Quyết liệt triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giúp doanh nghiệp dệt may sớm khôi phục sản xuất


Trong buổi thăm, chúc Tết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Tập đoàn Dệt May Việt May Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đã gửi một số kiến nghị đến Quốc hội, các bộ, ngành liên quan. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã có những giải đáp các nội dung liên quan.

Chủ tịch HĐQT Vinatex nêu một số kiến nghị của Tập đoàn với Chủ tịch Quốc hội, đại diện các Ủy Ban của Quốc hội, các Bộ, Ngành TW

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nêu rõ:

Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành rất quan tâm đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu.

Sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh và đối với doanh nghiệp dệt may có hỗ trợ 3 tháng tiền nhà và tiền hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.

Cắt giảm chi phí logistic vì hiện nay chi phí logistic đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm dệt may.

Cần linh hoạt số giờ làm thêm hàng tháng vì sản xuất hàng dệt may mang tính thời vụ không dàn đều ở các tháng.

Đ/c Vũ Hồng Thanh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đều yêu cầu thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng với các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng các biện pháp điều hành để giảm và hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Trong thời gian tới các cơ quan trực thuộc cần báo cáo với Chính phủ để sớm có hướng dẫn về gói hỗ trợ lãi suất không chỉ cho riêng Vinatex mà cho tất cả các đơn vị khác. Hiện giá trị gia tăng của ngành dệt may còn thấp do phải nhập khẩu nhiều nguyên, phụ liệu. Hy vọng trong các chính sách sắp tới sẽ cho phép hình thành các khu công nghiệp chuyên dụng đảm bảo về môi trường để sản xuất theo chuỗi các nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp dệt may.

Đ/c Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Giải đáp về chính sách quốc gia về ngành dệt may, giảm chi phí logistic, ông Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, năm vừa qua chi phí logistic đã tác động rất nặng nề đến không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Bộ Công thương cam kết sẽ cùng với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất và sẽ căn cứ vào Nghị định 146 của Chính phủ để yêu cầu các hãng vận tải công bố giá cước vận chuyển cho phù hợp sau đó đưa ra những chính sách điều hành hợp lý. Ngày 30/12/2021 vừa qua Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ chiến lược phát triển ngành Dệt May Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.

Đ/c Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Giải đáp về kiến nghị sớm hướng dẫn, triển khai các gói hỗ trợ kinh tế, điều chỉnh giờ làm thêm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải báo cáo Chính phủ ngày 15/02 để trình lên Quốc hội triển khai trong tháng 2. Ngày 07/2/2022, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn để báo cáo Chính phủ. Với nội dung hỗ trợ NLĐ quay trở lại làm việc với mức hỗ trợ 3 tháng mỗi tháng 1 triệu đồng/người và hỗ trợ thuê nhà ở 3 tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ mời các doanh nghiệp, trong đó có Vinatex lên thảo luận về mức độ quay trở lại làm việc để hỗ trợ NLĐ. Sau đó Bộ sẽ triển khai và xây dựng các quyết định để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15/2/2022. Về giờ làm thêm chuyển từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng với mức giới hạn 300 giờ/năm thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang xử lý để trong tháng 2 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến. Để tránh biến động lớn về thị trường lao động thì các doanh nghiệp thuộc Vinatex cần triển khai theo Nghị quyết 68 và đã được sửa lại là Nghị quyết 126 để đào tạo lại NLĐ khi chuyển đổi cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng, năng suất dẫn đến tăng thu nhập, giữ chân được NLĐ.

Đ/c Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Giải đáp về vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Hiện nay dự trữ ngoại hối đã đạt hơn 100 tỷ đô trong năm 2021, nhờ đó nguồn cung ngoại tệ dồi dào đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, trong đó có Vinatex. Ngoài ra, tỷ giá tiếp tục giữ vững sự ổn định trong những năm qua (dao động bình quân từ 1,5-2%/năm) cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Theo ông Cảnh, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt việc tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động SXKD do ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Đ/c Võ Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Tài chính

Giải đáp về việc sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP về miễn giảm thuế nhập khẩu Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo qui định hiện hành của Luật Hải quan về xuất nhập khẩu, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ thì nhập khẩu tại chỗ chủ yếu do các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đặt hàng gia công đối với doanh nghiệp trong nước hoặc hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa bán vào các khu chế xuất, khu phi thuế quan. Đối với Vinatex các doanh nghiệp trực thuộc nhập khẩu sản xuất gia công và bán cho các doanh nghiệp cùng hệ thống để sản xuất hàng xuất khẩu thì phải ứng trước tiền thuế VAT trong 6 tháng. Bộ Tài chính ghi nhận sự việc này và sẽ nghiên cứu, bàn bạc với Vinatex để báo cáo lên Chính phủ và Ban Thường vụ Quốc hội sửa các quyết định liên quan.

PV (ghi)


Các tin khác