HTU tổ chức Lễ tốt nghiệp đại học Khóa I


Sáng 17/10/2020, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã long trọng tổ chức Lễ tốt nghiệp đại học khóa I cho các sinh viên của trường.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển tặng quà lưu niệm cho nhà trường

Tham dự buổi Lễ có đồng chí Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch Quốc Hội; đ/c Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đ/c Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương; đ/c Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch Hội đồng trường HTU; đ/c Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May; đ/c Lê Nho Thướng – UV BCH TLĐLĐVN, Phó Bí thư Đảng ủy Vinatex, Chủ tịch CĐDMVN; các đ/c trong CQĐH, Trưởng Ban chức năng Vinatex; cùng đại diện các doanh nghiệp. Về phía trường HTU có TS. Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng các thầy cô trong BGH, các đ/c trong Hội đồng trường, Trưởng, Phó các đơn vị chức năng đoàn thể, giảng viên, sinh viên khóa I của Nhà trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chúc mừng tập thể cán bộ giảng viên Nhà trường trong việc hoàn thành đào tạo khóa đầu tiên hệ đại học, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử hơn 50 năm nhà trường chỉ đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Đây là mốc son đặc biệt, đưa Nhà trường chính thức bước vào giai đoạn mới – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng ứng dụng cho ngành Dệt May, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất sôi động trên toàn cầu. Nỗ lực của Vinatex trong việc xây dựng một ngôi trường đại học chuyên ngành Dệt May theo định hướng ứng dụng, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với doanh nghiệp, đưa nhanh các thành tựu công nghệ của thế giới vào đào tạo là rất đáng ghi nhận.

Đoàn đại biểu tham quan lớp học công nghệ 3D

Mặc dù nhà trường đã có những thành công nhất định, tuy nhiên đ/c Phùng Quốc Hiển vẫn nhắc nhở và chỉ đạo Ban lãnh đạo Vinatex, Đảng uỷ, Hội đồng trường trong thời gian tới cần tập trung xây dựng cơ chế phù hợp để thực hiện được quá trình đào tạo định hướng ứng dụng. Huy động nguồn lực, phối hợp chặt chẽ của cả 3 bên là Nhà trường – Doanh nghiệp – Học viên. Nhà trường cần tiếp tục tập trung thu hút và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm thực tế để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy. Tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học, nhận chuyển giao, sáng tạo công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp giữa vật liệu hiện đại với truyền thống, sớm làm chủ khâu thiết kế, mẫu mã hàng hóa… để dần tham gia sâu và đầy đủ hơn vào chuỗi giá trị của ngành Dệt May toàn cầu.

Đoàn đại biểu tham quan Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường HTU 

“Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển riêng của mình, thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu của nhà trường để trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Dệt May”, Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Đ/c Lê Tiến Trường phát biểu tiếp thu chỉ đạo của đ/c Phó Chủ tịch Quốc hội 

Thay mặt Hội đồng trường, đ/c Lê Tiến Trường đã cám ơn sự quan tâm của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đến ngành Dệt May nói chung và công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành Dệt May nói riêng. Đ/c Lê Tiến Trường cho biết thêm, trường HTU hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính trong bối cảnh cơ chế hoạt động cho các trường theo mô hình này còn chưa rõ ràng, nên trường còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản trị và kinh phí hoạt động khá eo hẹp. Hơn nữa, trường đào tạo nhân lực cho ngành Dệt May – là một trong những ngành thâm dụng lao động nhiều nhất cả nước, tuy nhiên thu nhập lại thấp, đồng thời không có nhiều tích luỹ. Do vậy, nhà trường rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành để tháo gỡ các vướng mắc, để hoàn thành nhiệm vụ là đơn vị chủ chốt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành DMVN.

Định hướng phát triển lớn của nhà trường trong giai đoạn 2020-2025 là xác định đúng năng lực cạnh tranh so với các trường đại học khác, đó là một trường đại học đào tạo theo định hướng ứng dụng, với giá trị cốt lõi “Ứng dụng – Cập nhật – Tinh gọn – Khác biệt”. Để thực hiện định hướng lớn nêu trên, trường HTU sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Đổi mới chương trình đào tạo trình độ đại học cho ngành dệt may theo định hướng gắn chặt với yêu cầu công việc mới của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong thời kỳ CMCN 4.0. Chương trình được thiết kế theo hướng sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất giúp các em sớm tiếp thu được các tình huống thực tế tại doanh nghiệp để mang vào các bài học để giải quyết các tình huống thực tế đang diễn ra tại doanh nghiệp.

Thứ hai: Đổi mới giáo trình đào tạo đại học theo định hướng tích hợp nhiều tình huống thực tế vào giáo trình để sinh viên có khả năng tự tư duy để giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay cả trong thời gian không có mặt tại doanh nghiệp. Giáo trình của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ được thiết kế theo hướng vừa đảm bảo yếu tố học thuật theo chương trình đào tạo, vừa có thể sử dụng để triển khai công việc tại doanh nghiệp.

