Thời trang chậm – lựa chọn bền vững hơn với môi trường so với thời trang nhanh


Ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với mức độ giám sát toàn cầu ngày càng tăng về các hoạt động trong chuỗi cung ứng, đồng thời đối diện với áp lực gia tăng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù những tác động tiêu cực này đã được công bố rộng rãi, ngành công nghiệp thời trang vẫn không ngừng phát triển, một phần do sự bùng nổ của thời trang nhanh, dựa vào quy trình sản xuất giá rẻ, thói quen tiêu dùng thường xuyên, và ưu tiên sử dụng các sản phẩm may mặc có tuổi thọ ngắn.

Gia tăng thời trang nhanh- Lãng phí lớn

Sự gia tăng mạnh mẽ trong sản xuất dệt may và tiêu thụ thời trang được phản ánh trong sự xuất hiện của thời trang nhanh – một mô hình kinh doanh dựa trên việc cung cấp cho người tiêu dùng sự mới lạ dưới dạng các sản phẩm giá rẻ, dẫn đầu xu hướng. Thời trang nhanh dựa vào tiêu dùng định kỳ và mua sắm không kiểm soát, thấm nhuần cảm giác cấp bách khi mua hàng. Mô hình kinh doanh này đã rất thành công, bằng chứng là sự tăng trưởng bền vững, vượt trội hơn so với bán lẻ thời trang truyền thống và gia nhập thị trường của những “người chơi mới” như nhà bán lẻ trực tuyến, những người có thể cung cấp sự nhanh nhẹn trong việc cung cấp sản phẩm mới và bắt kịp xu hướng,..

Nhưng đối với tất cả sự tăng trưởng mà nó tạo ra, thời trang nhanh cũng “khuyến khích” sự lãng phí đáng kể. Người ta thống kê rằng cứ 5 sản phẩm may mặc được sản xuất thì tương đương với 3 sản phẩm sẽ được đưa vào bãi chôn lấp hoặc đốt cháy mỗi năm. Mô hình kinh doanh “lấy, sản xuất và thải bỏ” này gây ra chi phí quá lớn cho môi trường, xã hội và bản thân ngành công nghiệp. Tổng lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất dệt may ở mức 1,2 tỷ tấn mỗi năm, nhiều hơn lượng phát thải từ tất cả các chuyến bay quốc tế và tàu biển cộng lại.

Đo lường tác động môi trường của thời trang nhanh

Tác động môi trường

Ngành công nghiệp thời trang tác động đến môi trường từ việc sử dụng nước và hóa chất trong quá trình sản xuất xơ, sợi và dệt may đến phát thải CO2 trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ quần áo.

Hình 1. Điểm mấu chốt trong tác động môi trường của sản xuất dệt may và thời trang nhanh

Ngành công nghiệp thời trang là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai thế giới, cần khoảng 700 gallon để sản xuất một chiếc áo sơ mi cotton và 2.000 gallon nước để sản xuất một chiếc quần jeans. Ngoài ra, ngành dệt may cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước lớn thứ hai thế giới, vì nước còn sót lại từ quá trình sản xuất thường xuyên được thải xuống mương, ra sông hoặc biển. Bên cạnh việc là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước lớn, thời trang nhanh còn góp phần khiến lượng nước khổng lồ bị lãng phí mỗi ngày.

Ngành công nghiệp thời trang cần sử dụng lượng lớn nước, đặc biệt trong quá trình sản xuất sợi và hàng may mặc. Trong cách trồng bông, một nguyên liệu phổ biến và cần thiết trong ngành này, đòi hỏi một lượng lớn nước, cần đến 20.000 lít nước để sản xuất một kilogam bông và gây ra sự khan hiếm nước ở các địa phương, đặc biệt ở các khu vực sản xuất căng thẳng về nước như Trung Quốc và Ấn Độ,… Nếu khó hình dung điều này, hãy nghĩ rằng chỉ cần khoảng 2.700 lít nước để làm ra một chiếc áo phông, đủ cho một người uống trong 900 ngày. Hơn nữa, một mẻ giặt đồ bất kì sẽ tiêu tốn khoảng từ 50 đến 60 lít nước. Ngoài ra, sản xuất thời trang có thể gây ô nhiễm đất do việc sử dụng hóa chất độc hại và xử lý nước thải không đúng cách.

