Nuôi quân thế nào


Khi nhìn vào thực tế diễn biến đại dịch Covid-19 và những thông tin đơn hàng may mặc trong quý cuối cùng của năm 2020, vị thủ lĩnh nào cũng thực sự cảm thấy mình đang “đi trên lưỡi dao”. Vẫn biết rằng chuyện mặc là nhu cầu hàng ngày, nhưng với tình thế đặc thù chưa từng có, phải mất cả năm nữa, may ra  thị trường mới nhúc nhắc phục hồi. Vậy họ sẽ phải làm thế nào để nuôi quân, duy trì đội ngũ, trong lúc chờ tới thời điểm xa vời kia?

Với đặc thù sản xuất gia công là chính, lại đông người lao động, phải tự chủ “chiến đấu” trong thị trường, thì hầu hết các doanh nghiệp dệt may dù lớn cỡ mấy, trường tồn qua bao biến cố, kể cả chiến tranh, cũng chỉ dự trữ “đủ để nuôi nhau” trong ba tháng là phá sản! Vậy mà Covid-19 đã kéo dài 9 tháng! Việc giữ cho nồi cơm của đội ngũ đông đảo người lao động không bị đổ, là một việc làm phi thường của những thủ lĩnh doanh nghiệp dệt may. Họ đã được những người lao động trong doanh nghiệp lặng lẽ trao danh hiệu Anh hùng.

Giữ cân bằng trong tình thế đảo lộn

Những đơn vị nhỏ thường dễ tổn thương nhất trong khủng hoảng, họ phải làm thế nào để có thể tìm ra nguồn tài chính trả công người lao động? Trò chuyện với chị Phạm Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty CP May Xuất khẩu Ninh Bình, chị cho biết, hiện nay công ty đã có tới 1.000 người lao động, chi phí trả lương là đáng lo nhất. Ngoài việc thỏa thuận, bám sát khách hàng để hoàn thành hợp đồng đã ký, còn phải săn đón bằng được hợp đồng mới. Giống như phải ăn ngủ với từng nhịp thở, suy tư và tính toán cùng với khách hàng.

Nếu như với khách là việc đối ngoại, đã vô cùng khó khăn, thì việc đối nội cũng quan trọng chẳng kém. Đối nội, chính là tinh thần của đội ngũ CBCNV trong tình thế đại dịch. Ai nấy đều lo lắng, đều cảm thấy tương lai chưa biết ra sao, đều phải tính toán và chính những suy tính đó tạo nên bất ổn trong tinh thần. Giám đốc Phạm Thị Lan Hương thấu hiểu điều đó nên chị đã bàn bạc với Ban Lãnh đạo Công ty, cùng Công đoàn, Đoàn thanh niên, tổ chức những hoạt động mới, mang tính sáng tạo để vực tinh thần của đội ngũ lên. Đó là những cuộc thi thiết kế thời trang, sáng tạo ra sản phẩm cho thương hiệu nội địa, phục vụ chính mình và bà con trong vùng; đó là tổ chức cửa hàng tiện ích phi lợi nhuận để phục vụ NLĐ với những sản phẩm an toàn được bán bằng với giá gốc,… Từng việc làm dù lớn, dù nhỏ, dù mang tính cấp thiết hay chiến lược, đều thu hút được NLĐ tham gia, và họ hào hứng khi thấy với trí óc sáng tạo, với đôi bàn tay chăm chỉ lao động, thì dù trong hoàn cảnh khó khăn, chắc chắn họ có thể “nuôi được nhau”. Niềm tin ấy đã giúp đội ngũ May Ninh Bình lập được thế đứng cân bằng, bình tĩnh đón nhận từng đợt sóng mới của thử thách trong đại dịch.

