ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG CỦA MỘT SỐ ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN VINATEX 2021


Từ cuối tháng 2/2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và liên tục ghi nhận các biến chủng mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội của toàn thế giới, trong đó nhiều ngành nghề bị tê liệt, hoạt động SXKD đình trệ. Trong bối cảnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, tập trung vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu và chỉ số tiêu dùng về may mặc giảm mạnh.

Trong năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu giảm 20% so với năm trước, đạt khoảng 600 tỷ USD, trong đó nhu cầu nhập khẩu dệt may của 5 thị trường lớn so sánh với năm 2019 như sau: Mỹ giảm 20% còn 96 tỷ USD; EU giảm 6% còn 227 tỷ USD; Nhật Bản giảm 3,7% còn 35,7 tỷ USD; Hàn Quốc giảm 7% còn 15 tỷ USD và Trung Quốc giảm 21% còn 25 tỷ USD.

Ngành Dệt May Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp với nhiều doanh nghiệp bị yêu cầu dời ngày giao hàng hoặc thậm chí bị hủy bỏ đơn hàng và đã có những doanh nghiệp không chịu được sức ép của thị trường phải đóng cửa từ tháng 4/2020.

Trong bối cảnh đó, các đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực vừa “chống dịch như chống giặc”, vừa duy trì ổn định sản xuất. Tuy nhiều chỉ tiêu chưa đạt như kế hoạch đã đề ra, nhưng các đơn vị đã thành công trong việc đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống tinh thần và duy trì thu nhập cho người lao động.

Trong tháng 4 vừa qua, một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông. Nói chung, hầu hết các đơn vị đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa sụt giảm khi sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, nguồn cung NPL bị gián đoạn, chi phí tăng, cơ cấu các đơn hàng sản phẩm truyền thống của nhiều doanh nghiệp bị thay đổi, giảm đột ngột và giảm sâu, đặc biệt là sản phẩm Veston, quần tây vốn được xem là mặt hàng chiến lược của một số đơn vị thành viên của Tập đoàn, có giá trị cao bị giảm sâu tới 70 – 80%. Sức mua toàn cầu giảm, áp lực lên cả nhà nhập khẩu nên các đối tác thay đổi phương thức thanh toán trả chậm, thậm chí có những đơn hàng trả chậm đến 3 – 4 tháng đã tạo nên áp lực rất lớn về vấn đề thanh toán tiền nguyên phụ liệu, trả chi phí lãi vay ngân hàng, trả lương cho người lao động…. Đối tác giảm giá để giành lấy đơn hàng và không có kế hoạch đơn hàng dài hạn mà chỉ ngắn hạn theo tuần, tháng. Nhu cầu thị trường giảm, các nước vốn nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng may mặc của Việt Nam trước đây hiện đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch cùng với số lượng người mặc bệnh đang không ngừng gia tăng. Thêm vào đó, nhiều đơn hàng chuyển dịch sang các nước có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia… khiến các doanh nghiệp dệt may thiếu hụt nguồn hàng trầm trọng.

Tuy nhiên, với quyết tâm giữ tối đa nguồn lao động tại đơn vị để vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, duy trì việc làm và đời sống tinh thần, vật chất của người lao động, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn, các Lãnh đạo đơn vị thành viên đã triển khai hàng loạt các giải pháp để thích ứng nhanh với tình hình mới và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh mặt hàng phòng chống dịch bệnh, bảo hộ lao động, quần áo trong nhà, quần áo thể thao, khẩu trang, jacket… Về cơ bản, các đơn vị đã vượt qua được một năm nhiều khó khăn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường và chưa có hồi kết, các nước vốn nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng may mặc của Việt Nam trước đây hiện đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch cùng với số người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng trên toàn cầu, giảm mạnh nhu cầu mặt hàng may mặc… HĐQT, CQĐH các đơn vị đã xây dựng tầm nhìn, giải pháp điều hành và quản trị linh hoạt, nhạy bén, tận dụng tối đa các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, … nhằm vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển bền vững.

