Suy nghĩ về hướng đi của một Tạp chí chuyên ngành


Đã gần 25 năm kể từ ngày Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam là một đơn vị của Tập đoàn Dệt May Việt Nam,đóng vai trò là cơ quan ngôn luận chính thức của toàn Tập đoàn. Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam21-6, với trách nhiệm 10 năm giữ vị trí Tổng Biên tập của Tạp chí, tôi muốn dành bài viết này để điểm qua về những thăng trầm của Tạp chí trong 25 năm qua, cũng như nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế và gợi mở hướng đi của Tạp chí trong chặng đường mới, với mục tiêu đưa Tạp chí và hệ thống các ấn phẩm, bao gồm cả phiên bản điện tử và phiên bản in của Tập đoàn, thực sự trở thành công cụ truyền thông nội bộ hữu hiệu trong các doanh nghiệp dệt may và trở thành Tạp chí chuyên ngành duy nhất của ngành dệt may cả nước.

Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam tiền thân là Bản tin Kỹ thuật Dệt May, sau đó được nâng cấp lên thành Tạp chí Dệt May thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Kỹ thuật Dệt May -viện nghiên cứu đầu ngành của ngành Dệt May cả nước, được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 1969. Với cách thức tổ chức của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế kế hoạch theo mô hình của Liên Xô cũ, các viện nghiên cứu sẽ là các trung tâm nghiên cứu phát triển của ngành, được ngân sách bao cấp, do đó các đặc san, tạp chí trong các viện là một phần không thể thiếu và là kênh cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Lúc đó, nội dung của Bản tin không bao gồm phần quản lý, thị trường, kinh doanh, vì đó là các nội dung được ấn định theo quy định cứng, sản xuất theo kế hoạch. Chính vì lẽ đó, nội dung chính yếu chỉ là các phát minh khoa học, các kỹ thuật mới, thiết bị mới của ngành Dệt May, trích dẫn nguồn các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó, mà chủ yếu là tài liệu kỹ thuật của Liên Xô cũ, tài liệu về thiết bị của CHDC Đức và Tiệp Khắc – hai quốc gia được phân công sản xuất các thiết bị công nghiệp nhẹ của khối SEV cũ. Với đội ngũ nghiên cứu viên rất dồi dào, được đào tạo bài bản từ Liên Xô cũ, CHDC Đức, Tiệp Khắc và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng trang bị cơ sở vật chất ban đầu tương đối đầy đủ so với trình độ công nghệ thời điểm đó, giai đoạn thập kỷ 70, 80thế kỷ trước, Bản tin Kỹ thuật Dệt May thực sự đóng vai trò quan trọng, là kênh thông tin có thể nói là duy nhất cho đội ngũ kỹ thuật ngành Dệt May cả nước.

Cùng với sự sụp đổ của thị trường Đông Âu đầu thập niên 90 thế kỷ 20, các doanh nghiệp ngành Dệt May lâm vào khủng hoảng nặng nề về sản xuất kinh doanh. Thị trường mất, trang thiết bị lạc hậu, nguồn vật tư phụ tùng thay thế không còn, các nhà cung cấp thiết bị công nghệ truyền thống trong khối XHCN cũng phá sản, giải thể hoặc chuyển đổi mô hình. Nguồn thông tin qua sách, tạp chí chuyên ngành tại các nước XHCN cũ cũng không còn nữa. Toàn ngành lúc này tập trung chủ yếu vào việc tìm kiếm thị trường mới, mở ra ngành may xuất khẩu với trang thiết bị đơn giản, chủ yếu tận dụng sức người, do đó hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật cũng bị đình đốn. Nội dung của Bản tin Kỹ thuật Dệt May trở nên nghèo nàn, không còn là kênh tin cậy cho các doanh nghiệp. Mặt khác, với sự giảm dần của kinh phí nghiên cứu được trợ cấp từ nhà nước cho các viện, việc duy trì một tờ tạp chí trong một viện nghiên cứu hướng tới tự chủ là hết sức khó khăn. Giai đoạn giữa thập kỷ 90 là một khoảng thời gian thực sự nan giải trong định hướng phát triển của Tạp chí, tồn tại hay giải thể? Tồn tại thì cách làm như thế nào, nguồn kinh phí ở đâu?

