Chuyển đổi bền vững trong ngành thời trang hướng đi “3 trong 1”


Trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang buộc phải thay đổi hướng tới sản xuất xanh, bền vững, các doanh nghiệp dệt may cần chứng minh khả năng thích ứng và quyết tâm của mình để tồn tại và phát triển. Những thách thức của ngành thời trang liên quan đến quá trình chuyển đổi bền vững chủ yếu đến từ việc đánh giá thấp tính bền vững và thiếu nhận thức về lợi thế cạnh tranh tiềm năng của nó. Trong khi, mối quan tâm của người tiêu dùng ngày càng tăng lên. Từ khóa “bền vững” được tìm kiếm tăng 37% và nhu cầu về quần áo cũ đã tăng 45% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2021.

Gia tăng hành động về tính bền vững

Học viện Forest Valley của Ý đã tiến hành một cuộc nghiên cứu khảo sát bước đầu với sự tham gia của 24.619 DN tại Châu Âu (47 thương hiệu, 4 trong số đó sản xuất cho bên thứ 3), tiếp đó là với những công ty có doanh thu hơn 1 triệu Euro để tiếp tục làm khảo sát sâu hơn do các công ty này được cho là có đủ nguồn lực để có thể đầu tư vào những hạng mục có tính bền vững. Các cuộc khảo sát phỏng vấn được thực hiện đối với những người sáng lập, người quản lý điều hành của công ty. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, mức độ nhận thức về tính bền vững của doanh nghiệp đang tăng lên đi kèm với nhiều thách thức…

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia nghiên cứu, có đến 61,2% công ty đang giải quyết các vấn đề bền vững hoặc đang có kế hoạch làm điều đó vì lợi ích của công ty và gia tăng khả năng cạnh tranh. Số lượng công ty tích cực áp dụng tính bền vững đã tăng lên đáng kể, đạt 89% trong số các DN được phỏng vấn. Minh họa 1 thể hiện sự thay đổi trong việc đầu tư vào cho phát triển bền vững của các DN.

Mức độ chuyển đổi bền vững của các công ty được xác định theo số lượng các hành động bền vững được thực hiện và mức độ phù hợp của chúng; 28% các công ty được hỏi hiện đang ở mức cơ bản, 41% ở cấp trung và 31% ở cấp độ nâng cao. Ví dụ: ở mức cơ bản, công ty đã có thay đổi trong sử dụng bao bì từ vật liệu thân thiện với môi trường và ở mức độ cao hơn công ty có các hoạt động bền vững như thu thập đồ cũ sử dụng một phần làm vật liệu tái chế và truyền thông gây ảnh hưởng tốt đến môi trường và xã hội…

Trong số các công ty ở cấp độ bền vững cơ bản có 37% các công ty cho rằng chiến lược phát triển là một ưu tiên. Việc thiết kế một chiến lược bền vững hiệu quả cho phép chúng ta đối phó với nhiều trở ngại và là cơ sở để đạt được các mục tiêu, giảm thiểu sự kém hiệu quả chẳng hạn như chi phí cao hoặc những rủi ro bất chắc khác.

Hoạt động bền vững có mối liên quan đến doanh thu của doanh nghiệp

Khi lãnh đạo doanh nghiệp thấy được tiềm năng tăng trưởng thông qua việc doanh thu tăng lên, thị trường đang phát triển thì các hoạt động liên quan đến bền vững cũng được chú trọng hơn. Ngoài ra, với các công ty lớn có tiềm lực tài chính, họ thường cử một nhóm chuyên trách quản lý các hoạt động bền vững trong quá trình chuyển đổi từ các hoạt động thông thường sang bền vững. Vì thế, các hoạt động mang tính bền vững được áp dụng phù hợp và quản lý hiệu quả hơn.

Thông qua Minh họa 2, chúng ta có thể thấy được mức độ phù hợp của các hoạt động đã thực hiện liên quan đến doanh thu: các DN quy mô lớn với doanh thu cao hơn thì có tỷ lệ các hoạt động bền vững là 40% so với mức 28,1% của các DN quy mô nhỏ.