  1. Tổng công ty May 10 – CTCP

Thời gian: Ngày 17/04/2021

Mã chứng khoán: M10

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 3.485,59 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch và vượt 3,4% so với cùng kỳ;

– Lợi nhuận trước thuế: 81,37 tỷ đồng, vượt 80,8% kế hoạch;

– Tỷ lệ cổ tức: 12%.

Chỉ tiêu năm 2021:

– Doanh thu: 3.356 tỷ đồng;

– Lợi nhuận trước thuế: 91 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 10%.

Trong năm 2021, May 10 đã nhìn nhận 5 thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới, đó là (i) Thiếu hụt lao động có tay nghề và biến động lao động; (ii) Các đơn hàng nhận từ năm 2020 với giá rẻ; (iii) Áp lực trả lương cho công nhân khi nhận các đơn hàng gia công; (iv) Tiềm lực và nguồn lực con người có khả năng thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh và (v) Công nghệ & mô hình quản trị trong điều kiện mới.

Từ đó, May 10 đã đưa ra 5 nhóm giải pháp chính trong giai đoạn sắp tới, bao gồm: (i) Xây dựng chiến lược về công nghệ, thiết bị tự động hóa; (ii) Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo chiến lược mới đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng; (iii) Sắp xếp lại tài sản của May 10, tiến hành bán hoặc cho thuê tài sản; (iv) Tập trung làm hàng FOB và ODM, giảm nhận đơn hàng CM; (v) Có kế hoạch tích lũy tài chính.

  1. Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ

Thời gian: 17/4/2021

Mã chứng khoán: HTG

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 3.256 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch;

– Kim ngạch xuất khẩu: 186 triệu USD, đạt 102% so với kế hoạch;

– Lợi nhuận trước thuế: 70,12 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch;

– Tỷ lệ cổ tức: 15%.

Chỉ tiêu năm 2021:

– Doanh thu: 3.482 tỷ đồng;

– Kim ngạch xuất khẩu: 206 triệu USD;

– Lợi nhuận trước thuế: 75 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 15%.

Tập trung xây dựng hoàn thiện chiến lược kinh doanh gắn với chuyển đổi số của Tổng Công ty giai đoạn 2021-2030 để định hướng phát triển cho Tổng Công ty phù hợp với xu hướng của thời đại. Ứng dụng công nghệ thông tin sâu vào các mặt hoạt động của Tổng Công ty để đảm bảo mức độ sẵn sàng trong công tác chuyển đổi số. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư máy móc thiết bị theo hướng tự động hóa cao nhằm tiết kiệm lao động, khai thác hết năng lực của thiết bị tự động, tránh lãng phí và đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất. Tiếp tục cơ cấu lại mặt hàng, khách hàng cho cả hai ngành sợi và may; phát triển và hoàn thiện chuỗi OEM nội tại của Tổng Công ty để tạo năng lực cạnh tranh tốt nhất. Mở rộng hơn nữa thị trường châu Âu và tận dụng tốt các ưu đãi của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia như EVFTA, KVFTA, CPTPP, RCEP. Chú trọng phát triển hơn nữa thị trường thời trang nội địa của Tổng Công ty, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử để mở rộng và có những bước phát triển đột phá cho ngành thời trang nội địa của Tổng Công ty. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ thiết kế, Merchandiser, nhân sự kỹ thuật có trình độ cao, nhân sự công nghệ thông tin để đáp ứng với nhu cầu trong thời đại mới. Hoàn thiện nhân sự cho chuỗi năng lực OEM của Tổng Công ty tiến tới ODM thực chất. Phát huy hơn nữa công tác tài chính kế toán của Tổng Công ty, tăng cường công tác quản lý dòng tiền, cân đối tài chính hiệu quả để quản lý tốt các chỉ tiêu tài chính của Tổng Công ty, đảm bảo nguồn tài chính an toàn để vượt qua các diễn biến khó lường của tình hình thế giới và trong nước, đảm bảo cho phát triển bền vững. Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của người lao động để giữ vững được nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của sản xuất, duy trì tốt hệ thống trách nhiệm xã hội, môi trường theo các yêu cầu mới và tình hình mới.

