Doanh nghiệp dệt may đối mặt lần 2 với “sóng thần” Covid-19


Đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong hơn 3 tháng tại Việt Nam, lại bất ngờ bùng phát cuối tháng 7 tại Đà Nẵng và tiếp tục lan ra một số tỉnh với sức “công phá” mạnh hơn. Vậy các doanh nghiệp thành viên tại 3 miền Bắc – Trung – Nam của Tập đoàn Dệt May Việt Nam ứng phó ra sao trước diễn tiến xấu của dịch bệnh?

Dệt May Hòa Thọ – Khẩn trương, bình tĩnh chống dịch

Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020, Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ đã rơi vào trung tâm dịch Covid-19 lần 2 bùng phát. Những đơn vị thành viên của Hòa Thọ nằm rải rác tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt TP. Đà Nẵng là những điểm nóng phát dịch, mỗi ngày phát hiện từ 20 đến trên 30 ca nhiễm mới, đỉnh điểm có ngày lên đến 45 ca, tạo một con số kỷ lục ca nhiễm mới/ngày tại Việt Nam. Tại Đà Nẵng, trong cộng đồng hầu như nơi nào cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Do đó, các nhà máy của Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ đóng ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An (tỉnh Quảng Nam) đều trong tình trạng báo động cao. Duy chỉ có nhà máy ở Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), cách trung tâm dịch hơi xa thì an toàn hơn một chút. Tại tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu xuất hiện những ca mắc bệnh đầu tiên, Hòa Thọ cũng có nhà máy trú đóng tại huyện Sơn Tịnh, nên cũng đã hết sức đề phòng.

Ông Nguyễn Đức Trị – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ cho biết: “Các đơn vị thuộc Tổng Công ty Hòa Thọ đều đã áp dụng hình thức đi làm luân phiên đối với khối văn phòng, triển khai khử trùng khu vực sản xuất hàng ngày, thực hiện cách ly lên đến F3 đối với khối sản xuất, yêu cầu NLĐ nghiêm túc thực hiện lệnh cách ly theo quy định. NLĐ hàng ngày khi đến chỗ làm phải thực hiện tờ khai để xác định có là F1 – F2 – F3 đối với các ca mới nhiễm hay không. Đối với khối sản xuất, nếu nơi nào thiếu nhân lực do cách ly thì Tổng Công ty sẽ điều chuyển bớt đơn hàng sang Quảng Ngãi sản xuất. Biện pháp thương thuyết với khách hàng, đề nghị khách giãn thời gian giao hàng cũng được Tổng Công ty đưa ra. Khách hàng Âu, Mỹ hiện cũng không quá căng thẳng về thời gian giao hàng nên có thể cho phép giãn. Tuy nhiên nếu có khách vẫn cần giao hàng đúng hạn thì Hòa Thọ sắp xếp tập trung sản xuất khẩn trương để đảm bảo không bị trễ hạn. Trong sản xuất, Hòa Thọ phải đưa ra từ 4-5 phương án khác nhau cho mỗi đơn hàng để đảm bảo các đơn hàng được thông suốt. Trong khó khăn cũng có những thuận lợi, đó là nguồn nguyên phụ liệu cung ứng cho sản xuất khá dồi dào, không còn bị thiếu như hồi quý I và đầu quý II. Duy chỉ có việc vận chuyển hàng ra cảng từ nhà máy ở Quảng Trị là có khó khăn, do phải đi qua các địa phận giáp ranh Huế-Đà Nẵng. Chúng tôi đã lường trước điều này nên chủ động làm việc với Lãnh đạo các vùng giáp ranh để có chính sách linh hoạt thông thương cho các xe chở hàng ra cảng.”

Hiện tại người dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi nói chung và NLĐ tại Tổng công ty Hòa Thọ nói riêng đều có tâm lý lo lắng, hoang mang. Hòa Thọ đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung truyền thông cho NLĐ hiểu và áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ nói chung và của công ty nói riêng để vừa đảm bảo sản xuất nhưng giữ an toàn sức khỏe cho tất cả mọi người. Đội ngũ cán bộ tích cực động viên, xốc lại tinh thần cho NLĐ, cam kết vẫn sản xuất đúng và đủ đơn hàng.

Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc TCT Hòa Thọ cho biết về các biện pháp cụ thể phòng chống dịch tại đơn vị như sau: “Các biện pháp mà Hòa Thọ triển khai thêm trong tuần đầu của làn sóng Covid-19 thứ 2 như sau: Thực hiện các biện pháp phòng chống như đợt 1; Cung cấp phát vitamin C đợt 2 cho người lao động tại Đà Nẵng: 1 ống C/người; Trang bị thêm máy đo thân nhiệt để thực hiện đo trước khi vào xưởng (trong đợt dịch Covid-19 lần 1, NLĐ ngồi vào vị trí làm việc rồi mới được đo thân nhiệt, thì trong lần này trang bị thêm nhiều máy đo thân nhiệt và tổ chức đo trước khi NLĐ vào xưởng); Cung cấp tờ xác nhận cho CBCNV và khách hàng, nhà cung cấp để di chuyển qua các chốt chặn; Trang bị tấm chắn trên bàn ăn để thực hiện giãn cách; Cung cấp tấm chắn mặt kháng giọt bắn cho các bộ phận tiếp xúc nhiều như bảo vệ, nhà ăn, siêu thị, người đo thân nhiệt; Hai nhà máy sợi ăn ca riêng tại nhà ăn mỗi nhà máy.”

May 10 – Trong khó khăn, đội ngũ càng trưởng thành

Trong nửa đầu năm 2020, Tổng Công ty May 10 – CTCP đã vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục khi không có người lao động nào phải nghỉ làm, thu nhập giảm không đáng kể. Vậy May 10 đã có bí quyết gì và giải pháp mới nào sẽ được áp dụng?

Trong 6 tháng cuối năm 2020, May 10 tiếp tục đối diện với hai khó khăn cực kỳ nghiêm trọng.

Thứ nhất là, cần phải tiếp tục duy trì sản xuất bằng mọi giá, trong khi phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động (NLĐ). Với số lượng 12 ngàn công nhân đang làm việc trong 18 nhà máy ở Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, nếu chỉ 01 NLĐ bị nhiễm Covid-19 thì lập tức toàn bộ nhà máy phải đóng cửa. Ngay từ những ngày đầu có dịch, May 10 đã thành lập một Ban phòng chống dịch Covid-19 do chính Tổng Giám đốc là Trưởng Ban, và các tổ phản ứng nhanh để kiểm tra công tác phòng chống dịch tại từng đơn vị trực thuộc. Tổ cơ điện thiết kế và chế tạo buồng khử khuẩn đặt ở cửa vào nhà máy, đảm bảo 100% NLĐ được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đi qua buồng khử khuẩn, đeo khẩu trang khi làm việc cũng như ở các nơi công cộng. Tại nhà ăn, May 10 cũng thực hiện chia vách ngăn để đảm bảo giãn cách hợp lý.  Phòng truyền thông liên tục đưa thông tin, tuyên truyền NLĐ các phương pháp bảo vệ và gìn giữ sức khỏe. Trên tinh thần Tất cả vì NLĐ, nếu NLĐ không được đảm bảo an toàn sức khỏe thì sản xuất không còn ý nghĩa.

