Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ: Cơ hội được tạo ra từ thử thách


Để đối phó với những khó khăn do dịch Covid – 19 đem lại trong năm 2021, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kịch bản “vừa sản xuất, vừa chống dịch” phù hợp theo từng thời điểm. Chính vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho toàn thể người lao động, Tổng Công ty đã đạt được những thành tích đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid – 19

Năm 2021, đại dịch Covid – 19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến giá nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao. Điều này đã tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động tìm kiếm, khai thác đơn hàng và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung và của Tổng Công CP Dệt May Hòa Thọ nói riêng.

Ngay khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh, chính quyền địa phương đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt. Nhiều lao động của Tổng Công CP Dệt May Hòa Thọ ở khu vực phong tỏa, không đi làm được, điều này đã dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động. Riêng trong khoảng thời gian 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, các nhà máy của Tổng Công ty chỉ được thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” với tối đa 30% số lượng lao động. Điều này đã bắt buộc Tổng Công ty phải sắp xếp, bố trí lại dây chuyền sản xuất để ưu tiên sản xuất các đơn hàng gấp.

Bà Trần Tường Anh- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, việc phải giảm quy mô sản xuất đã làm phát sinh tình trạng chậm giao hàng so với kế hoạch, dẫn đến các yêu cầu phạt hợp đồng của các khách hàng gây ảnh hưởng đến hiệu quả và uy tín của Tổng Công ty. Bên cạnh đó, các tỉnh giáp ranh đều có những quy định phòng, chống dịch riêng, không thống nhất đã gây khó khăn cho người lao động khi di chuyển giữa các địa phương để đi làm. Ngoài ra, việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước làm cho Công ty phát sinh thêm rất nhiều chi phí.

Vượt qua khó khăn

Ngay khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã khởi động chương trình phòng chống dịch ở mức cao nhất, lưu trữ thông tin người lao động, thực hiện khai báo y tế với tất cả cán bộ công nhân viên và khách. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã trang bị cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, Chloramine B, khẩu trang… và tăng cường các nội dung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp.

“Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kịch bản “vừa sản xuất, vừa chống dịch” phù hợp theo từng thời điểm. Linh hoạt bố trí, sắp xếp sản xuất phù hợp với từng giai đoạn chống dịch, đảm bảo các điều kiện sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” cho người lao động để sản xuất. Hiện tại, hơn 95% người lao động của Tổng Công ty đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid – 19. Đối với các trường hợp không thể tiêm vắc xin vì lý do sức khỏe thì Tổng Công ty có biện pháp phòng dịch riêng để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh”, bà Trần Tường Anh chia sẻ.

Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công CP Dệt May Hòa Thọ

Để đối phó với tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, Tổng Công ty đã chủ động khai thác, tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới để thay thế và cơ cấu lại nguồn cung nguyên liệu, tránh sự phụ thuộc vào một nguồn cung để hạn chế tối đa rủi ro. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi cách thức làm việc trực tuyến nên đảm bảo mọi giao dịch với đối tác khách hàng đều xuyên suốt, không bị gián đoạn do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các nhà máy đạt chuẩn thực chất, hướng đến các tiêu chuẩn nhà máy thông minh cho cả ngành Sợi và May, trong đó chú trọng đến các tiêu chí về trách nhiệm xã hội, tính linh hoạt trong sản xuất, kỷ luật trong thực hiện quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng… để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính nhờ những nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết vượt qua khó khăn của toàn thể CBNV, người lao động mà năm 2021 Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 208 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020, đạt 101% so với kế hoạch năm 2021; Lợi nhuận đạt 140 tỷ đồng, tăng 117% so với năm 2020, đạt 200% so với kế hoạch năm 2021; Thu nhập bình quân người lao động đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 16% so với năm 2020, đạt 110% kế hoạch năm 2021.

Quan tâm, chăm lo sức khỏe người lao động

Trước những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh đem lại, Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã luôn đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống người lao động bằng những việc làm thiết thực. Thông qua hệ thống công đoàn cơ sở, Công đoàn Tổng Công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có những kiến nghị, đề xuất kịp thời, góp phần giữ gìn Tổng Công ty an toàn, vượt qua khó khăn và dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Tổng Công ty đã chi hơn 1 tỷ đổng để tăng cường các biện pháp phòng dịch như: Lắp vách ngăn tại bàn ăn; kiểm tra thân nhiệt; cấp phát vitamin C, nước súc miệng, nước rửa tay, khẩu trang kháng khuẩn, mặt nạ chống giọt bắn, xét nghiệm Covid-19… cho người lao động.

Ngoài ra, Công đoàn Tổng Công ty còn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người lao động khi tham gia sản xuất “3 tại chỗ”. Duy trì tốt việc tổ chức ăn sáng, ăn giữa ca, chế độ nước uống giữa giờ cho công nhân ngành Sợi; tăng tiền hỗ trợ thuê nhà từ 300.000 đồng/người lên 500.000 đồng/người; hỗ trợ người lao động gián đoạn công việc do dịch 2 triệu đồng/người/tháng; trích nộp đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động gần 150 tỷ đồng. Những người lao động có hoàn cảnh khó khăn đều được Tổng Công ty trợ cấp kịp thời và cho vay không tính lãi. Trong 5 năm qua, Tổng Công ty đã trợ cấp cho 1.582 lượt công nhân, hỗ trợ xây 7 căn nhà với số tiền gần 1 tỷ đồng và giải quyết cho vay 300 người từ nguồn Quỹ Ái hữu với số tiền gần 2 tỷ đồng.

“Công tác chăm sóc sức khoẻ tại chỗ luôn được Tổng Công ty chú trọng. Ngoài số tiền bảo hiểm y tế trích lại để chăm lo sức khoẻ ban đầu, Tổng Công ty còn mua thuốc bổ sung để chữa bệnh tại chỗ và thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn trang bị phòng lưu trữ, bảo quản sữa mẹ phục vụ cho nữ công nhân nuôi con nhỏ”, ông Sơn cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân đứng máy sợi con – Nhà máy Sợi Hòa Thọ 2 cho biết: “Khi dịch bệnh bùng phát, người lao động chúng tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo Công ty và tổ chức Công đoàn, đặc biệt là được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, chúng tôi thấy yên tâm hơn khi làm việc. Đặc biệt, khi phải làm việc theo hình thức “3 tại chỗ”, mọi người đều được Công ty trang bị đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt và hỗ trợ thêm kinh phí”.

Bên cạnh việc quan tâm, chăm lo cho người lao động, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ còn tích cực đóng góp, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố Đà Nẵng để chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch. Tham gia cùng với chính quyền địa phương cung cấp hàng hóa thiết yếu cho dân cư vùng lân cận thông qua hoạt động của Trung tâm Thương mại Hòa Thọ để góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.


Các tin khác