Hơn 200 gian hàng quy tụ tại triển lãm HanoiTex & Hanoi Farbic 2023


Sáng 25/10 tại Hà Nội, Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu (HanoiTex & Hanoi Farbic 2023) đã chính thức khai mạc.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Vitas, Vinatex, Agtex và Công ty CP cắt băng khai mạc triển lãm

Tới dự khai mạc triển lãm có ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas); Ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP. HCM (Agtex) cùng lãnh đạo một số cơ quan hữu quan của Bộ Công Thương và TP Hà Nội; Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT và Lãnh đạo các Ban chức năng.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết triển lãm Hanoitex & HanoiFabric 2023 sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, triển lãm HanoiTex & HanoiFabric tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 10 tại Hà Nội là chương trình thuộc chuỗi sự kiện lớn nhất về triển lãm trong ngành công nghiệp dệt may, vải và nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Năm nay, triển lãm có quy mô xấp xỉ 6.000m², tăng 30% so với năm 2022, với trên 200 gian hàng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan và Việt Nam. Điều này khẳng định hơn sức hấp dẫn, thu hút của ngành Dệt May Việt Nam trong tiến trình phát triển, cũng như sự nỗ lực của các đơn vị tổ chức giàu kinh nghiệm và có uy tín trên thị trường, sự hợp tác, tin tưởng, ủng hộ của các đơn vị sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ dệt may trong nước và quốc tế.

Là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành. Ở góc độ quốc gia, để phát triển ngành dệt may bắt kịp nhu cầu cao của thế giới đòi hỏi ngành phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn ngày, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như ERP, CBAM. Hiện nay, năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, bên cạnh câu chuyện chuyển đổi số, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.

Tư duy, chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường… Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, là đơn vị dẫn đầu của ngành dệt may Việt Nam, thu hút hơn 150 nghìn lao động trong toàn hệ thống, đóng góp giá trị sản xuất kinh doanh lớn cho nền kinh tế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dài hạn, mang tính định hướng ngành công nghiệp, theo chiến lược phát triển ngành cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Với vai trò như vậy, Tập đoàn Dệt May Việt Nam không ngừng kết nối các đối tác, các nhà sản xuất, các nhà cung cấp trên toàn thế giới để cập nhật các thông tin công nghệ mới nhất, dự báo tình hình thị trường, các xu hướng phát triển của ngành dệt may toàn cầu… cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Các đại biểu tham quan triển lãm

“BTC tin tưởng rằng, Triển lãm Hanoitex & HanoiFabric 2023 lần này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín, tìm hiểu và lựa chọn các vật liệu, nguyên phụ liệu mới, phù hợp với định hướng phát triển, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt đáp ứng các quy định về minh bạch nguồn gốc xuất xứ và xanh hóa nguồn nguyên liệu”- Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas mong muốn HanoiTex & HanoiFarbic 2024 và những năm tiếp theo sẽ có nhiều đột phá, đa dạng hóa mặt hàng, nhà cung ứng

Phát biểu tại triển lãm, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas đánh giá cao BTC HanoiTex & HanoiFarbic 2023 đã nỗ lực triển khai, mang tới những công nghệ mới từ các quốc gia có ngành công nghiệp dệt may phát triển, giúp tăng cường sự hợp tác, phát triển và mở rộng đầu tư cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Chủ tịch Vitas bày tỏ, BTC HanoiTex & HanoiFarbic 2023 cần có những định hướng rõ nét để lựa chọn những đơn vị cung ứng có khả năng hỗ trợ phần “thiếu hụt” của các doanh nghiệp dệt may trong nước, có sự định hình, đa dạng hóa các mặt hàng, nhà cung ứng để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của dệt may toàn cầu, mang tới những giải pháp thiết thực cho ngành Dệt May Việt Nam trong thời gian tới, nhất là tại 2 thị trường Mỹ và Châu Âu. Với sự kỳ vọng của Vitas, Vinatex, Agtex… HanoiTex & HanoiFarbic 2024 và những năm tiếp theo sẽ có những bước đột phá, mang đến những giá trị tích cực, từng bước nâng cao vị thế dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tập trung và phát triển nguyên phụ liệu và vải – vốn là “nút thắt” của ngành trong suốt thời gian qua.

Ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT Vinatex trình bày nội dung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR và thuế biên giới carbon CBAM tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thanh Ngân – Phó Trưởng Ban Đầu tư – Phát triển Vinatex trình bày các cơ chế chính sách về giảm phát thải khí nhà kính và giải pháp cho ngành Dệt May Việt Nam 

Trong khuôn khổ của triển lãm, Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề “Các yêu cầu phát triển bền vững của EU và giải pháp của Việt Nam” với 2 nội dung chính: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR và thuế biên giới carbon CBAM do ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT Vinatex trình bày; Các cơ chế chính sách về giảm phát thải khí nhà kính và giải pháp cho ngành Dệt May Việt Nam do bà Nguyễn Thanh Ngân – Phó Trưởng Ban Đầu tư – Phát triển Vinatex trình bày.

Một số gian hàng tại triển lãm

HanoiTex & Hanoi Farbic 2023 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Công ty Triển lãm CP (Hồng Kông), Công ty TNHH Triển lãm CP Việt Nam phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (Agtex). Sự kiện tổ chức tại Trung tâm triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội) từ ngày 25/10 – 27/10, với quy mô diện tích gian hàng 6.000 m2, có sự tham gia của hơn 200 gian hàng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Quang Nam


Các tin khác