Thực trạng phát triển ngành may mặc Trung Quốc sau kế hoạch 5 năm lần thứ 13


Trong giai đoạn thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, lợi thế về quy mô và hệ thống công nghiệp không ngừng được củng cố, năng lực cạnh tranh toàn diện được nâng cao và vị thế của ngành may mặc Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấn tượng đã đạt được, ngành may mặc Trung Quốc còn gặp nhiều vấn đề tồn tại cần phải thay đổi, cải tiến để bước lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Bài viết này nhằm tóm lược những thành tựu của ngành may mặc Trung Quốc sau 5 năm thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, làm tiền đề cho giai đoạn áp dụng “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” tiếp theo.

Khẳng định vị trí “cường quốc sản xuất”

  Trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, ngành công nghiệp may mặc Trung Quốc đã đạt được những thành tựu ấn tượng, trở thành ngành công nghiệp phát triển vượt bậc, dẫn đầu thế giới về quy mô, sức ảnh hưởng… Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 “, ngành công nghiệp may mặc của Trung Quốc đã tuân thủ một chiến lược phát triển đổi mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ phát triển quy mô sang phát triển chất lượng, cải thiện khả năng cung ứng sản phẩm, khả năng đổi mới công nghệ và khả năng phân bổ nguồn lực, vươn lên chuỗi giá trị cao hơn trong chuỗi cung toàn cầu. Về cơ bản Trung Quốc hiện đã đạt được mục tiêu là “cường quốc sản xuất” hàng may mặc của thế giới.

  Phát triển ổn định kinh tế công nghiệp 

Theo Hiệp hội May mặc Quốc gia Trung Quốc, đến năm 2020, cả nước có 170.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc với khoảng 8,26 triệu lao động hoạt động lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và tổng sản lượng hàng may mặc đạt khoảng 71,2 tỷ chiếc. Năm 2020, doanh số tiêu thụ quần áo tại Trung Quốc vượt quá 40 tỷ chiếc và tổng doanh số thị trường quần áo trong nước là 4,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT). Năm 2020, doanh số bán lẻ trực tuyến của quần áo, giày dép, mũ nón đạt 2,17 nghìn tỷ NDT, chiếm 22,27% doanh số bán lẻ trực tuyến thực tế. Từ năm 2016 đến 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ trực tuyến các sản phẩm quần áo duy trì ở mức trên 15%, đến năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương 5,8%, trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng tiêu dùng của ngành. Năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc đạt 137,4 tỷ USD, chiếm 31,6% thị phần thương mại hàng may mặc toàn cầu, cao hơn 25,2 điểm % so với các nước xuất khẩu chính. Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa và thị phần của các thị trường mới nổi tiếp tục tăng. Tỷ trọng xuất khẩu thương mại chung tăng từ 74,55% năm 2015 lên 78,02% năm 2020.

Kể từ khi có “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, vị trí đầu đàn của Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới đã được củng cố vững chắc và đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống công nghiệp may mặc thế giới, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế và văn hóa toàn cầu.

   Liên tục tối ưu hóa cấu trúc công nghiệp

  Trong giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, các doanh nghiệp trong ngành đã định hướng phát triển kết hợp mục tiêu của doanh nghiệp song hành chiến lược chung tổng thể của quốc gia, hài hòa cũng xu hướng phát triển chung của ngành may mặc toàn cầu. Các nguồn lực đầu tư đang đẩy nhanh việc tập trung và mở rộng sản xuất tại khu vực ven biển phía đông. Hiện năng lực sản xuất quần áo được mở rộng đến các khu vực miền Trung, miền Tây cũng như thông qua hình thức thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Bản đồ phát triển đã hình thành vành đai kinh tế công nghiệp thời trang đan xen theo chiều dọc và chiều ngang, tập trung nhiều tại các vùng ven biển, ven sông. Tốc độ xây dựng các cụm công nghiệp thời trang đang được đẩy nhanh.

