Ông Hoàng Vệ Dũng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang – CTCP: “Mới chỉ có uy tín, chưa có thương hiệu”
Nói về các thương hiệu sản phẩm thời trang Việt Nam, ông Hoàng Vệ Dũng cho rằng, “Các doanh nghiệp sản xuất của ta một số mới chỉ có uy tín, chưa có thương hiệu sản phẩm thời trang thực thụ. Bởi một sản phẩm thời trang có thương hiệu là sản phẩm có thể khiến người tiêu dùng nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên, và họ khao khát muốn có.”
Chúng ta cùng trò chuyện với ông Hoàng Vệ Dũng xoay quanh vấn đề thương hiệu sản phẩm thời trang Việt Nam nói chung, và con đường xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thời trang của May Đức Giang nói riêng.
Thưa ông, trước tình hình một số thương hiệu thời trang quốc tế chính thức tràn vào Việt Nam mở hệ thống phân phối trong các năm gần đây, thì các thương hiệu thời trang Việt Nam phải làm thế nào để không bị thua ngay trên sân nhà?
“Cạnh tranh, phát triển, cạnh tranh, sụp đổ…” đã trở thành đặc sản riêng mạnh mẽ của ngành thời trang nói chung trên thế giới, Việt Nam cũng không quá khác. Khi đã bước chân vào thị trường thời trang, là anh xác định ngay từ ban đầu, anh đã dấn thân vào một cuộc cạnh tranh mãnh liệt, không có hồi kết, trừ phi anh bỏ cuộc chơi. Mỗi năm, đều có nhiều hãng thời trang mới mở, nhưng cũng rất nhiều hãng phải đóng cửa. Vì vậy, cuối cùng thì thời trang Việt Nam vẫn phải xác định, anh làm ra quần áo như thế nào để người ta mặc được, cao hơn nữa là người ta thích mặc, rồi tự hào khi mặc.
Có ý kiến cho rằng, bao nhiêu năm đã qua mà thời trang Việt Nam chưa có một thương hiệu nào tầm cỡ quốc tế? Tại sao như vậy, thưa ông?
Thực ra, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang tham gia thị trường thời trang mới chỉ có uy tín ở mức độ nhất định, đang ở trình độ sơ khai, chứ chưa có thương hiệu thời trang thực thụ. Một sản phẩm thời trang có thương hiệu phải được người tiêu dùng (NTD) nhận ra phong cách ngay khi nhìn thấy sản phẩm ở bất cứ đâu, kể cả ngoài cửa hàng, được ai đó mặc trên người. Sản phẩm thời trang có thương hiệu cũng là sản phẩm khiến NTD luôn khao khát được mặc, được sở hữu và tự hào khi khoác lên người. Thử hỏi trong hàng trăm, thậm chí là ngàn nhãn hiệu sản phẩm thời trang Việt Nam, đã có sản phẩm nào khiến NTD khao khát như Chanel, Gucci, Louis Vuitton…?
Hai thập kỷ qua, Việt Nam đã phát triển được nhiều nhà máy sản xuất chất lượng tốt, được những hãng thời trang uy tín trên thế giới đặt may gia công. Như vậy chúng ta hoàn toàn có năng lực làm ra sản phẩm thời trang chất lượng. Đã tới lúc hội đủ điều kiện để có những thương hiệu thời trang mạnh của Việt Nam chưa, thưa ông?
Việc chúng ta có các nhà máy sản xuất sản phẩm dệt may tốt, chưa phải đã đủ để tạo nên những, thậm chí là một thương hiệu thời trang mạnh. Nhà máy sản xuất chỉ là một khâu trong cả quá trình tạo ra sản phẩm gồm nhiều khâu còn phức tạp hơn nhiều như thị trường, xu hướng, thiết kế, truyền thông, quản lý thương hiệu, phân phối… Rõ ràng, các nhà máy may ở Việt Nam sản xuất ra sản phẩm thời trang, nhưng đó là sản phẩm của người khác, mang thương hiệu thời trang của người khác. Ta chỉ có thể nhận một nhãn hàng thời trang nào đó của mình, khi ta sinh ra nó, nuôi được nó, và NTD chấp nhận sử dụng nó. Đó là cả một sự đầu tư lớn và lâu dài.
Ông nhận định thế nào về sức sống của các nhãn hàng thời trang do một số đơn vị lớn trong ngành như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Hòa Thọ, Đức Giang, May 10, Hanosimex, Doximex… đã sinh ra và đang nuôi dưỡng?