Với việc thành lập Tổng Công ty Dệt May Việt Nam năm 1995, Viện nghiên cứu Dệt May cũng được chuyển từ Bộ Công Nghiệp về Tổng Công ty. Ý thức được vai trò của hoạt động nghiên cứu phát triển, cũng như những khó khăn của việc duy trì một tạp chí trong viện nghiên cứu còn nhỏ và yếu, năm 1996, Hội đồng Quản trị Tổng Công ty đã quyết định điều chuyển Tạp chí về Tổng Công ty, trở thành một đơn vị sự nghiệp với Tổng Biên tập là đồng chí Nguyễn Nhã – Phó TGĐ thường trực của Tổng công ty. Sau đó, từ năm 1998, trực tiếp đồng chí Bùi Xuân Khu – Tổng Giám đốc Tổng công ty là Tổng Biên tập Tạp chí. Như vậy có thể thấy, trong suốt gần 25 năm qua, tờ Tạp chí luôn có Tổng Biên tập là Phó TGĐ thường trực hoặc TGĐ Tập đoàn, trừ giai đoạn 2005 – 2010 do đồng chí Trưởng Ban TT&TT làm Tổng Biên tập. Rõ ràng,quyết định đưa Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam về Tổng Công ty, nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam, lại được sự quan tâm trực tiếp làm Tổng Biên tập của các thế hệ Lãnh đạo Tập đoàn là bước chuyển quan trọng nhất, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của Tạp chí trong 25 năm qua. Từ khi trở thành Tạp chí của Tập đoàn, ít nhất Tạp chí đã có được nguồn kinh phí cơ bản để duy trì hoạt động và xuất bản hàng tháng. Chất lượng Tạp chí hoàn toàn nằm trong tay những người thực hiện, phụ thuộc vào năng lực, tầm nhìn và biện pháp triển khai.

Giai đoạn 1996 – 2010, Tạp chí với 36 – 40 trang được xuất bản hàng tháng; từ in đen trắng nâng cấp thành in 4 màu; đề tài mở rộng từ kỹ thuật chuyên ngành sang cả các vấn đề quản lý doanh nghiệp, thông tin thị trường, gương điển hình,…; đảm bảo phát hành đúng hạn; từ năm 2003 có thêm 4 trang tiếng Anh trong mỗi số Tạp chí. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, chính trong giai đoạn này, nội dung của Tạp chí lại chưa đáp ứng được yêu cầu của độc giả mục tiêu – là các lãnh đạo doanh nghiệp, những người làm dệt may chuyên nghiệp. Nguyên nhân là do lực lượng cán bộ còn mỏng, chỉ từ 2-3 người; thiếu nguồn tư liệu do chưa có internet; tạp chí in nước ngoài cũng không được cung cấp; trình độ ngoại ngữ còn hạn chế nên không khai thác được các nguồn tin cập nhật, có giá trị với doanh nghiệp; năng lực phân tích, tổng hợp chính sách để có các bài dự báo của tạp chí còn yếu; hiểu biết về thị trường, về các hiệp định thương mại còn thấp hơn so với các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp đã mở cửa, hội nhập sâu, lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên có giao lưu với các nước, đã đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại, thông tin và hiểu biết của doanh nghiệp có phần đi trước thông tin của Tạp chí và thậm chí của cả Viện nghiên cứu Dệt May. Thêm vào đó, các bài viết chủ yếu vẫn ở dạng đưa tin, lại chậm hơn so với các trang tin điện tử, nhiều số còn ở tình trạng “ăn đong”, chất lượng bài viết chưa đồng đều, không có chủ đề cụ thể cho các số báo, chưa có kế hoạch xuất bản chocả năm, các chuyên mục cứng của tạp chí chưa rõ ràng.