Công nghệ mới, văn hóa mới và hình thức kinh doanh mới tiếp tục xuất hiện, vô hình chung đã giúp diện mạo ngành công nghiệp may mặc Trung Quốc trở nên đặc biệt hơn, cùng với đó là sự đổi mới nhanh chóng tại các cụm công nghiệp may mặc. Việc ưu tiên phát triển các doanh nghiệp may mặc lớn và hàng đầu được thúc đẩy tích cực, cùng với đó năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua cũng không ngừng được cải thiện. Có thể nói hệ sinh thái công nghiệp tổng hợp giữa các doanh nghiệp “lớn và mạnh” cùng doanh nghiệp “nhỏ và tốt” tiếp tục được tối ưu hóa. Sự phối hợp chặt chẽ trong ngành ngày càng gia tăng, quá trình số hóa và kết nối mạng của các mắt xích trong chuỗi ngành đang được đẩy mạnh, khả năng phản ứng nhanh của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Tốc độ sản xuất theo định hướng cá nhân hóa đang tăng nhanh cùng với khả năng cung cấp thời trang theo yêu cầu đã được nâng cấp đáng kể. Ưu tiên phương châm “tạo giá trị lấy khách hàng làm trung tâm” trong quản trị chiến lược của nhiều doanh nghiệp dần trở thành kim chỉ nam và đạt được sự đồng thuận cao trong toàn ngành. Ngành may mặc Trung Quốc từ lâu đã đẩy mạnh chuyển đổi từ định hướng sản xuất sang định hướng tiêu dùng, thúc đẩy hiệu quả việc tối ưu hóa cấu trúc thị trường.

   Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ

  Hoạt động nghiên cứu cơ bản của toàn ngành may mặc Trung Quốc ngày càng trở nên sôi động hơn với việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới , quy trình mới ngày càng sâu rộng cùng các dự án về số hóa, kết nối mạng và chuyển đổi thông minh của ngành may mặc đang đi đầu trên thế giới. Mức độ tự động hóa của các doanh nghiệp trong ngành may mặc Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Độ chính xác của máy móc đo cơ thể trực tuyến và công nghệ mô phỏng 3D đã được cải thiện đáng kể và có tiến bộ mới. Công nghệ nắm và chuyển tải bằng rô bốt, ứng dụng tích hợp của công nghệ vận chuyển hàng may mặc thông minh, bộ phận may tự động và hệ thống may mẫu được cũng được sử dụng rộng rãi hơn. Mức độ hội nhập theo chiều sâu của công nghiệp hóa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ sử dụng công nghệ mới như CAD, FMS, RFID cùng các thiết bị may đặc biệt và thông minh khác nhau đã tăng lên nhanh chóng. Việc ứng dụng công nghệ “Internet +” cùng việc xây dựng các trung tâm dữ liệu cấp doanh nghiệp, cơ sở, nền tảng chuỗi cung ứng đang tiến triển nhanh chóng và bước vào giai đoạn ứng dụng thực tế.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các công ty sản xuất theo định hướng dịch vụ và các công ty tùy chỉnh theo hướng cá nhân hóa đã tăng lên đáng kể. Hơn thế nữa, việc hình thành các giải pháp kỹ thuật số từ thiết kế đến sản xuất đang tăng tốc và mô hình sản xuất mới, tùy chỉnh cá nhân hóa quy mô lớn tiếp tục phát triển. Sản xuất thông minh đã đạt được những tiến bộ mới tích cực và mô hình sản xuất tự động theo quy trình tự động hoàn toàn như hệ thống treo thông minh, bộ phận may và may mẫu tự động, hệ thống hậu cần kho ba chiều tự động ngày càng thông dụng. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất may mặc đã được cải thiện và tối ưu hóa hơn nữa. Trong thời kỳ Trung Quốc áp dụng “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, việc trao quyền công nghệ được khuyến khích và sức mạnh công nghệ công nghiệp đang chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ đột phá điểm sang năng lực hệ thống, làm tăng đáng kể tỷ lệ đóng góp của khoa học và công nghệ vào sự phát triển của ngành.

