Ngành sợi Vinatex: Đủ lớn, đủ mạnh tạo dựng “điểm đến” với khách hàng


Thực hiện mục tiêu tạo ra những “điểm đến” uy tín, tin cậy cho các khách hàng ngành Sợi của Tập đoàn, trong giai đoạn 2021-2025 việc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô cần được tìm hiểu, tính toán kỹ lưỡng đặc biệt trong giai đoạn tất cả các ngành đang chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Đối mặt khó khăn trong đại dịch

Các nhà sản xuất thiết bị sợi nổi tiếng trên thế giới đến từ châu Âu như Rieter, Trueztchler, Saurer…hay châu Á như Muratec, Toyota, CMT, Laskmi,… đều có chung những nhận định, đánh giá về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến thị trường cung cấp thiết bị kéo sợi, tập trung vào những vấn đề sau:

Nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất thiết bị như phôi thép, linh kiện điện tử đang chịu tác động của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến cho giá nguyên liệu đầu vào tăng cao so với thời điểm cuối năm 2019.

Việc phong tỏa, giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch được áp dụng ở nhiều quốc gia với nhiều hình thức khác nhau khiến cho hoạt động vận tải hàng hóa bị đình trệ, thời gian giao hàng kéo dài. Trước đây, thời gian giao máy móc thiết bị thường khoảng 8 – 12 tháng, nay thời gian này có thể lên tới 18-24 tháng tùy theo các nhà sản xuất và từng loại thiết bị, ví dụ như đối với các nhà cung cấp đến từ châu Á như Nhật Bản là 12-14 tháng, đặc biệt có những thiết bị có thể kéo dài tới 25 tháng; Trung Quốc là 10 tháng; châu Âu thời gian lâu hơn như mô tả dưới đây:

Danh mục thiết bị Nhà cung cấp Châu Âu
Trước khi dịch bệnh Hiện nay
Máy Bông Chải 8-9 tháng 12-14 tháng
Máy Ghép 8-9 tháng 9-10 tháng
Máy Chải kỹ 8-10 tháng 12-14 tháng
Máy Thô 8-10 tháng 15-16 tháng
Máy Sợi con 8-12 tháng 16-18 tháng
Máy Sợi con + compact 10-12 tháng 22-24 tháng

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp máy móc thiết bị tại Châu Âu trong thời điểm hiện nay

Một số máy móc thiết bị hiện đại có thời gian giao hàng kéo dài hơn do đại dịch Covid-19:

Máy chải thô TC 19i của hãng Trützschler

Máy chải kỹ TCO 12 của hãng Trützschler

Máy cuộn cúi TSL 12 của hãng Trützschler

Máy sợi con RX300 của hãng Toyota

Máy đánh ống PAC21 của hãng Murata

Máy cuộn cúi OMEGAlap E 36e của hãng Rieter

Đầu tư một nhà máy sợi, ngoài chi phí máy móc thiết bị thì chi phí xây dựng cũng chiếm từ 25-30% tổng mức đầu tư. Từ cuối năm 2020 cho đến thời điểm hiện nay chi phí này liên tục tăng do giá nguyên vật liệu xây dựng đặc biệt là giá thép, có lúc giá thép xây dựng tăng 40-50% (*) điều này ảnh hưởng rất lớn tới tổng mức đầu tư của dự án.

Gỡ rào cản cho các dự án đầu tư

Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy Sợi của Tập đoàn trong giai đoạn 2020 – 2022 cũng đang gặp phải những khó khăn như vậy bao gồm cả những dự án vừa hoàn thành, đang triển khai và dự kiến triển khai trong những năm tới.

Đối với dự án vừa hoàn thành có thể kể đến Dự án Nhà máy Sợi 3 vạn cọc của Công ty CP Sợi Phú Bài, khởi công vào tháng 10/2019 và đi vào hoạt động trong tháng 6/ 2021, giai đoạn dịch bệnh vẫn tiếp diễn trên toàn cầu. Mặc dù các chi phí về máy móc thiết bị cũng như xây dựng của chủ đầu tư không bị tác động nhiều do hợp đồng các gói thầu đã được ký kết từ trước, tuy nhiên, dự án cũng bị ảnh hưởng do hoạt động di chuyển và lưu trú của chuyên gia lắp đặt thiết bị, chuyển giao công nghệ gặp rất nhiều trở ngại do quy định về xuất nhập cảnh, cách ly của mỗi quốc gia dẫn đến thời gian đưa máy móc vào vận hành bị chậm tiến độ, chi phí dịch vụ cho chuyên gia tăng lên cho cả hai bên.

Đối với dự án đang triển khai như “Nhà máy Sợi Nam Định 2” của Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, quá trình chuẩn bị dự án phải được tính toán kỹ lưỡng, thời gian khởi công xây dựng và thời gian chuẩn bị các hồ sơ mua bán thiết bị phải “ráp nối” đồng bộ, linh hoạt, đồng thời phải phù hợp với các quy định pháp luật của Nhà nước. Thời gian dự kiến hoàn thành kéo dài thêm khoảng 10-12 tháng, tổng mức đầu tư của Dự án phải điều chỉnh tăng so với dự kiến thời điểm đầu tư năm 2019 từ 15-20%.

Đứng trước những khó khăn mà các bên đều phải đối mặt, mỗi nhà cung cấp thiết bị đều đưa ra những giải pháp để cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển. Các nhà cung cấp máy móc thiết bị ngành Sợi đều coi thị trường Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường tiềm năng vì lẽ đó chính sách về phương thức thanh toán trả chậm được các nhà cung cấp ưu tiên lựa chọn nhằm giảm áp lực về dòng tiền cho các nhà đầu tư. Có nhiều giải pháp được đưa ra trong đó có thể kể đến: thanh toán chậm trả trong 30 tháng với mức lãi suất khoảng 2,4%/năm, lãi suất trả chậm sẽ được tính trực tiếp vào giá máy (tức 6% trong 30 tháng, giảm khoảng 0,5-0,7%/năm so với trước đây). Hoặc thanh toán trả chậm được bảo đảm bởi ngân hàng ở Việt Nam trong một thời gian nhất định từ 5-7 năm và đối với các đơn hàng có quy định mức giá tối thiểu.

Như vậy, nhìn một cách toàn cảnh dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc đầu tư xây dựng nhà máy đối với các ngành nghề đều không dễ dàng trong đó có ngành dệt may. Đại dịch xảy ra, câu chuyện suất đầu tư tăng sẽ không phải là rào cản cho phát triển nếu doanh nghiệp biết nắm bắt lấy cơ hội để chiếm lĩnh thị trường, biết lựa chọn các sản phẩm chất lượng mang lại giá trị gia tăng cao đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp của mình.

Mục tiêu doanh nghiệp Sợi của Tập đoàn là “điểm đến” đủ lớn, đủ mạnh, uy tín, tin cậy cho các khách hàng sẽ được hiện thực hóa bằng các quyết định sáng suốt của các lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư để phát triển bền vững.

Nguồn:

  • Tổng hợp từ chính sách của các nhà cung cấp máy móc thiết bị trên thế giới

(*): https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/thi-truong-thep-da-hinh-thanh-nen-mat-bang-gia-moi.html

Ban Đầu tư và Phát triển


Các tin khác