“Những ai có tâm tư nặng nề, suy nghĩ u ám, cứ đến gặp chị Hương là được giải tỏa. Đồng thời, chị cũng thường xuyên đứng lớp để truyền động lực cho mọi người. Có được năng lượng tích cực ấy, là nhờ chị Hương thường xuyên học hỏi, tham gia các khóa học quản lý, tạo điều kiện cho cán bộ đi học để cùng chung một tư tưởng, không đầu hàng trước khó khăn trong đại dịch. Nhìn thấy Giám đốc tươi cười, nghe giọng nói trong trẻo của chị vang lên đâu đó trong khuôn viên nhà máy, là chúng tôi yên tâm lắm.” – Chị Hoàng Thị Hòa – Phó Giám đốc May Ninh Bình nói.

Còn với một doanh nghiệp lớn, có cả vạn NLĐ phải lo thì sao? Vào khoảng giữa năm 2019, anh Thân Đức Việt đón “ngọn đuốc” May 10 từ tay người tiền nhiệm và chính thức ngồi “ghế nóng”, với trách nhiệm ngàn cân, đó là lo làm đầy nồi cơm của hơn mười ngàn người lao động trong toàn bộ hệ thống May 10.

Có người trong Ngành Dệt May cho rằng, cái số của anh Thân Đức Việt quả là “đen đủi”, khi vừa cầm quân được một thời gian, chưa kịp chiêm nghiệm kết quả từ những đổi mới trong quản lý mà anh đang thử nghiệm, thì cơn bão mang tên Covid-19 ập đến. Anh xoay trần ra chịu trận: mỗi tháng phải trang trải gần 80 tỷ đồng tiền lương cho người lao động, trong khi đơn hàng thì trục trặc, từ mắc kẹt nguyên liệu trong quý I do việc Trung Quốc ngấm đòn Covid-19 đầu tiên, tới việc thị trường khổng lồ Châu Âu, Mỹ điêu đứng từ tháng cuối tháng 4, đầu tháng 5, dẫn tới hệ quả đơn hàng may mặc bị hủy, hoãn liên tiếp.

Với hơn mười ngàn người lao động, việc giữ cho không người nào bị dính Covid-19 đã là khó khăn. Bởi chỉ cần một người bị nhiễm, thì cả nhà máy phải cách ly, gãy nhịp sản xuất, đơn hàng không kịp dịch chuyển sẽ bị phạt hợp đồng. Nhưng cái khó hơn nữa, là làm sao để trong tình hình tắc nghẽn từ nguyên liệu, cho đến đơn hàng, và rồi cả nguồn tiền lưu động, vẫn duy trì sản xuất, trả lương cho công nhân? Người thủ lĩnh mới chân ướt chân ráo vào vị trí, đã phải đôn đáo chạy khắp nơi để tìm nguồn hàng sản xuất thay thế cho những mặt hàng truyền thống như veston, sơ mi. “Cứ cái gì có thể cho vào máy may được, là chúng tôi nhận hết.” – anh Thân Đức Việt khẳng định. May khẩu trang, bộ đồ phòng dịch, may đồ dùng trong gia đình, đồ nội thất ô tô,… Sáng tạo linh hoạt nguồn hàng đã giúp May 10 vượt qua được cả hai làn sóng Covid-19 ập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, là một loạt các giải pháp căn cơ mà người thủ lĩnh mới của May 10 đã áp dụng rốt ráo, đó là rà soát mọi khâu trong sản xuất, kinh doanh nhằm triệt để tiết kiệm, không lãng phí dù là một đoạn chỉ, mẩu vải, tận dụng công nghệ 4.0 để quản trị thông minh, hiệu quả nhanh chóng và giảm thời gian ra quyết định. Tận dụng nguồn lực cốt lõi là sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ người lao động, ai cũng sẵn lòng sẻ chia khó khăn, không bỏ đi khi tương lai còn u ám và khó đoán định. Có thể nói, anh Thân Đức Việt đã tạo nên một không khí sục sôi chiến đấu, tất cả vì sự sống còn của May 10, vì nồi cơm của mọi gia đình, họ khăng khít chiến đấu 24/7 bên nhau.

