Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam chỉ đạo giải pháp cho hoạt động sản xuất kinh doanh quý II năm 2023


Ngày 14/4, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ và Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng. Đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex chủ trì Hội nghị.

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Vinatex

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, báo cáo kết quả SXKD quý I, kế hoạch và giải pháp SXKD quý II/2023, báo cáo tình hình chuẩn bị Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam.

Hội nghị đã phân tích, nhận định tình hình kinh tế quý I và những quý tiếp theo của năm 2023 với những diễn biến khó lường, từ đó đề xuất các giải pháp quản trị tài chính; đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu khi thị trường khởi sắc; đảm bảo ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và người lao động trong tình hình mới, tiếp tục đảm bảo mức lương cho người lao động ổn định đời sống…

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Vinatex

Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Lê Tiến Trường nhấn mạnh: Trong quý I, dưới sự chỉ đạo lãnh đạo sát sao kịp thời của Đảng ủy Tập đoàn và các tổ chức đảng trực thuộc, sự chủ động linh hoạt của Cơ quan điều hành các đơn vị, sự đồng lòng của CBNV-NLĐ trong toàn hệ thống, Vinatex đã hoàn thành nhiệm vụ được giao với 4 kết quả nổi bật, đó là: Ổn định việc làm trong toàn hệ thống, giữ mức lương bình quân 9,77 triệu đồng/tháng, cao hơn 1% so với năm 2022. Nhờ đó tình hình tư tưởng, chính trị người lao động ổn định, kiên trì bám việc, bám chuyền, không xáo trộn về việc làm, bảo hiểm xã hội do ngừng việc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên các địa bàn có DN hoạt động; Tập đoàn vẫn đang duy trì hơn 65 nghìn lao động như trong báo cáo hợp nhất; Tập đoàn và Công đoàn cũng đã chăm lo Tết Quý Mão trọn vẹn cho người lao động với mức hỗ trợ lên tới hơn 70 tỷ đồng. Cùng với đó, tuy tình hình kinh tế, thị trường rơi vào khó khăn kéo dài nhưng Vinatex vẫn đạt lợi nhuận 1.212 tỷ đồng trong năm 2022.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường phát biểu tại Hội nghị

Trong thời điểm rất khó khăn như hiện nay, mỗi doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tiết kiệm triệt để, nghiêm túc những chi phí thường xuyên. Vinatex tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số, quản trị số tập trung. Giai đoạn công nghệ phát triển mạnh như hiện nay thì thông tin thông suốt sẽ là lợi thế, thuận lợi trong việc quản trị và phản ứng nhanh nhạy với thị trường.

Hiện nay, nhiều đơn vị thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ thì cũng chính là thời điểm thuận lợi trong việc đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng chuyên nghiệp trong điều hành, sản xuất kinh doanh.

Đồng chí Lê Tiến Trường chia sẻ, thời điểm này công tác đào tạo nhân lực được thực hiện tốt không chỉ chuẩn bị tiềm lực, đón đầu khi thị trường có tín hiệu tốt mà còn không gây lãng phí, thất thoát khi nhân lực thiếu trình độ làm sai, làm hỏng.

Trước dự báo tình hình kinh tế, thị trường khó khăn còn kéo dài đến hết năm 2023, tổng cầu thế giới tiếp tục giảm, cầu ở mức thấp và thấp hơn tổng cầu năm 2020 khi có dịch Covid -19 (do có cầu về hàng y tế); các nền kinh tế đầu tàu khả năng rơi vào khủng hoảng trong khi Trung Quốc mở cửa với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN trong nước; xu thế giảm việc làm, giảm lao động là tất yếu trong thời gian tới,… Vinatex dự báo trong quý 2, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, biên lợi nhuận của DN chưa được cải thiện; dư địa phát triển ngành May chỉ là đơn hàng nhỏ, phức tạp; ngành Sợi sẽ có cải thiện hơn nếu DN mua được giá bông mới, xuất khẩu đến các thị trường ngoài Trung Quốc…

Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu báo cáo kết quả SXKD quý I, kế hoạch và giải pháp SXKD quý II/2023

Qua các nhận định trên, Hội nghị thảo luận và thống nhất đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho quý II và những tháng cuối năm 2023 như sau:

  • Tiếp tục ưu tiên đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tổ chức công đoàn, hệ thống tuyên giáo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Tập đoàn; nắm bắt dư luận, tâm tư người lao động; chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người lao động ổn định tư tưởng, tiếp tục có những chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp như trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.
  • Tất cả các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động ở mức “năng lượng thấp” theo các kịch bản để chủ động tình huống ứng phó trong SXKD, vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
  • Các đơn vị linh hoạt, khoanh vùng tiết giảm chi phí. Tạm dừng những chi phí chưa cấp thiết, chỉ ưu tiên chi phí phát triển thị trường, chi phí đầu tư bỏ ra và thu hồi được hiệu quả trong năm 2023.
  • Linh hoạt tổ chức SXKD, thích ứng tìm kiếm và làm hàng đơn hàng nhỏ, hàng khó. Quan tâm yếu tố chất lượng sản phẩm để cạnh tranh bán hàng và giữ uy tín với khách hàng.

N.G


Các tin khác