% kế hoạch và bằng 108% so với cùng kỳ. Sản lượng ngành vải ước đạt 15,4 triệu mét vuông, tương đương 106% kế hoạch và 132% so với cùng kỳ; ngành dệt khăn ước đạt 155 tấn, bằng 120% so với cùng kỳ; ngành May ước đạt 1,05 triệu sản phẩm.

So với Natexco những năm trước đây, Dệt May Nam Định đã bước qua được “điểm nghẽn” mà nhiều năm chưa tháo gỡ được để bước sang một giai đoạn phát triển mới. Đó là việc tập trung hơn vào các thế mạnh của đơn vị, cũng như tái cơ cấu lại các nguồn lực sẵn có nhằm xây dựng Natexco trở thành trung tâm sản xuất vải dệt thoi và dệt gia dụng lớn tại khu vực miền Bắc.

Ông Đoàn Văn Dũng – Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty cho biết, với kinh nghiệm trong điều hành sản xuất cũng như Natexco đã có học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị sản xuất sợi trong hệ thống của Tập đoàn, nên sản lượng sợi của 2 nhà máy trong Tổng công ty trong tháng 4  và 5 đã tăng 7% so với cùng kỳ. Đồng thời với ngành Dệt vải, Natexco đã nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn cho thuê 96 máy dệt thổi khí hiện đại để nâng quy mô và sản lượng vải từ 1,2 lên 1,9 triệu mét/tháng. Ông Dũng cũng cho biết, vì đã có sự chuẩn bị kỹ trước khi vận chuyển máy từ phía Nam ra ngoài Nam Định để lắp đặt, Natexco đã cử cán bộ đi để xem học hỏi cách vận hành, tháo lắp… nên Tổng Công ty chỉ mất 15 ngày để ổn định sản xuất và có sản lượng so với kế hoạch Tập đoàn giao là 1 tháng.  Đối với ngành nhuộm khó khăn trước đó, năm 2021 Natexco đã đưa về điểm hòa vốn, đồng thời khi có năng suất tăng về vải mộc, Tổng Công ty đã mạnh dạn xử lý hoàn tất để bán cho khách hàng thay vì bán vải mộc như trước đây, do đó trong 6 tháng đầu năm ngành nhuộm hoàn tất đã có lãi, ước đạt khoảng 500 triệu đồng.

Theo Trưởng phòng Tổ chức của Natexco, để vượt qua được những khó khăn Natexco đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Tập đoàn, cùng với đó là sự quyết liệt của HĐQT và Cơ quan điều hành để tái cấu trúc lại tất cả các ngành kinh doanh. Theo đó, Natexco được xác định sẽ là trung tâm sản xuất vải dệt thoi của Vinatex tại khu vực miền Bắc, bên cạnh phát triển dệt khăn và dệt gia dụng. Thời điểm này, không chỉ đã tăng được quy mô nhà máy dệt, Natexco cũng đã thử nghiệm dệt một số loại vải mới để đưa ra thị trường, đồng thời phát triển các mặt hàng chăn, ga, gối. Tuy nhiên để làm được điều này, lãnh đạo TCT thừa nhận Natexco sẽ phải cần một chặng đường nữa để gia tăng và nâng cao liên kết chuỗi, cũng như có sự chuẩn bị đào tạo về cán bộ trẻ có năng lực về hoạt động SXKD bằng cách cử đi học hỏi, tiếp cận các đơn vị mạnh trong Tập đoàn. Bên cạnh đó, Vinatex cũng định hướng xây dựng thêm 1 Nhà máy Sợi có quy mô từ 4-5 vạn cọc sợi, đồng thời tái cơ cấu ngành Dệt khăn và gia dụng.

Với ngành May, bà Nguyễn Thị Khánh- Phó Tổng giám đốc TCT Dệt May Nam Định, Giám đốc Công ty CP May 1 – Dệt Nam Định cho rằng, điều khó khăn nhất của ngành May Tổng Công ty chính là các đơn vị đặt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định nên việc rèn tinh thần, tác phong công nghiệp cho NLĐ đang gặp khó khăn. Hiện, May 1 – Dệt Nam Định vừa hoàn thiện Nhà máy số 2 tại huyện Trực Ninh theo hệ thống BSCI của Châu Âu, trước đó Nhà máy số 1 tại thành phố đã được đánh giá từ năm 2017. Điều này giúp May 1 từng bước chuyển dịch dòng sản phẩm lên khách hàng cao cấp, có thương hiệu. Mới đây, công ty cũng đã được 1 khách hàng cao cấp đánh giá xong vòng 1 và cho may thử nghiệm để cuối năm sẽ đánh giá vòng 2.