   Cải thiện khả năng cạnh tranh về thương hiệu

  Kể từ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, ngành công nghiệp may mặc Trung Quốc đã tiếp tục cải thiện hệ thống xây dựng và quảng bá thương hiệu. Thông qua đó, sự công nhận trên thị trường và tầm ảnh hưởng quốc tế của các thương hiệu độc lập tiếp tục gia tăng. Cơ chế hợp tác nghiên cứu và cùng đưa ra các xu hướng thời trang giữa những tổ chức chuyên nghiệp, thương hiệu chủ chốt, cụm công nghiệp, trường cao đẳng đã hình thành những bước đầu tiên với mục tiêu hướng tới đảm bảo việc truyền tải xu hướng thời trang theo cách có hệ thống. Đội ngũ nhân tài thiết kế đã được thành lập một cách hiệu quả. Sự công nhận và danh tiếng của các thương hiệu hàng may mặc Trung Quốc và các nhóm hàng may mặc đa thương hiệu đang tăng lên từng ngày. Trong số các thương hiệu may mặc có quy mô lớn trong nước, các thương hiệu độc lập chiếm khoảng 85%. Các thương hiệu tiếp tục cải thiện khả năng tích hợp các nguồn lực ở nước ngoài, bắt đầu chuyển đổi từ tiếp cận sản phẩm và tiếp cận năng lực sang tiếp cận thương hiệu và tiếp cận vốn. Trong thời kỳ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, quá trình cá nhân hóa, trẻ hóa và thời trang hóa các thương hiệu quần áo của Trung Quốc đã tăng tốc với mức độ thâm nhập thị trường cao.

 Mô hình kinh doanh đổi mới

  Trong giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, tiêu dùng thời trang kỹ thuật số đã được nâng cấp hoàn toàn, các loại thị trường mới tiếp tục xuất hiện và Trung Quốc đã trở thành trung tâm đổi mới mô hình kinh doanh tích cực nhất trong ngành may mặc toàn cầu. Mạng di động đã thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại điện tử phủ rộng khắp nơi từ thành thị tới nông thôn, đồng thời thúc đẩy hội nhập theo chiều sâu.

Tỷ lệ thâm nhập của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực bán lẻ quần áo đã tăng lên đáng kể, việc ứng dụng các công nghệ thông minh như phân tích xu hướng tiêu dùng thời trang cùng các ứng dụng bán lẻ của công nghệ kỹ thuật số đã được thúc đẩy mạnh mẽ

Với sự trợ giúp của các cổng trực tuyến với giao diện mới, các mô hình mới như O2O, C2M, B2C, C2C và B2B, sự tích hợp hai chiều giữa cửa hàng vật lý thông minh và thương mại điện tử bước đầu đã tạo ra mô hình tiếp cận tối ưu hóa. Những đổi mới về thương mại trong ngành công nghiệp may mặc Trung Quốc đang bùng nổ ở nhiều điểm. Nền kinh tế Internet, nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế cộng đồng đang nhanh chóng xuất hiện. Mô hình kinh doanh mới đã củng cố mối quan hệ liên kết thương hiệu – người tiêu dùng, đồng thời góp phần quan trọng vào việc kích thích và tạo ra nhu cầu thị trường mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và cụ thể của của người dân.

   Tích cực xây dựng trách nhiệm xã hội

  Kể từ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, các doanh nghiệp trong ngành đã hình thành sự đồng thuận chung về phát triển trách nhiệm xung quanh việc hợp tác quốc tế, hợp tác chuỗi cung ứng. Vô hình chung việc này đã giúp hình thành liên kết đồng quản trị trách nhiệm đa chiều trong ngành. Hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp may mặc Trung Quốc (CSC9000T) đã được áp dụng sâu rộng trong toàn ngành. Môi trường làm việc và điều kiện việc làm cơ bản của người lao đọng được cải thiện đáng kể. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp liên tục được tối ưu hóa, giảm mức tiêu thụ năng lượng toàn diện trên một đơn vị sản phẩm. Mức độ sử dụng toàn diện các nguồn tài nguyên trên đà tăng đều đặn, và việc tái chế cũng như xu hướng tận dụng quần áo đã qua sử dụng cũng tăng trưởng nhanh chóng. Sự phát triển trách nhiệm chuỗi công nghiệp liên tục được tăng cường. Văn hóa và lối sống thời trang xanh tiếp tục được đề cao, hướng tới định hình rõ ràng hơn về một hệ sinh thái phát triển công nghiệp xanh và minh bạch, tạo ra một môi trường kinh doanh mới cho ngành sản xuất thời trang đó là phát triển theo hướng bền vững.