Giai đoạn 2011-2015, với việc đưa vào khai thác cổng thôngtin điện tử vinatex.com.vn, khối lượng công việc ngày càng nhiều lên, nhờ đó Ban Biên tập đã được Lãnh đạo Tập đoànphê duyệt bổ sung thêm nhiều nhân tố mới, được đào tạo chuyên ngành báo chí, nâng số phóng viên từ 2 lên 4 người, có biên tập viên tiếng Anh. Tạp chí và website bước đầu có phân tách nội dung giữa đưa tin trên trang điện tử và bài chuyên sâu, phân tích, dự báo trên số báo in. Số trang của Tạp chí được nâng lên 60 trang, in ấn đẹp hơn, đã có các số chuyên đề như Tháng công nhân, số Tết,… Bước đầu có các bài chuyên gia về quản trị, chia sẻ về kinh nghiệm thành công ở các doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, khoảng cách giữa yêu cầu của bạn đọc chuyên ngành với nội dung của Tạp chí vẫn chưa được lấp đầy. Bạn đọc chưa cảm thấy nhu cầu cần tờ Tạp chí như một kênh thông tin tham khảo tin cậy, cập nhật, các bài viết chưa có tác dụng gợi mở ý tưởng cho nhà quản lý doanh nghiệp Dệt May. Số lượng các bài viết nội bộ, khai thác chủ đề hiện có chiếm tỷ trọng cao, các bài viết phân tích dự báo, nhất là các thông tin đối chiếu từ các quốc gia cạnh tranh, phân tích thị trường còn rất ít và sơ sài, tỷ trọng các bài phóng sự ảnh, thời trang cao nhưng không phải là kênh quảng bá sản phẩm do số lượng ấn bản ít, diện phủ sóng còn hẹp. Sự lúng túng giữa hướng đi chuyên ngành và hướng đi quảng bá cho số đông bạn đọc được thấy rõ trong nhiều số Tạp chí. Năng lực báo chí của phóng viên được cải thiện nhưng vẫn chưa có được các phóng viên có kiến thức chuyên ngành kể cả về hội nhập, thị trường lẫn kỹ thuật. Trên hết, Tạp chí và Ban Thông tin & Truyền thông giai đoạn này chưa tham mưu được kế hoạch truyền thông tổng thể cho Tập đoàn, chưa tham gia trực tiếp vào thông đạt định hướng chiến lược phát triển Tập đoàn, cũng như là kênh không chỉ truyền đạt từ trên xuống, mà còn là kênh phản hồi từ cơ sở lên cho lãnh đạo. Chưa thực hiện được vai trò là diễn đàn chung của người làm dệt may.