Ông Đoàn Văn Dũng thừa nhận, cùng với nhiều đơn vị, Natexco cũng đang gặp phải tình trạng thiếu lao động, nhất là ngành Dệt. Do đó, từ nay đến hết năm 2022 Natexco sẽ sử dụng “đòn bẩy” tiền lương, động viên NLĐ tăng năng suất lao động để có thể đảm bảo được sản lượng cung ứng vải cho thị trường trong nước, là tiền đề để đưa Dệt May Nam Định là một mắt xích trong ngành dệt thoi, từng bước nâng cao chuỗi cung ứng trong nước.

Nhân lên sức mạnh người lao động

Ở cái nôi của ngành Dệt May này, giá trị cốt lõi còn là tâm, tình người lao động; là sự sẻ chia, đồng cảm của ban lãnh đạo đơn vị với không chỉ công nhân mà với cả gia đình họ. Những sản phẩm làm ra từ chiến lược SXKD của đơn vị không chỉ đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe về kỹ, mỹ thuật mà còn là những sản phẩm “hạnh phúc”, được làm ra từ đôi tay của những người thợ cần mẫn, yêu nghề và hạnh phúc khi vào ca, vào chuyền.

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Khánh chia sẻ: Công ty CP May 1 có 2 xưởng may với hơn 700 lao động thì có 55 cặp lao động nên vợ nên chồng từ ngôi nhà chung này. Đơn vị luôn ủng hộ và tạo điều kiện để các bạn trẻ gây dựng gia đình từ nơi mình đang gắn bó mỗi ngày. Chúng tôi trân trọng tình cảm của các bạn dành cho Công ty, bởi trách nhiệm và tinh thần lao động sản xuất của các bạn luôn đồng hành gấp đôi với hoạt động của đơn vị từ những bước thăng trầm đến quá trình phát triển…

“Công ty là ngôi nhà thứ hai để mỗi người lao động cùng chung sức gây dựng. Ở đó là tác phong kỷ luật trong lao động sản xuất, là tự hào giá trị truyền thống và quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu SXKD từ “mắt xích” là người lao động. Mỗi “mắt xích” chất lượng ấy sẽ góp phần tạo nên những dây chuyền sản xuất luôn đều đều tiếng máy chạy, đáp ứng hiệu quả những đơn hàng… Đây cũng chính là nét đẹp đáng tự hào của TCT nói chung và Công ty CP May 1 nói riêng”- bà Nguyễn Thị Khánh bày tỏ.

Chị Trương Thị Dung- Tổ trưởng Tổ 6 xưởng may 2, Công ty CP May 1 bộc bạch: Chúng tôi vẫn thường coi Công ty là “bà mối” mát tay khi rất nhiều công nhân sau một thời gian vào làm việc đã tìm được người bạn đời của mình. Vợ chồng tôi cùng làm ở xưởng may, đã gắn bó với Công ty hơn 15 năm, cùng nhau vượt qua nhiều giai đoạn phát triển của đơn vị. Trải qua nhiều khó khăn, vợ chồng tôi vẫn động viên nhau vững tay máy, chuyên tâm lao động sản xuất, hỗ trợ nhau trong vai việc nhà, việc nhà xưởng.

Cũng như những công nhân khác, các cặp vợ chồng công nhân ở đây luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của ban lãnh đạo, công đoàn Công ty. Ngoài được đảm bảo việc làm, điều kiện làm việc ngày càng cải thiện, chúng tôi thường xuyên được tham gia các hoạt động phong trào, ngày kỷ niệm, ngày lễ gắn kết tổ, nhóm, gắn kết gia đình.

“Hiện nay, thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 20 triệu đồng/tháng, đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình với hai con nhỏ. Với kinh nghiệm và tay nghề may càng ngày càng được nâng cao, vợ chồng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau để làm sao hợp lý hóa sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động, đồng thời hỗ trợ, kèm cặp thêm cho các công nhân trẻ mới vào nghề từ những thao tác đơn giản đến phức tạp. Chúng tôi luôn muốn truyền đến người lao động ở đơn vị tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo và mong có thêm nhiều cặp đôi được tác hợp để tăng thêm “sức mạnh” cho quá trình phát triển của đơn vị giàu truyền thống và nhân văn”-  chị Dung tâm tình.

