Doanh nghiệp cần chủ động hội nhập và vươn ra cạnh tranh quốc tế


Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, sáng 10/10, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng Đảng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu (ảnh TTXVN)

Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Nguyễn Long Hải – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (Đảng ủy Khối).

Tham gia trong đoàn có đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn.

Đảng bộ Khối hiện có 38 đảng bộ trực thuộc với 1.140 tổ chức cơ sở đảng, 5.902 chi bộ trực thuộc, 87.899 đảng viên. Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Khối đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các doanh nghiệp trong Khối hầu hết đều hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng cho kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng, nhưng Đảng uỷ Khối và cấp uỷ các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các giải pháp “Vừa phòng chống dịch – vừa sản xuất kinh doanh” và “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hầu hết các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đa số doanh nghiệp trong Khối đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2021, tổng doanh thu toàn Khối vượt 43,3% kế hoạch năm, tăng 7,8% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế vượt 41,7% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với năm 2020; nộp ngân sách nhà nước vượt 2% kế hoạch năm.

Với kết quả này, có sự đóng góp của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Đây cũng là năm Tập đoàn có dấu mốc đặc biệt trong 25 năm hình thành và phát triển. Lần đầu tiên trong lịch sử Tập đoàn có lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 1440 tỷ đồng, bằng khoảng 250% so với năm 2020, bằng 190% so với năm 2019 trước dịch. Các chỉ tiêu SXKD của Tập đoàn nhiệm kỳ 2016-2021 tăng dần theo các năm, năm sau cao hơn năm trước.

Trong 9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối tiếp tục duy trì tốt nhịp độ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 38,86%; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị ước đạt 176,9 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%; nộp ngân sách nhà nước toàn Khối ước đạt 224,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp trong Khối đã ủng hộ phòng chống dịch của cả nước với số tiền 32.188 tỷ đồng, tham gia công tác an sinh xã hội với tổng số tiền thực hiện trên 4.950 tỷ đồng; đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 800.000 người lao động.

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các doanh nghiệp đã báo cáo Chủ tịch nước kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, chuyển đổi số; hoạt động tín dụng ngân hàng; đảm bảo an ninh năng lượng; đảm bảo an ninh lương thực; cung cấp dịch vụ viễn thông…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà lưu niệm 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Đảng ủy Khối, cấp ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác xây dựng Đảng; đoàn kết, quyết tâm cao, đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. “DNNN không chỉ giải quyết các thách thức phát triển kinh tế – xã hội mà còn là “ngọn cờ” bảo vệ lý tưởng và con đường chủ nghĩa xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Vai trò của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, tập đoàn được coi trọng, phát huy nhưng không làm thay, không buông lỏng kiểm tra giám sát; thực hiện tốt công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ cơ sở; quán triệt thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; luôn quan tâm đến người lao động.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối luôn đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện điều tiết, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp hơn 20% tổng thu ngân sách quốc gia hằng năm và luôn đi đầu trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

Nêu một số tồn tại, thách thức với DNNN, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng ủy Khối trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; kiện toàn mô hình tổ chức Đảng đảm bảo đồng bộ với quy mô, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp theo phương thức phù hợp.

Đảng bộ Khối và Đảng bộ các doanh nghiệp chú ý giám sát, chấn chỉnh các yếu kém, thất thoát trong các DNNN, không để xảy ra tiêu cực. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra dự báo sát thực tiễn để tận dụng cơ hội, giảm rủi ro thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nhất là khi đất nước đang trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch thì vai trò của các tập đoàn, DNNN càng trở nên quan trọng hơn.

Đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội, Chủ tịch nước cũng lưu ý cần tách bạch rõ ràng để xác định đúng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà lưu niệm 

Về một số nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ máy điều hành, hệ thống quản trị các DNNN phải được kiện toàn nâng cấp; áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ tâm và tầm; cải thiện các quy trình, nâng cao tính tự chủ và kỷ luật để tăng năng lực cạnh tranh của tập đoàn, tổng công ty.

Theo Chủ tịch nước, có thể ban hành các chỉ số để theo dõi và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị cũng cần đi đầu trong nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ xung quanh, hình thành các chuỗi giá trị.

Chủ tịch nước cũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động hội nhập và vươn ra cạnh tranh quốc tế. Vai trò chủ đạo của các tập đoàn là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập, kết nối với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, DNNN cần góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn, quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu các tập đoàn tiếp tục góp phần giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh cho nền kinh tế, đặc biệt là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh; tăng cường đối thoại trực tiếp với người lao động góp phần giải quyết vướng mắc về chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.


Các tin khác