Thứ ba: Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng sử dụng nhiều đồ án, bài tập lớn có tính liên ngành; sử dụng phương pháp dự án trong giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tự học, tự suy nghĩ của sinh viên trong việc ứng dụng các kiến thức lý thuyết để giải quyết các vấn đề thực tiễn tại doanh nghiệp dệt may ngay từ trong quá trình đào tạo, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số của thời kỳ CMCN 4.0.

Thứ tư: Giảng viên là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, do vậy để triển khai đào tạo đại học theo định hướng ứng dụng một cách có chất lượng thì giảng viên phải là người đã từng có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh hoặc đã từng kết hợp với doanh nghiệp để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn tại doanh nghiệp. Để có được đội ngũ giảng viên vừa có trình độ sau đại học, vừa có kinh nghiệm thực tế, nhà trường cần chú trọng luân chuyển giảng viên đi làm việc hoặc bồi dưỡng dài ngày tại các doanh nghiệp theo phương thức làm việc liên tục tại doanh nghiệp từ 1 – 2 năm hoặc mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp khoảng 3 tháng theo các chuyên đề xác định trước; giảng viên phải được tham gia làm việc như cán bộ của doanh nghiệp thật chứ không chỉ quan sát và viết báo cáo.

Thứ năm: Trường tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng mô hình doanh nghiệp loại vừa thuộc trường. Mô hình này vừa giúp Trường dễ vận hành doanh nghiệp một cách có hiệu quả, vừa chủ động tạo ra môi trường thực hành, thực tập thuộc trường để triển khai các giai đoạn học tập tại doanh nghiệp theo chương trình đào tạo phù hợp với từng năm học. Đây là giải pháp giúp Trường chủ động trong đào tạo đại học theo định hướng ứng dụng, mặt khác đây cũng là giải pháp nâng cao cơ bản năng lực tự chủ của trường.

Thứ sáu: Vinatex sẽ chỉ đạo để các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại thuộc Tập đoàn liên kết chặt chẽ với Nhà trường nhằm tạo điều kiện về cơ sở thực tập, thực hành tại doanh nghiệp trong quá trình triển khai đào tạo theo đúng định hướng ứng dụng của Chương trình.

Thứ bảy: Công tác nghiên cứu khoa học tại Trường sẽ tiếp tục được tổ chức theo định hướng làm nhiều đề tài nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập tại các doanh nghiệp dệt may. Trong quá trình nghiên cứu những đề tài ở dạng này, kết quả nghiên cứu khoa học sẽ được chứng minh ngay trong thực tế và được ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất giúp cho cả giảng viên và sinh viên đều được tiếp cận sâu với thực tế sản xuất ngay trong quá trình đào tạo.

Ông Cao Hữu Hiếu – Phó TGĐ Vinatex phát biểu nhận xét về sinh viên tốt nghiệp trường HTU 

Đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành Dệt May Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, sinh viên của HTU từ nhiều năm nay luôn được các doanh nghiệp trong và ngoài Tập đoàn chào đón. Rất nhiều sinh viên của Nhà trường từ hệ cao đẳng trước đây và đặc biệt là các em sinh viên tốt nghiệp khóa 1 hệ Đại học đã được các doanh nghiệp “đặt hàng” ngay từ khi đi thực tập tại doanh nghiệp. Trong thời gian tới Nhà trường cần tiếp tục triển khai hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn theo yêu cầu doanh nghiệp. Khuyến khích sinh viên sử dụng ngoại ngữ khi học và thực hành các môn kỹ năng mềm. Hàng năm cần tận dụng triệt để kết quả khảo sát doanh nghiệp để cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thi trường lao động.

Tại buổi Lễ, HTU đã khen thưởng cho sinh viên thủ khoa và trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trao bằng tốt nghiệp cho 03 Thủ khoa Khoá I Đại học của trường HTU 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng trao bằng cho đại diện các sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi Khoá I của trường

Trong tổng số 411 sinh viên tốt nghiệp đại học khóa I có 290 em học ngành Công nghệ May, 75 em học ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser và 42 em học ngành Công nghệ Sợi, Dệt.

Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo nhà trường

Trường HTU là ngôi trường Đại học duy nhất tại Việt Nam tổ chức triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh từ thiết kế thời trang, quản trị chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất khẩu và marketing. Nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Vinatex và các doanh nghiệp dệt may hiện đại nhất Việt Nam về môi trường thực tập cho sinh viên, chia sẻ nhu cầu nhân lực của chuyên gia, cấp học bổng cho sinh viên đại học… Vì vậy chất lượng đào tạo tất cả các chuyên ngành đều đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của doanh nghiệp dệt may hiện đại nhất Việt Nam.


Các tin khác