Phát triển thận trọng trong thị trường nhiều âu lo


Ngành DMVN đã đạt thắng lợi bất ngờ trong xuất khẩu năm 2018 với con số đẹp 36,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong kết quả tốt đó vẫn ẩn chứa những bất ổn với nhiều lo lắng về ngành Sợi. Và nguyên nhân của thị trường sợi đi xuống, ảnh hưởng nhiều nhất đến xuất khẩu sợi của Việt Nam, là từ căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Thị trường sợi ấm lên nhưng tiềm tàng bất ổn

Căn cứ vào số liệu thống kê xuất khẩu sợi của Việt Nam theo từng quý trong 6 năm (Bảng 1) ta có thể thấy rằng, trong hầu hết các năm, tỷ lệ xuất khẩu sợi trong quý IV thường cao hơn mức trung bình 03 quý đầu năm từ 4,7% đến gần 12%. Cá biệt trong năm 2015, xuất khẩu sợi quý IV bị giảm so với mức trung bình 03 quý trước.

Đơn vị: Triệu USD

Năm Quý I Quý II Quý III  Trung bình 3 Quý I-II-II Quý IV SS Quý IV với TB 3 Quý trước trong năm (%)
2013 454.45 526.53 581.02                 520.67 587.16 11.32
2014 548.43 627.35 707.57                 627.78 658.65 4.69
2015 583.51 675.49 652.35                 637.12 628.4 -1.39
2016 602.1 719.9 803                 708.33 804 11.90
2017 779.7 893.08 957.22                 876.67 963.26 8.99
2018 914.25 1077.5 1005.25                 999.00 1028 2.82

Bảng 1: Xuất khẩu Sợi Việt Nam theo Quý

Thực tế, trong quý IV năm 2018, tình hình xuất khẩu sợi của Việt Nam vẫn tăng với con số khiêm tốn 2,82% so với mức trung bình 03 quý đầu năm, đạt 1,028 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành Sợi lại bị thua lỗ dù tổng giá trị xuất khẩu vẫn tăng. Trong khi giá bông giảm ít, nhưng giá sợi lại sụt “thê thảm”, dẫn đến các nhà sản xuất sợi phải chấp nhận bán tại mức giá thua thiệt. Thông thường trong sản xuất kinh doanh sợi, chênh lệch giữa giá nguyên liệu và giá sản phẩm ở mức 01 USD/kg thì nhà sản xuất mới có khả năng để duy trì sự sống của doanh nghiệp, tuy nhiên, từ thời điểm tháng 10/2018 cho tới tháng 01/2019, chênh lệch giữa giá nguyên liệu bông và giá bán sợi chỉ còn 50-60 cent/kg. Do đó, các nhà sản xuất sợi phải căng mình bù lỗ.

Kể từ thời điểm có chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, trải qua hơn 07 tháng, thị trường chứng kiến sự suy giảm với nhiều âu lo. Trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế tới 25% có mặt hàng vải. Do đó, việc Trung Quốc thận trọng, kìm hãm sản xuất vải đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam. Nhiều năm nay, sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nơi là công xưởng sản xuất nguyên liệu vải lớn nhất toàn cầu. Và hẳn nhiên, khi việc áp thuế mới có nguy cơ xảy ra đối với Trung Quốc, thì ngay lập tức ngành sợi Việt Nam bị ảnh hưởng.

Vào tháng 02/2019, sau một loạt các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ các khoản áp thuế mới đã từng dự kiến sẽ có hiệu lực ngày 01/3/2019, dẫn đến việc thị trường sợi lại ấm lên trong ngắn hạn. Trong tháng 12/2018 và tháng 01/2019, ngành Sợi Việt Nam phải chấp nhận giá sợi chìm ở mức đáy (giá bông là 2,1 USD/kg và giá sợi trung bình chỉ đạt 2,6 USD/kg) để duy trì sản xuất, ổn định đời sống cho công nhân và giữ chân khách hàng, thì đến tháng  02/2019, biên độ giá giữa bông và sợi là 1,9 USD (bông) – 2,8 USD (sợi). Như vậy độ chênh đã đạt đến gần 01 USD, mức chênh chấp nhận được cho ngành sợi!

Mức giá sợi tăng từ 5% trở lên đã khiến thị trường sợi sôi động hơn. Nhưng do Tổng thống Trump cũng không đưa ra thời hạn mới cho việc áp thuế, nên độ ấm của thị trường có bền hay không lại phụ thuộc vào kết quả đàm phán mới giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra cuối tháng 3/2019 tại Mỹ. Vì vậy, thách thức lớn của ngành Sợi Việt Nam vẫn còn đó, bởi vậy trong năm 2019, các nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục đi thăng bằng trên dây, khi vừa phải duy trì sản xuất, vừa giữ chân khách hàng, và chờ đợi bóng đen của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sớm qua đi.