Không những thế, ngành dệt may đã gây ra lượng lớn khí thải carbon, đóng góp đáng kể vào tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc sản xuất và sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất thời trang, cũng như quá trình vận chuyển và sử dụng sản phẩm thời trang đều tạo ra khí thải carbon. Ví dụ, ở Trung Quốc, sản xuất dệt may phụ thuộc vào năng lượng từ than và do đó, lượng khí thải carbon lớn hơn 40% so với hàng dệt may sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc châu Âu. Đối với ngành này, việc sử dụng sợi tự nhiên có thể giảm khí thải carbon so với sử dụng sợi tổng hợp.

Có thể nhiều người không biết rằng dệt may là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm vi nhựa. Các hạt vi nhựa có nguồn gốc từ hàng dệt may thường có hình dạng sợi và do đó thường được gọi là vi sợi. Người ta ước tính rằng hàng dệt tổng hợp là nguyên nhân thải ra toàn cầu khoảng 0,2 đến 0,5 triệu tấn vi nhựa vào đại dương mỗi năm. Khoảng 35% vi nhựa thải ra đại dương trên toàn cầu có nguồn gốc từ việc giặt vải dệt tổng hợp. Người ta ước tính ở châu Âu, nơi hầu hết các hộ gia đình được kết nối với hệ thống xử lý nước thải và rác thải, có 13.000 tấn vi sợi dệt, tương đương 25 gram mỗi người, được thải ra các nguồn nước mỗi năm, chiếm 8% tổng lượng vi nhựa sơ cấp phát tán trong nước, không khí và đất. Trong những năm gần đây, ô nhiễm vi nhựa không chỉ tác động đến môi trường mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Không phải ai cũng biết được rằng tất cả các loại sinh vật sống đều ăn vi nhựa, từ sinh vật phù du, cá và động vật có vú lớn trong môi trường biển đến động vật trên cạn và con người. Ngoài việc hấp thụ các hạt vi nhựa từ nước và đất, các hạt trong không khí cả trong nhà và ngoài trời đều bị hít vào. Vi nhựa đã được báo cáo có trong nhiều loại thực phẩm và đồ dùng của người dân, bao gồm hải sản, nước uống, bia, muối và đường.

Ngành công nghiệp thời trang còn sử dụng hơn 15.000 loại hóa chất khác nhau trong quá trình sản xuất, từ sản xuất sợi đến dệt vải và xử lý ướt. Các hóa chất này bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất làm mềm, chất tẩy trắng, và nhiều chất độc hại khác.  Sử dụng hóa chất này có liên quan đến nhiều vấn đề, bao gồm lo ngại về sức khỏe con người, tác động môi trường, và sự gia tăng lo ngại về các loại hóa chất mới được sử dụng trước khi kiểm tra độ an toàn của chúng.

Các loại chất thải dệt may

Chất thải trước khi tiêu dùng trong thời trang, còn được gọi là chất thải sản xuất, được tạo ra trong quá trình sản xuất hàng dệt may, bao gồm chất thải xơ, sợi, chất thải vải, trong đó “sự lãng phí tài nguyên” là chất thải lớn nhất. Một nghiên cứu ước tính rằng 15% vải dùng trong sản xuất hàng may mặc đã bị lãng phí; ở trong các nghiên cứu khác, con số này là xấp xỉ 10% đối với quần dài và quần jean, hơn 10% đối với áo khoác và đồ lót, và một số ước tính thậm chí còn đặt tỷ lệ phế thải dệt may trong quá trình sản xuất hàng may mặc ở mức 25-30%.

