Ban Thường vụ Đảng ủy Vinatex chỉ đạo giải pháp cho hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2022


Chiều 6/9/2022, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội nghị thường kỳ tháng 9 đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình thị trường, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2022.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Sáu- Phó Vụ trưởng Vụ IA; Đỗ Khánh Thuận- Chuyên viên Vụ 5 Ban Nội chính Trung ương; Ủy viên Ban Thường Đảng ủy Vinatex. Đồng chí Lê Tiến Trường- Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinatex chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Cao Hữu Hiếu- Phó Bí Thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn báo cáo kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đã hoàn thành trên 70% kế hoạch năm, tăng trưởng trên 20% so với 2021. Lợi nhuận đã hoàn thành 120% kế hoạch cả năm. Đây là kết quả khả quan nhưng với những biến động đảo chiều liên tục của thị trường bông hiện nay, tình hình thế giới đối mặt với lạm phát cao,…Vinatex phải hết sức thận trọng, dự báo sát thị trường và có giải pháp tối ưu để giữ được thành quả này.

Hội nghị cũng nghe đồng chí Hoàng Xuân Hiệp- UV BTV Đảng ủy Tập đoàn báo cáo công tác đào tạo cán bộ cấp cao mới bổ nhiệm tại doanh nghiệp và Tập đoàn với mục tiêu trang bị cho cán bộ mới được bổ nhiệm có đầy đủ kiến thức, thông tin, đảm bảo đội ngũ này có được kiến thức, sự tự tin trong quản lý và chỉ đạo chuyên môn.

Qua các báo cáo tại hội nghị, BTV đánh giá, Vinatex đã hoàn thành nhiệm vụ SXKD 8 tháng đầu năm 2022 theo kế hoạch. Tuy nhiên lợi nhuận các tháng 7, 8 đã giảm so với bình quân 6 tháng đầu năm.

BTV đưa ra những nhận định về thị trường trong thời gian tới với những khó khăn chính: Nền kinh tế toàn cầu có sự suy thoái, lạm phát đã được điều chỉnh tăng. Dự báo lạm phát có thể vẫn ở mức cao nếu thị trường tài chính vẫn quá thắt chặt; Việc tiếp tục đóng cửa do chính sách zero Covid của Trung Quốc và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đã đẩy tăng trưởng xuống 3.3% trong năm nay – mức chậm nhất trong hơn bốn thập kỷ, không kể đại dịch…

Qua các nhận định trên, hội nghị thảo luận và thống nhất đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 như sau:

  • Các doanh nghiệp cần tập trung quản trị chặt chẽ chi phí tiết kiệm tối đa ở tất cả các khâu;
  • Dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và kéo dài, do vậy các doanh nghiệp cần kiểm soát tài chính, dòng tiền thông suốt, có số liệu sớm để có thể thực hiện hỗ trợ nội bộ cho các đơn vị gặp khó khăn;
  • Chú trọng các quan hệ tín dụng cấp Tập đoàn đối với các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo khai thông các tắc nghẽn về hạn mức, lãi suất (nếu có);
  • Cầu thế giới thấp nên cần tận dụng triệt để cơ hội dùng được sản phẩm của nhau nhất là khâu may, dệt kim sử dụng vải của các đơn vị dệt kim với sự điều hòa chung của Tập đoàn, mục tiêu giành được đơn hàng và vị trí trong chuỗi cung ứng;
  • Các đơn vị cũng cần triệt để số hóa dữ liệu chung, đặc biệt là dữ liệu tồn kho, nhằm giảm tồn kho chung toàn Tập đoàn, có thể thực hiện mua chung và san sẻ chung toàn Tập đoàn, hạn chế mua riêng lẻ theo nhu cầu của thị trường biến động;
  • Luôn có tính toán cụ thể về ảnh hưởng của phương án kinh doanh, bán hàng, những thiệt hại trong trường hợp chạy máy không đạt công suất; Chấp nhận rủi ro có cân nhắc, phải duy trì mục tiêu lâu dài, giữ được lao động và khách hàng truyền thống…

PV


Các tin khác