Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ: Cần tập trung đầu tư nhân lực và công nghệ


Ngày 14/01/2021, tại Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Dệt May Hòa Thọ) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động SXKD năm 2020, triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2021.

Năm 2020, với khó khăn chồng chất, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bão lũ, Dệt May Hòa Thọ đã phải hết sức nỗ lực để duy trì sản xuất, bảo toàn lực lượng NLD lên tới gần 9.000 người. Ngoài nỗ lực tự thân để vượt qua khủng hoảng Covid-19, thì còn có yếu tố may mắn. Là một tổ chức hoạt động đông người, nguy cơ lây lan nhanh nếu chẳng may có công nhân mắc virus, nên Dệt May Hòa Thọ đã chủ động các giải pháp tích cực phòng chống Covid ngay từ đầu. Do đó, không một nhà máy nào phải dừng sản xuất vì có ca lây nhiễm. Trong thời gian một số đơn hàng bị giãn, hủy thì Dệt May Hòa Thọ đã chủ động thay đổi mặt hàng, chuyển đổi sản xuất hàng veston sang sản xuất quần áo mặc nhà, quần áo trẻ em, sẵn sàng làm những mặt hàng chưa bao giờ làm, cho dù làm không có lãi cũng chấp nhận, miễn sao đảm bảo việc làm cho NLĐ, thiết bị máy móc không bị dừng hoạt động.

Dệt May Hòa Thọ có truyền thống càng trong khó khăn thì tinh thần đồng tâm hiệp lực càng cao. Bên cạnh đó, công tác truyền thông ổn định tinh thần NLĐ cũng được làm chu đáo nên anh chị em đều an tâm, tin tưởng làm việc hết sức mình, thậm chí có người sẵn sàng đi làm không cần trả thù lao.

Trong suốt cả năm 2020, cơ quan điều hành đã luôn tính toán sít sao nguồn tài chính để duy trì đời sống CBCNV. Những nhân sự ở vị trí lãnh đạo chấp nhận giảm tới 50% lương nhưng giữ nguyên 100% lương cho công nhân, nhân viên. Do đó, mặc dù số lượng NLĐ rất đông, nhưng Dệt May Hòa Thọ đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, không để một ngày công nhân thiếu việc làm, không để công nhân thiếu một ngày lương nào. Thật may mắn khi các đơn hàng quần áo mặc nhà và quần áo trẻ em của Hòa Thọ có được khá đều đặn, kể cả trong đại dịch. Kết quả năm 2020 Dệt May Hòa Thọ có doanh thu 3.256 tỷ đồng, lợi nhuận 60,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân 7,4 triệu đồng/người/tháng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DMVN nhấn mạnh, trong thời gian tới, Dệt May Hòa Thọ cần cân đối thị trường, cân đối các mặt hàng cũng như khách hàng để đáp ứng được nhu cầu mới xuất hiện sau đại dịch Covid-19. Tập trung tạo sự cân bằng tốt hơn trong danh mục sản phẩm của Tổng Công ty. Bên cạnh đó, Dệt May Hòa Thọ cũng cần xây dựng chiến lược dài hạn và kế hoạch trung hạn cho Tổng Công ty đến năm 2030, tạo thế chủ động trong SXKD. Trong nhiều năm qua, Tổng Công ty đã có tăng trưởng rất tốt, nhưng cần chú trọng vào phát triển chiều sâu trong giai đoạn tới. Đặc biệt trong ba nguồn vốn cần phát triển là: vật chất, nhân lực, công nghệ, thì Dệt May Hòa Thọ cần tập trung phát triển nhân lực và công nghệ. Lấy đầu tư công nghệ làm nền tảng để đào tạo nhân lực mới, chứ không chỉ dừng lại ở đào tạo các kỹ năng mềm. Đầu tư cho công nghệ thì không chỉ học tập từ một số đơn vị bạn trong nước, mà cần tiếp cận, học hỏi công nghệ cao từ quốc tế, sau đó nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp, tạo hiệu quả tăng năng suất. Bởi bản chất của cạnh tranh là tăng năng suất. Năm vừa qua, Dệt May Hòa Thọ mới chỉ đầu tư chừng 400 triệu đồng cho đào tạo nhân lực, thì đó còn là con số khiêm tốn so với giá trị tăng thêm của Tổng Công ty đạt được là khoảng 1.600 tỷ đồng. Tính trung bình trên thế giới, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực R&D thường chiếm tới 2,2% GDP, tương tự trong doanh nghiệp là trên 2% giá trị tăng thêm của doanh nghiệp (Giá trị tăng thêm của doanh nghiệp = tổng doanh thu – chi phí nguyên vật liệu).


Các tin khác