Đại hội thống nhất thông qua phương án phát hành 1.125.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Đối tượng được mua cổ phiếu là cán bộ nhân viên quản lý, đã có đóng góp vào sự phát triển của Tổng công ty. Trong trường hợp số lượng cổ phiếu chào bán cho cán bộ nhân viên Tổng công ty không được đăng ký mua hết, HĐQT sẽ quyết định phân phối tiếp cho các đối tượng khác trong Tổng công ty với giá và điều kiện hạn chế tương tự.

  1. Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài

Thời gian: 23/4/2021

Mã chứng khoán: SPB

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 728,29 tỷ đồng;

– Kim ngạch xuất khẩu: 24,97 triệu USD;

– Lợi nhuận sau thuế: 9,06 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 5%.

Chỉ tiêu năm 2021:

Trong năm 2021, Sợi Phú Bài đặt mục tiêu ổn định sản xuất, mở rộng thị trường, tránh việc quá phụ thuộc vào một thị trường nhằm ngăn chặn rủi ro cũng như để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu nhập cho các cổ đông. Nhà máy sản xuất sẵn sàng linh hoạt cơ cấu và chuyển đổi mặt hàng theo đơn hàng, ứng phó với đơn hàng nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại khi đơn hàng bị hủy. Quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ nhằm gia tăng lợi nhuận. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và chú trọng vai trò của các cấp quản lý. Liên tục đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân bảo trì, công nhân đứng máy, các kỹ sư chuyên ngành có khả năng tiếp thu nhanh nhạy các công nghệ mới, nắm rõ dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu SXKD ngày càng cao.

– Doanh thu: 816,75 tỷ đồng;

– Kim ngạch xuất khẩu: 34,12 triệu USD

– Lợi nhuận sau thuế: 10,5 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 6%.

  1. Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến

Thời gian: Ngày 24/04/2021

Mã chứng khoán: VGG

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 7.118,6 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch;

– Lợi nhuận trước thuế: 170,7 tỷ đồng, vượt 13,8% so với kế hoạch;

– Tỷ lệ cổ tức: 20%.

Chỉ tiêu năm 2021:

– Doanh thu: 8.090 tỷ đồng;

– Lợi nhuận trước thuế: 180 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: Dự kiến 20%.

Trong năm 2021, Việt Tiến tập trung tìm các giải pháp để đẩy nhanh tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho NLĐ. Thực hiện công tác điều hành sản xuất theo hướng chuyên môn hóa thông qua hệ thống chương trình phần mềm từ quản lý vật tư cho đến giao hàng. Tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả hoạt động quản trị sản xuất theo các tiêu chí: chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, chi phí sản xuất, các chỉ số bền vững thông qua các công cụ đánh giá của khách hàng. Thực hiện công tác đầu tư chiều sâu, máy móc thiết bị chuyên dùng, hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất tự động hóa, áp dụng khoa học công nghệ 4.0 và hệ điều hành hệ 2.0 vào công tác quản trị, công tác quản lý kho hàng, công tác lập kế hoạch và thiết kế sản phẩm. Thực hành công tác tiết kiệm toàn diện, cải tiến hợp lý, chuyên môn hóa sản xuất, áp dụng quy trình công nghệ quản lý sản xuất tiên tiến trong toàn hệ thống. Đánh giá lại khả năng tổ chức quản trị doanh nghiệp thông qua các tiêu chí: khả năng lãnh đạo, sáng tạo sản phẩm, hiện đại hóa sản xuất, tính bền vững phát triển doanh nghiệp, công tác tổ chức sản xuất. Đối với thị trường nội địa: tiếp tục rà soát, củng cố và phát triển hệ thống các kênh phân phối; đầu tư nâng cấp thương hiệu, mở thêm các cửa hàng, đại lý có quy mô lớn, thiết kế trang trí đẹp, hiện đại, đa dạng chủng loại sản phẩm; Đầu tư phát triển thêm các sản phẩm mới; Đàm phán với đối tác đưa thương hiệu giày thể thao Nike vào phân phối trong hệ thống các cửa hàng của Tổng Công ty. Đối với thị trường nhập khẩu: tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đủ nguồn hàng sản xuất cho các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống; Chủ động gặp gỡ các đối tác để bàn bạc, thỏa thuận sử dụng nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, các nhà cung cấp nguyên liệu từ nhiều ngườn khác nhau. Về đầu tư, dự kiến sẽ chi 300 tỷ cho đầu tư các máy móc, thiết bị, xây dựng cơ bản, đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp. Phối hợp với các tổ chức Đoàn thể xây dựng tốt phong trào thi đua, tập trung chăm lo về tiền lương và chế độ chính sách cho NLĐ…