Giai đoạn 2015 đến nay, nhất là từ sau năm 2017, với việc Tập đoàn chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần, các hoạt động của hệ thống truyền thông Tập đoàn đãcó nhiều chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Tập đoàn đã thống nhất hoạt động quản lý truyền thông về Ban Thông tin& Truyền thông, bao gồm cả Tạp chí như một công cụ truyền thông quan trọng nhất của Tập đoàn, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác truyền thông nội bộ nóichung và Tạp chí nói riêng nhằm cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn. Xác định nhiệm vụ của hệ thống truyền thông nội bộ, bao gồm cả thông tin chuyên ngành – trên Tạp chí, thông tin hoạt động và quan hệ cổ đông trên website, hoạt động xây dựng hình ảnh Tập đoàn, hoạt động sở hữu trí tuệ và xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Từ việc xác định rõ mục tiêu, Tạp chí đã từng bước xây dựng các chuyên trang phục vụ nhu cầu của người làm dệt may chuyên nghiệp, đảm bảo cung cấp thông tin cập nhật, có tính xác thực cao, mang lại giá trị cho doanh nghiệp, nâng số trang lên 80 trang 1 số. Đã hìnhthành các chuyên trang về Hội nhập kinh tế, chuyên sâu phân tích lợi ích và thách thức của các FTA đối với ngành Dệt May, không chỉ FTA của Việt Nam với các nước mà còn FTA của các quốc gia cạnh tranh, qua đó phân tích lợi thế cạnh tranh tương đối của ngành Dệt May Việt nam; các chuyên trang vềHồ sơ quốc gia cạnh tranh, đối thủ cạnh tranh, các chính sách phát triển của họ, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, là một cánh tay đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp trongviệc ra quyết định khi đầu tư và hợp tác; các chuyên trang về Thị trường và vị thế của Việt Nam tại từng thị trường; cácchuyên trang về Khoa học công nghệ với các mô hình nhà máy mới được đầu tư ở các nơi, cập nhật các công nghệ mớitrên thế giới; chuyên trang về Văn hoá doanh nghiệp, chia sẻcác kinh nghiệm thành công tại doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời vẫn duy trì một tỷ trọng hợp lý các tin về Thời trang, Văn hoá, hoạt động của Công nhân – Công đoàn và Hiệp hội. Bên cạnh các số Tạp chí được xuất bản định kỳhàng tháng đã có thêm các Ấn bản chuyên đề như Chuyên đề về CPTPP, Chuyên đề về Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Chuyên đề về EVFTA, Chuyên đề về Quy tắc xuất xứ,… có tác dụng như cẩm nang hướng dẫn để doanh nghiệp sử dụng. Từ năm 2019 trở lại đây, Tạp chí đã tích cực sử dụng các công cụ truyền thông multimedia, nhất là qua kênh youtube, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, … để tuyên truyền nhanh, diện lan toả rộng về các vấn đề quan trọng cần được sự thấu hiểu và đồng thuận cao của người lao động, đem lại sự thống nhất ý chí và hành động ở những thời điểm khó khăn như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên sau 25 năm, hệ thống truyền thông nội bộ được đánh giá có vai trò chủ đạo trong định hướng tư tưởng, xây dựng văn hoá của doanh nghiệp. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, Tạp chí nói riêng và các kênh truyền thông nội bộ nóichung của Tập đoàn đã quy tụ được nhiều cộng tác viên ổn định ở các Ban chức năng tham mưu, ở các doanh nghiệp DệtMay, ở Viện Dệt May và các Đại học có chuyên ngành Dệt May, … để có các bài nghiên cứu chuyên sâu dài kỳ với chất lượng và số lượng ổn định. Việc tham gia các Hiệp hội quốc tế, trở thành thành viên để tiếp cận được các thông tin chuyên ngành qua các tổ chức lớn như ITMF (Liên đoàn thiết bị và sản xuất Dệt May thế giới), Cotton USA, Textile Intelligent, World Bank, IMF, ADB… đã hỗ trợ Tạp chí tiếp cận đượcnguồn thông tin phong phú, cập nhật và tin cậy cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn phải nhìn nhận rằng, hệ thống truyền thông nội bộ nói chung và Tạp chí nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế và cần sớm khắc phục như: chiến lược truyền thông tổng thể vẫn chưa được xây dựng và cập nhật; tỷ lệ các bài chuyên sâu trong Tạp chí do phóng viên tự chủ động còn thấp, phụ thuộc nhiều vào cộng tác viên và chuyên gia; kỹ năng làm các phóng sự multimedia của phóng viên còn thiếu và yếu; việc xác định các đề tài chuyên sâu để phóng viên thực hiện vẫn còn hạn chế, lý do đến từ việc lập kế hoạch chưa đồng bộ, tuy nhiên chủ yếu là năng lực của phóng viên; trình độ ngoại ngữ của phóng viên còn chưa đồng đều; hiểu biết thực tế của phóng viên chưa cao; hệ thống đánh giá phản hồi về nội dung chưa được thiết lập, thiếu thông tin từ bạn đọc tới Ban biên tập.

Tổng kết lại 25 năm, nhìn lại 4 giai đoạn trong chặng đường phát triển của Tạp chí, với môi trường thông tin ngày càng nhiều, đa dạng, dễ khai thác, nhất là đối với người đọc có ngoại ngữ tốt, có thể thấy hướng phát triển trong thời gian tớicho Tạp chí là không phải dễ dàng, mà sẽ là một quá trình phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ trong môi trường thông tin rất “cạnh tranh”. Chính vì vậy, xác định giá trị cốt lõi, nắm chặt và xây dựng chiến lược truyền thông xoay quanh giá trị cốt lõi sẽ trở thành giải pháp trọng yếu trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Một là, xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể của Tập đoàn đến năm 2025, mục tiêu và chiến lược truyền thông đếnnăm 2030 với vai trò cụ thể của Tạp chí, website và các công cụ truyền thông đa phương tiện.

