Tăng giờ làm thêm: Giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt
Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về thời gian làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Việc này đang nhận được phản hồi tích cực của cả doanh nghiệp và người lao động.
Xuất phát từ thực tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40h lên 72h và nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300h trong một năm mà không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Đây là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, tiến độ giao hàng cũng như đời sống, thu nhập của người lao động. Từ sau Tết đến nay, số người lao động bị F0 tăng cao đã làm cho năng suất tại các chuyền may giảm tới 50-70%, khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng. Vì vậy, tăng giới hạn giờ làm thêm lúc này là giải pháp cần thiết giúp doanh nghiệp tăng tốc, bù lại khoảng thời gian đã bị thiếu hụt vừa qua.
“Ngành may có thời vụ cao điểm kéo dài 6 đến 7 tháng. Mặc dù Luật cho phép làm 300 giờ/năm, nhưng nhiều đơn vị nhu cầu làm thêm giờ mùa vụ cao hơn. Phía doanh nghiệp chúng tôi mong muốn linh hoạt trong chính sách giờ làm thêm. Chúng ta không nên bị bó trong 40h/tháng nữa (bình quân khoảng 1,5 giờ mỗi ngày nữa) mà nên nới rộng hơn, ít nhất không quá 60h/tháng. Tổng mức giờ làm thêm trong năm chúng tôi đang được hưởng mức 300h/năm và chúng tôi đề xuất nâng lên 400h/năm”, ông Bạch Thăng Long nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Thương, công nhân Xí nghiệp Sơ mi, Tổng Công ty May 10-CTCP cho biết, gần 10 năm làm việc tại Công ty nên đã quen với việc tăng ca, làm thêm khoảng 1 giờ/ngày. Từ tháng 2 đến nay, Công ty có những đơn hàng gấp, trong khi lại có nhiều lao động trở thành F0, phải nghỉ hàng loạt nên Xí nghiệp đã tổ chức làm thêm 2 giờ/mỗi ngày để kịp tiến độ giao hàng.
“Trong 2 tiếng làm thêm cuối ngày, chúng tôi nhận mức lương cao hơn 150% so với lương cho 8 giờ làm chính thức trong ngày. Ngoài ra, người lao động còn có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, được thêm một bữa ăn ca, bữa phụ… trong ngày. Lương hiện nay của tôi là 10 triệu đồng/tháng. Tháng nào làm thêm khoảng 1 tuần, mỗi ngày 1-2 tiếng thì thu nhập là 12 đến 12,5 triệu đồng. Nếu Công ty cho làm thêm 2 giờ/ngày, tôi có thể làm cả tháng được”, chị Thương chia sẻ.
Tin tổng hợp