Hỏi chuyện nữ Chủ tịch Công đoàn Trần Quý Dân của May 10, chị cho biết, từ lúc có dịch cho đến nay (tháng 10/2020), công nhân vẫn có việc làm đều, thu nhập chưa bị giảm, bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng tùy khu vực. Điều khác biệt so với trước đây khi chưa có dịch, đó là ai nấy dường như cảm thấy hạnh phúc hơn khi mình vẫn đang làm việc. Bởi ở ngoài kia, nhiều người đang vô cùng khó khăn, thiếu việc, thậm chí bị mất việc. Do đó, các CBCNV May 10 đều đang làm việc với lòng biết ơn và cống hiến hơn trước, bởi họ đều thấu hiểu rằng, những lãnh đạo đơn vị đang phải vất vả thế nào để lo đủ việc làm cho họ, để máy móc vẫn chạy đều.

Trong khi nhiều doanh nghiệp các ngành buộc phải phá sản, đóng cửa, sa thải người lao động, thì các doanh nghiệp may mặc trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nơi thu dụng gần 160.000 người lao động, điều kỳ diệu đã xảy ra, đó là không ai bị sa thải, không ai bị bỏ lại phía sau. Họ tìm mọi cách để lần hồi nuôi nhau, yêu thương và đồng cảm nhiều hơn bao giờ hết. Nếu trước kia, trong điều kiện bình thường, xã hội thường cho rằng nghề may mặc phải làm việc nhiều thời gian hơn, bó buộc và thu nhập thấp, chỉ ai “cùng sào mới vào nghề may”, thì trong lúc hoạn nạn này, những doanh nhân trong lĩnh vực may mặc lại nổi lên như những ngôi sao sáng, khi họ can đảm vượt qua thử thách, sáng tạo mỗi phút giây, thay đổi thần tốc, để giữ gìn, bảo toàn và chăm lo đội ngũ người lao động, tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp.

Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa

Mỗi lần gặp nữ doanh nhân – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Ninh Thị Ty – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm (May Hồ Gươm với 3.000 công nhân là một đơn vị thành viên), tôi thường bị chị “mắng át” mỗi khi tôi hỏi câu hỏi “ngu ngơ” nào đó. Vì thế, nhiều phóng viên khá ngại tiếp xúc với người đàn bà thép trong ngành Dệt May này. Nay đã ở tuổi gần bảy mươi, bà Ninh Thị Ty không còn lạ gì với sóng to gió cả của thị trường dệt may nữa. Người đàn bà tằn tiện từng mũi kim sợi chỉ để gây dựng một cơ đồ là Tập đoàn Hồ Gươm với đa ngành, từ may mặc tới giáo dục, bất động sản, rồi nông nghiệp chất lượng cao này đã từng làm dệt may từ thời chiến tranh, thời bao cấp chuyên làm hàng theo kế hoạch cho Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, cho tới thời thị trường Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Bà là một trong những doanh nhân đầu tiên của ngành Dệt May xắn quần xắn áo liều mạng “lặn lội” sang tận thị trường Tây phương để tìm kiếm khách hàng, tìm cơ hội cứu sống doanh nghiệp may của mình và cả ngành Dệt May Việt Nam. Với Covid-19, bà Ninh Thị Ty vẫn thể hiện bản chất thép của mình, khi kiên cường làm việc, chuyển đổi sang may khẩu trang, may hàng cơ bản, sẵn sàng giảm giá gia công để chia sẻ với khách hàng. Nếu như ai nấy đều lắng lo phát sốt trước việc cả thế giới ào ào đóng cửa, ngừng đặt hàng dệt may, thì bà Ninh Thị Ty vẫn cứ tự tin với quan niệm “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Bà hiểu rằng, mình đang nắm trong tay đội ngũ người lao động vững tay nghề, làm việc chăm chỉ, gắn kết với Hồ Gươm từ thời mới tập tọe đi làm cho tới khi tóc lốm đốm bạc, thì dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, bà sẽ cùng họ vun vén giải quyết hiệu quả. “Sáng tạo trong từng việc nhỏ, tìm nguy trong cơ” là phương châm mà bà chia sẻ giản dị qua hành động của mình hàng ngày. “Đi tuần trong xưởng may từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa không cần ngồi nghỉ. Chúng tôi chỉ cần nhìn bà mà phấn đấu, nhìn bà mà thấy rằng mình còn dư năng lượng chưa biết cách huy động vào việc hữu ích.” – anh Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Hồ Gươm tự hào kể về “người đàn bà thép” – thủ lĩnh tinh thần của họ như thế. Bà còn được nhóm kỹ thuật may thương mến gọi là “giáo sư”, bởi dù có lỗi khó nào xảy ra, ai đó bó tay, thì đều hỏi bà và thật ngạc nhiên khi bà luôn chỉ cho họ được cách mà họ từng nghĩ nát nước không ra. Các cổ đông của May Hồ Gươm cũng tâm phục khẩu phục trước lý lẽ của bà Ty, khi công ty có lãi lớn mà bà vẫn nhất định chia cổ tức không quá 25%. Bà muốn dành phần lớn lợi nhuận để phát triển mở rộng, tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động. Với bà, tiền lãi làm ra không phải để dùng đi chơi, thỏa mãn những thú vui nhất thời, hoặc ném vào đất đai nằm im ở đó, tiền phải được đầu tư để sinh ra sản phẩm, phục vụ và phát triển con người, nền kinh tế Việt Nam. Dù đã là tỉ phú, bà cũng chẳng bao giờ lãng phí, dù là một đoạn chỉ. Lãng phí là có tội lớn với mình, với xã hội, với thiên nhiên. Chính vì sự vun vén và tầm nhìn của bà, mà trong bão Covid-19, May Hồ Gươm vẫn đảm bảo đủ việc làm cho công nhân, thậm chí công nhân còn làm việc năng suất hơn, và thu nhập thì chẳng giảm một xu nào, từ 5,5-8 triệu đồng/người/tháng tùy khu vực.

Trước mối lo, rằng nếu quý cuối năm, chẳng khách hàng nào đặt hàng nữa, thì phải làm sao, bà Ninh Thị Ty chỉ một mực rằng, thay vì lo lắng cho tương lai, hãy tập trung cao độ làm tốt nhất việc mình có trong hiện tại và hạnh phúc với nó, thế là đủ. Triết lý bình dị của nữ doanh nhân này thật đáng nằm lòng, chiêm nghiệm và ứng dụng.

Box: Chia sẻ về mối lo lắng chung của các thủ lĩnh doanh nghiệp dệt may trong 3 tháng còn lại đầy khó khăn của năm 2020, ông Đặng Vũ Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN cho biết: “Thực tế, đơn hàng trong quý IV/2020 eo hẹp do các nhà mua hàng đang tập trung cơ cấu lại dòng hàng, sáng tạo ra những sản phẩm có thiết kế mới mẻ hơn, tính năng vượt trội để đáp ứng nhu cầu phức tạp của người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp SX của chúng ta cần tăng cường năng lực về dịch vụ, khả năng đáp ứng linh hoạt các yêu cầu mới của khách hàng. Hệ thống cung ứng phải được củng cố, nâng cấp sao cho tốt hơn năng lực hiện có trong thời gian chờ đợi đơn hàng mới. Tập đoàn DMVN cũng đang rà soát lại các DN trong hệ thống, đề ra các giải pháp mới mang tính kết nối hơn, sáng tạo hơn để các DN cùng chia sẻ công việc; xem xét lại từng thương hiệu sản phẩm, đề ra giải pháp giữ vững thị trường và phát triển thương hiệu.”

Bài: Kiều Khanh


Các tin khác