Mối quan tâm đến trách nhiệm xã hội, cộng đồng cũng đang tăng lên

Trong báo cáo khảo sát chỉ ra rằng, tính bền vững trong ngành thời trang được nhìn nhận phần nhiều từ góc độ môi trường còn các vấn đề khác như đảm bảo quyền lợi, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tôn trọng nhân viên kể cả các vấn đề liên quan đến giới tính và phân biệt sắc tộc… chỉ nhận được sự quan tâm của 10% các công ty.

Từ phân tích gần đây, có thể thấy rằng sự an toàn của con người và phúc lợi của công ty ngày càng trở thành yêu cầu thường xuyên của người tiêu dùng, đặc biệt từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19. Mối quan tâm xã hội cũng tăng lên giữa các công ty. Trên thực tế, các DN giải quyết các vấn đề xã hội đã tăng xấp xỉ 150%. Tuy nhiên, đây vẫn là một chủ đề được các công ty giải quyết một phần, chỉ 20% tuyên bố coi đó là ưu tiên của DN.

Theo dự đoán thì dệt may tuần hoàn sẽ phát triển nhanh chóng và các công ty áp dụng sẽ dành được lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ có 7% các công ty được phỏng vấn khẳng định ưu tiên đầu tư vào các dự án cho thuê, bán đồ cũ, sửa chữa hoặc thiết kế liên quan đến tính tuần hoàn.

Những trở ngại nào khiến các doanh nghiệp khó đạt được mục tiêu bền vững (Minh hoạ 3): Trong số các công ty được phỏng vấn chỉ có 22% tuyên bố không gặp bất kỳ trở ngại nào trong việc thực hiện các thông lệ bền vững. Các công gặp phải sự phức tạp trong quá trình thực hiện (20,8%); chi phí cao (15,4%) và đạt được tính bền vững theo đánh giá của khách hàng (14,1%).

Xu hướng thuê công ty tư vấn bền vững trong ngành thời trang

Khi thuê công ty tư vấn đề thực hiện phát triển bền vững sẽ phát sinh một khoản chi phí cao và đây là vấn đề được 17% công ty được phỏng vấn lo ngại. Mặc dù vậy, một số khác lại nhấn mạnh những lợi ích kinh tế có được từ việc thuê tư vấn để xây dựng kế hoạch và triển khai các hành động bền vững. Theo khảo sát, các công ty có sử dụng tư vấn có thể đạt được mức độ bền vững cao dễ dàng hơn và họ phải đối mặt với các vấn đề về chi phí ở mức độ thấp hơn sau đó.

Thực tế, các công ty thời trang ủy thác cho các chuyên gia tư vấn về tính bền vững và có mức độ bền vững nâng cao chiếm thêm 16,1% so với các công ty không được các chuyên gia hỗ trợ. Trong khi những công trình ở mức độ bền vững cơ bản thì ít hơn 19,8% (Minh hoạ 4). Hơn nữa, các công ty ủy thác cho các chuyên gia về tính bền vững sau đó đã nhận thấy vấn đề chi phí ở mức độ thấp hơn 16% so với DN tự thực hiện.

Cũng theo một đánh giá khác của các chuyên gia thì có đến 65,2% thất bại của các công ty có liên quan đến việc thiếu năng lực. Một trong những thất bại chính là việc lựa chọn vật liệu bền vững (32,6%) và truyền thông bền vững (13%) (tức là những trở ngại quan trọng nhất mà các công ty không vượt qua được). Cụ thể hơn, trong số các doanh nghiệp được phỏng vấn truyền đạt thông lệ thời trang bền vững của họ thì 40,3% gặp khó khăn trong quá trình truyền thông.

Khó khăn trong việc thực hiện các khía cạnh đó có thể được giảm bớt thông qua năng lực. Nhìn chung, 65,2% thất bại của các công ty được phỏng vấn không phải do nguyên nhân bên ngoài (vấn đề hậu cần, chi phí cao, khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng) mà là do thiếu năng lực bên trong. Như vậy, mặc dù thuê tư vấn về thời trang bền vững sẽ tốn một khoản chi phí nhưng với năng lực của các chuyên gia sẽ cho phép các công ty dễ dàng đạt được các mục tiêu bền vững và có khả năng giảm chi phí kém hiệu quả vào các năm sau đó để bù lại phần chi phí đã đầu tư.

Bài: Đặng Thanh Huyền

Nguồn:  https://www.forestvalley.org


Các tin khác