Hai là, kiên trì với tôn chỉ là Tạp chí chuyên ngành Dệt May, cung cấp thông tin chuyên ngành cả về kinh tế, hội nhập, thị trường, đối thủ cạnh tranh, khoa học công nghệ, xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng các chuyên trang về kinh tế tổng hợp, thị trường, hồ sơ đối thủ cạnh tranh, phân tích chính sách hội nhập. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2025 cần tập trung vào khai thác thông tin về các tiến bộ của Công nghệ 4.0, sự thay đổi về các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu, xu thế của sản xuất xanh, sản xuất bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, các rào cản phi tài chính, giúp doanh nghiệp có khái niệm ban đầu về hướng đi hợp lý trong đầu tư sản xuất trong thời gian tới.

Ba là, phát triển nhóm bài nghiên cứu chuyên sâu về thị trường nội địa, thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp với sự tham gia trực tiếp của các phóng viên Tạp chí. Thực hiện khảo sát qua các công cụ trực tuyến về thị trường, thị hiếu, hành vi tiêu dùng, tạo lập cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, cung cấp cho cácdoanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển thương hiệu và sản xuất kinh doanh OBM.

Bốn là, đa dạng hoá hình thức truyền thông, sử dụng hiệu quả các công cụ hiện đại, tiếp cận nhanh, độ phủ lớn và truyền đạt hiệu quả các thông tin doanh nghiệp. Hình thành và truyền đi các thông điệp dễ dàng được độc giả đón nhận về văn hoá doanh nghiệp.

Năm là, tổ chức và có kế hoạch dài hạn cho mục tiêu xây dựng nhận diện hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu và sản phẩm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Bảo hộ và bảo vệ hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn.

Sáu là, xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, hiểu sâu sắc nghề dệt may, đáp ứng yêu cầu của một Toà soạn Tạp chí chuyên ngành.

Trong giai đoạn mới, muốn Tạp chí phát triển mạnh mẽ, định vị được bạn đọc mục tiêu của mình sẽ cần nghiêm túc nghiêncứu triển khai Tòa soạn hội tụ, với mô hình tòa soạn hiện đại, có sự vận hành thống nhất, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lựcđa phương tiện và nền tảng kỹ thuật số để sản xuất ra các sảnphẩm cho báo chí đa nền tảng, với vai trò là một Tạp chí chuyên sâu, dễ lưu trữ, dễ tìm kiếm, và là cẩm nang cung cấp thông tin chuyên ngành đáng tin cậy nhất cho các doanh nghiệp Dệt May.

 

25 năm qua, những người làm Tạp chí Dệt May và Thời trangViệt Nam trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả là doanh nghiệp, doanh nhân trong ngành. Sự cổ vũ, ủng hộ và cả sự bao dung của độc giả đã giúp cho Tạp chí tồn tại và có những bước phát triển, dần tiếp cận tốt hơn tới chuẩn mực của một tờ Tạp chí ngành như ngày hôm nay.

Ở cương vị Tổng Biên tập, tôi cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên đã đồng hành cùng Toà soạn trong suốt thời gian qua, với nhiều khó khăn, bất cập, thiếu thốn nhưng chúng ta vẫn kiên định thực hiện xuất bản từng số Tạp chí. Đến hôm nay, chúng ta có thể tự hào về một tờ Tạp chí có chất lượng khá, với gần 400 số đã được xuất bản, đang từng bước trở nên chuyên nghiệphơn và nhất là đã hoàn toàn tự chủ tài chính từ năm 2014 trở lại đây, có được chỗ đứng khá vững chắc trong cộng đồng bạn đọc ngành Dệt May Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường
Tổng Giám đốc Vinatex kiêm Tổng biên tập Tạp chí DM&TT Việt Nam


Các tin khác