Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI: 3 đột phá, 5 trọng tâm khẳng định vị thế vững chắc với doanh nghiệp và người lao động


Đại hội đại biểu Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn DMVN) lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 long trọng diễn ra trong 2 ngày 12-13/10/2023 tại Hà Nội, với sự tham gia của 317 đại biểu chính thức, đại diện cho ý chí, tiếng nói của hơn 116 nghìn đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tại 116 công đoàn cơ sở trên cả nước.

Toàn cảnh Đại hội

Tới dự Đại hội có Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu- nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; Đồng chí Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam…

Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – UV BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn DMVN phát biểu khai mạc Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – UV BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn DMVN cho biết, thời điểm này, hơn 116 nghìn cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ của 116 công đoàn cơ sở trong toàn hệ thống đang hướng về Đại hội, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội, đồng thời gửi trọn niềm tin vào các đại biểu của mình và chờ đợi những quyết định sáng suốt, những kết quả tốt đẹp của Đại hội. Nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao đó, tin tưởng rằng mỗi đại biểu sẽ tập trung trí tuệ, nhiệt tình, tâm huyết, làm việc với trách nhiệm cao, để Đại hội VI Công đoàn DMVN thực sự là đại hội của “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Phát triển, vì việc làm, đời sống của người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường phát biểu chỉ đạo Đại hội

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhận định, nhiệm kỳ 2018 – 2023 là một nhiệm kỳ trải qua nhiều thời khắc “lịch sử” chưa từng có trong tiền lệ, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; đại dịch Covid-19 toàn cầu dẫn tới giãn cách, đóng cửa nhà máy; tình trạng thị trường bùng nổ và quá mua năm 2022 dẫn đến suy giảm và thiếu đơn hàng trầm trọng vào năm 2023… Trong bối cảnh ấy, các DN và tổ chức Công đoàn các cấp đã có những kinh nghiệm, sự trưởng thành, sáng tạo trong hoạt động SXKD và phong trào công nhân lao động. Một nhiệm kỳ với những khó khăn, thách thức nhưng ngành dệt may vẫn có sự tăng trưởng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp – công đoàn và NLĐ trở nên gắn bó, sâu sắc để cùng nhau vượt qua những sóng gió.

Dù điều kiện khó khăn, trở ngại nhưng chúng ta vẫn đảm bảo duy trì những hoạt động cốt lõi của phong trào công nhân đó là thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và NLĐ; là hoạt động quản lý và cải thiện môi trường làm việc; là các hoạt động chăm sóc đời sống vật chất – tinh thần hàng ngày; tổ chức Tết sum vầy hàng năm với quy mô càng lớn, độ phủ cho NLĐ ngày càng rộng; tổ chức thi thợ giỏi toàn ngành cùng các phong trào thi đua thường xuyên tại cơ sở; hoạt động truyền thông đa dạng, nhiều cơ hội tiếp cận cho NLĐ; hoạt động đào tào tay nghề và văn hóa doanh nghiệp cho NLĐ diễn ra liên tục trong cả nhiệm kỳ.

“Với những hoạt động thực chất, đem lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, sức hấp dẫn của Công đoàn DMVN với các DN ngày càng tốt hơn, các DN mới được thành lập đều tập trung đăng ký cho tổ chức công đoàn cơ ở sinh hoạt với Công đoàn DMVN; công tác phát triển đoàn viên mới thu được kết quả tích cực. Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu DN, áp dụng tự động hóa và cả thiếu hụt đơn hàng nhưng số lượng đoàn viên, CNVCLĐ của Công đoàn DMVN vẫn được duy trì. Toàn hệ thống nhiệm kỳ qua không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công, bãi công diện rộng, các thắc mắc của NLĐ được tổ chức công đoàn đứng ra đối thoại kịp thời với người sử dụng lao động. Có được những thành tích đó là nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đoàn Tổng LĐLĐ VN, BTV Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam, sự đoàn kết thống nhất trong BCH, BTV Công đoàn DMVN khóa V”- Đồng chí Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Đặt ra nhiệm vụ cho BCH, BTV Công đoàn DMVN khóa VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đồng chí Lê Tiến Trường nêu rõ: Công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động, giảm hội họp, tăng sinh hoạt trực tuyến, lắng nghe ý kiến từ cơ sở thông qua các kênh truyền thông hiện đại, tổ chức đối thoại với người lao động ở nhiều cấp độ, kể cả ở công đoàn ngành; Đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ tại cơ quan văn phòng Công đoàn thật tinh nhuệ, gắn bó với cơ sở, được nuôi dưỡng trong phong trào công nhân, sẵn sàng luân chuyển về cơ sở khó khăn để gây dựng phong trào một cách thực chất… Nhiệm kỳ mới cũng là giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi về hành vi tiêu dùng, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm tuần hoàn, chế tài bằng thuế phí với các sản phẩm thông thường cũng sẽ là áp lực làm giảm số lượng sản phẩm, đồng thời đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, khó sản xuất hơn. Sự thay đổi đó gây áp lực trực tiếp lên NLĐ trong ngành phải liên tục học tập, nâng cao tay nghề. Tự động hóa, CMCN 4.0 cũng làm giảm đi mức độ thâm dụng lao động, cơ hội việc làm mới có nhiều nhưng với nội hàm chất lượng khác đi sẽ là những nội dung cả hệ thống chúng ta phải nỗ lực vượt qua…

Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam tặng bức trướng chúc mừng Đại hội

Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đồng chí Lê Tiến Trường tặng Đại hội bức trướng vừa thể hiện định hướng hoạt động, vừa là nguyện vọng của quần chúng và người sử dụng lao động với Công đoàn ngành DMVN:

HƯỚNG VỀ CƠ SỞ

HOẠT ĐỘNG THỰC CHẤT

LỢI ÍCH HÀI HOÀ

RỦI RO CHIA SẺ

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Công đoàn DMVN khóa V

Tới dự và chỉ đạo Đại hội, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Công đoàn DMVN khóa V với 5 kết quả ấn tượng: (1) Sáng tạo các hoạt động chăm lo, đại diện lợi ích hợp pháp của người lao động, tích cực tham gia quản lý doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ xây dựng môi trường doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, thỏa ước lao động ngành; (2) Công đoàn các cấp đã có tiếng nói quan trọng, trách nhiệm tại các hội đồng, cơ quan bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Tổ chức tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý… đảm bảo các điều khoản về bảo hiểm, tiền lương có lợi cho NLĐ. Tích cực tham gia giám sát về quy chế dân chủ cơ sở, 96% công đoàn cơ sở tổ chức được Hội nghị người lao động, đối thoại giữa người sử dụng lao động với NLĐ… (3) Nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục NLĐ với hình thức đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội một cách hiệu quả. Lồng ghép được các chủ trương của Đảng, giai cấp công nhân, Luật lao động, Luật ATVSLĐ, Luật bảo hiểm… qua các kênh thông tin tuyên truyền. (4) Phát động hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo. Với ngành đặc thù có 75% lao động nữ, nhiều hoạt động nữ công, chăm lo con em đoàn viên NLĐ được tổ chức hiệu quả, triển khai và tìm kiếm nhiều mô hình mới cho kết quả thiết thực; (5) Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho NLĐ trong ngành.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhận định, trong những năm qua, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, vừa giải quyết vấn đề lao động, vừa đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và GDP của cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thế giới đứng trước nhiều thách thức do xung đột chính trị leo thang, lạm phát ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, Công đoàn ngành sẽ đứng trước nhiều thách thức trong việc đảm bảo các chế độ phúc lợi, lương thưởng giữa người sử dụng lao động và NLĐ.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn đề nghị, nhiệm kỳ mới, Công đoàn DMVN tập trung hoàn thành tốt 4 nhiệm vụ: (1) Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Hệ thống công đoàn các cấp cần lấy thương lượng và đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động làm cơ sở cốt lõi để hài hòa lợi ích. Cán bộ làm công tác công đoàn cần năng động, chủ động, sâu sát, kịp thời nắm bắt tình hình của đoàn viên, NLĐ; (2) Tiếp tục hình thành các chương trình phúc lợi lớn, nhân rộng các mô hình chăm lo NLĐ có hiệu quả trong toàn hệ thống các cấp công đoàn. Với đặc điểm tình hình phần lớn là lao động nữ, dễ bị tổn thương, do đó cần xây dựng chế độ phúc lợi cho từng nhóm đối tượng cụ thể trên cơ sở định hướng chung của Tổng Liên đoàn; (3) Tham gia sâu rộng, hiệu quả về chất lượng chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của ngành trong bối cảnh mới. Tập trung vào tay nghề, ý thức tác phong lao động và kỷ luật, công nghệ 4.0 cho NLĐ; (4) Tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng chính sách pháp luật, tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị đề xuất giải quyết các vấn đề có tính “đặc thù” của ngành”,

317 đại biểu chính thức bỏ phiếu bầu BCH Công đoàn DMVN khóa VI

Các đại biểu thông qua một số nội dung tại Đại hội

Đại hội đã nghe đại diện các công đoàn cơ sở tham luận nêu bật những hoạt động trọng tâm, xuyên suốt của các cấp công đoàn trong nhiệm kỳ vừa qua và đề xuất, kiến nghị những mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch cần hướng đến trong nhiệm kỳ 2023-2028.

BCH Công đoàn Dệt May Việt Nam khóa VI ra mắt Đại hội

Với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, tập trung, Đại hội đã bầu BCH Công đoàn DMVN khóa VI gồm 37 đồng chí.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Lãnh đạo Công đoàn DMVN các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm

Với mục tiêu chính: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, bồi đắp văn hóa dệt may; nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực thích ứng; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới, bước vào nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn DMVN đặt ra chương trình trọng tâm tập trung triển khai 3 khâu đột phá:
* Cải thiện chất lượng cán bộ, đoàn viên, NLĐ, nâng cao năng lực thích ứng;
* Tăng cường đối thoại, thương lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ;
* Chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ, CĐ xây dựng và triển khai đồng bộ 5 chương trình trọng tâm:
• Thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường chăm lo lợi ích thiết thực cho NLĐ;
• Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo;
• Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thích ứng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động;
• Đồng hành cùng lao động nữ trong phát huy năng lực bản thân và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc;
• Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động công đoàn.

Cổng thông tin điện tử Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật phiên tiếp theo của Đại hội!

Quang Nam


Các tin khác