Thách thức và bất cập

  Trong thời kỳ áp dụng “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, mặc dù ngành công nghiệp may mặc đã bước vào giai đoạn phát triển sản xuất chú trọng chất lượng cao, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa ngành công nghiệp may mặc của Trung Quốc với ngành công nghiệp tại các cường quốc thời trang tiên tiến trên trường quốc tế, chủ yếu được phản ánh qua các khía cạnh sau:

  Thứ nhất, khả năng sản xuất quần áo cao cấp cần được cải thiện. Hiện tại ngân sách đầu tư cho các hoạt động R&D chưa đủ, còn thiếu các đổi mới cốt lõi, trình độ sản xuất và quản lý tinh gọn cần được cải thiện.

  Năng lực phát triển văn hóa doanh nghiệp và kích thích sáng tạo cần được tăng cường. Hệ thống đổi mới văn hóa công nghiệp được thể hiện bằng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa thương hiệu và văn hóa thời trang cần được cải thiện, đặc biệt là tầm nhìn sâu sắc và phân tích về những thay đổi trong lối sống đương đại, sự hấp thụ và ứng dụng các nền văn hóa đa dạng của thế giới. Thêm vào đó, cần tăng cường di sản văn hóa và tính độc đáo của thời trang, mang đến cho ngành công nghiệp may mặc những ý nghĩa và giá trị mới, tiếp tục xây dựng ảnh hưởng của thời trang và nâng cao đáng kể vai trò lãnh đạo văn hóa, về cơ bản có thể nâng cao tính sáng tạo giá trị thương hiệu.

  Thứ hai, còn tồn tại sự chệch nhịp giữa phát triển nhân tài và sự phát triển thay đổi nhanh chóng của ngành.  Khi một loạt cơ sở hạ tầng thông tin, phương pháp sản xuất mới và mô hình kinh doanh, công nghệ mới, định dạng mới và cơ chế mới tiếp tục xuất hiện, hiện tại chất lượng nguồn nhân lực chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển theo hướng chất lượng cao của ngành trong Kỷ nguyên mới. Còn tồn tại sự thiếu hụt nhân tài chuyên nghiệp chất lượng cao, nguồn nhân lực nghề cao. Chỉ bằng phương pháp liên tục thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống phát triển nhân tài đa cấp độ thì việc phát triển công nghiệp tổng thể mới có thể được cải thiện và xây dựng vững chắc.

  Thứ ba, cần đổi mới mối liên kết trong chuỗi. Hiệu quả sức mạnh tổng hợp giữa các chuỗi, các mắt xích trong ngành cần được cải thiện hướng tới mục tiêu tích hợp chuỗi sản xuất công nghiệp thông qua việc khai thác sự hợp tác linh hoạt giữa các tổ chức và thiết lập mối quan hệ cộng sinh một cách có hệ thống và hiệu quả giữa các nguồn lực.

  Thứ tư, nhận thức về phát triển bền vững cần được tăng cường hơn nữa để tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn gắn với các khái niệm phát triển mới, trao giá trị và niềm tin đi cùng sản phẩm và thương hiệu, bắt nguồn từ chính văn hóa doanh nghiệp, giá trị và tầm nhìn của công ty.

  Những vấn đề này liên quan đến nhiều cấp, nhiều lĩnh vực của ngành. Đây là tiền đề cho việc phát triển “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”.

Hồng Hạnh (theo Hiệp hội may mặc Trung Quốc)


Các tin khác