Trước tình hình hiện nay, bản thân thị trường Việt Nam chưa thể tự mình tiêu thụ số lượng sợi mà ngành Sợi có thể sản xuất trong quy mô và năng lực hiện tại. Hơn nữa, chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo đối với ngành nguyên liệu. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ không thể có câu chuyện một ai đó tách ra làm một mình tất cả. Khi căng thẳng Mỹ – Trung xảy ra, tất nhiên Việt Nam cũng như những nhà cung ứng khác trong chuỗi sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tất cả các nhà cung ứng, cuối cùng vẫn cần đến dịch vụ của nhau, và kết nối với nhau theo một phương thức và luật chơi được điều chỉnh mới, và tất cả đều sẽ cố gắng xoay sở để có phần của mình. Và cũng cần xét đến một đặc điểm trong quy mô sản xuất nguyên liệu cho ngành Dệt May của Trung Quốc, đó là họ đã đạt đến mức độ “too big to fail” (quá lớn để sụp đổ).

Bên cạnh đó, theo quy luật thị trường, khi sản xuất chạm đáy, thì chu kỳ tiếp theo sẽ là một cuộc phát triển bùng nổ mới. Khi bóng đen của cuộc chiến thương mại qua đi, thì thị trường có thể sẽ chứng kiến nhu cầu bùng phát trong vòng 3-4 tháng, để bù sản xuất và bù tồn kho. Bởi lẽ, trong khi thị trường xuống đáy, các nhà sản xuất vải có xu hướng đẩy hết hàng tồn kho ra để sản xuất, phòng ngừa rủi ro. Đến khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trở lại mức bình thường, thì họ không chỉ cần đến lượng sợi để sản xuất phục vụ nhu cầu, mà còn cần bù lượng tồn kho, do đó, dự kiến thị trường sợi sẽ có thời gian tăng trưởng nhảy vọt sau khủng hoảng. Điều quan trọng đối với các nhà sản xuất sợi của Việt Nam, đó là cần có giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả, tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, duy trì sản xuất để tồn tại và vượt qua đáy của khủng hoảng, và chờ đến thời cơ mới.

Ngành May tiếp tục tăng trưởng tốt

Đối với ngành May trong năm qua, tình hình đơn hàng tương đối tốt. Lý do là bởi trong “thực đơn” áp thuế, chưa có hàng may mặc, do đó khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng bình thường ở Việt Nam và cả Trung Quốc. Và trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc có bị áp thuế, thì có khả năng một phần đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Mặt khác, các mặt hàng may xuất khẩu đi các thị trường khác nằm ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng ít ảnh hưởng.

Hiện nay, đơn hàng đến với các doanh nghiệp may Việt Nam đang ổn định theo chiều hướng có tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý II, quý III/2019.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, khi kịch bản xấu xảy ra, đó là Mỹ thực hiện áp thuế đối với Trung Quốc thì chúng ta cần lường trước phản ứng của Trung Quốc với tình hình đó. Khả năng Trung Quốc cũng tăng thuế mặt hàng nguyên liệu sẽ ảnh hưởng tới ngành may nước ta. Đơn cử trường hợp Trung Quốc tăng thuế 10% nguyên liệu vải xuất khẩu, thì đương nhiên các nhà sản xuất từ Việt Nam và các nhà mua đặt hàng ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo lẽ thông thường, họ cần chia sẻ với nhau rủi ro này, ví dụ bên mua chịu 5%, bên sản xuất chịu 5%. Hệ quả tiếp theo là ngành May tiếp tục căng thẳng khi biên lợi nhuận thu hẹp, trong lúc chi phí sản xuất lại tăng lên. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không ai muốn có chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, bởi tình hình căng thẳng khiến các bên tham gia chuỗi đều có xáo trộn trong kinh doanh, và phải gồng mình chịu đựng thiệt hại.

Bên cạnh đó, ngành May của Việt Nam cũng đang đối diện với thách thức giá nhân công cao hơn đa số đối thủ cạnh tranh. Nếu như trước kia, chúng ta có lợi thế giá nhân công thấp, và đơn hàng đổ về Việt Nam, thì nay, với mức lương công nhân may Việt Nam trung bình đạt 300 USD/tháng, cao thứ hai (chỉ đứng sau Trung Quốc) trong nhóm 10 nước xuất khẩu lớn nhất trong ngành may mặc xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp may vất vả hơn trong bài toán quản lý, cạnh tranh. Muốn trụ vững và phát triển, doanh nghiệp ngành May buộc phải tập trung vào 03 điều quan trọng, đó là: Tăng năng suất; Đầu tư dần cho tự động hóa để giảm nhân công; Chọn đơn hàng cao cấp, hàng kỹ, có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao của chúng ta. Với 03 trọng tâm này, hiện nay các doanh nghiệp may Việt Nam vẫn đang ở trong tầm kiểm soát tốt. Không những vậy, điều kiện sản xuất xanh – sạch, đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội cũng là một lợi thế của ngành May Việt Nam, để các nhà mua lựa chọn.

Với hai mũi nhọn trong xuất khẩu của ngành DMVN là Sợi và May, trong năm 2019 ngành Sợi sẽ phải trực diện “chiến đấu” trong một mặt trận khó khăn hơn so với ngành May. Khả năng tăng trưởng của ngành Sợi là chưa rõ ràng, bởi còn phụ thuộc vào độ ấm, lạnh của thị trường, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, về tổng lượng xuất khẩu của cả hai ngành năm nay so với năm 2018 có thể vẫn tăng trưởng như dự kiến, từ 8-10%. Và bài học mà ngành DMVN rút ra cho mình trong tình hình này, đó là sự phát triển thận trọng, linh hoạt các giải pháp khi có biến động, bảo toàn lực lượng để bước đi đường dài.

Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex


Các tin khác