Công tác phòng chống dịch của Tập đoàn Dệt May Việt Nam


Ngày 07/02/2020, ông Lê Tiến Trường – TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã có buổi làm việc với phóng viên một đơn vị truyền hình trung ương về công tác phòng chống dịch của Vinatex. Sau đây là nội dung của buổi phỏng vấn.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết xuất phát từ đâu mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã quyết định sản xuất khẩu trang để phòng chống dịch bệnh Corona ?

Ông Lê Tiến Trường: Ngay từ ngày đầu tiên trở lại làm việc sau Tết, dịch cúm Corona lan ngày càng rộng ở Trung Quốc và có nguy cơ lan rộng ra Việt Nam, ngành Dệt May Việt Nam đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất mặt hàng khẩu trang. Với cơ sở ban đầu là các doanh nghiệp may, chúng tôi thuận lợi hơn tất cả các đơn vị khác khi sản xuất mặt hàng này. Mặc dù vậy, khẩu trang không phải là mặt hàng chúng tôi đang sản xuất, do đó muốn sản xuất được cần có thời gian chuẩn bị từ 3 đến 5 ngày cho quá trình sản xuất. Điều quan trọng hơn, trong điều kiện hiện nay, đó là việc nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất khẩu trang càng ngày càng khó khăn. Chúng tôi tập trung sử dụng vải kháng khuẩn áp dụng công nghệ của Nhật Bản đang được làm cho quần áo sơ sinh và quần áo trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất với Nhật Bản gần 30 năm nay. Và đến ngày mùng 9 Tết Âm lịch, những sản phẩm khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn đầu tiên của Dệt Kim Đông Xuân đã được đưa ra thị trường với giá 7.000 đồng/chiếc và được người tiêu dùng đón nhận và tin tưởng.

PV: Hiện nay năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang ở mức như thế nào thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Trước hết phải khẳng định, khẩu trang của Tập đoàn Dệt May Việt Nam không phải là khẩu trang y tế. Chúng tôi xác định may khẩu trang theo thiết kế khẩu trang y tế để hữu dụng với người dùng, tuy nhiên như tôi vừa nói ở trên, vải sử dụng để may là vải kháng khuẩn được dùng cho trẻ sơ sinh và bệnh viện tại Nhật Bản theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Thứ hai, về năng lực sản xuất, tại Dệt Kim Đông Xuân chúng tôi sản xuất được tối đa 10 tấn vải kháng khuẩn trong một ngày. Nhiều đơn vị có thể tham gia quy trình nhuộm và dệt, tuy nhiên quy trình xử lý kháng khuẩn chỉ có tại Dệt kim Đông Xuân. Nếu may hết số lượng vải này sẽ tương ứng với 450.000 – 500.000 sản phẩm khẩu trang/ngày. Tuy nhiên, khẩu trang đưa ra thị trường phụ thuộc vào khâu may. Trong những ngày đầu, công nhân làm ra năng suất thấp nên sản lượng ra rất nhỏ, chỉ khoảng 20.000 sản phẩm/ngày, nhưng hiện nay đã lên tới 40.000 – 50.000 sản phẩm/ngày. Chúng tôi đã huy động các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam ở phía Bắc cắt cử lao động, chuẩn bị chuyền may khẩu trang từ ngày 06/02/2020. Mục tiêu đến cuối tuần sau, chúng tôi sẽ đạt hết công suất từ 450.000 – 500.000 sản phẩm/ngày. Đồng hành với miền Bắc, chúng tôi sẽ cung cấp vải cho các đơn vị của Vinatex trong miền Trung và miền Nam để tổ chức may và cung ứng tại địa phương.

PV: Hiện nay dịch cúm Corona vẫn có những diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu kết thúc. Liệu Tập đoàn Dệt May Việt Nam có thể tiếp tục sản lượng như hiện tại hay không nếu dịch diễn biến trong thời gian dài?

Ông Lê Tiến Trường: Về mặt sản lượng như hiện tại, chúng tôi có thể đảm bảo được với hai giải pháp chính. Thứ nhất, sau khi đã chạy sản xuất hai tuần, độ lành nghề của công nhân cũng đã tốt hơn. Thứ hai, chúng tôi có thời gian tiếp tục chuẩn bị một số các đơn vị may nhỏ để cùng tham gia may. Thứ ba, chúng tôi đã và sẽ thương lượng với các khách hàng nhập khẩu giãn tiến độ giao hàng cho một số đơn hàng xuất khẩu quần áo để phục vụ chống dịch. Chúng tôi kêu gọi người dân nên mua khẩu trang vừa đủ dùng, không nên tích trữ, vì khẩu trang của Dệt Kim Đông Xuân tái sử dụng được nhiều lần. Chúng tôi khẳng định, khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn của Dệt Kim Đông Xuân chỉ được bày bán tại 5 địa chỉ:
+ 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội;

+ 460 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội;

+ 221 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội;

+ 57B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội;

+ 67 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chúng tôi niêm yết giá bán đối với khẩu trang vải kháng khuẩn của Dệt kim Đông Xuân (bao gồm cả VAT) là 7.000 đồng/chiếc đối với cả khách hàng lớn và khách hàng mua lẻ. Trên thị trường hiện nay có một số thông tin về giá bán thấp hơn giá niêm yết, khả năng cao sản phẩm đó không phải đến từ Dệt Kim Đông Xuân.

PV: Theo ông, là một doanh nghiệp tham gia tích cực trong đợt phòng chống dịch lần này, quan điểm và ý thức của doanh nghiệp trong thời điểm này như thế nào?

Ông Lê Tiến Trường : Theo tôi, cộng đồng doanh nghiệp nói chung có ý thức rất tốt về vấn đề này. Bản thân chủ doanh nghiệp cũng đã lo cho sức khỏe của người lao động của mình. Đối với những ngành nhiều lao động như ngành Dệt May, ngành Da Giầy và ngành Thủy Sản, xã hội có dịch mang lại nguy cơ rủi ro cao. Những vấn đề như vậy cần  sức hút, sức lôi cuốn tham gia của toàn bộ cộng đồng, không chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước.

Xin cảm ơn ông.

Hoàng Hân

 

 

 

 

 


Các tin khác