Đẩy mạnh vai trò, năng lực của đội ngũ lao động nữ trong hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam


 Sáng 6/3 tại Hà Nội, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Hội nghị Kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Tổng kết công tác nữ năm 2022 tại khu vực miền Bắc.

Tới dự Hội nghị có đ/c Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đ/c Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex cùng các đ/c trong Cơ quan điều hành, Lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn; Đ/c Phạm Thị Thanh Tâm – UV BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các đ/c trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành, Chủ tịch các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam tặng hoa chúc mừng chị em nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

Báo cáo tại Hội nghị, đ/c Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch Công đoàn DMVN cho biết, Dệt May là ngành đông lao động, trong đó có hơn 70% là nữ. Những kết quả ngành đạt được trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển có dấu ấn và đóng góp rất lớn của các chị – những nữ lao động dệt may. Trên từng vị trí việc làm, các chị đã khẳng định được trí tuệ, năng lực, sự cống hiến của bản thân và đạt được những thành tích đáng trân trọng.

“Năm 2022 – một năm còn nhiều khó khăn đối với ngành Dệt May Việt Nam song các cấp trong ngành vẫn luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho nữ CNLĐ. Nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ, các phong trào thi đua như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Giải thưởng Nguyễn Thị Sen, Công tác vì sự tiến bộ nữ, Công tác gia đình và trẻ em được tập trung đẩy mạnh đã đạt được hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thi thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ nữ tham gia như: thi Bếp nhà Dệt May, Gửi người phụ nữ tôi yêu, Lời ru bên cánh võng… vừa tạo sân chơi bổ ích, vừa góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người phụ nữ Dệt May Việt Nam. Chính những điều đó đã trở thành động lực để các chị phấn đấu hơn nữa, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu mới của vị trí việc làm, đồng thời thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh.

Đ/c Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam báo cáo công tác nữ năm 2022 của hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam

Năm 2023, toàn hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, bám sát và triển khai các chương trình, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp về công tác nữ, trong đó: (1) Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông dành riêng cho lao động nữ theo phương châm: nghe chị em nói – nói về chị em; (2) Nâng cao chất lượng lao động nữ thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; (3) Chăm lo toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ; (4) Đồng hành với lao động nữ trong xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” và nuôi dạy con trước bối cảnh công nghệ phát triển; (5) Nâng cao chất lượng hoạt động, tương tác thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của ban nữ công các cấp trong hệ thống.

Đ/c Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Vinatex đề nghị các cấp công đoàn cần tập trung vào những giải pháp, phong trào giúp lao động nữ phát huy năng lực

Phát biểu tại Hội nghị, Đ/c Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex nhận định, ngành Dệt May Việt Nam luôn có sự tăng trưởng liên tục trong suốt 20 năm qua, luôn nằm trong top những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may đứng đầu thế giới. Với đặc thù lao động nữ chiếm tới 70% tổng số lao động toàn ngành, có thể nói, những thành công của ngành dệt may, của Tập đoàn Dệt May Việt Nam có không ít công sức đóng góp của chị em.

“Năm 2023 này, tình hình kinh tế thế giới nói chung, thị trường ngành dệt may nói riêng đều được dự báo là hết sức khó khăn. Trong hai tháng đầu năm vừa qua, những khó khăn này đã thực sự xuất hiện. Ngành sợi vẫn đối mặt với thị trường trầm lắng, thiếu cầu, trong khi giá sợi vẫn tiếp tục giữ ở mức thấp. Ngành may thiếu đơn hàng và có xu hướng ngày càng khó với yêu cầu cao từ khách hàng, giá gia công giảm mạnh tới 30%, chi phí tăng chưa có hồi giảm. Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong muốn có được sự thấu hiểu và chung tay, cố gắng hết sức của toàn thể người lao động trong toàn Tập đoàn, trong đó có các chị em đẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này, quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023”- Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh.

