Kế hoạch đổi mới Nhà truyền thống Dệt May Việt Nam


Vừa qua, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia về kế hoạch đổi mới hoạt động trưng bày, thu thập hiện vật tại Nhà truyền thống Dệt May Việt Nam.

 Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ quá trình hình thành Nhà truyền thống Dệt May Việt Nam

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ: Tập đoàn xác định đây là Nhà truyền thống của ngành Dệt May Việt Nam, của Vinatex. Hai đối tượng chính đến với Bảo tàng Dệt May Việt Nam là CBCNV và sinh viên của các trường đại học, cao đẳng dệt may của Vinatex.

Bảo tàng Dệt May Việt Nam tại tỉnh Nam Định trước đây là nhà ở của ông chủ người Pháp quản lý nhà máy Sợi Nam Định. Công trình được thiết kế cho mục đích ở, không phục vụ cho việc bảo quản, trưng bày hiện vật. Năm 2010, Vinatex đã đầu tư, cải tạo, sang sửa thành nơi trưng bày các máy móc theo quy trình từ sợi, dệt, may,…ở tầng 1. Hiện vật trưng bày ở tầng 2 theo chuyên đề dệt may thời kỳ Pháp thuộc, Dệt may thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bác Hồ với Dệt May Việt Nam, các hoạt động quốc tế của Vinatex, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Dệt May Việt Nam, hình ảnh các lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ…

Thông qua những hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình chiến đấu, hy sinh, xây dựng, phát triển của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành dệt may, Nhà truyền thống đã tái hiện lại lịch sử hào hùng của ngành Dệt May Việt Nam hơn 100 năm qua.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Nhà truyền thống bước vào giai đoạn đổi mới công tác trưng bày, bổ sung hiện vật và mở rộng các chuyên đề trưng bày, tái hiện lịch sử cũng như phản ánh sự phát triển của ngành nghề dệt may trong xu thế mới. Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn các chuyên gia xây dựng phương án đổi mới, thiết kế trưng bày Nhà truyền thống đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành và Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Theo đó, công tác trưng bày máy móc, thiết bị, hiện vật, tư liệu sẽ được sắp xếp khoa học, hấp dẫn, bổ sung thêm các hiện vật mới, các chuyên đề chuyên sâu về ngành. Qua đó, người thăm quan Nhà truyền thống vừa hiểu lịch sử, truyền thống hào hùng của con người Dệt May, của dân tộc Việt, vừa cảm nhận được sự sáng tạo, phát triển của ngành giai đoạn chuyển từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ đổi mới mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn giữ vị trí dẫn đầu. Đặc biệt, người xem thấy được tương lai của ngành Dệt May, là ngành công nghiệp xanh, sạch, hằng năm đời sống người lao động được nâng cao dần (không còn là ngành thâm dụng lao động, làm nhiều giờ, lương thấp…)

Đối tượng thăm quan Nhà truyền thống là CBCNV trong ngành, sau khi thăm quan, họ nhận thức được tương lai phát triển của ngành Dệt May, mong muốn gắn bó, cống hiến nhiều hơn với Vinatex và yêu nghề dệt may. Với đối tượng thăm quan là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các em học sinh cấp THPT cũng hiểu được tầm nhìn của ngành và mong muốn được vào học tập, làm việc trong hệ thống Vinatex.

Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng nhấn mạnh mong muốn thông qua hoạt động giáo dục truyền thống, thăm Bảo tàng góp phần nâng tỷ lệ tuyển dụng lao động và tỷ lệ người lao động gắn bó với Vinatex.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn chuyên gia đã trao đổi những kết quả thu nhận được qua chương trình làm việc, khảo sát tại Nhà truyền thống Dệt May Việt Nam. Các chuyên gia về bảo tồn, bảo tàng đều cho rằng, Nhà truyền thống Dệt May là một công trình có giá trị từ cảnh quan đến hiện vật, tư liệu đang được trưng bày. Để nâng giá trị giáo dục truyền thống, lịch sử và thành tựu, vai trò của ngành Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cần có sự đổi mới, nâng cấp công tác trưng bày phù hợp với sự phát triển của ngành, đồng thời quan tâm công tác bảo quản thiết bị, máy, hiện vật; bổ sung đội ngũ làm công tác chuyên môn; phát triển các chuyên đề trưng bày, hoạt động theo tiến trình phát triển của một ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước…

Một số hình ảnh đoàn chuyên gia khảo sát tại Nhà truyền thống Dệt May Việt Nam:

PV


Các tin khác