Lợi ích của công trình xanh


“Going green” – Phát triển xanh đã trở thành một lời kêu gọi toàn cầu. Trong bối cảnh hiện tại, gần như tất cả những gì gắn với “xanh” đều thể hiện tính bền vững, phát triển xanh cũng tr thành một trong những lợi thế cạnh tranh được tìm kiếm nhiều nhất trong kinh doanh. Ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến việc sở hữu một hoặc nhiều công trình, nhà máy xanh.

Lợi ích kép

Theo nghiên cứu Xu hướng Công trình xanh Thế giới năm 2021 của Dodge Construction Network[1] (DCN), công trình xanh tiếp tục là xu hướng và sự lựa chọn ưu tiên trên toàn cầu bởi những lợi ích của nó tác động tích cực đến xã hội và cải thiện môi trường cũng là một trong những hành động quan trọng để mức phát thải ròng giảm một nửa vào năm 2030 và về bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Những lợi ích của công trình xanh mang lại là rất lớn. Đối với xã hội, công trình xanh giúp cải thiện về sức khỏe và mang đến cảm giác hài lòng cho người sử dụng, khuyến khích hoạt động kinh doanh bền vững và tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và tạo ra ý thức cộng đồng. Về môi trường, công trình xanh giúp giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí trong nhà, giảm lượng tiêu dùng nước, bảo vệ nguồn lực thiên nhiên…

Kết quả từ cuộc khảo sát[2] của DCN thực hiện đã cho thấy một số lợi ích quan trọng, được đánh giá cao nhất của công trình xanh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh như việc giảm chi phí vận hành và cải thiện sức khỏe, đem lại sự vui vẻ thoải mái cho người sử dụng. Các bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến môi trường làm việc cải thiện đáng kể do công trình xanh thường được tăng cường thông gió, tuần hoàn không khí, cải thiện khả năng lọc khử trùng không khí… Sức khoẻ được cải thiện nhìn chung làm tăng hiệu suất và năng suất của người lao động. (Minh họa 1).

Các công trình xanh giúp môi trường trong nhà lành mạnh hơn. Đây là một yếu tố ưu tiên trong nhiều hệ thống đánh giá toà nhà. Để đáp ứng được yêu cầu này công trình cần (i) tránh sử dụng các vật liệu xây dựng giảm phát thải CO2 (giảm sử dụng các vật liệu hoá thạch trong sản xuất xi măng), tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng sinh học; (ii) sử dụng hệ thống thông gió đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cấp gió tươi liên tục; (iii) không để khói thuốc lá hoặc khí thải có trong nhà và khu vực ngoài trời gần cửa ra vào và cửa sổ.

Như bảng phía dưới (Minh họa 2) cho thấy tiết kiệm chi phí hoạt động trung bình trong 12 tháng đầu tiên là trên 10% và trong 5 năm tiếp theo là trên 16%. Chi phí năng lượng là một khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất. Công trình xanh có thể giảm chi phí này đáng kể nhờ có các thiết kế hợp lý, sử dụng năng lượng tái tạo. Không chỉ có vậy, nhiều nhà đầu tư nói rằng giá trị tài sản tòa nhà tăng lên 9% do thực hiện đầu tư công trình xanh. Theo đó, các công trình xanh đang mang lại nhiều giá trị hơn cho nhà đầu tư. Điều này khuyến khích việc đầu tư lớn hơn nữa cho các công trình xanh.

 

Đó là một số lợi ích có thể thấy ngay được nhưng lợi ích hơn cả và lâu dài đó là tính bền vững. Không thể phủ nhận khi sở hữu công trình xanh, và nếu là công trình xanh có được chứng chỉ xanh thì chủ sở hữu có lợi thế thu hút khách hàng, người lao động hơn.

Chứng chỉ xanh LEED được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới

Công trình xanh với chứng nhận theo chứng chỉ LEED được yêu cầu tiết kiệm ít nhất 20% so với mức tiêu chuẩn thông thường và thiết kế tiết kiệm năng lượng theo ASHIRAE[3] 90.1 (hoặc tiêu chuẩn tương đương). Công trình không đáp ứng được tiêu chuẩn này sẽ không được cấp chứng nhận LEED bất kể công trình đạt điểm cao trong các hạng mục khác.

Theo Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ, các tòa nhà phát thải chiếm 40% lượng khí thải ra môi trường, nhưng đối với các tòa nhà xanh, công trình có chứng chỉ LEED lại có lượng khí thải thấp hơn 34% và sử dụng năng lượng ít hơn 25%, sử dụng nước ít hơn 11% so với các tòa nhà khác. Những người làm việc trong các toà nhà có chứng chỉ Leed thường cho thấy năng suất được cải thiện từ 6-16%.

Tuy nhiên, để đo lường giá trị của các công trình xanh, cũng cần xem xét chi phí đầu tư so với các phương thức xây dựng truyền thống. Mặc dù chi phí đầu tư cho công trình xanh có thể có chi phí ban đầu cao hơn với các công trình xây dựng theo cách truyền thống, nhưng công trình xanh lại có thể dễ dàng lấy lại theo thời gian.

Trong cuốn sách “Kinh tế học về công trình xanh”, tác giả David Gttfried ước tính rằng việc xây dựng ban đầu công trình xanh chiếm 2% tổng chi phí, hoạt động bảo trì chiếm 6%, trong khi chi phí trả lương chiếm hơn 60%. Khi xem xét khoản tiết kiệm hàng năm là kết quả của việc giảm thời gian làm việc bị mất và cải thiện sức khoẻ của người lao động từ các doanh nghiệp xanh, thì lợi ích của công trình xanh càng trở nên rõ ràng hơn.

Bài: Văn phòng HĐQT Vinatex

[1] Dodge Construction Network: Nhà cung cấp hàng đầu của Mỹ về phân tích dữ liệu, thông tin và giải pháp cho ngành xây dựng thương mại.

[2] Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7-8/2021 với 1.210 người tham gia trực tuyến.

[3] ASHIRAE là tên viết tắt của tổ chức của Hoa Kỳ dành cho sự tiến bộ của công nghệ kiểm soát môi trường trong nhà trong ngành công nghiệp. ASHRAE 90.1-2007: Tiêu chuẩn năng lượng cho tòa nhà trừ tòa nhà dân cư thấp tầng.


Các tin khác