Trong những năm gần đây, người ta cũng chú ý nhiều đến một loại rác thải trước khi tiêu dùng được gọi là hàng tồn kho, là những quần áo mới, chưa mặc và không bán được (hoặc trả lại, đặc biệt là sau khi mua trực tuyến) và được coi là ‘rác thải’. Ví dụ, thương hiệu thời trang nhanh H&M của Thụy Điển được cho là đang nắm giữ lượng hàng tồn kho trị giá 4,3 tỷ USD trong kho, sau khi có báo cáo về việc công ty này đốt quần áo mới tinh tại một nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng ở Đan Mạch. Tương tự, thương hiệu xa xỉ Burberry của Anh được cho là đã đốt hàng tồn kho trị giá 90 triệu bảng Anh trong 5 năm tính đến tháng 6 năm 2018, trong đó họ thừa nhận trị giá 28,6 triệu bảng Anh đã bị đốt vào năm 2017.

Quá trình chuyển đổi từ tiêu dùng sang rác thải sau sản xuất diễn ra nhanh chóng – thời gian sử dụng trung bình của ba loại hàng may mặc (áo phông, áo sơ mi cotton và quần) ở sáu quốc gia (Trung Quốc, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) chỉ từ 3,1 đến 3,5 năm cho mỗi sản phẩm may mặc, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Tuổi thọ hàng may mặc ngắn, cùng với mức tiêu thụ ngày càng tăng, hàng dệt may chiếm tới 22% lượng rác thải hỗn hợp trên toàn thế giới. Đối với sợi được sản xuất vào năm 2015, 73% (39 Gt) đã được chôn lấp khi hết tuổi thọ. Mặc dù lượng chất thải cao, tỷ lệ tái chế dệt may vẫn ở mức thấp, chỉ 15% rác thải dệt may sau tiêu dùng được thu gom riêng cho mục đích tái chế vào năm 2015 và chưa đến 1% (0,5 triệu tấn) tổng sản lượng được tái chế theo vòng khép kín (tái chế). Hầu hết hàng dệt tái chế (6,4 triệu tấn) đã được tái chế thành các ứng dụng khác có giá trị thấp hơn, chẳng hạn như vật liệu cách nhiệt, khăn lau và đệm.

Đo lường tác động môi trường của thời trang nhanh

Để đưa ra cái nhìn tổng quan và ví dụ về đo lường tác động môi trường của ngành thời trang nhanh, phải kể đến hai mặt hàng may mặc phổ biến là áo phông và quần jean được sản xuất ở châu Á (chủ yếu là Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ) và được sử dụng rộng rãi ở Thụy Điển. Tác động dẫn đến sự khan hiếm nguồn nước chủ yếu là do sản xuất sợi bông, vì lượng nước cần cho giai đoạn sử dụng ở Scandinavia tương đối dồi dào so với các vùng trồng bông khác. Ví dụ: ước tính lượng nước sử dụng liên quan đến việc sản xuất chỉ một chiếc áo phông nặng 250g dao động từ 2,7m3 đến tương đương 26m3. Hầu hết việc tiêu thụ nước trong sản xuất quần áo bằng vải bông đều liên quan đến sản xuất bông (92% cho áo phông và 93% cho quần jean). Do hầu hết năng lượng để giặt và sấy quần áo trong quá trình sử dụng ở Thụy Điển được cung cấp bởi các nguồn thủy điện tương đối thân thiện với khí hậu, nên quy trình sản xuất hàng may mặc ở châu Á đã chi phối các tác động đến khí hậu, chiếm khoảng 80% trong tổng tác động của việc tiêu thụ quần áo ở Thụy Điển. Trong phân tích độ nhạy với điện năng trung bình của châu Âu, lượng khí thải CO2 khi giặt và sấy quần áo ở giai đoạn đang sử dụng cao hơn đáng kể, nhưng sản xuất hàng may mặc vẫn là nguyên nhân gây ra 71% tổng tác động đến môi trường.

