Lãnh đạo Vinatex làm việc với Hoà Thọ


Sáng 11/9, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có buổi làm việc với Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Hòa Thọ) bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn năm 2024.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex chủ trì buổi làm việc tại điểm cầu chính – Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ

Tham dự buổi làm việc có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex cùng lãnh đạo một số ban thuộc Văn phòng Tập đoàn. Về phía Hòa Thọ có ông Nguyễn Đức Trị – Chủ tịch HĐQT cùng toàn thể ban lãnh đạo Tổng Công ty.

Sản phẩm chủ yếu của Hòa Thọ là các loại sợi và sản phẩm may. Tại buổi làm việc, Hòa Thọ báo cáo kết quả 8 tháng đầu năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 3.231 tỷ đồng bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72% kế hoạch năm 2023; Kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ 2022 và bằng 80% kế hoạch 2023 (trong đó xuất sang thị trường Mỹ 46%, châu Âu 14%, châu Á 28% và các thị trường khác là 12%).

Thu nhập bình quân của người lao động là 8,86 triệu/người/tháng, bằng 90% so với cùng kỳ của năm 2022. Lợi nhuận riêng của Hòa Thọ ước đạt 155 tỷ đồng, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 82% so với kế hoạch năm 2023…

Dự báo tình hình thị trường, Hoà Thọ nhận thấy, thị trường vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024. Hoà Thọ sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất mà chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, bao gồm: nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển của ngành May.

Sau khi nghe các đại biểu báo cáo và phân tích về dự báo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2024 của Hòa Thọ, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường phân tích tình hình thị trường chung, chiến lược xanh hóa, phân tích khách hàng, chiến lược dài hạn, tình hình kinh tế của Mỹ. Ông Lê Tiến Trường cho biết, các yếu tố đầu vào tác động đến cuối năm 2023 và 2024, tăng trưởng và thương mại toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp cho đến năm 2024. Tình trạng cầu thấp còn kéo dài sang năm 2024. Tăng trưởng GDP các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc năm 2024 dự báo thấp hơn năm 2023. Lãi suất ở Mỹ dự kiến đạt đỉnh vào cuối năm ở mức 5,75% (với 1 lần tăng lãi suất 0,25% vào tháng 11 hoặc tháng 12). Dự báo quý 1/2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí khó hơn quý 4/2023 với mức lãi suất cao mới được duy trì. Chu kỳ tăng lãi suất lần này của FED chỉ dừng lại khi diễn biến lạm phát tiếp tục giảm, cùng với thị trường việc làm, thu nhập hạ nhiệt đi kèm tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Lãi suất ở châu Âu tiếp tục tăng trong năm 2024 để kéo lạm phát hiện đã giảm nhưng vẫn cao ở mức 5,3% về mục tiêu 2%, rủi ro bất ổn nguồn cung năng lượng vẫn hiện hữu kèm áp lực tăng lương khiến nỗ lực giảm lạm phát kéo dài. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, không đạt mục tiêu và kỳ vọng, rủi ro rơi vào giảm phát.

Trước những dự báo trên, xét ở góc độ tích cực, lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ 1,5% – 2% từ nay đến cuối năm 2023, tuy nhiên dư địa để NHNN điều chỉnh giảm lãi suất huy động không còn nhiều do áp lực tỷ giá (lãi suất huy động hiện tại đã về bằng mức tháng 8/2022 thời điểm trước đợt tăng lãi suất); Cước vận tải biển tiếp tục ổn định ở mức thấp, giá dầu ít có khả năng tăng sốc khi tăng trưởng các đầu tàu kinh tế thế giới còn chậm; Kinh tế Mỹ vẫn “vững” trong bối cảnh duy trì chính sách  tiền tệ thắt chặt; Thị trường EU tận dụng EVFTA khi năm 2024 mặt hàng nhóm B7 và B5 thuế NK theo EVFTA chỉ còn lần lượt là 4,5% và 2%.

Chủ tịch Vinatex cũng thông báo một số quy định mới liên quan đến dệt may như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với hàng dệt may – EPR, cơ chế điều chỉnh biên giới CARBON-CBAM áp dụng từ 01/10/2023.

Để xây dựng dự thảo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinatex trong năm 2024, theo chương trình, sau buổi làm việc với Hòa Thọ, lãnh đạo Tập đoàn sẽ có buổi làm việc với Công ty CP Dệt May Huế, Tổng Công ty May 10 – CTCP, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP. Đây là những đơn vị sản xuất lớn về mặt hàng hệt kim, dệt thoi, áo sơ mi, suit,… của Tập đoàn.

Sau khi nghe dự báo tình hình từ cơ sở, phân tích khách hàng chủ chốt của mỗi doanh nghiệp, Vinatex sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể sát với thực tế, sát với thị trường và phương án hợp lý nhất cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

PV


Các tin khác