Bên cạnh ngày càng có nhiều gia đình công nhân lao động tiêu biểu thể hiện cho chiến lược con người bền vững của mình, Dệt May Nam Định còn nuôi dưỡng nhiều công nhân tiêu biểu. Họ là điểm sáng cho những phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến có giá trị áp dụng vào thực tiễn SXKD của đơn vị.

Anh Phạm Văn Hiếu- Công ty CP May 5 cho biết: Làm công nghệ may đòi hỏi người lao động phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, tay nghề để có thể đưa ra những sản phẩm thời trang đa dạng, chất lượng thông qua hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ lại chuẩn về chất lượng sản xuất. Bên cạnh vận hành công việc mỗi ngày, chúng tôi còn được Công ty tạo điều kiện cho học hỏi thêm kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bên ngoài để nâng cao trình độ và cập nhật kỹ thuật mới…

Tự hào truyền thống Dệt May Việt Nam, anh Hiếu luôn nỗ lực lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến có giá trị, đồng hành với công nhân may để hợp lý hóa sản xuất, đem lại những sản phẩm đảm bảo tiến độ và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng. Hệ thống máy may lập trình được anh cùng các cộng sự “chinh phục” một cách đạt hiệu suất cao nhất để nâng tầm công nghệ may trong xu thế hiện đại hóa…

Gắn bó với Công ty, nhiều năm liên tục anh được công nhận là công nhân tiêu biểu. Yên tâm trong lao động sản xuất, anh Hiếu có điều kiện chăm lo cho chất lượng cuộc sống gia đình nên nhiều năm gia đình anh được công nhận là gia đình công nhân tiêu biểu, gia đình văn hóa.

Cũng như anh Hiếu, chị Phạm Thị Hồng Hà- Phó trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP May 4 luôn tròn vai việc công ty, việc nhà. Chị chia sẻ: Có được điều này là bởi chúng tôi nhận được sự quan tâm chăm lo chu đáo, khích lệ từ tinh thần đến vật chất của ban lãnh đạo Công ty. Chúng tôi cũng từng bước chuẩn hóa trình độ, tay nghề từ những đơn hàng giá trị cao mà Công ty mang về.

“Mỗi khi cầm trên tay mẫu sản phẩm mới với những quy chuẩn khác nhau, tôi luôn suy nghĩ để tìm ra công nghệ may phù hợp nhất dựa trên năng lực sản xuất và công nghệ của Công ty. Bên cạnh những yêu cầu chuẩn hóa trong từng chi tiết thì cần có sự linh hoạt, sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất để công nhân may hoàn thành sản phẩm đảm bảo yêu cầu cao nhất. Ngoài kiến thức thực tế, tôi thường tìm hiểu thêm các công nghệ may mới qua mạng xã hội từ đó có thêm kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và trao đổi với đồng nghiệp để cùng bắt nhịp với tiến bộ kỹ thuật vì sự phát triển của đơn vị”- chị Hà bày tỏ.

Trong câu chuyện với những công nhân tiêu biểu, gia đình công nhân tiêu biểu ở Dệt May Nam Định, chúng tôi đều cảm nhận được ở họ niềm tự hào về giá trị truyền thống nơi mình đang gắn bó và đóng góp công sức lao động mỗi ngày. Với các gương mặt tiêu biểu ấy, DM Nam Định thực sự là ngôi nhà thứ hai, nơi tạo dựng hạnh phúc và mang lại hạnh phúc, niềm tin cho họ. Chiến lược con người nhân văn này sẽ tạo đà cho đơn vị phát triển bền vững, dù còn đó những khó khăn luôn thường trực.

Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Khánh, bên cạnh phát huy nội lực, lan tỏa sức mạnh từ những lao động tiêu biểu, gia đình công nhân tiêu biểu, chúng tôi cũng luôn mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Tập đoàn Dệt May Việt Nm qua các chương trình đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ nhân viên, các đơn vị, đặc biệt là lao động trẻ để chúng tôi có cơ hội tạo nguồn lực bền vững cho tương lai.

Bài: Kiều Giang – Quang Nam


Các tin khác