Hình 2. Trường hợp áo phông và quần jean

Sợi tự nhiên (bông, sợi cellulose, sợi len và sợi gai) đòi hỏi ít năng lượng hơn nhưng cần nhiều nước hơn so với sợi tổng hợp (sợi polyester và sợi polyme) lại cần nhiều năng lượng hơn trong quá trình sản xuất. Hầu hết việc sử dụng nước toàn cầu của thời trang có liên quan đến canh tác bông và các quy trình ướt của sản xuất dệt may (tẩy trắng, nhuộm, in ấn và hoàn thiện). Sản xuất dệt may hiện tại sử dụng khoảng 44 nghìn tỷ lít nước hàng năm để tưới tiêu (hoặc khoảng 3% lượng nước tưới toàn cầu), 95% trong số đó có liên quan đến sản xuất bông. Ví dụ, trong sản xuất áo phông và quần jean, việc trồng bông gây ra lần lượt 88% và 92% tổng lượng nước. Thật vậy, bông tiêu thụ nước cao nhất so với bất kỳ loại sợi thời trang nào, và vì 44% bông được trồng để xuất khẩu, cho nên khoảng một nửa số tác động sử dụng nước địa phương của việc trồng bông là do nhu cầu của nước ngoài. Ngoài ra, quá trình sản xuất sợi polyester và sợi polyme tiêu thụ rất nhiều năng lượng lần lượt là 108kWh/kg sợi và 160 kWh/kg sợi, thải ra nhiều khí và chất độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Mặc dù sợi tự nhiên có lượng khí thải CO2 thấp hơn so với sợi tổng hợp nhưng quá trình sản xuất sợi len có thể gây ra một lượng khí thải CO2 lớn là khoảng 17kg/kg sợi.

Hình 3. Tác động môi trường của sáu loại sợi

Thời trang chậm được coi là lựa chọn bền vững hơn với môi trường so với thời trang nhanh?

Sự ổn định lâu dài của ngành thời trang phụ thuộc vào việc từ bỏ hoàn toàn mô hình thời trang nhanh, liên quan đến sự suy giảm tình trạng sản xuất quá mức và tiêu dùng quá mức, đồng thời giảm lượng nguyên liệu đầu vào tương ứng. Một trong những thách thức lớn nhất là thay đổi hành vi của người tiêu dùng và thúc đẩy họ xem xét lại ý nghĩa của thời trang. Xu hướng thời trang bền vững đang trỗi dậy và đòi hỏi sự sáng tạo và hợp tác giữa các bên liên quan.

Để xây dựng một ngành thời trang ổn định lâu dài, cần cân nhắc việc chuyển từ mô hình thời trang nhanh sang mô hình thời trang chậm hơn, hướng tới tái sử dụng và bền vững hơn. Một cách tiếp cận để giảm tác động đến môi trường của thời trang là chuyển hệ thống từ tuyến tính (lấy, sản xuất, thải bỏ) sang vòng tròn với ba cách tiếp cận sau: thu hẹp (hiệu quả), đóng cửa (tái chế) và làm chậm lại (tái sử dụng). Ngoài ra, xem xét các mô hình kinh doanh mới như cho thuê, cập nhật, sửa chữa và bán lại, tất cả đều giúp kéo dài tuổi thọ sản phẩm đồng thời đề xuất một phong cách sống mới, chậm rãi hơn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, những mô hình này có thể mang lại hiệu quả sinh thái (tăng cường sử dụng, như cho thuê) hoặc thậm chí là đủ (tiêu thụ ít hơn). Tuy nhiên, những thay đổi thành công trong hành vi của người tiêu dùng phải đi kèm và hỗ trợ bởi các chính sách giải quyết vấn đề tổ chức tiêu dùng xã hội ở cấp độ xã hội, văn hóa, kinh tế và vật chất.

Hình 4. Các bên liên quan và hành động vì một ngành công nghiệp thời trang bền vững hơn

Thời trang chậm là tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự hiểu biết mới về cách chuyển đổi sang mô hình như vậy, hướng tới sự cân bằng bền vững hơn trong ngành thời trang, đòi hỏi sự sáng tạo và hợp tác giữa các nhà thiết kế và nhà sản xuất, các bên liên quan và người tiêu dùng cuối cùng. Hơn nữa, cần phải xây dựng một hệ thống chức năng để tái chế hàng dệt may. Một trong những thách thức khó khăn nhất trong tương lai sẽ là thay đổi hành vi của người tiêu dùng và ý nghĩa thật sự của thời trang. Người tiêu dùng nên hiểu thời trang giống như một “sản phẩm chức năng” hơn là một loại “giải trí” và sẵn sàng trả giá cao hơn nếu điều đó có tác động đến môi trường của ngành thời trang.

Bài: Vũ Kim Phượng


Các tin khác