Đặt ra nhiệm vụ trọng tâm về công tác nữ cho hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam, đ/c Cao Hữu Hiếu đề nghị các cấp công đoàn cần tập trung vào những giải pháp, phong trào hỗ trợ, giúp lao động nữ phát huy tốt nhất những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của ngành, cụ thể:

  • Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, thực hiện chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển của ngành dệt may Việt Nam nói chung, Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng. Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, đa số lao động ngành dệt may là lao động trẻ, trình độ chưa cao, vì vậy rất cần các khoá đào tạo ngắn hạn, giúp chị em hoà nhập với môi trường sản xuất hiện đại; đào tạo cập nhật thường xuyên để chị em có thể tiếp cận với công nghệ mới, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay.
  • Rà soát, xây dựng các chính sách đãi ngộ, chăm lo tốt hơn nữa đời sống người lao động, quan tâm đến cả các khía cạnh gia đình, giúp chị em yên tâm công tác; vượt qua những rào cản về văn hóa, định kiến về giới, có điều kiện, cơ hội vươn lên phát triển nghề nghiệp. Đặc biệt, tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, do ngành dệt may là ngành gây nên nhiều bệnh nghề nghiệp, đặc biệt đối với lao động nữ.
  • Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung hoạt động một cách thiết thực, phù hợp với điều kiện của tổ chức và của đoàn viên; động viên, tạo môi trường thích hợp, phát huy vai trò của đội ngũ lao động nữ để chị em đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị và sự phát triển bền vững của ngành.

Đ/c Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đề nghị Công đoàn Dệt May Việt Nam mong muốn chị em phải là nòng cốt của các phong trào thi đua 

Đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai các phong trào và hoạt động nữ công của hệ thống Công đoàn ngành, đ/c Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đề nghị Công đoàn Dệt May Việt Nam cần quan tâm một số nội dung:

  • Tiếp tục đổi mới công tác vận động và phương pháp tổ chức các hoạt động của nữ công nhân, lao động, đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, gắn nội dung của các hoạt động này vào phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, lấy kết quả công tác, năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh để đánh giá kết quả phong trào, tránh đưa ra các nội dung hoạt động chung chung, hình thức, tránh lãng phí cả về thời gian và kinh phí.
  • Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Chỉ thị số 11/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoc; Kết luận số 1500b /KL-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về tiếp tục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động trong tình hình mới; tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội và gia đình; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với nữ.
  • Không ngừng phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, chủ động trong công việc và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác và đời sống. Đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn tạo điều kiện cho nữ công nhân lao động để có thể cân bằng hài hòa giữa công việc cơ quan và gia đình, có thời gian chăm sóc bản thân, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của đoàn viên, người lao động trong ngành.
  • Tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, người lao động trong ngành, đặc biệt là nữ công nhân, lao động được nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, từ đó có cơ hội phát triển và thăng tiến trong công việc.
  • Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn, do Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động, trong đó chị em phải là nòng cốt của các phong trào thi đua.

Đ/c Phạm Thị Thanh Tâm- Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết sẽ lĩnh hội, tiếp thu những chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Cảm ơn sự chỉ đạo, quan tâm và động viên của Tổng LĐLĐ VN và Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối với các hoạt động nữ công của hệ thống Công đoàn ngành, đ/c Phạm Thị Thanh Tâm- Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, Ban Thường vụ, BCH và CĐCS sẽ lĩnh hội, tiếp thu những chỉ đạo của Tổng LĐLĐ VN và Tập đoàn Dệt May Việt Nam để xây dựng và đưa vào các hoạt động, nhiệm vụ của Công đoàn ngành trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2023 – 2028. Điều này giúp công tác nữ công của Công đoàn DMVN đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần vào sự phát triển bền vững của Vinatex và ngành Dệt May Việt Nam.

Trao tặng giải thưởng “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” và  Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nói chuyện chuyên đề hướng dẫn chăm sóc da và trang điểm công sở

Nhân dịp này, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã trao các giải thưởng “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” cho cá nhân tiêu biểu tại khu vực miền Bắc, tổ chức nói chuyện chuyên đề hướng dẫn chăm sóc da và trang điểm công sở cho gần 90 nữ đại biểu đại diện cho CBNV-NLĐ nữ toàn hệ thống.

Quang Nam


Các tin khác