Thời trang bền vững: Cuộc hội ngộ của những “thiên sứ xanh”


Những thương hiệu thời trang góp mặt trong bộ ảnh này đều có những triết lý thời trang bền vững riêng. Họ có thể đã là “thiên sứ xanh” nổi tiếng hoặc đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, cùng nhau tạo nên liên kết rộng mở và thực tế hơn.

Chanel đã bắt đầu dự án thời trang bền vững mới mang tên Chanel Mission 1.5°. Với sáng kiến này, Chanel hy vọng có thể giảm lượng khí thải carbon từ nhà mốt và toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời tham gia vào những hoạt động ngoài kinh doanh khác để giúp đẩy nhanh quá trình giảm thiểu khí thải carbon trên toàn cầu. Thương hiệu Amélie Pichard sử dụng da tái chế từ ngành công nghiệp thực phẩm và hoàn thành BST theo triết lý thuần chay.

Stella McCartney được biết đến là một thương hiệu thời trang bền vững tiên phong. Thông qua việc nói không với lông thú, da động vật, các BST sử dụng tối đa chất liệu thân thiện với môi trường để gửi đi thông điệp về sự gắn kết giữa thời trang và hệ sinh thái.

Hermès cũng tham gia vào cam kết Fashion Pact do Chủ tịch Tập đoàn Kering François-Henri Pinault chủ trì, theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sáng kiến này hứa hẹn sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của thời trang đối với khí hậu, đa dạng sinh học và đại dương.

Nhà mốt Mỹ Polo Ralph Lauren với dòng thời trang bền vững The Earth Polo đã chế tạo ra loại vải sợi có nguồn gốc hoàn toàn từ chai nhựa tái chế và được nhuộm trong một quy trình sáng tạo không sử dụng nước. Hãng giày thể thao Veja chỉ sử dụng vật liệu thương mại hữu cơ và công bằng theo cách tiếp cận bền vững, minh bạch.

Thương hiệu thời trang Andrea Crews nổi tiếng với việc phối lại quần áo để mang đến cho những trang phục đó một “cuộc sống mới” độc đáo, qua đó hạn chế tối đa việc phát thải và lãng phí. Dr. Martens đã giới thiệu một BST thuần chay với giày và denim bền vững mới.

Thương hiệu thời trang Vivienne Westwood luôn là “nhà vô địch” về sinh thái và nhân quyền từ hơn 3 thập kỷ trước. Ngay từ những ngày đầu xây dựng thương hiệu, NTK người Anh đã sử dụng tiếng nói của mình để nâng cao nhận thức về tác động môi trường của việc tiêu thụ quá mức. Vivienne kêu gọi mọi người mua ít hơn và mua quần áo chất lượng tốt hơn.

Salvatore Ferragamo, Jimmy Choo cùng với nhiều hãng thời trang cao cấp đã ký Hiệp ước thời trang (The Fashion Pact) do Tập đoàn Kering khởi xướng để tập hợp một liên minh toàn cầu của các công ty trong ngành thời trang và dệt may. Tất cả đều cam kết hướng đến mục tiêu môi trường trong ba lĩnh vực chính: ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, khôi phục đa dạng sinh học và bảo vệ các đại dương.

Thương hiệu thời trang Fendi cùng với Louis Vuitton và Dior đã tham gia chương trình LVMH LIFE – Sáng kiến của LVMH vì môi trường, được triển khai trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, sản phẩm, sản xuất và bán lẻ… Hippy Market là một cửa hàng vintage với mô hình kinh doanh bền vững và tuần hoàn.

Thương hiệu thời trang Nguyen Hoang Tu sử dụng các chất liệu tự nhiên cho mỗi BST, đồng thời làm việc với các nghệ nhân địa phương ở Việt Nam. Roger Vivier là thương hiệu giày có lịch sử từ năm 1930 với những thiết kế nổi tiếng. Hiện nay, hãng tiếp nối các thiết kế truyền thống đồng thời xây dựng thương hiệu có trách nhiệm và bền vững.

Ronald Van Der Kemp chỉ sử dụng các loại vải được loại bỏ từ những nhà mốt thời trang cao cấp hoặc tái chế chất liệu vải từ các BST cũ.

G-Star Raw tập trung vào đổi mới và trách nhiệm sinh thái để giảm tác động tiêu cực của sản xuất đến môi trường, đặt mục tiêu quần áo có thể tái chế 100%.

Hoàng Hân (tổng hợp)


Các tin khác