Thứ hai là, trong 6 tháng đầu năm 2020, cho dù có lúc thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ mất việc làm, mất dòng tiền là cực kỳ lớn, nhưng May 10 với truyền thống vượt khó, đã trụ vững, linh hoạt chuyển đổi sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang y tế, đảm bảo việc làm và thu nhập khá cho NLĐ, đó là một thắng lợi đáng mừng. Trong khó khăn, đội ngũ CBCNV May 10 càng trưởng thành hơn. Sự dịch chuyển sản xuất của May 10 là rất tốc độ. Chỉ trong tháng 2/2020, khi bắt đầu có ý tưởng sản xuất khẩu trang thay thế các mặt hàng truyền thống, thì tháng 3/2020 May 10 quyết định đầu tư máy móc và đến tháng 4/2020 đã có hàng khẩu trang đưa ra thị trường. Tháng 5,6/2020 quy mô sản xuất khẩu trang của May 10 đã rất lớn, hàng được xuất đi các nước châu Âu và Mỹ. NLĐ May 10 không phải nghỉ làm ngày nào và thu nhập chỉ giảm 2% so với năm 2019.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2020 lại là thử thách còn lớn hơn nữa. Tới đầu tháng 8/2020, May 10 vẫn chưa nhận được đơn hàng tháng 10, tháng 11/2020. Lẽ ra trong tình hình bình thường, thì đơn hàng đến hết năm 2020 phải được khách hàng đặt hết vào thời điểm này. Điều này đẩy doanh nghiệp vào tình trạng ăn đong từng tháng, từng tuần. “Chúng tôi đã quyết tâm, bất cứ cái gì có thể đưa vào máy may, chúng tôi đều nhận. Miễn là có việc làm cho NLĐ” – Ông Thân Đức Việt – TGĐ May 10 cho biết.

Khi đơn hàng thiếu, tổng lực đã được tính toán để trang trải cho 6 tháng đầu năm, thì đến 6 tháng cuối năm 2020, áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp càng ngày càng lớn. Thông thường, nếu không có việc làm, thì chỉ sau từ 1-3 tháng, dòng tiền để trả lương cho toàn bộ NLĐ của doanh nghiệp may mặc sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, mỗi tháng trung bình TCT May 10 và các công ty con phải chi trả 860 tỷ đồng tiền lương, thưởng, bảo hiểm. Với nỗ lực của TCT trong 6 tháng vừa qua, thì nguồn thu vẫn giảm tới 35%. May 10 chỉ có thể trụ được đến hết quý IV/2020 nếu tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn.

“Hiện nay, May 10 đang dựa vào uy tín, chất lượng và sự đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn của đội ngũ CBCNV. Giải pháp trong thời gian tới đây là tập trung cao độ vào tổ chức sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa, rà soát lại  toàn bộ các định mức kinh tế kỹ thuật, các vị trí công việc, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết. Cần thắt lưng buộc bụng duy trì sự tồn tại của Doanh nghiệp…” – Ông Thân Đức Việt cho biết về giải pháp của May 10 trong khó khăn tiếp diễn.

Ngoài ra, một số khách hàng truyền thống của May 10, tuy chưa có đơn hàng, nhưng cũng có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách khi nào thị trường phục hồi, hoạt động trở lại, họ sẽ ưu tiên đặt hàng của May 10 trước các nơi khác. Phòng kinh doanh tích cực tìm kiếm các thị trường mới. Mọi sản phẩm mới được đưa về sẽ sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất. Sẵn sàng làm hàng chưa bao giờ làm. Linh hoạt chuyển đổi sản xuất phù hợp với diễn tiến mới của tình hình. Khẩu hiệu lúc này của May 10 là VIỆC LÀM GIỮ CHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG.

“Để May 10 có thể tiếp tục nỗ lực duy trì sự tồn tại, thì cũng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần linh hoạt hơn trong chính sách hỗ trợ NLĐ thông qua doanh nghiệp. Hãy hỗ trợ cho DN có khả năng vượt qua được khó khăn, có thể phục hồi nhanh sau đại dịch, tiếp sức cho DN để tiếp tục tạo việc làm cho NLĐ, chứ không chỉ hỗ trợ cho NLĐ mất việc làm ở các DN đã phá sản. Hiện nay, gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho NLĐ của Chính phủ không thể đến được với NLĐ của May 10 bởi quy định phải chứng minh 50% NLĐ thiếu việc làm. Chính phủ nên lấy ý kiến của DN để đưa ra gói hỗ trợ hiệu quả nhất.”- Ông Thân Đức Việt nêu ý kiến.