  1. Tổng công ty Đức Giang – CTCP

Thời gian: Ngày 24/04/2021

Mã chứng khoán: MGG

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 2.073 tỷ đồng;

– Kim ngạch xuất khẩu: 72,2 triệu USD;

– Lợi nhuận: 25 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 20%.

Chỉ tiêu năm 2021:

– Doanh thu: 2.308 tỷ đồng;

– Kim ngạch xuất khẩu: 72,2 triệu USD;

– Lợi nhuận: 35 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 30%.

Dugarco định hướng chiến lược hoạt động cho năm 2021 theo hướng tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), coi đây là xương sống cho xúc tiến thương mại và triển khai kế hoạch; tăng tỉ trọng FOB và ODM, giảm gia công; đưa tỉ trọng hàng nội địa lên 30% tổng doanh thu, chú trọng nâng cao chất lượng hàng nội địa ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn hàng xuất khẩu; đặc biệt là tích hợp ERP (hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) vào công tác quản trị. Trong đó, chương trình UNIFAS được coi là bước đi đột phá trong kế hoạch chiếm lĩnh thị trường nội địa của Dugarco, với mục tiêu xây dựng một nhãn hàng thời trang cho toàn dân, phấn đấu mỗi người dân Việt Nam đều có thể chọn mặc 1 sản phẩm của Đức Giang. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch, và dịch bệnh vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, thì hướng đi tập trung khai thác thị trường nội địa, thông qua nền tảng thương mại điện tử của Dugarco được kì vọng sẽ đem lại thành công mới cho TCT trong thời gian tới.

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực của TCT trong năm vừa qua, và nhận định đây là “một cú thoát hiểm khá tốt” của Dugarco khỏi cơn bão đại dịch Covid-19. Ông lưu ý, đầu tư cho R&D chính là mua bảo hiểm cho doanh nghiệp trong dài hạn, và tích hợp hệ thống ERP cũng là bước đi tất yếu để duy trì được khả năng và vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi ung ứng, bởi vậy cần quan tâm đầu tư một cách thích đáng để đạt được hiệu quả lâu dài. Ông cũng nhấn mạnh, định hướng của Dugarco cũng tương đồng với chiến lược phát triển của Vinatex trong thời gian tới, đó chính là cân bằng giữa tỉ trọng hàng xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa. Ông cho rằng, Dugarco có cơ sở và tiềm năng để trở thành trung tâm thiết kế và phát triển của Tập đoàn đối với một số sản phẩm đặc thù cho thị trường trong nước, như trang phục chống cháy, chống hóa chất… Đây sẽ là tiền đề cho việc hợp tác, phát triển giữa Vinatex và Dugarco trong thời gian tới.

  1. Tổng công ty CP Dệt May Nam Định

Thời gian: Ngày 24/04/2021

Mã chứng khoán: NDT

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 1.128,375 tỷ đồng, đạt 98% so với năm 2019;

– Lợi nhuận trước thuế (Công ty mẹ): 337 triệu đồng;

Chỉ tiêu năm 2021:

– Doanh thu: 1.298 tỷ đồng;

– Lợi nhuận trước thuế: 25 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức (Công ty mẹ): 15%.

