Ngưng nhập hàng may mặc, bên phân phối cần lưu ý đến trách nhiệm xã hội của mình


Dư luận xã hội đang nóng lên trước hiện tượng Big C đột ngột dừng nhập hàng may mặc của Việt Nam ngày 2/7/2019. Những nhà sản xuất may mặc đã có hợp đồng cung ứng cho Big C thực sự hoang mang. Tuy rằng đại diện Big C đã có cuộc đối thoại với các nhà cung ứng hàng, nhưng nỗi lo vẫn chưa tan, bởi “một ngày Big C không nhận hàng, là một ngày công nhân mất việc”. 

Mối lo thường trực của các nhà cung ứng nhỏ lẻ

Thực tế, các nhà sản xuất hàng may mặc với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khi ký được hợp đồng sản xuất cho bất cứ một nhà phân phối nào đó, họ sẽ phải tính toán chi ly cho từng tháng sản xuất, để làm sao có thể tránh hàng tồn, đủ lương cho công nhân, đủ khấu hao máy móc và có chút lãi để tái đầu tư. Nghề may mặc lấy công làm lãi, tỷ suất lợi nhuận rất thấp trên mỗi sản phẩm, do đó, đơn hàng càng nhỏ, rủi ro càng to.

Thông thường, trước đặc thù tình thế khó khăn của doanh nghiệp may mặc quy mô nhỏ, các chủ doanh nghiệp thường cố gắng kéo giãn biên độ lợi nhuận bằng cách sản xuất trước số lượng hàng trong tương lai. Cụ thể, nếu như một tháng, bên phân phối chỉ mua 1000 sản phẩm, thì họ sẽ ra kế hoạch sản xuất 5000 sản phẩm, sẽ giảm được các chi phí đầu vào, trong khi chi phí đầu ra vẫn như cũ. Chỉ có điều, mối lợi là biên lợi nhuận giãn rộng, nhưng rủi ro cũng lớn hơn, bởi số hàng tồn trong kho quá lớn. Nếu bên phân phối vẫn đều đặn lấy mỗi tháng 1000 sản phẩm thì nhà sản xuất được lợi. Nhưng trong trường hợp bên phân phối dừng đột ngột không lấy hàng, thì bỗng dưng, hàng tồn trong kho của nhà cung ứng quá lớn, và họ thực sự đứng trước khủng hoảng.

Trong trường hợp nhà phân phối dừng lấy hàng, doanh nghiệp may mặc quy mô nhỏ không đủ vốn dự trữ để trả lương cho công nhân, tiền nằm ở hàng tồn trong kho. Đó là lý do vì sao mà luôn có tình trạng “đơn hàng càng nhỏ, rủi ro càng to”. Việc nhà phân phối dừng nhập hàng, là nỗi lo thường trực, đến mức ám ảnh của bất cứ nhà sản xuất may mặc nhỏ lẻ nào.

Và trách nhiệm xã hội của nhà phân phối

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex trao đổi với PV

Với các nhà sản xuất lớn, quy mô lên tới hàng triệu sản phẩm/tháng, thì họ cần giảm thiểu rủi ro này bằng cách bắt tay chặt chẽ với nhà phân phối. Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết: “Các doanh nghiệp may mặc trực thuộc Vinatex có hợp đồng thương mại với những nhà mua, nhà phân phối lớn trên thế giới như Walmart, đó là những hợp đồng theo mùa. Trong các hợp đồng thương mại này, hai bên đều phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt mà bên kia đưa ra, ví dụ đối với nhà sản xuất thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chế độ lương cho người lao động, giờ làm việc, môi trường làm việc,… Thậm chí như hãng H&M còn đưa ra tiêu chí ưu tiên nhà sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, hay hãng Zara còn đưa ra tiêu chí ưu tiên nhà sản xuất sử dụng các phụ kiện có thể tái tạo… Còn về phía nhà phân phối thì phải đáp ứng tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, đó là cam kết đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động.”

Như vậy, có thể thấy rằng, đối với các nhà phân phối, khi đã lựa chọn nhà sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn do mình đặt ra, thì bản thân nhà phân phối cũng cần có ứng xử phù hợp. Trong trường hợp đối với các doanh nghiệp may mặc, với đặc thù là số lượng người lao động lớn, thì ứng xử ở đây là sự cam kết đảm bảo việc làm ổn định cho lực lượng lao động này. Trong trường hợp của Big C, với quyết định ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam vào ngày 2/7/2019, thì cần căn cứ vào điều khoản trong hợp đồng thương mại giữa nhà cung ứng và nhà phân phối, nhưng xét về khía cạnh trách nhiệm xã hội, thì ứng xử của Big C là có ảnh hưởng nhất định tới việc làm của một bộ phận người lao động may mặc của các nhà cung ứng.

 PV


Các tin khác