Ông cũng cho rằng, trong thời gian đại dịch còn kéo dài, nên hoãn đóng bảo hiểm xã hội, hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm cần được dùng cho NLĐ khi có rủi ro, thì Covid-19 này hẳn nhiên là một rủi ro quá lớn và cần được bảo hiểm. Hiện nay, tiền bảo hiểm phải đóng chiếm tới 15-17% quỹ lương cho NLĐ. Khi được miễn,  hoặc giãn đóng bảo hiểm, thì đó cũng là nguồn tiền vô cùng quý giá cứu DN trong lúc gặp khó khăn quá lớn này.

May Nhà Bè – quan tâm nguồn lực quan trọng nhất

Quan tâm tới người lao động chính là quan tâm tới nguồn lực quan trọng nhất. Chính vì vậy, Tổng công ty May Nhà Bè – NBC luôn quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đang có dịch Covid-19 bùng phát lần 2.

Trong sản xuất kinh doanh thời đại dịch, thì yếu tố tinh thần vững cũng vô cùng quan trọng. Chưa bao giờ nền kinh tế thế giới lại rơi vào cuộc khủng hoảng kép tồi tệ như thời điểm hiện nay. Đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã tác động rất nghiêm trọng đến toàn bộ sản xuất ngành dệt may Việt Nam nói chung và NBC nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng NBC đã quyết tâm giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập và bảo toàn lực lượng lao động. Đó là kết quả từ tinh thần quyết tâm cao độ của Ban lãnh đạo, từ đội ngũ CBCNV đoàn kết một lòng, chung tay chia sẻ khó khăn, triệt để tiết kiệm chi phí để góp phần ổn định đời sống cho toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 ở Việt Nam, thì khó khăn lại chồng khó khăn. Trong công tác phòng ngừa bệnh tật, NBC đã nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm không để lọt “kẻ thù” làm suy yếu sức khỏe công ty. Phòng Y tế NBC luôn thường trực mọi điều kiện tốt nhất để đảm bảo công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro dịch bệnh. Những nguy cơ dù nhỏ nhất cũng không được bỏ qua, trên tinh thần không những bảo vệ được sức khỏe của người lao động mà còn giúp ổn định lực lượng sản xuất cũng như kéo dài thời gian gắn bó, giữ người lao động với Công ty.

NBC đã đưa ra các giải pháp chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho NLĐ và sản xuất kịp thời cho các đơn hàng, như sau: Siết chặt việc khai báo y tế đối với những cá nhân đi từ vùng dịch; 100% cán bộ – người lao động phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc, nơi đông người; Đo thân nhiệt trước trước khi vào làm việc, rửa tay bằng nước sát khuẩn; Đối với hàng hóa trước khi nhập kho phải được khử trùng; Nhà ăn thực hiện việc tăng ca để giãn cách xã hội, mở cửa thông thoáng, không sử dụng máy lạnh; Khách hàng đến làm việc, công tác ở công ty phải khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe; Phun thuốc khử trùng tại khu vực kho, xưởng sản xuất, văn phòng làm việc; Trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại khu vực nhà vệ sinh; Tuyên tuyền thông tin về các biện pháp phòng chống dịch, cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày cho người lao động (phát thanh nội bộ, bảng thông tin, website, mạng xã hội).

Ngoài công tác sản xuất hàng dệt may theo đơn hàng, NBC còn tiếp tục sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế để phòng chống dịch, phục vụ nhanh cả đơn hàng trong nước và xuất khẩu. NBC phải cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn hiệu quả, vừa phải đảm bảo sản xuất kinh doanh trong đó có mặt hàng khẩu trang phục vụ thị trường.

Sản xuất tốt nhất ngay cả trong đại dịch, điều này không chỉ là quyết tâm phát triển bền vững bất chấp thách thức chưa từng có, mà còn là hiện trách nhiệm xã hội của NBC với những hành động ý nghĩa thiết thực để chăm lo cho giá trị con người, phần tài sản quý báu nhất trong quá trình xây dựng và phát triển của Tổng Công ty.

Kiều Bích Hậu

(Thực hiện)


Các tin khác