Năm 2021, là năm bản lề cho việc đình hình chiến lược của TCT trong giai đoạn năm 2021-2025. Tổng công ty sẽ tập trung xoay quanh những vấn đề lớn nhằm xây dựng các giải pháp, gồm Xây dựng giải pháp phát triển thị trường; Hình thành các năng lực sản xuất mới, tiên tiến hiện đại; Xây dựng nền tảng vận hành dựa trên nền tảng công nghệ…

Đến dự và phát biểu tại Đại hội, Ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Tập đoàn đã trao đổi về các vấn đề phát triển hàng gia dụng và xây dựng chuỗi nội bộ cho Tổng công ty. Ông Phạm Xuân Trình đánh giá việc tái cấu trúc Tổng công ty trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết. Trước mắt, Tổng công ty cần chú trọng tận dụng lợi thế về hạ tầng và lao động để xây dựng chuỗi khép kín, phát huy sức mạnh tổng thể của Tổng công ty. Ông cũng nhấn mạnh, bên cạnh các vấn đề về nguồn vốn và thị trường thì nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng quyết định trong giai đoạn sắp tới. Với định hướng đúng và sự đồng lòng quyết tâm của HĐQT, CQĐH và người lao động thì ông tin rằng Tổng công ty sẽ có những bước đi bền vững trong tương lai.

Đại hội đồng cổ đông đã tiến hành bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT là ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Tập đoàn và ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó trưởng ban Sợi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ, nâng tổng số thành viên HĐQT nhiệm kỳ (năm 2018 – 2023) từ 5 lên 7 thành viên.

Trên cơ sở đơn xin từ nhiệm ngày 20/4/2021 của bà Đỗ Thị Thơ – Thành viên Ban Kiểm soát của Tổng công ty, Đại hội đồng cổ đông đã biểu quyết thông qua đơn từ nhiệm của bà Đỗ Thị Thơ và bầu bổ sung 01 thành viên Ban kiểm soát là bà Trần Thị Thu Hằng.

  1. Công ty Cổ phần Dệt May Huế

Thời gian: Ngày 24/04/2021

Mã chứng khoán: HDM

Kết quả năm 2020:

– Doanh thu: 1.358 tỷ đồng;

– Lợi nhuận trước thuế: 15,288 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: 8%.

Chỉ tiêu năm 2021:

– Doanh thu: 1.423 tỷ đồng

– Lợi nhuận trước thuế: 25 tỷ đồng;

– Tỷ lệ cổ tức: Dự kiến 15%.

Trong năm 2021, Dệt May Huế đặt mục tiêu sẽ tiếp tục duy trì ổn định, kiện toàn tổ chức hoạt động đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị hiện đại, nâng cấp hệ thống quản trị thông tin; tập trung đào tạo nguồn nhân lực cấp cao; tập trung đầu tư chiều sâu máy móc thiết bị theo hướng tự động hóa cao, hiện đại, phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục đẩy mạnh công tác thị trường theo chuyên môn hóa tại các đơn vị; tiếp tục sắp xếp lại bộ máy tổ chức và hệ thống phòng ban tại Công ty và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn và phù hợp với sự phát triển của Công ty; tích cực quản trị dòng tiền, giảm thiểu rủi ro tài chính, xây dựng giải pháp, chiến lược nguồn tài chính cho công tác đầu tư chiều sâu và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực; bằng nhiều biện pháp tạo điều kiện và có chính sách tốt nhất chăm lo đời sống cho người lao động và bảo vệ môi trường.

Đại hội thống nhất thông qua phương án phát hành 500.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định tỷ lệ cổ phiếu mà các đối tượng được mua cổ phiếu theo chương trình ESOP và xử lý cổ phiếu chào bán không được mua hết.

Bài: Minh Trí


Các tin khác