Việt Tiến là đơn vị đi sớm hơn cả trong việc tạo ra nhãn hàng của riêng mình, đã có sản phẩm thời trang riêng từ thập niên 80, do đó cũng từng thu được kết quả nhất định. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm thời trang của các đơn vị trong nước đều chưa tạo được giá trị thương hiệu cao. Bằng chứng là NTD có thể vẫn mua và mặc, nhưng chưa thực sự khao khát có nó bằng được. Đó cũng chính là lý do mà các đơn vị này hầu hết đều chưa dám thử sức ở thị trường tiêu thụ mạnh như Mỹ, EU. Đây thực sự là một cuộc chơi khó. Ngay cả các nước khỏe ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chưa hề có thương hiệu thời trang mang tầm quốc tế. May ra chỉ có Nhật Bản có được thương hiệu Uniqlo là đủ tầm thương hiệu toàn cầu. Còn các đơn vị tư nhân hoàn toàn thì sao, thưa ông? Thị trường nước ta có các nhãn hàng thời trang như Nem, Ivy, Elise, … cũng đã tự phát triển bằng sản phẩm riêng của mình. Dù sức sống có khác nhau nhưng đó là những sản phẩm do chính các công ty Việt Nam sinh ra và nuôi dưỡng, được xã hội chấp nhận. Họ phải thở cùng nhịp với thị trường, từng ngày phải đối diện với vấn đề sinh – tử. Có thể miệt mài xây dựng suốt hai chục năm, rồi một ngày phải đóng cửa, cũng là chuyện thường trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Chưa bao giờ thị trường thời trang ở nước ta lại sôi động như thời điểm này. Cứ ra phố thì thấy, san sát các cửa hiệu thời trang, nhiều như quán nước chè cuối thời bao cấp vậy. Mở rồi đóng, rồi tiếp tục mở… Thậm chí, có những em sinh viên mới ra trường, chưa biết xin việc nơi nào, cũng huy động được vốn của bố mẹ để mở cửa hiệu thời trang, các em còn sang Ý đặt người ta làm cho mình một nhãn hàng riêng, nên có rất nhiều thương hiệu lạ mới xuất hiện trên thị trường. Tất cả những kiểu làm ăn nhỏ và siêu nhỏ như vậy, cho dù sức sống không được bao nhiêu, nhưng cũng chia sẻ thị phần hàng ngày với những “tay đua đường dài”. Trở lại với hệ thống sản xuất và các nhãn hàng của May Đức Giang như Hera DG, S Pearl, ông kỳ vọng gì vào chiến lược phát triển của Doanh nghiệp khi đầu tư vào chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội? Chúng tôi kiên định bước đi chắc chắn, cân bằng. Xác định đây là một cuộc đua dài nên một mặt chúng tôi xây dựng thương hiệu cho nhãn hàng riêng, một mặt duy trì sản xuất, phù hợp với từng giai đoạn. Nếu như 15 năm trước, chúng tôi dùng gia công để nuôi hàng nội địa, rồi 5 năm tiếp theo, lấy mảng dịch vụ đồng phục nuôi sản phẩm thời trang, và trong giai đoạn này khi gia công không còn là thế mạnh, mảng đồng phục bị cạnh tranh nhiều hơn, các sản phẩm thời trang riêng của Đức Giang đã tự trụ vững, đi bằng đôi chân của chính mình. Trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi đầu tư mở 10 cửa hàng riêng bán sản phẩm thời trang của Đức Giang tại HN là đánh dấu một mốc mới trong chiến lược xây dựng thương hiệu thời trang riêng. Theo ông thì trong tương lai, Việt Nam không còn là quốc gia gia công nữa? Nói riêng về ngành dệt may, bây giờ trước tình hình đối tác ép giá gia công xuống, giá nhân công ở ta lại tăng lên cao, thì phương án mở rộng sản xuất may buộc phải ngừng lại, nếu không muốn doanh nghiệp xuống dốc. May Đức Giang chúng tôi giai đoạn này không mở rộng quy mô nữa, mà tập trung cạnh tranh ở thị trường nội địa. Mảng SX cũng dịch chuyển từ CM sang FOB và ODM. Những sản phẩm thời trang riêng của chúng tôi được phát triển trong những năm qua là sự chuẩn bị chu đáo, là cách để chúng tôi quảng bá năng lực FOB, ODM của mình, để gia tăng giá trị cho hoạt động SXKD. Vậy điều gì khiến ông trăn trở nhất trước những khó khăn của thị trường hiện nay? Thị trường thời trang luôn nóng như lửa, đội ngũ của chúng tôi phải cạnh tranh từng mẫu mã hàng ngày. Bản thân tôi cùng những người chủ chốt trong Tổng Công ty cũng phải quan tâm đến thiết kế, đo lường từng dòng hàng thời trang, có loại từng bán rất chạy, nhưng một thời gian sau lại ế ẩm. Thị trường bây giờ cực kỳ khó đoán. Phải căng não suốt thời gian, rất mệt mỏi. Nhưng nếu thế hệ chúng tôi không xây nền tảng, thì thế hệ sau làm sao có thể tiếp nối thuận lợi? Tôi vẫn luôn nghĩ, và phấn đấu để sản phẩm thời trang của Đức Giang làm sao mang lại được nhiều lợi ích nhất cho NTD, khiến NTD nghĩ đến đầu tiên khi mua sắm và cảm thấy tự hào khi đang mặc sản phẩm của Đức Giang. Xin cảm ơn ông rất nhiều! Kiều Bích Hậu (thực hiện) |